Vướng mắc, khó khăn khi áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú

21/12/2021 17:43 | 2 năm trước

(LSVN) - Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS) ra đời đã khắc phục được những hạn chế, bất cập khi áp dụng biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú" theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng tác giả nhận thấy vẫn còn tồn tại một số vướng mắt, khó khăn.

Ảnh minh họa.

Những vướng mắc, khó khăn

Một là, về xác định bị can, bị cáo có nơi cư trú rõ ràng để áp dụng biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú" đã được hướng dẫn tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 01/2018/NQ-HĐTP ngày 24/4/2018 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao: "Nơi cư trú là nơi tạm trú hoặc thường trú theo quy định của Luật Cư trú mà bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú đang cư trú, sinh sống thường xuyên trong thời gian trước khi bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú. Nơi cư trú rõ ràng là nơi cư trú có địa chỉ được xác định cụ thể".

Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng, tác giả cho rằng việc xác định nơi cư trú còn mang tính chất tương đối, phụ thuộc vào đánh giá chủ quan của cơ quan có thẩm quyền vì trong nhiều trường hợp bị can, bị cáo cư trú tại địa bàn bị cấm đi khỏi nơi cư trú, nhưng họ lại làm việc tại một địa bàn khác. Vấn đề trên đã gây khó khăn cho chính quyền xã, phường, thị trấn hoặc đơn vị quản lý bị can, bị cáo trong công tác quản lý, theo dõi.

Hai là, quy định của luật chưa rõ ràng, dẫn đến việc áp dụng không thống nhất. Khoản 2 Điều 123 BLTTHS quy định: "Bị can, bị cáo bị cấm đi khỏi nơi cư trú phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ:…". Về mặt ngữ pháp có thể hiểu: Bị can, bị cáo phải bị cơ quan có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú" trước và sau đó mới phải làm giấy cam đoan thực hiện nghĩa vụ. Hiện nay, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện quy trình, thủ tục áp dụng khác nhau, có cơ quan buộc bị can, bị cáo phải làm giấy cam đoan thực hiện nghĩa vụ trước, sau đó mới có căn cứ để ra quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, nhưng cũng có cơ quan áp dụng ngược lại. Do đó, việc lưu các văn bản tố tụng có liên quan trong hồ sơ vụ án theo quy trình về mặt thời gian cũng khác nhau, dẫn đến việc chưa thống nhất trong áp dụng pháp luật.

Ba là, khoản 4 Điều 123 BLTTHS quy định thời hạn áp dụng biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú" không quá thời hạn điều tra, truy tố hoặc xét xử; thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ ngày tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành hình phạt tù. Với quy định như trên sẽ dẫn đến trường hợp có bị cáo trước khi xét xử đã áp dụng biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú" nhưng sau khi xét xử xong sẽ không được áp dụng biện pháp ngăn chặn nào. Ví dụ: Nguyễn Văn A. phạm tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" quy định tại khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự.

Quá trình điều tra, truy tố và xét xử, các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã áp dụng biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú" đối với Nguyễn Văn A. để bảo đảm có mặt theo triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng. Khi tiến hành xét xử, Tòa án quyết định hình phạt cải tạo không giam giữ cho Nguyễn Văn A. Như vậy, thời hạn kể từ khi tuyên án đến khi A. chấp hành án sẽ không áp dụng được biện pháp ngăn chặn này, bởi khoản 4 Điều 123 BLTTHS chỉ quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú" đối với trường hợp sau xét xử mà bị cáo bị áp dụng hình phạt tù. Vậy, ai sẽ là người quản lý, theo dõi họ trong giai đoạn này.

Đề xuất, kiến nghị

Từ thực tiễn áp dụng pháp luật, tác giả đề xuất, kiến nghị một số nội dung sau:

Thứ nhất, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao cần có quy định cụ thể hơn về "Nơi cư trú" theo hướng mở rộng, giao trách nhiệm quản lý không chỉ chính quyền xã, phường, thị trấn, đơn vị quản lý mà còn chính quyền, đơn vị nơi bị can, bị cáo làm việc. Đặc biệt, trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các cơ quan tiến hành tố tụng cần sớm hướng tới biện pháp quản lý, giám sát người bị cấm đi khỏi nơi cư trú bằng các biện pháp điện tử, kiểm tra bất thường như nhiều nước đã và đang thực hiện.

Thứ hai, cần thiết phải đề xuất, kiến nghị sửa đổi khoản 2 Điều 123 BLTTHS về mặt ngữ pháp để có cách hiểu thống nhất và mở rộng việc áp dụng biện pháp ngăn chặn "Cấm đi khỏi nơi cư trú sau xét xử" để bảo đảm cho thi hành án, cụ thể:

"Điều 123. Cấm đi khỏi nơi cư trú

1. ...

2. Bị can, bị cáo phải làm giấy cam đoan thực hiện các nghĩa vụ trước khi bị cấm đi khỏi nơi cư trú: ...

3. ...

4. Thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú không quá thời hạn điều tra, truy tố, xét xử hoặc thi hành án theo quy định của Bộ luật này.

5. ...

6. …".

VÕ MINH TUẤN

Tòa án Quân sự Khu vực 1 Quân khu 5

Cần sớm ban hành Luật Thi hành án hành chính