/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Vướng mắc khi định tội danh đối với tội 'Chống người thi hành công vụ'

Vướng mắc khi định tội danh đối với tội 'Chống người thi hành công vụ'

30/03/2023 11:04 |

(LSVN) - Từ khi Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 có hiệu lực thi hành cho đến nay, quá trình điều tra, truy tố, xét xử tại các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã đạt được nhiều kết quả nhất định. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc còn tồn tại những bất cập, vướng mắc trong quá trình định tội danh đối với số tội phạm dù đã được quy định trong BLHS. Trong đó, tội "Chống người thi hành công vụ" là một trong những tội danh mà việc giải quyết còn phụ thuộc khá nhiều vào quan điểm của các cơ quan tố tụng do văn bản quy phạm pháp luật chưa có quy định cụ thể để áp dụng, thi hành. Chưa kể, đối với cùng hành vi chống người thi hành công vụ, Điều 330 BLHS năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật hành chính ví dụ như Nghị định 208/2013/NĐ-CP chưa có quy định rõ ràng, tách biệt hay chỉ ra mức độ vi phạm pháp luật để làm căn cứ xác định chế tài xử lý là hành chính hay hình sự đối với các hành vi có mô tả về mặt khách quan tương đối giống nhau.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 330 BLHS năm 2015 có mô tả về mặt khách quan của hành vi có dấu hiệu chống người thi hành công vụ: “Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Cũng quy định về hành vi chống người thi hành công vụ nhưng nhìn nhận dưới góc độ vi phạm pháp luật hành chính tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hành vi chống người thi hành công vụ thì “hành vi chống người thi hành công vụ là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc có hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao hoặc ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao”.

Điều 330. Tội chống người thi hành công vụ

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội;

d) Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên;

đ) Tái phạm nguy hiểm.

Như vậy, khi đối chiếu hai quy định nêu trên cùng mô tả về hành vi chống người thi hành công vụ, chúng ta nhận thấy sự khác biệt cơ bản của hành vi theo mô tả khách quan ở chỗ hành vi chống người thi hành công vụ bị xem xét trách nhiệm hình sự có mô tả về hành vi “ép buộc người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật” trong khi đối với hành vi chống người thi hành công vụ nhìn dưới góc độ vi phạm hành chính là hành vi “ép buộc người thi hành công vụ không thực hiện nhiệm vụ được giao”. Khi này, ta có thể dễ dàng phân biệt mức độ vi phạm và tính nguy hiểm của hành vi. Đối với hành vi “chống người thi hành công vụ” chỉ bị xử lý hành chính, hành vi này có mức độ nguy hiểm thấp hơn do hành vi mới được thực hiện dưới dạng không hành động, là không chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ hoặc làm cản trở nhiệm vụ người thi hành công vụ được giao chứ chưa thể hiện hành vi nguy hiểm ở mức cao như ngăn chặn hành vi công vụ xảy ra hay ép người thi hành công vụ thực hiện hành vi trái pháp luật.

Trái với các hành vi được mô tả nêu trên có sự khác biệt tương đối lớn và dễ phân biệt thì nhóm hành vi còn lại được mô tả gần như trùng khớp giữa tội phạm và vi phạm pháp luật hành chính khi đều có 02 dạng hành vi được mô tả là hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực và hành vi khác nhằm cản trở người thi hành công vụ thực hiện nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, chưa có quy định để phân biệt, lượng hóa mức độ nguy hiểm của 02 dạng hành vi này để làm căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự hay hành chính đối với người thực hiện hành vi vi phạm. Do đó vấn đề pháp lý đặt ra, với hành vi chống người thi hành thì quy phạm pháp luật nào quy định về ranh giới và mức độ nguy hiểm của hành vi chống người thi hành công vụ phải bị xử lý hình sự hay xử lý vi phạm hành chính. Nói cách khác, pháp luật đã “bỏ trống”, chưa có quy định chi tiết để phân biệt, áp dụng trong trường hợp này, chưa có quy định rõ ràng nhằm đánh giá mức độ nguy hiểm của hành vi để áp dụng chế tài xử lý phù hợp, dẫn đến việc tùy nghi trong áp dụng pháp luật đối với Điều 330 BLHS năm 2015. 

Tình huống cụ thể 

Tại bản án sơ thẩm số 56/2022/HS-ST tại Tòa án nhân dân huyện T đối với Trần Văn X. và đồng phạm về tội "Chống người thi hành công vụ" (Điều 330 BLHS năm 2015). Theo nội dung vụ án, Trần Văn X. là tài xế điều khiển xe ô tô đi chở hàng trong thời điểm dịch bệnh Covid-19. Trần Văn X. đã bị Tổ điều tra xã P, huyện T đã yêu cầu X. xuất trình giấy tờ để kiểm tra (theo Chỉ thị 16 của Chính phủ). Tuy nhiên, X. cho rằng mình không tham gia giao thông nên không phải xuất trình giấy tờ xe và sử dụng điện thoại quay video trực tiếp (livestream) lên Facebook. Sau khi bị Tổ công tác nhắc nhở và kiên quyết yêu cầu, X. mới xuất trình các giấy tờ liên quan (nhưng không xuất trình giấy tờ xe, giấy tờ chứng minh nguồn gốc hàng hóa và giấy tờ được phép lưu thông trên đường). Sau đó, X. tiếp tục quay video trực tiếp quá trình làm việc với Tổ công tác lên mạng xã hội. Nhận thấy hành vi cản trở, chống người thi hành công vụ nên tổ công tác đã tiến hành cưỡng chế và đưa X. về trụ sở UBND xã P, huyện T. Tòa án sơ thẩm đã xử phạt X. 9 tháng tù về tội “Chống người thi hành công vụ” tại Điều 330 BLHS năm 2015. 

Đối với vụ án trên, quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng cho rằng: Hành vi của X. đã thỏa mãn dấu hiệu tội "Chống người thi hành công vụ" của tội “Chống người thi hành công vụ” do đánh giá hành vi quay video trực tiếp (livestream) lên mạng của X. nhằm tạo áp lực để Tổ tuần tra Covid-19 bỏ qua không xử lý lỗi và làm cản trở việc thực hiện các nhiệm vụ của người thi hành công vụ, làm ảnh hưởng tới lợi ích chung của xã hội. Hành vi của X. tuy không thỏa mãn hai dấu hiệu dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực nhưng đã thỏa mãn dấu hiệu “dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ”. Hậu quả của việc cản trở không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội “Chống người thi hành công vụ” nên hành vi chưa gây ra hậu quả của X. không ảnh hưởng đến việc định tội danh. 

Quan điểm của Luật sư bào chữa cho rằng: Hành vi của X. chưa thỏa mãn dấu hiệu của tội "Chống người thi hành công vụ" tại Điều 330 BLHS năm 2015, vì X. không thực hiện hành vi sử dụng vũ lực như đánh đập hay đe dọa sử dụng vũ lực để cản trở hay ngăn chặn việc thực hiện hành vi công vụ trong vụ án. Đối với hành vi quay video trực tiếp (livestream) của X. trong vụ việc đang bị cơ quan tiến hành tố tụng xem xét trách nhiệm hình sự không phải thủ đoạn khác theo hướng dẫn của các văn bản quy phạm pháp luật và cũng không có lời nói xúc phạm danh dự, nhân phẩm hay vu khống tổ công tác làm cản trở hành vi công vụ tiếp tục xảy ra.

Theo quan điểm của tác giả, thủ đoạn khác đối với tội này nên được hiểu là các hành vi như đe dọa sẽ công khai các thông tin liên quan đến bí mật gia đình, bí mật cá nhân, đe dọa gây thiệt hại về sức khỏe, tài sản của người thi hành công vụ hoặc người thân thích của họ nếu họ không thực hiện nhiệm vụ của mình hoặc phải thực hiện hành vi trái pháp luật. Đồng thời, việc chứng minh mục đích nhằm chống người thi hành công vụ của X. chưa rõ ràng, bởi hành vi của X. là hành vi quay video trực tiếp (livestream) lên mạng xã hội - là hành vi chưa có văn bản hướng dẫn áp dụng nào quy định. Vì vậy, việc cho rằng hành vi của X. là hành vi chống người thi hành công vụ theo dấu hiệu thủ đoạn khác quy định tại Điều 330 là chưa hợp lý. Cùng với việc chưa thỏa mãn dấu hiệu định tội và mức độ nguy hiểm của hành vi, X. chỉ có thể bị xử lý hành chính theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP. 

Bất cập, đề xuất 

Thứ nhất, cần viện dẫn quy định để làm rõ các khái niệm “hành vi công vụ”, “người thi hành công vụ” làm cơ sở để xác định “hành vi chống người thi hành công vụ”

Căn cứ Điều 3 Nghị định số 208/2013/NĐ-CP quy định về giả thích từ ngữ thì: Người thi hành công vụ là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân được cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền giao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật và được pháp luật bảo vệ nhằm phục vụ lợi ích của Nhà nước, nhân dân và xã hội. Đồng thời, hành vi công vụ là hoạt động hoạt động nhằm hướng tới phục vụ mục đích của nhà nước, mục đích chung của xã hội.

Tuy nhiên, việc áp dụng trên thực tế còn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc khi có nhiều trường hợp người thực hiện các hành vi có mục đích chung cho xã hội nhưng không phải là nhóm chủ thể người thi hành công vụ theo quy định pháp luật, ví dụ điển hình như: Nhân viên bảo vệ đứng ra tiến hành hoạt động hướng dẫn, phân luồng nhằm hạn chế tắc đường nhưng xảy ra các sự vụ va chạm, thậm chí tấn công nhưng thương tật chưa đến mức xử lý được về tội "Cố ý gây thương tích" thì cũng rất khó để xử lý trách nhiệm hình sự của người tấn công về hành vi chống người thi hành công vụ. Bởi lẽ, về mặt tình thì hành vi phân luồng giao thông đúng là hướng tới phục vụ mục đích công, mục đích chung của xã hội nhưng lại không thuộc thẩm quyền, nhiệm vụ công việc mà cá nhân, cơ quan nhà nước nào giao cho người bảo vệ thực hiện. Do đó, không thể áp dụng hình phạt xử lý đối với những hành vi chống đối các hoạt động có bản chất công vụ này do chưa có hệ thống văn bản quy định đầy đủ về người thi hành công vụ và hành vi công vụ để làm quy định viện dẫn trong quan quá trình đánh giá hành vi có dấu hiệu của tội "Chống người thi hành công vụ".

Thứ hai, cần đặt ra các đặc điểm, thuộc tính cụ thể để đánh giá mức độ vi phạm và tính chất nguy hiểm của hành vi để phân biệt tội phạm chống người thi hành công vụ và vi phạm hành chính chống người thi hành công vụ

Về lý luận thì hành vi có dấu hiệu tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật hành chính đều có bản chất là hành vi vi phạm pháp luật, chỉ khác nhau ở mức độ vi phạm. Tuy nhiên, mô tả đối với hành vi chống người thi hành công vụ còn mang tính chung chung, chưa thể hiện mức độ vi phạm, nguy hiểm làm căn cứ xác định khi nào xử lý vi phạm hành chính, khi nào cần xem xét trách nhiệm hình sự. Do đó, thực tế áp dụng quy định pháp luật cho thấy, việc xử lý hình sự hay hành chính phần nhiều dựa vào quan điểm cá nhân nhiều khi còn có dấu hiệu mang tính cảm tính của cá nhân, tổ chức áp dụng pháp luật dẫn đến nguy cơ không chính xác, không đồng nhất trong quá trình giải quyết các vụ việc có tính chất tương tự nhưng lại có kết quả giải quyết khác nhau.

Để giải quyết vấn đề này, tác giả kiến nghị nhà làm luật nghiên cứu xây dựng quy định pháp luật đối với hành vi chống người thi hành công vụ có sự phân biệt rõ ràng, không trùng lặp mô tả hành vi giữa vi phạm pháp luật hình sự và hành chính. Trong trường hợp buộc phải mô tả hành vi có sự trùng lặp do giống nhau về bản chất thì cần đặt ra các đặc điểm, thuộc tính cụ thể để đánh giá mức độ vi phạm và tính chất nguy hiểm của hành vi để phân biệt tội phạm chống người thi hành công vụ và vi phạm hành chính chống người thi hành công vụ.

Thứ ba, đề xuất việc quy định bổ sung mức độ thiếu hụt của hành vi nguy hiểm đối với hành vi chống người thi hành công vụ

Hành vi chống người thi hành công vụ được quy định trong pháp luật hiện hành là cấu thành tội phạm hình thức. Chính vì thế, hậu quả cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật của hành vi chống người thi hành công vụ có xảy ra hay không không ảnh hưởng đến việc định tội danh. Tuy nhiên, quy định này như vậy lại chưa bổ sung được sự thiếu hụt về mức độ nguy hiểm của hành vi, khiến hành vi không đạt đủ mức để truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, gây chồng chéo khi áp dụng quy định pháp luật hình sự và pháp luật hành chính. Vì vậy, đối với quy định này, chúng tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định tại Điều 330 BLHS năm 2015 tội “Chống người thi hành công vụ” như sau:

“Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”.

Việc quy định thêm dấu hiệu nhân thân xấu “nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm” hiện nay tuy vẫn còn nhiều quan điểm tranh cãi. Tuy nhiên, trong pháp luật hiện hành, khi pháp luật chưa có quy định nào nhằm bổ sung sự thiếu hụt về mức độ nguy hiểm của hành vi thì dấu hiệu về nhân thân xấu là giải pháp tốt nhất bảo đảm quyền lợi cho người bị buộc tội và trong công tác điều tra, truy tố, xét xử của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Thứ tư, về việc tăng cường ban hành các văn bản pháp luật nhằm hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự đối với tội "Chống người thi hành công vụ"

Tác giả đề xuất việc bổ sung văn bản hướng dẫn áp dụng về khái niệm thủ đoạn khác là dấu hiệu định tội của tội “Chống người thi hành công vụ” tại Điều 330 BLHS năm 2015. Bởi lẽ, tại khoản 1 Điều 330 BLHS năm 2015 quy định về thủ đoạn khác đối với tội "Chống người thi hành công vụ" nhưng đây là một quy định mở và chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết. Trong khi cơ sở của trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 2 BLHS năm 2015 có quy định chỉ người nào phạm tội đã được BLHS năm 2015 quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, chúng tôi không tìm thấy trong nguồn pháp luật hình sự một văn bản nào có hiệu lực hướng dẫn, chỉ ra thủ đoạn khác đã được đề cập đối với tội này.

Mặt khác, trong khi xu hướng của luật hình sự Việt Nam là cụ thể hóa những dấu hiệu hành vi và những trường hợp phạm tội như cụ thể hóa 04 trường hợp như BLHS năm 1999 (sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết và tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự) hay hướng dẫn áp dụng dấu hiệu định tội “hành vi quan hệ khác” tại Nghị quyết số 06/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao. Tuy nhiên, với vai trò là dấu hiệu định tội nhưng dấu hiệu “các thủ đoạn khác” tại Điều 330 BLHS năm 2015 lại chưa được cụ thể hóa (chưa có văn bản nào hướng dẫn áp dụng hay quy định rõ ràng trong luật). Điều này dẫn tới việc định tội danh tại Điều 330 BLHS năm 2015 dễ bị phụ thuộc vào quan điểm của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo tác giả, thủ đoạn khác đối với tội này có thể được hướng dẫn áp dụng như sau: “Thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật là những thủ đoạn như xúc phạm, danh dự, nhân phẩm, vu khống người thi hành công vụ, gian dối trong khai báo, hủy hoại tài sản, sử dụng các công cụ phương tiện,... nhằm không thực hiện theo nhiệm vụ và yêu cầu của người thi hành công vụ”.

Theo đó, việc bổ sung văn bản hướng dẫn áp dụng như vậy giúp tránh việc áp dụng tùy nghi các quy định pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, bảo đảm được các nguyên tắc cơ bản trong luật hình sự. 

Tài liệu tham khảo

1. Bộ luật Hình sự năm 2015.

2. Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt hành vi chống người thi hành công vụ.

3. Đỗ Văn Duy, Tình tiết định khung “Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân” ở một số tội phạm, Tạo chí Tòa án, H. 2022.

NGUYỄN VĂN LÂM

Công ty luật TNHH ThinkSmart

NGUYỄN QUỲNH HOA

Đại học Luật Hà Nội

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): Đề xuất các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất

Bùi Thị Thanh Loan