Chủ tịch nước yêu cầu làm rõ vụ việc
Liên quan đến vụ việc vợ, chồng ông Võ Văn Cường, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Land Hà Hải, là bị đơn trong vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và bồi thường hợp đồng" đã uống thuốc diệt côn trùng tự vẫn ngay tại phiên tòa vì cho rằng Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn thiếu công tâm khi xét xử vụ án. Vừa qua Văn phòng Chủ tịch nước vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu làm rõ thông tin về vụ việc xảy ra tại Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.
Theo đó, sau khi xem xét thông tin trên, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao chỉ đạo, kiểm tra làm rõ nội dung thông tin vụ việc nêu trên, báo cáo với Chủ tịch nước về kết quả kiểm tra trước ngày 20/12.
Vợ ông Cường cũng định uống thuốc tự tử nhưng được người thân kịp thời ngăn chặn.
Cần hướng đến những bản án công bằng, thấu tình đạt lý
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp đánh giá, hành vi của vợ chồng ông Cường trong vụ án dân sự này thể hiện sự bức xúc đối với kết quả xét xử sơ thẩm. Tuy nhiên, đây là hành vi thiếu kiểm chế, thiếu suy xét, không tỉnh táo và có thể là hành động dại dột.
Theo thông tin sự việc, ngay sau khi Chủ tọa phiên tòa tuyên án, ông Võ Văn Cường đã đứng dậy cho rằng toà thiếu công tâm trong quá trình xét xử, bỏ qua nhiều giấy tờ quan trọng mà phía mình cung cấp. Tiếp đó, ông này lấy từ túi áo một chai thuốc diệt côn trùng rồi uống để tự tử. Vợ ông Cường cũng lấy ra một chai thuốc diệt côn trùng khác để uống nhưng được người thân kịp thời hất đổ. Sau đó, ông Cường được chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
“Hành động của vợ chồng ông Cường trong vụ án này là phản ứng tiêu cực đối với bản án sơ thẩm. Hành vi cho thấy sự mất niềm tin vào kết quả giải quyết của tòa án. Tuy nhiên, với hành động như vậy thì người thiệt hại đầu tiên chính là vợ chồng ông Cường. Với loại thuốc diệt cỏ như vậy thì hoàn toàn có thể thiệt mạng nếu như không được cấp cứu kịp thời. Nếu được cấp cứu, cứu sống thì cũng sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe và đời sống, ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình”, Luật sư Cường nói.
Đây là hành vi có sự chuẩn bị từ trước và là chuyện hy hữu xảy ra tại phiên tòa. Nếu có sự tư vấn của Luật sư, của những người hiểu biết pháp luật thì có lẽ họ đã không thực hiện hành vi "dại dột" như vậy bởi phiên tòa này chỉ là phiên tòa sơ thẩm. Nếu không đồng ý với kết quả giải quyết vụ án thì họ có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm để tòa án cấp tỉnh xem xét giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. Thậm chí, pháp luật còn quy định thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm trong trường hợp bản án sơ thẩm và phúc thẩm giải quyết không đúng pháp luật.
Trường hợp quá trình giải quyết vợ chồng ông Cường có căn cứ cho thấy Thẩm phán hội đồng xét xử giải quyết không đúng pháp luật thì có quyền khiếu nại, tố cáo và kháng cáo bản án sơ thẩm. Trường hợp Thẩm phán không khách quan thì họ có quyền đề nghị thay đổi Thẩm phán. Bộ luật Tố tụng dân sự quy định rất nhiều quyền cho đương sự và pháp luật có đầy đủ các quy định để xử lý đối với người tiến hành tố tụng có sai phạm.
Việc tự tử tại tòa sau khi hội đồng xét xử tuyên bản án sơ thẩm là một hành động phản ứng tiêu cực, gây nhiều hệ lụy, có thể ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan tố tụng nhưng trước tiên là thiệt hại đến sức khỏe, thậm chí đến tính mạng của đương sự.
Sau khi sự việc xảy ra, cơ quan chức năng cần xác minh làm rõ quá trình giải quyết vụ án này đồng thời thận trọng trong việc đánh giá lại vụ án. Hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng có thể sẽ phải tường trình về sự việc... Nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quy định về tố tụng dân sự thì tuỳ vào tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc có thể chịu các chế tài nghiêm khắc của pháp luật.
Trường hợp tự tử (dù bất thành) nhưng không kháng cáo bản án sơ thẩm này thì vụ án dân sự sẽ kết thúc ở đây, toàn bộ phần thiệt thòi sẽ thuộc về họ. Còn trường hợp đương sự tỉnh táo, bình tĩnh, có sự tư vấn đúng đắn thì sẽ kháng cáo bản án sơ thẩm chứ không có hành động tiêu cực như vậy. Vụ việc này là một bài học cho những ai đủ bình tĩnh, thiếu sáng suốt trong quá trình tham gia tố tụng tại tòa án.
Qua vụ án này, cơ quan tố tụng nơi đây cũng cần rút kinh nghiệm, cần nắm bắt tâm lý của đương sự, giải quyết vụ việc khách quan để có những bản án thấu tình, đạt lý. Một bản án dù có đúng pháp luật nhưng lập luận trong bản án không đủ thuyết phục các đương sự thì đó là thiếu sót của hội đồng xét xử, thể hiện năng lực của Thẩm phán chủ tọa phiên tòa. Bởi vậy, khi giải quyết các vụ án dân sự cũng như hình sự thì các Thẩm phán cần hướng đến những bản án công bằng sao cho thấu tình đạt lý, hướng đến mục tiêu dù kết quả vụ án thế nào thì các đương sự cũng hiểu và tôn trọng kết quả đó.
HỒNG HẠNH
Chủ tịch nước yêu cầu làm rõ vụ Giám đốc uống thuốc sâu tự tử tại toà