/ Pháp luật - Tiêu dùng
/ Vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bia Sài Gòn: Sabeco là nhãn hiệu nổi tiếng?

Vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bia Sài Gòn: Sabeco là nhãn hiệu nổi tiếng?

23/05/2021 17:42 |

(LSVN) – Như đã thông tin, ngày 06/5, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa vụ án “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” ra xét xử đối với pháp nhân là Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam (Công ty bia Sài Gòn Việt Nam) và ông Lê Đình Trung. Tại phiên xử, Tổng công ty bia rượu nước giải khát Sài gòn (Sabeco) đề nghị trưng cầu giám định bổ sung đối với sản phẩm lon bia, vỏ thùng bia và yêu cầu tòa xác định Sabeco là nhãn hiệu nổi tiếng.

Nhãn lon bia đã được đi đăng ký kiểu dáng công nghiệp và được chấp nhận đơn hợp lệ. 

Sabeco yêu cầu được xác định là nhãn hiệu nổi tiếng

Cáo trạng xác định Công ty bia Sài Gòn Việt Nam và ông Lê Đình Trung có hành vi sản xuất bia mang nhãn hiệu “Bia Sài Gòn Việt Nam”, sản phẩm có kiểu dáng nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa đối với nhãn hiệu “Bia Sài Gòn” đã được bảo hộ thuộc sở hữu của Sabeco với quy mô thương mại. Sabeco được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bên bị xâm phạm nhãn hiệu.

Từ cơ sở đó, Cơ quan cảnh sát điều tra (CSĐT) ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” với pháp nhân là Công ty bia Sài Gòn Việt Nam và Giám đốc Công ty này.

Tại phiên xử, Sabeco đã có đơn gửi Hội đồng xét xử (HĐXX) về đề nghị trưng cầu giám định bổ sung đối với sản phẩm lon bia, vỏ thùng bia và yêu cầu xác định Sabeco là nhãn hiệu nổi tiếng. Tại phiên tòa, HĐXX cho rằng không đủ chức năng để tuyên bố một nhãn hiệu nào nổi tiếng hay không nổi tiếng. Việc tuyên bố Bia Sài Gòn là nhãn hiệu nổi tiếng không thuộc thẩm quyền của HĐXX. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ các nội dung đã nêu.

Luật sư Vũ Thị Tuyết Mai, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, Sabeco muốn xác định là nhãn hiệu nổi tiếng để chứng minh lỗi cố ý. Vì tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” phải là lỗi cố ý. Vì thế, Sabeco muốn tuyên bố nhãn hiệu của mình là nổi tiếng để chứng minh lỗi cố ý của bị cáo, nhưng việc đề nghị công bố là thương hiệu nổi tiếng sau thời điểm khởi tố vụ án thì cơ quan tiến hành tố tụng phải xem xét thận trọng. Nếu Sabeco được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận là thương hiệu nổi tiếng thì được bỏ qua các bước đăng ký nhãn hàng, đăng ký thương hiệu hay kiểu dáng công nghiệp. Điều này không giống như quy trình đăng ký sản phẩm của các doanh nghiệp khác đang phải làm làm thủ tục đăng ký tại 5 trung tâm của Viện khoa học Sở hữu trí tuệ để được công nhận một sản phẩm và được bảo hộ về pháp luật trên thị trường hiện nay.

Hình triển trai thùng bia đã đi đăng ký kiểu dáng công nghiệp và được chấp nhận đơn hợp lệ.

Khác nhau giữa nhãn hiệu hàng hoá mã số 4 và nhãn sản phẩm mang yếu tố kiểu dáng công nghiệp mã số 3

Ông Lê Đình Trung cho biết, Công ty bia Sài Gòn Việt Nam sản xuất khi đã có đầy đủ giấy tờ và cơ sở pháp lý chứng minh sản phẩm “Bia Sài Gòn Việt Nam” và Cục Sở hữu trí tuệ từng chấp nhận đơn hợp lệ về nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp theo Quyết định số 9856w/QĐ-SHTT ngày 15/7/2020 về việc chấp nhận đơn hợp lệ về kiểu dáng công nghiệp: Thùng BIA SÀI GON VIỆT NAM Lager; và Quyết định số 9857w/QĐ-SHTT ngày 15/7/2020 về việc chấp nhận đơn hợp lệ về kiểu dáng công nghiệp: Nhãn sản phẩm BIA SÀI GON VIỆT NAM Lager cho đăng ký Lon BIA SÀI GON VIỆT NAM Lager.

Việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp tổng thể này là mã số 3-2019-02160 và mã số 3-2019-02161 với đầy đủ thiết kế, màu sắc, logo, kiểu dáng, kích thước, cấu tạo thùng từ 8 hình chữ nhật, các góc được bo tù và chi tiết logo kiểu dáng, chiều dài, cạnh đáy của lon bia. Còn các nhãn 4-0225588, 4-0221596 mà Sabeco cung cấp cho Viện nghiên cứu để so sánh với kiểu dáng công nghiệp của thùng bia và lon bia của Công ty bia Sài Gòn Việt Nam đều được đăng ký dưới dạng là nhãn hàng hoá có mã số 4 chứ không phải là loại nhãn sản phẩm mang yếu tố kiểu dáng công nghiệp có mã số 3 như của thùng bia, lon bia mà Công ty đã đăng ký theo hình thức kiểu dáng công nghiệp, mã số 3. Sabeco hoàn toàn không đăng ký kiểu dáng công nghiệp đối với thùng bia, chỉ lấy nhãn để dán lên thùng bia. Còn Công ty đã đăng ký kiểu dáng công nghiệp tổng thể cho thùng BIA SÀI GON VIỆT NAM Lager (mã số 3-2019-02160) với đầy đủ thiết kế, màu sắc, logo, kiểu dáng, kích thước, cấu tạo thùng từ 8 hình chữ nhật, các góc được bo tù. Điều đặc biệt là việc đăng ký kiểu dáng công nghiệp đối với thùng bia của Công ty có đầy đủ tên tác giả thiết kế…, điều này Sabeco không có.

Cho đến thời điểm sản xuất sản phẩm (6/2020), về phía Công ty bia Sài Gòn Việt Nam chưa nhận được văn bản chính thức từ chối cấp chứng nhận nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đăng ký này. Sau khi tiếp xúc trực tiếp, Công ty bia Sài Gòn Việt Nam được biết ngày 14/7/2020 Cục Sở hữu trí tuệ đã có Công văn số 32126/SHTT-NN về việc thông báo kết quả thẩm định nội dung cho đơn số 4-2019-20338 với nội dung cho rằng Đơn của Công ty bia Sài Gòn Việt Nam chưa đủ yếu tố, không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ và sẽ bị từ chối đối với toàn bộ nhãn hiệu và sản phẩm vì tương tự gây nhầm lẫn với các nhãn hiệu được bảo hộ theo các Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 144888, 144893, 225589, 144677. Ngoài ra, nhãn hiệu đăng ký còn có khả năng gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được đăng ký theo Đơn số 4-2018-32545 nếu nhãn hiệu này đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ (hiện tại Đơn số 4-2018-32545 đang trong quá trình thẩm định nội dung). Nhưng theo ý kiến của lãnh đạo Trung tâm thẩm định nhãn hiệu, Cục sở hữu trí tuệ đây chỉ là văn bản mang tính chất ý nghĩa dự định từ chối bảo hộ vì có một số yếu tố có khả năng gây nhầm lẫn. 

Để đảm bảo quyền lợi của Công ty, ngày 27/7/2020, Công ty bia Sài Gòn Việt Nam gửi Văn bản số 10-07/CV-BSGVN đến Cục Sở hữu trí tuệ trình bày và nêu ý kiến không đồng ý với nội dung thẩm định nêu trong Công văn 32126 ngày 14/7/2020 nói trên và tiếp tục đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ xem xét, chấp thuận đơn đăng ký nhãn hiệu số 4-2019-20338 nhằm bảo hộ tổng thể, toàn bộ nhãn hiệu. Ông Trung cho biết đến thời điểm hiện nay khi vụ án đã được khởi tố, vẫn chưa nhận được quyết định giải quyết khiếu nại từ Cục Sở hữu trí tuệ.

Luật sư Phạm Đoàn Thanh Diệu, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh cho rằng, việc đem nhãn hàng hóa có mã số 4 của Sabeco đi so sánh với nhãn sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp mã số 3 để kết luận hành vi Công ty bia Sài Gòn Việt Nam xâm phạm sở hữu công nghiệp là không đúng theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và Luật Giám định tư pháp.

Kết luận giám định của Viện khoa học sở hữu trí tuệ là căn cứ để khởi tố?

Ngày 28/8/2020, Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ đã ra bản Kết luận giám định sở hữu công nghiệp NH497-20TC.TP/KLGĐ kết luận: Dấu hiệu “BIA SAI GON VIETNAM và hình khiên đứng khuyết, hình con rồng” gắn trên mặt trước, sau lon bia như thể hiện tại Mẫu vật; Dấu hiệu “BIA SAIGON VN” gắn (trình bày) trên mặt bên lon bia như thể hiện tại Mẫu vật 1; Dấu hiệu “BIA SAIGON VIETNAM và hình khiên đứng có con rồng” gắn (trình bày) trên thùng đựng bia như thể hiện ở Mẫu vật 2; Dấu hiệu “BIA SAIGON VIETNAM và hình con rồng” gắn (trình bày) trên thùng đựng bia như thể hiện tại Mẫu vật 2 đều được kết luận có xâm phạm quyền đối với Nhãn hiệu được bảo hộ của Sabeco.

Ngày 27/8/2020, Cục Sở hữu Trí tuệ có văn bản trả lời Cơ quan CSĐT hiện nay chưa xác lập quyền sở hữu công nghiệp với nhãn hiệu của Công ty bia Sài Gòn Việt Nam. Việc sử dụng nhãn hiệu đã nộp đơn nhưng chưa được bảo hộ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được bảo hộ là hành vi xâm phạm bản quyền sở hữu công nghiệp quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo kết luận điều tra số 03/KLĐT-CSKT Cơ quan CSĐT, Công an Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 08/01/2021, Công an đang căn cứ vào văn bản kết luận giám định của Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ số NH497-20TC.TP/KLGĐ để khởi tố. Kết luận giám định có nêu: Dấu hiệu “BIA SAIGON VIET NAM”; “BIA SAIGON VN”; “BIA SAIGON VIETNAM và hình khiên đứng khuyết, hình con rồng” gắn trình bày trên lon bia và thùng bia là yêu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ theo Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 0225588, 0221596 của Sabeco. Và văn bản số 11043/SHTT-TTKN nêu “hiện nay chưa xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu của Công ty bia Sài Gòn Việt Nam. Việc sử dụng nhãn hiệu đã nộp đơn nhưng chưa được bảo hộ (như trường hợp nhãn hiệu “Bia SAIGON VIET NAM, hình khiên đứng khuyết, hình con rồng” của Công ty bia Sài Gòn Việt Nam) trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được bảo hộ cho sản phẩm, dịch vụ trùng tương tự hoặc liên quan tới sản phẩm, dịch vụ danh mục đăng ký kèm theo của nhãn hiệu đó bị coi là hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo quy định tại khoản 1 Điều 129 Luật Sở hữu trí tuệ”

Theo ông Lê Đình Trung, dựa trên kết luận và những văn bản trên thì đây mới chỉ là dấu hiệu xâm phạm và có khả năng gây nhầm lẫn hơn nữa Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ cũng nêu rõ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 0225588 và 0221596 của Sabeco là đăng ký dưới dạng là nhãn hàng hoá có mã số 4 giống logo của Công ty, dán được lên bất kỳ một vị trí nào của sản phẩm thùng bia và lon bia. Còn nếu là đăng ký kiểu dáng công nghiệp phải nằm ở mục mã số 3. Dựa trên thực tế phiên tòa hiện nay bên phía Sabeco vẫn chưa có đăng ký kiểu dáng công nghiệp vì vậy không thể kết luận là xâm phạm kiểu dáng công nghiệp.

Luật Sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ lại là đơn vị sự nghiệp chuyên môn thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ và theo Quyết định số 1879/QĐ-BKHCN về chức năng và nhiệm vụ của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công Nghệ ban hành ngày 03/7/2018. Theo đó, tại khoản 1 Điều 1 quy định vị trí, chức năng của Viện Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ như sau: “Viện khoa học sở hữu trí tuệ là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, giúp bộ trưởng thực hiện chức năng nghiên cứu khoa học, huấn luyện, giám định, tư vấn và định giá trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ” và tại điểm b, khoản 5, Điều 2 quy định nhiệm vụ và quyền hạn giám định về sở hữu trí tuệ bao gồm: “tiếp nhận và thực hiện giám định sở hữu trí tuệ theo yêu cầu, trưng cầu”. Như vậy, căn cứ quy định nêu trên Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ thực hiện các công việc giám định sở hữu trí tuệ thông thường (phi hình sự)

Ngoài ra, theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tại khoản 1 Điều 213 về kết luận giám định quy định như sau: “Kết luận giám định phải ghi rõ kết quả giám định đối với những nội dung đã được trưng cầu, yêu cầu và những nội dung khác theo quy định của Luật giám định tư pháp”. Kết luận giám định phải tuân thủ theo quy định của Luật Giám định tư pháp 2013, tại khoản 4 Điều 12 quy định về tổ chức giám định tư pháp công lập về kỹ thuật hình sự bao gồm: Viện khoa học hình sự Bộ Công An, Phòng kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh và phòng giám định kỹ thuât hình sự thuộc bộ quốc phòng. Theo quy định trên, Luật sư Trương Anh Tú cho rằng Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ không phải là cơ quan giám định kỹ thuật hình sự. Vì vậy, trong vụ án này, Kết luận giám định số NH497-20TC.TP/KLGĐ không có giá trị pháp lý. Do đó, việc Cơ quan CSĐT, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu sử dụng kết quả giám định của Tổ chức giám định phi hình sự vào vụ án hình sự là sử dụng chứng cứ bất hợp pháp, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, dẫn đến việc gây oan sai cho bị can, bị cáo.

KIM CHI - DUẨN TRẦN

Vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bia Sài Gòn: Tranh chấp dân sự hay xử lý hình sự?

Lê Minh Hoàng