Vụ mua máy xét nghiệm Covid-19: Sợ bị khởi tố nên 'đánh bùn sang ao' hòng lấp liếm

28/04/2020 17:01 | 3 năm trước

(LSO) – Việc Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) - Nguyễn Nhật Cảm cùng 2 thuộc cấp và 4 người trong đơn vị đối tác mua sắm máy xét nghiệm Covid-19 bị cơ quan Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi nâng khống giá thiết bị để trục lợi thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Có thể nói, nhu cầu máy xét nghiệm trong thời gian vừa qua là rất cần thiết nhằm đối phó, kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Covid-19. Chính phủ cũng đã chỉ đạo các địa phương nếu nguồn ngân sách khó khăn thì Chính phủ sẽ giải quyết, nếu địa phương nào không khó khăn thì có thể trích ngân sách để mua máy.

Việc Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC) - Nguyễn Nhật Cảm cùng 2 thuộc cấp và 4 người trong đơn vị đối tác mua sắm máy xét nghiệm Covid-19 bị cơ quan Công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi nâng khống giá thiết bị để trục lợi thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Sau đó, báo chí đưa tin hàng loạt tỉnh thành như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Quảng Nam, Ninh Bình, Lào Cai... được cho là mua máy xét nghiệm với giá đội lên đến hàng tỉ đồng.

Xung quanh vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm pháp luật.

Liệu có “dứt dây động rừng”?

Sau khi cơ quan Công an làm việc với tỉnh Quảng Ninh về việc mua sắm máy xét nghiệm, lãnh đạo ngành y tế tỉnh này đã kịp thời “đàm phán” với nhà thầu giảm giá thiết bị từ 8,4 tỉ còn 5,2 tỉ đồng. Sau Quảng Ninh, đến lượt tỉnh Thái Bình tiếp tục “đàm phán” và được giảm giá từ trên 6 tỉ đồng còn 5,8 tỉ đồng. Trong khi đó, tỉnh Quảng Nam mua máy xét nghiệm với giá 7,2 tỉ đồng - cao hơn Hà Nội, dù hệ thống máy hai địa phương này hoàn toàn giống nhau…

Trao đổi với PV Luật sư Việt Nam Online, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết, việc mua máy có quy định về đấu thầu rất rõ, các địa phương thực hiện đấu thầu điện tử…? Tuy nhiên, trong đấu thầu cũng có vấn đề.

Theo ông Cương, đối với CDC Hà Nội thì nó khá là rõ ràng. “Theo tôi hiểu đã thực hiện việc đó thành công rồi, hai bên đã tiến hành thanh toán tiền cho nhau rồi thì bên C03 Bộ Công an người ta mới ‘đưa vào tầm ngắm’ để xét về việc này, và nó có dấu hiệu của vi phạm pháp luật”.

Ông Cương đánh giá, đến lúc người ta khẳng định là nó không minh bạch, tổ chức đấu thầu có lẽ là có vi phạm pháp luật. Đặc biệt là giá, mua với giá rất cao. Trong khi đó, có những địa phương như Quảng Trị mua với giá 1,5 tỉ đồng, một số nhà hảo tâm người ta mua tặng với giá 2 tỉ đồng. Liệu đây có phải là hành vi nâng giá của bên mua và bên bán, “để có chuyện khuất tất trong việc mua bán này”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.

Về giá thiết bị xét nghiệm, đến nay vẫn chưa có cơ quan chuyên môn nào định giá cụ thể được sản phẩm. Chỉ biết rằng, theo báo cáo của các địa phương thì mức giá có sự chênh lệnh rất lớn.

Ông Cương thẳng thắn chỉ ra: “Sau khi CDC Hà Nội bị cơ quan điều tra ‘sờ’ đến, người ta bắt một lô, thì các địa phương bắt đầu giật mình, nhất là các địa phương mua giá cao, kể cả các công ty bán như Phương Đông hay cả các địa phương mua thì đều giật mình, lo sợ khả năng vi phạm phạm luật. Thì họ mới nghĩ ra cách, họ nói rằng là máy đi mượn. Mượn thì liệu có phải là đi mượn thật hay không lại là một chuyện mà cơ quan chức năng cần xác minh, làm rõ xem có đúng hay không, có phải cho mượn hay không?

Nhưng nếu nói đến chuyện mượn thì tôi nghĩ nó không phù hợp, vì cái máy trên thị trường người ta mua nó cũng không phải là hàng hoá dư thừa gì thời điểm đó lắm, thứ hai là các địa phương đều cần, thứ ba là ngân sách các địa phương đều có sẵn để cho người ta dùng tiền đó để mua. Thế mà tại sao lại nói là đi mượn để làm gì?

Trong khi đó, ngay ở công ty đi bán máy người ta cũng biết thừa máy này đang ‘hot’, đang bán rất được thì tại sao lại đồng ý cho mượn. Sự cho mượn đó có đồng nghĩa với việc sau khi cho mượn rồi thì thỏa thuận với nhau là sẽ mua chính thức hay không? Điều này thì cũng không thể khẳng định được, ngay cả các địa phương cũng giải thích khác nhau.

Như ở Hải Phòng, nói 30/3 mới làm văn bản xin mượn máy mà theo như báo chí thông tin máy đấy đã hiện diện ở Hải Phòng từ ngày 22, 23 gì đấy rồi, thậm chí cho mượn chẳng cần giấy tờ gì. Thì ngay cái việc đi mượn cũng phải hợp lý hóa bằng một cái công văn, nó lại không phù hợp về mặt thời gian.

Tôi nghĩ, ngoài Hà Nội ra, cái việc xem xét đối với các địa phương khác có dự kiến mua máy với giá rất cao từ 7 tỉ trở lên thì cần phải có sự thanh tra. Nếu thanh tra Chính phủ người ta vào làm cũng được, nếu không cơ quan điều tra người ta làm, có đủ khả năng để xem xét việc mua bán đấy có minh bạch hay không”.  

Câu trả lời “ngô nghê”

Ngoài lý do đi mượn, nhiều địa phương như Quảng Ninh, Thái Bình… đã “thỏa thuận” được với đối tác “giảm giá” thiết bị xuống cả tỉ đồng, thậm chí gần một nửa. Một số địa phương như Quảng Nam, Ninh Bình lại mua với giá rất cao, trong khi Quảng Bình, Quảng Trị chỉ phải chi ra hơn 1 tỉ đồng một máy.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nhận định, đây chỉ là trò “đánh bùn sang ao, nêu lý do vậy để lấp liếm đi, còn thực chất mua rồi, sợ khởi tố, sợ bị điều tra mới nói lý do là đi mượn. Thời gian nêu ra cũng không hợp lý. Thực chất, cả hai bên đều sợ bị điều tra nên lấy lý do như vậy, chứ mua rồi lại đi đàm phán, lại giảm bao nhiêu phần trăm.

Một việc rất nhiều người thấy ngược đời nữa đó là câu trả lời rất là ‘ngô nghê’ ở Thái Bình, đó là máy đã đồng ý mua rồi nhưng lại tiếp tục đi đàm phán với nhau để đàm phán lại giá, để hạ giá được khoảng 10%. Vậy, cơ sở của nó là cái gì hay là cũng lại mua với cái giá thấp hơn để nhẹ tội đi. Đặt dấu hỏi đối với trách nhiệm của cơ quan thanh tra, cơ quan điều tra cần làm rõ”.

Vị Đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra quy trình mua bán thông thường để thấy sự bất hợp lý ở đây của các địa phương: “Nó rất vô lý, thông thường trong quá trình mua người ta đàm phán về mặt giá cả, sau đó thống nhất rồi mới kí hợp đồng mua chứ tại sao lại có chuyện làm xong rồi, thậm chí thanh toán rồi lại quay trở lại đề nghị giảm giá, mà việc hạ giá rất là dễ dàng? Đó là những vấn đề cần phải được làm rõ để minh bạch chuyện này”.

Từ việc mua máy, trang thiết bị y tế phòng dịch ông Cương chỉ ra thực tế về việc sử dụng ngân sách hiện nay đối với lĩnh vực sức khỏe: “Từ việc này sẽ ra rất nhiều vấn đề khác, bởi vì mỗi một năm ngân sách chúng ta bỏ tiền ra để mua các trang thiết bị y tế, cũng như thuốc men là rất lớn. Nhưng mà nếu cứ làm như thế này thì nó rất thiệt thòi cho người dân. Tôi đã từng nói ở tham luận về Luật Dược, dân mình rất là khổ, đã không có điều kiện để mua thuốc nhiều, mua thuốc tốt nhưng mà lại phải dùng với giá rất là đắt. Bây giờ cũng cần phải làm rõ hàng năm, các tỉnh, các địa phương thực hiện việc đấu thầu để mua thuốc cũng có rất nhiều vấn đề, dư luận quan tâm, lo ngại việc ‘cài cắm’ nên giá thuốc đắt".

Ngoài CDC Hà Nội, có hay không những sai phạm liên quan đến việc mua sắm thiết bị ở các địa phương vẫn chờ kết quả điều tra, thanh tra của cơ quan chức năng.

Luật sư Việt Nam Online sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

LÊ HOÀNG - THANH LOAN

/bat-ngo-voi-muon-van-kieu-trang-bi-may-xet-nghiem-covid-19-o-cac-dia-phuong.html
/trach-nhiem-cua-so-y-te-ha-noi-trong-sai-pham-cua-cdc.html
/lum-xum-viec-mua-may-xet-nghiem-covid-19-bo-y-te-co-dung-ngoai-cuoc.html