/ Đời sống - Xã hội
/ Xây dựng phát triển Thừa Thiên - Huế thành trung tâm lớn, đặc sắc về văn hóa

Xây dựng phát triển Thừa Thiên - Huế thành trung tâm lớn, đặc sắc về văn hóa

20/10/2021 04:36 |

(LSVN) - Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, Thừa Thiên - Huế phải bám sát các đặc điểm, lợi thế của địa phương, nơi có di tích Cố Đô, có di sản vật thể và di sản phi vật thể của nhân loại; có vị trí địa lý thuận lợi là đầu mối các loại hình giao thông vận tải, để biến thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhanh và bền vững.

TP. Huế nhìn từ trên cao.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 269/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Cụ thể, trong thông báo Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế đã nỗ lực phấn đấu, khắc phục khó khăn và đạt nhiều thành quả quan trọng trong nhiệm kỳ vừa qua (2016-2020), kinh tế - xã hội của Tỉnh có bước phát triển khá, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng bình quân gần 6,5%/năm, thu ngân sách Nhà nước tăng gần 08%/năm; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 2.169 USD/người/năm.

Năm 2020, Tỉnh đã cố gắng vượt qua khó khăn, mất mát do lũ lụt, sạt lở đất gây ra để sớm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt từ đầu năm 2021 đến nay, Tỉnh đã có nhiều nỗ lực phòng, chống dịch Covid-19 và đạt kết quả tích cực, thực hiện tốt "mục tiêu kép" vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì phát triển kinh tế, tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 5,12%, chỉ số phát triển công nghiệp tăng 5,22%, sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ổn định, kim ngạch xuất khẩu tăng 36,8%, tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 3,5%, thu ngân sách Nhà nước vượt 28% dự toán… Kết quả phát triển kinh tế - xã hội mà Thừa Thiên - Huế đạt được trong những năm qua là tích cực nhưng Tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức: Quy mô kinh tế nhỏ, thu nhập bình quân đầu người thấp, thu hút đầu tư chưa nhiều, dịch vụ, du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19, lượng khách du lịch giảm mạnh.

Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, Thừa Thiên - Huế phải bám sát các đặc điểm, lợi thế của địa phương, nơi có di tích Cố Đô, có di sản vật thể và di sản phi vật thể của nhân loại; có vị trí địa lý thuận lợi là đầu mối các loại hình giao thông vận tải, nằm trên hành lang kinh tế Đông - Tây và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, Tỉnh cần tận dụng đặc điểm, lợi thế của địa phương để biến thành động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh nhanh và bền vững.

Trong đó, Tỉnh lưu ý khẩn trương triển khai thực hiện công tác lập quy hoạch tỉnh Thừa Thiên - Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 gắn với quy hoạch ngành, lĩnh vực. Trong quy hoạch cần xác định tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Tỉnh, nhất là với các địa phương lân cận để phát triển, tránh trùng lặp, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Tỉnh cần tái cấu trúc lại nền kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, thương mại, kinh tế trí thức, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và công nghiệp văn hóa, giải trí.

Đồng thời, bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa gắn phát triển đô thị hài hòa với bảo tồn; xây dựng và phát triển Thừa Thiên - Huế thành trung tâm lớn, đặc sắc về văn hóa, du lịch, y tế chuyên sâu, một trong những trung tâm giáo dục, đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao của cả nước.

Thủ tướng yêu cầu Tỉnh phát huy tinh thần tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc, nội lực là con người, thiên nhiên và truyền thống lịch sử, văn hóa, phải lấy yếu tố quyết định là con người, mang đặc thù Thừa Thiên - Huế; yếu tố bên ngoài là quan trọng nhưng phải có chính sách phù hợp để thu hút ngoại lực tạo khâu đột phá biến không thành có, biến khó thành dễ, biến cái không thể thành có thể. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng thể chế, phát triển hạ tầng, cải cách hành chính. Phát triển nguồn nhân lực theo hướng phục vụ phát triển các ngành kinh tế.

Nhà nước đầu tư các hạ tầng chiến lược, Tỉnh cần huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển hạ tầng mềm, hạ tầng phục vụ chuyển đổi số, công nghệ quản lý. Trong cải cách hành chính, phải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin để tăng tính hiệu lực, hiệu quả, giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường đầu tư phát triển theo hình thức hợp tác công - tư bảo đảm nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; nghiên cứu áp dụng các mô hình “lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư tư, sử dụng công”, “đầu tư công, quản lý tư”.

Thủ tướng nhấn mạnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến khó lường, Tỉnh không được chủ quan, lơ là, phải thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng, chống dịch, đồng thời áp dụng linh hoạt, sáng tạo phù hợp với đặc thù địa phương, bảo đảm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19; phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội”.

Bộ Y tế sẽ xem xét, cân đối bổ sung cho Tỉnh để tiêm vaccine miễn phí cho người dân an toàn, khoa học, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Ngoài ra, Tỉnh phải quan tâm thực hiện tốt các chính sách xã hội, quản lý phát triển xã hội, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, bảo đảm ổn định và phát triển xã hội bền vững. Bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; tăng cường công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Tiếp tục quan tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và đảng viên; xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, gắn với xây dựng đội ngũ công chức, viên chức vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đặc biệt, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu có năng lực, phẩm chất, khát vọng cống hiến.

HOÀNG NGHĨA

Đắk Lắk: Không áp dụng biện pháp cực đoan trong phòng, chống dịch Covid-19

Lê Minh Hoàng