/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Xu hướng quốc tế hóa của luật hình sự Việt Nam và vấn đề đặt ra cho lập pháp hình sự

Xu hướng quốc tế hóa của luật hình sự Việt Nam và vấn đề đặt ra cho lập pháp hình sự

05/01/2021 18:10 |

(LSO) - Bài viết này luận giải xu hướng quốc tế hóa của luật hình sự Việt Nam, đưa ra phân tích và bình luận về những biểu hiện rõ nét của xu hướng quốc tế hóa trong Bộ luật Hình sự năm 2015, và xác định một số vấn đề đặt ra cho việc hoàn thiện luật hình sự Việt Nam theo xu hướng quốc tế hóa.

Ảnh minh họa.

1. Lý giải cho xu hướng quốc tế hóa của luật hình sự Việt Nam

Luật hình sự Việt Nam đã trải qua những dấu mốc phát triển vào thời điểm ban hành các Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 1985, năm 1999 và năm 2015. Mỗi BLHS (cùng với các luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS) đều chịu ảnh hưởng và mang dấu ấn của những xu hướng lập pháp hình sự nhất định. Ở giai đoạn ban đầu của quá trình pháp điển hóa luật hình sự, khía cạnh quốc tế trong luật hình sự Việt Nam mới chỉ thể hiện ở mức độ rất khiêm tốn. Đầu tiên, BLHS năm 1985 ghi nhận hiệu lực của BLHS theo một số nguyên tắc của luật hình sự quốc tế và quy định một số tội phạm nhằm bảo vệ lợi ích của cộng đồng quốc tế. Sau đó, BLHS năm 1999 đã tiếp tục có một số sửa đổi, bổ sung nhằm bảo đảm trách nhiệm của Việt Nam với tư cách là thành viên của một số điều ước quốc tế về hình sự. Tuy nhiên, hai văn bản luật này vẫn chưa thực sự tạo nên xu hướng quốc tế hóa của luật hình sự Việt Nam. Luật sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2009 và đặc biệt là BLHS năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) trở thành những biểu hiện rõ nét cho xu hướng lập pháp hình sự này. BLHS năm 2015 thể hiện những xu hướng cải cách luật hình sự như: hiện đại hóa, hướng thiện, hội nhập quốc tế, cải cách tư pháp, tôn trọng quyền con người, v.v… Vậy xuất phát từ những lý do nào mà luật hình sự Việt Nam lại chịu ảnh hưởng và thể hiện ngày càng rõ nét xu hướng quốc tế hóa?

Thứ nhất, yêu cầu của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. BLHS năm 1985 được ban hành trong bối cảnh Việt Nam chưa có nhiều quan hệ hợp tác quốc tế; BLHS năm 1999 ra đời trong hoàn cảnh Việt Nam cũng chưa hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng. Vì vậy, ở thời điểm đó, luật hình sự Việt Nam chưa phản ánh được nhiều đặc điểm và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trong điều kiện hội nhập quốc tế, cũng chưa tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và thuận lợi cho việc hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã chủ động hội nhập quốc tế bằng việc tích cực tham gia nhiều tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực và đã trở thành thành viên của nhiều điều ước quốc tế đa phương và khu vực có liên quan đến việc phòng, chống tội phạm quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia. Đáng chú ý, Việt Nam đã tham gia vào các công ước về phòng, chống tội phạm như: Công ước Chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Nghị định thư về Phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em năm 2000; Công ước Chống tham nhũng năm 2003; Công ước Chống tra tấn năm 1987; các điều ước quốc tế liên quan đến chống khủng bố, tài trợ khủng bố, rửa tiền, cướp biển, bắt cóc con tin, v.v… Các điều ước quốc tế trong lĩnh vực hình sự này đòi hỏi các quốc gia thành viên phải nội luật hóa những quy định có tính bắt buộc như việc xác lập quyền tài phán của luật hình sự quốc gia làm cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự, việc tội phạm hóa những dạng hành vi nguy hiểm cho xã hội nhất định, việc xây dựng những chế định luật hình sự làm cơ sở để xác định tội phạm, v.v… Việc sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2015 là một cơ hội để Việt Nam tiếp tục nội luật hóa những quy định về hình sự trong các điều ước quốc tế mà chúng ta tham gia nhằm thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của quốc gia thành viên.

Thứ hai, yêu cầu của cuộc đấu tranh chống tội phạm trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa. Có thể thấy rằng, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng của các loại tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, các tội phạm do người nước ngoài thực hiện. Cùng lúc đó, các tội phạm quốc tế và tội phạm xuyên quốc gia như tội phạm chiến tranh, chống loài người, tội phạm về ma túy, mua bán người, rửa tiền, khủng bố và tài trợ khủng bố, tội phạm sử dụng công nghệ cao… ngày càng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng, gây ảnh hưởng và gây quan ngại cho cộng đồng quốc tế nói chung và các quốc gia nói riêng. Việc hoàn thiện các cơ chế pháp luật để tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho việc chủ động và tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, là một xu thế tất yếu trong bối cảnh hiện nay[1].

Thứ ba, một hiện tượng đang tạo ra xu hướng quốc tế hóa trong pháp luật hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, là hài hòa hóa và nhất thể hóa pháp luật. Pháp luật hình sự ở nhiều khu vực trên thế giới đang được cải cách theo xu hướng này để tạo ra sự hài hòa và cao hơn nữa là sự thống nhất. Những khái niệm “luật hình sự quốc tế”, “luật hình sự xuyên quốc gia”, “luật hình sự khu vực”, “luật hình sự so sánh”, v.v… đã được hình thành và đang được phát triển ngày càng mạnh mẽ, với sự nỗ lực của các quốc gia trong việc đưa pháp luật hình sự của mình ngày càng tiệm cận với các chuẩn mực pháp luật quốc tế về bảo vệ quyền con người, chống những loại tội phạm gây nguy hiểm cho cả cộng đồng cũng như ngày càng đáp ứng được tính hiện đại của khoa học luật hình sự trên thế giới[2].

2. Xu hướng quốc tế hóa trong Bộ luật Hình sự Việt Nam năm 2015

- Xu hướng quốc tế hóa thể hiện trong chính sách hình sự của Việt Nam

BLHS năm 2015 đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng, thể hiện những chuyển biến căn bản trong chính sách xử lý hình sự. Trong đó, những thay đổi rõ rệt nhất là việc ghi nhận trách nhiệm hình sự (TNHS) đối với pháp nhân thương mại, chính sách nhân đạo trong quy định về hình phạt và chính sách xử lý thân thiện đối với người dưới 18 tuổi phạm tội. Đây đều là những biểu hiện của xu hướng quốc tế hóa của luật hình sự Việt Nam.

Trước hết, việc quy định TNHS của pháp nhân thương mại trong BLHS năm 2015 nhằm đáp ứng những khuyến nghị của các điều ước quốc tế về chống tham nhũng, rửa tiền, buôn bán người, khủng bố, tài trợ khủng bố … mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, với tư cách là quốc gia thành viên của Nhóm châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG), Việt Nam có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các Khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF), trong đó Khuyến nghị 2 liên quan đến việc quy định TNHS đối với pháp nhân. Hơn nữa, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày nay, cơ hội đầu tư kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài cũng như doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam đều gia tăng. Nếu Việt Nam không quy định TNHS sự đối với pháp nhân như pháp luật của đa số quốc gia ASEAN khác thì sẽ thiếu công bằng cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cùng vi phạm pháp luật như nhau.

Vấn đề TNHS của pháp nhân đã được ghi nhận trong pháp luật hình sự ở nhiều nước. Qua nghiên cứu và rà soát, cơ quan soạn thảo BLHS năm 2015 xác định trên thế giới có 119 nước quy định TNHS đối với pháp nhân, trong đó điển hình là các quốc gia theo truyền thống Common Law như Anh, Mỹ, Canada, Australia hoặc nhiều nước châu Âu theo truyền thống Civil Law như Pháp, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Vương quốc Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Slovakia, Hungari, Lavia, Estonia, Croatia hoặc điển hình cho khu vực Bắc Á như Nhật Bản, Trung Quốc. Trong số đó, khu vực ASEAN có sáu nước đã quy định TNHS của pháp nhân là Singapore, Malaysia, Thailand, Phillippines, Indonesia và Cambodia[3]. Chế định TNHS của pháp nhân được đưa vào BLHS năm 2015 trên cơ sở nghiên cứu các quan điểm lý luận, học thuyết có liên quan về căn cứ phát sinh và đặc điểm trách nhiệm hình sự của pháp nhân, loại pháp nhân phải chịu TNHS, loại tội mà pháp nhân phải chịu TNHS, các hình phạt áp dụng đối với pháp nhân,… cũng như kinh nghiệm lập pháp ở một số nước về vấn đề này.

Bên cạnh đổi mới căn bản về chính sách hình sự khi ghi nhận TNHS của pháp nhân thương mại, luật hình sự Việt Nam còn thể hiện tinh thần nhân đạo và hướng thiện bằng việc sửa đổi mạnh mẽ chính sách xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội trên tinh thần đáp ứng các nguyên tắc của Công ước của Liên hợp quốc (LHQ) về quyền trẻ em[4]. Sự đổi mới đó thể hiện ở việc sửa đổi, bổ sung nguyên tắc xử lý đối với người dưới 18 tuổi phạm tội (Điều 91) bao gồm: (i) bổ sung nguyên tắc bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi trên tinh thần Công ước về quyền trẻ em; (ii) bổ sung nguyên tắc ưu tiên xem xét áp dụng các biện pháp thay thế xử lý hình sự trước khi quyết định việc truy cứu TNHS đối với người dưới 18 tuổi phạm tội; (iii) khẳng định nguyên tắc chỉ áp dụng hình phạt đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, nhất là hình phạt tù, sau khi đã xem xét, cân nhắc khả năng áp dụng các biện pháp tư pháp nhằm thể hiện tinh thần nhân đạo tại Điều 37 Công ước về quyền trẻ em là việc bắt, giam giữ hay bỏ tù trẻ em chỉ được dùng đến như một biện pháp cuối cùng và trong thời hạn thích hợp ngắn nhất.

Xu hướng quốc tế của luật hình sự Việt Nam thể hiện rõ nét nhất ở việc bổ sung quy định về áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục thay thế xử lý hình sự[5]. Theo đó, khi xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội, cơ quan tiến hành tố tụng quyết định miễn TNHS và áp dụng biện pháp này khi có các điều kiện như: (i) thuộc trường hợp phạm tội lần đầu (thường là tội phạm ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng), có nhiều tình tiết giảm nhẹ, tự nguyện khắc phục phần lớn hậu quả; (ii) người chưa thành niên và người đại diện hợp pháp của họ đồng ý với việc áp dụng biện pháp giám sát, giáo dục này. Biện pháp thay thế xử lý hình sự gồm có: khiển trách; hòa giải tại cộng đồng và giáo dục tại xã, phường, thị trấn. Đây là quy định nhằm đưa người chưa thành niên ra khỏi quy trình tố tụng hình sự và áp dụng các biện pháp xử lý khác mang tính giáo dục - phòng ngừa với ý nghĩa giúp các em nhận rõ được lỗi lầm, có thái độ ăn năn hối cải, khắc phục sai phạm[6].

Những cải cách đối với chính sách xử lý người chưa thành niên phạm tội nêu trên được thực hiện trên cơ sở những khuyến nghị trong các văn kiện quốc tế về bảo vệ trẻ em như: Quy tắc chuẩn tối thiểu của Liên hợp quốc về quản lý tư pháp đối với người chưa thành niên, Quy tắc của Liên hợp quốc về bảo vệ người chưa thành niên bị tước quyền tự do, Hướng dẫn của Liên hợp quốc về phòng ngừa phạm pháp ở người chưa thành niên.[7] Các nguyên tắc như tư pháp thân thiện, tư pháp phục hồi, những biện pháp xử lý chuyển hướng theo tinh thần của những khuyến nghị này cùng việc nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia như New Zealand, Australia[8]… đã trở thành cơ sở cho những sửa đổi, bổ sung tích cực trong BLHS năm 2015.

- Xu hướng quốc tế hóa thể hiện trong quy định tại Phần chung của BLHS năm 2015.

Thứ nhất, xu hướng này thể hiện ở việc ghi nhận hiệu lực của BLHS theo nguyên tắc quốc tịch bị động (Principle of Passive Personality) và nguyên tắc bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia (Protective Principle). khoản 2 Điều 6 BLHS năm 2015 quy định: “Người nước ngoài, pháp nhân thương mại nước ngoài phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam có thể bị truy cứu TNHS theo quy định của Bộ luật này trong trường hợp hành vi phạm tội xâm hại quyền, lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam hoặc xâm hại lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…” Quy định này khẳng định hiệu lực của luật hình sự Việt Nam đối với những hành vi phạm tội xảy ra ở ngoài lãnh thổ Việt Nam do người không có quốc tịch Việt Nam thực hiện nhưng nạn nhân của tội phạm là công dân Việt Nam hoặc xâm hại những lợi ích về an ninh quốc gia của Việt Nam. Đây là sự ghi nhận hiệu lực của luật hình sự trên cơ sở những nguyên tắc chung của pháp luật quốc tế và theo kinh nghiệm ở nhiều quốc gia trên thế giới[9].

Thứ hai, để tạo cơ sở pháp lý chủ động ngăn chặn sớm tội phạm xảy ra, góp phần nâng cao hiệu quả phòng ngừa tội phạm, đồng thời phù hợp với tinh thần của Công ước của LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (Công ước Palermo)[10] mà Việt Nam là thành viên, BLHS năm 2015 bổ sung thêm hành vi thành lập, tham gia nhóm tội phạm để thực hiện một tội phạm cụ thể bên cạnh các hành vi chuẩn bị phạm tội đã được quy định trong BLHS năm 1999 như tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm (Điều 14). Đây cũng là một biểu hiện của xu hướng quốc tế hóa trong luật hình sự Việt Nam, khi việc xây dựng chế định tổ chức tội phạm (hoặc nhóm tội phạm có tổ chức) và việc tội phạm hóa hành vi tham gia vào nhóm tội phạm có tổ chức trên cơ sở Công ước Palermo đang trở nên ngày càng phổ biến trong luật hình sự ở các quốc gia trên thế giới[11].

Thứ ba, BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định tại khoản 3 Điều 28 về không áp dụng thời hiệu truy cứu TNHS và Điều 61 về không áp dụng thời hiệu thi hành bản án đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ khi thuộc loại tội đặc biệt nghiêm trọng. Với quy định này, những người phạm tội tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng nêu trên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị thi hành bản án về các tội này bất cứ lúc nào, nếu cơ quan chức năng phát hiện được hành vi phạm tội của họ hoặc phát hiện bản án chưa được thi hành. Đây là một nỗ lực của Việt Nam với tư cách là quốc gia thành viên Công ước của LHQ về chống tham nhũng (UNCAC)[12].

Thứ tư, BLHS Việt Nam năm 2015 đã bổ sung một chế định về những trường hợp loại trừ TNHS (Chương IV), trong đó, tiếp tục duy trì và cụ thể hóa 04 trường hợp như BLHS năm 1999 (sự kiện bất ngờ, phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết và tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự), đồng thời, bổ sung thêm 03 trường hợp loại trừ TNHS là: gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội (Điều 24); rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ (Điều 25); thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên (Điều 26).

Thứ năm, BLHS năm 2015 thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, tăng cường quy định các hình phạt không giam giữ cùng với thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tù, quy định biện pháp tha tù trước thời hạn có điều kiện. Cụ thể như sau: BLHS năm 2015 đã xóa bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh; mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm ít nghiêm trọng (Điều 35), riêng các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tội phạm về môi trường thì phạt tiền còn được quy định là hình phạt chính có thể áp dụng đối với cả tội rất nghiêm trọng, phạm vi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ cũng được mở rộng tới cả tội rất nghiêm trọng do vô ý (Điều 36), không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý (khoản 2 Điều 37). Đầu tiên, để thể hiện sự tôn trọng tinh thần của các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, đồng thời phù hợp với xu hướng chung của thế giới, BLHS Việt Nam năm 2015 đã xác định rõ chính sách hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình. Nhà làm luật Việt Nam đã cân nhắc các khuyến nghị của cộng đồng quốc tế về vấn đề này, nhận thấy rằng các khuyến nghị đều xuất phát từ lý do tử hình là hình phạt tước đi quyền sống - quyền cơ bản, quan trọng nhất của con người và như vậy đã tước bỏ cơ hội phục thiện, tái hoà nhập cộng đồng của người bị kết án cũng như loại trừ khả năng khắc phục án oan, điều có thể xảy ra trên thực tế. Trên cơ sở tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của một số nước còn quy định hình phạt từ hình như Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Indonesia, Malaysia,[13] trong đó hình phạt tử hình chỉ áp dụng đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc loại tội chống Nhà nước, xâm phạm tính mạng con người, tội phạm về ma túy. Trên tinh thần này, BLHS năm 2015 đã xóa bỏ hình phạt tử hình đối với 07 tội danh.

Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 còn mở rộng phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm ít nghiêm trọng (Điều 35). Chính vì vậy, số khoản có quy định phạt tiền là hình phạt chính đối với tội ít nghiêm trọng trong Phần các tội phạm tăng đáng kể so với quy định của BLHS năm 1999. Phạm vi áp dụng phạt tiền là hình phạt chính đối với các tội phạm nghiêm trọng cũng được mở rộng. Riêng các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế và tội phạm về môi trường thì phạt tiền còn được quy định là hình phạt chính có thể áp dụng đối với cả tội rất nghiêm trọng. Phạm vi áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ cũng được mở rộng tới cả tội rất nghiêm trọng do vô ý (Điều 36). BLHS cũng quy định không áp dụng hình phạt tù đối với người lần đầu phạm tội ít nghiêm trọng do vô ý (khoản 2 Điều 37). Đồng thời, tại Phần các tội phạm, số lượng các khoản không quy định hình phạt tù tăng lên khá nhiều so với quy định của BLHS năm 1999. Những sửa đổi, bổ sung này đều thể hiện xu hướng quốc tế trong việc quy định hình phạt, đó là trên cơ sở của “thuyết ngăn ngừa” thay vì chịu ảnh hưởng của “thuyết trừng phạt” như giai đoạn trước đây[14].

Cũng theo xu hướng quốc tế, BLHS năm 2015 đã bổ sung quy định về tha tù trước hạn có điều kiện; theo đó, phạm nhân có thể được miễn chấp hành phần hình phạt tù còn lại khi có đủ các điều kiện quy định tại Điều 66. Tha tù trước thời hạn có điều kiệnlà một giải pháp cho phép đưa người phạm tội bị xử phạt tù quay trở về với cộng đồng sớm hơn để giáo dục, cải tạo với sự giúp đỡ và giám sát của gia đình, các cơ quan, đoàn thể xã hội. Đây là một biện pháp được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới dưới các tên gọi như phóng thích có điều kiện hay trả tự do có điều kiện[15].

- Tội phạm hóa một số hành vi nguy hiểm cho xã hội trên cơ sở yêu cầu của những điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên

Tội phạm hóa một số hành vi nguy hiểm cho xã hội trên cơ sở yêu cầu của những điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên cũng là biểu hiện khá rõ nét của xu hướng quốc tế hóa trong cải cách pháp luật hình sự. Một số kết quả cụ thể của tội phạm hóa được ghi nhận trong BLHS năm 2015 là:

Thứ nhất, quy định tội phạm đối với hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm (Điều 147), hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người (Điều 154). Việc tội phạm hóa hành vi sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm là biểu hiện của việc thực thi trách nhiệm quốc gia thành viên của các điều ước quốc tế có liên quan. Cụ thểĐiều 34 Công ước của LHQ về quyền trẻ em và Điều 3 Công ước Nghiêm cấm và hành động khẩn cấp xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất đều kêu gọi các quốc gia thành viên hình sự hóa hành vi phạm tội khiêu dâm trẻ em.

Pháp luật hình sự của nhiều quốc gia trên thế giới cũng đã quy định một hoặc một số tội phạm liên quan đến khiêu dâm trẻ em, như Điều 176 BLHS Đức, Điều 8 Chương 6 BLHS Thụy Điển hay Điều 176 BLHS Nhật Bản. Đối với hành vi mua bán, chiếm đoạt mô hoặc bộ phận cơ thể người, tính chất nghiêm trọng và diễn biến phức tạp của nó đã khiến Liên Hợp quốc quan ngại và Đại hội đồng đã ban hành Nghị quyết số 59/156 về Phòng, chống và xử phạt buôn bán cơ thể người tại kì họp thứ 96 ngày 03/02/2005,[16] đồng thời tổ chức Sáng kiến toàn cầu của Liên Hợp quốc về chống buôn bán người cũng đã tổ chức một diễn đàn quốc tế lớn trong đó khuyến nghị việc tội phạm hóa hành vi này, xác định đây là một loại tội phạm có tổ chức theo Công ước Palermo và phân biệt tội phạm này với tội buôn bán người.[17] Như vậy việc luật hình sự Việt Nam tội phạm hóa hành vi này là thực sự cần thiết, phản ánh đúng xu thế lập pháp hình sự quốc tế và đáp ứng tinh thần toàn cầu về chống buôn bán cơ thể người.Thứ hai, bổ sung quy định tội bắt cóc con tin (Điều 301), tội cướp biển (Điều 302) trên tinh thần các quy định của Công ước Chống bắt cóc con tin năm 1979 và Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam là thành viên.

Thứ ba, phạm vi các tội tham ô tài sản (Điều 353), nhận hối lộ (Điều 354), tội đưa hối lộ (Điều 364) và tội môi giới hối lộ (Điều 365) đã được mở rộng sang khu vực ngoài Nhà nước. Bổ sung này có ý nghĩa thiết thực trước những thay đổi của nền kinh tế và xu thế hội nhập quốc tế. Việc sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng phạm vi các tội phạm về chức vụ này được luận giải bởi một số lý do: một là, hiện tượng tư nhân hóa mạnh mẽ các hoạt động trước đây vốn thuộc chức năng công như: giáo dục, y tế, phúc lợi xã hội… đã phát sinh một loại hệ quả mang tính tiêu cực là tham nhũng trong khu vực tư với tính chất ngày càng nghiêm trọng và mức độ ảnh hưởng ngày càng lan rộng; hai là, hình sự hóa những hành vi xâm hại hoạt động thực hiện nhiệm vụ trong khu vực tư là cần thiết để duy trì sự cạnh tranh lành mạnh trong khu vực kinh tế ngoài Nhà nước; ba là, việc mở rộng khái niệm tham nhũng sang khu vực tư giúp bảo vệ cộng đồng khỏi những hậu quả nguy hiểm mà hành vi tham nhũng trong khu vực tư gây ra cho lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là cho những lợi ích về tài chính và một số lợi ích khác của đời sống xã hội[18]. Bên cạnh đó, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) đã khuyến nghị các quốc gia thành viên tăng cường các biện pháp đấu tranh chống tham nhũng không chỉ trong khu vực công mà cả trong khu vực tư[19] và điều này cũng trở thành một yếu tố quan trọng thúc đẩy việc mở rộng khái niệm tham nhũng trong luật hình sự Việt Nam.

Ngoài ra, BLHS năm 2015 cũng tội phạm hóa hành vi hối lộ công chức nước ngoài trên cơ sở thực tiễn và theo yêu cầu của UNCAC. Hành vi hối lộ công chức nước ngoài đã chính thức được ghi nhận là một trường hợp của tội đưa hối lộ theo khoản 6 Điều 364. UNCAC yêu cầu các quốc gia thành viên hình sự hóa hành vi đưa hối lộ cho công chức nước ngoài và công chức của các tổ chức quốc tế công (Điều 16).

- Bổ sung nội dung cấu thành của một số tội phạm

Trên cơ sở rà soát yêu cầu của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên cũng như tham khảo kinh nghiệm của pháp luật hình sự một số nước trên thế giới, BLHS năm 2015 đã thực hiện những sửa đổi, bổ sung sau:

Thứ nhất, sửa đổi, bổ sung quy định về tội mua bán người (Điều 150) và tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151) phù hợp với Nghị định thư về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em (ban hành kèm theo Công ước của LHQ về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia); sửa đổi, quy định rõ các dấu hiệu pháp lý về hành vi, thủ đoạn và mục đích của tội phạm.

Thứ hai, sửa đổi, bổ sung quy định về tội rửa tiền theo Điều 324 (trong đó quy định rõ ràng các dạng hành vi rửa tiền, vấn đề chủ thể của tội phạm và hành vi tự rửa tiền, lỗi của người phạm tội) và bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội rửa tiền nhằm đáp ứng đầy đủ yêu cầu của các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) mà Việt Nam cần tuân thủ với tư cách là thành viên Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền.

Thứ ba, sửa đổi, bổ sung quy định về tội dùng nhục hình (Điều 373) và tội bức cung (Điều 374) trên tinh thần đáp ứng những yêu cầu, khuyến nghị của Công ước Chống tra tấn mà Việt Nam đã chính thức là thành viên.

Thứ tư, sửa đổi, bổ sung quy định tại Chương XXVI BLHS năm 2015 về các tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược và tội phạm chiến tranh, trong đó nội dung cấu thành phù hợp hơn với chuẩn mực pháp lý quốc tế và đáp ứng được yêu cầu của quan hệ ngoại giao trong tình hình mới.

3. Một số vấn đề đặt ra cho lập pháp hình sựViệt Nam trong xu hướng quốc tế hóa

Phát triển luật hình sự theo xu hướng quốc tế hóa đã giúp luật hình sự Việt Nam bắt kịp với những xu thế phát triển luật hình sự hiện đại và đáp ứng tương đối đầy đủ những yêu cầu của các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, việc phân tích những đổi mới của luật hình sự qua BLHS năm 2015 lại đặt ra một số vấn đề sau:

Thứ nhất, quy định của BLHS năm 2015 về TNHS của pháp nhân thương mại, các biện pháp thay thế xử lý hình sự đối với người dưới 18 tuổi phạm tội hay tội phạm hóa một số hành vi tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước chưa thể hiện đúng hoàn toàn bản chất của các chế định này trong pháp luật hình sự quốc tế hoặc còn thiếu tính cụ thể[20].

- Việc quy định TNHS của pháp nhân thương mại trong BLHS năm 2015 (Chương XI và các điều luật khác có liên quan) đang cho thấy sự chưa nhất quán giữa bản chất của TNHS với hình thức quy định về loại hình TNHS này, thể hiện ở chỗ TNHS của pháp nhân lúc thì giống với TNHS của một chủ thể hoàn toàn tách biệt khỏi cá nhân người phạm tội, lúc lại là hệ quả của hành vi phạm tội của cá nhân.

- Quy định các biện pháp giám sát, giáo dục người dưới 18 tuổi phạm tội được miễn TNHS tại Chương XII Mục 2 BLHS năm 2015 cũng chưa hoàn toàn đúng với bản chất của các biện pháp xử lý chuyển hướng trong pháp luật quốc tế và của các quốc gia đi đầu trong xu thế lập pháp hình sự về vấn đề này. Bởi lẽ, theo quy định của BLHS Việt Nam, các biện pháp này chỉ là hệ quả của việc miễn TNHS đối với người phạm tội dưới 18 tuổi và chỉ có thể được áp dụng từ giai đoạn truy tố. Bản chất của các biện pháp này trong BLHS Việt Nam vẫn là biện pháp xử lý hình sự (phi hình phạt). Trong khi đó, chuẩn mực quốc tế về nội dung này cho thấy, đây phải là các biện pháp thay thế cho xử lý hình sự bằng cách đưa việc xử lý người chưa thành niên phạm tội ra khỏi tiến trình tư pháp chính thống càng sớm càng tốt, với các biện pháp xử lý dựa vào cộng đồng và/hoặc theo tiếp cận tư pháp phục hồi, trong đó có vai trò đáng kể của cảnh sát với tư cách là lực lượng có tiếp xúc ban đầu với các em[21]. Kinh nghiệm một số quốc gia đi đầu trong vấn đề này như New Zealand, Canada đã cho thấy bản chất của các biện pháp xử lý thay thế đó và cần được nghiên cứu kỹ lưỡng cho những hoạt động lập pháp hình sự tiếp theo của Việt Nam[22].

- Quy định tội phạm tham nhũng ở khu vực ngoài nhà nước cũng như đưa hối lộ cho công chức nước ngoài trong BLHS Việt Nam (khoản 6 Điều 353, khoản 6 Điều 354, khoản 6 Điều 364, khoản 7 Điều 365) đang vượt quá so với quy định của UNCAC, vì đã không giới hạn phạm vi đối với các hoạt động thương mại, kinh tế, tài chính. Bên cạnh đó, các quy định này không mô tả rõ một số dấu hiệu khác biệt của tham nhũng tư so với tham nhũng công, của đưa hối lộ cho công chức nước ngoài so với đưa hối lộ cho công chức quốc gia, điều được thể hiện rõ trong luật hình sự nhiều nước khác[23]. Quy định này cũng cho thấy sự đánh đồng về tính nguy hiểm của tham nhũng ở khu vực ngoài Nhà nước so với tham nhũng ở khu vực công.

Thứ hai, quy định bổ sung TNHS ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội đối với hành vi thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm cho thấy sự không tương thích đầy đủ với yêu cầu về hình sự hóa hành vi tham gia vào nhóm tội phạm có tổ chức của Công ước Palermo. Theo đúng nội dung của Công ước này, hành vi thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm (có tổ chức) đã cấu thành tội phạm đầy đủ, không phải chỉ là giai đoạn chuẩn bị phạm tội. Điểm mấu chốt là luật hình sự Việt Nam chưa có quy định về nhóm tội phạm có tổ chức cũng như chưa tội phạm hóa hành vi tham gia vào nhóm tội phạm có tổ chức theo tinh thần của Công ước Palermo. Đây cũng là một nội dung cần được nghiên cứu thêm với sự kết hợp giữa một bên là yêu cầu của thực tiễn đấu tranh chống tội phạm trong nước và một bên là tìm hiểu những kinh nghiệm lập pháp hình sự có liên quan của các nước trên thế giới.
Tất cả những điểm chưa triệt để về bản chất của chế định hoặc còn thiếu cụ thể hoặc còn ít nhiều mâu thuẫn nêu trên dẫn đến những quy định mang tính quốc tế hóa của BLHS năm 2015 chưa thực sự thể hiện được giá trị đầy đủ và cũng sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho việc áp dụng trong thực tiễn.

Như vậy, việc thực thi trách nhiệm của quốc gia thành viên của những điều ước quốc tế về hình sự hay việc bắt kịp những xu thế cải cách luật hình sự của các nước trên thế giới là một xu hướng phát triển tất yếu của pháp luật hình sự Việt Nam. Tuy nhiên, xu hướng này cũng đặt ra thách thức cho các nhà lập pháp, nhà áp dụng pháp luật và các nhà nghiên cứu luật hình sự. Thách thức trước hết và cũng hiện hữu, thực tế nhất ở thời điểm thi hành BLHS năm 2015 là việc làm thế nào để áp dụng các quy định mới được đưa vào BLHS theo xu hướng quốc tế hóa đó. Vấn đề đặt ra lúc này là cần tìm hiểu cách thức và thực tiễn áp dụng những chế định, quy định này ở các quốc gia khác, đặc biệt là các nước có quy định gần giống với quy định của luật hình sự Việt Nam. Thực tiễn áp dụng, bao gồm cả việc áp dụng án lệ tại một số quốc gia theo truyền thống Common Law sẽ là nguồn tư liệu cần thiết và quý giá đối với việc giải thích và hướng dẫn áp dụng các quy định mới của BLHS Việt Nam năm 2015.

Thách thức lớn nhất là việc phát hiện những điểm còn thiếu tương thích, thiếu cụ thể hay chưa đúng với bản chất của chế định hoặc khái niệm trong luật hình sự trên cơ sở đối chiếu với các chuẩn mực luật hình sự quốc tế cũng như so sánh có chọn lọc với luật hình sự của các quốc gia trên thế giới. Đây sẽ là quá trình tìm hiểu và lựa chọn cả về mặt nội dung quy định và kỹ thuật lập pháp cho việc cải cách luật hình sự theo xu hướng quốc tế hóa trong tương lai. Thách thức này đòi hỏi việc nghiên cứu một cách kỹ lưỡng từng chế định hoặc quy định cụ thể trong luật hình sự nước ngoài và nghiên cứu toàn diện trong mối liên hệ với các chế định/quy định có liên quan khác của họ, trong đó có cả các quy định về thủ tục tố tụng, về phương thức thực thi. Đặc biệt là việc học theo xu hướng quốc tế nhưng phải nhìn thấy tính phù hợp với bối cảnh phòng, chống tội phạm của Việt Nam; phải bảo đảm sự thống nhất với các chế định/quy định có liên quan khác của Việt Nam; phải bảo đảm những nguyên tắc cơ bản và không phá vỡ những khái niệm nền tảng của luật hình sự. Mỗi quy định theo hướng nội luật hóa công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo hướng học tập kinh nghiệm lập pháp của nước ngoài cần được xây dựng trên cơ sở tìm hiểu rõ và đúng bản chất của quy định đó[24].

Tóm lại, qua những dẫn chứng và phân tích nêu trên, có thể thấy một trong những xu hướng có ảnh hưởng mạnh mẽ và toàn diện đến việc cải cách luật hình sự Việt Nam trong thời gian gần đây chính là xu hướng quốc tế hóa. Xu hướng này được tiếp cận và phát triển trong luật hình sự Việt Nam bởi yêu cầu thực hiện nghĩa vụ quốc gia thành viên của các điều ước quốc tế, bởi nhu cầu của hội nhập quốc tế và của việc hài hòa hóa pháp luật. Những dấu ấn của xu hướng quốc tế hóa thể hiện một cách rõ nét từ Luật sửa đổi, bổ sung BLHS năm 2009 và đặc biệt là trong một loạt sửa đổi, bổ sung quan trọng của BLHS năm 2015. Ảnh hưởng của xu hướng này đang đem đến những kết quả tích cực cho sự phát triển của luật hình sự Việt Nam, nhưng cũng đặt ra những thách thức, đòi hỏi tiếp theo đối với việc hoàn thiện luật hình sự quốc gia.

TS. ĐÀO LỆ THU
Giảng viên Trường Đại học Luật Hà Nội
Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp
/de-doa-chui-boi-nguoi-khac-tren-mang-xa-hoi-co-the-bi-phat-tu.html