Ảnh minh họa.
Theo Công văn số 3530/SGDĐT-GDMN.GDTH, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp như hiện nay, tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình được xem là giải pháp tối ưu. Nhằm đảm bảo sức khoẻ, giảm áp lực căng thẳng học trực tuyến kéo dài cho giáo viên và học sinh tiểu học, sau thời gian dạy và học 9 tuần, Sở GD&ĐT An Giang hướng dẫn tạm nghỉ dạy và học trực tuyến, dạy học qua truyền hình.
Cụ thể, thời gian tạm nghỉ từ ngày 29/11 đến ngày 05/12/2021. Ngày 06/12/2021, giáo viên và học sinh tiểu học tiếp tục dạy và học trực tuyến, qua truyền hình theo chương trình của tuần 10.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT yêu cầu, trong thời gian tạm nghỉ, giáo viên và học sinh phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo khuyến cáo của cơ quan y tế.
Khủng hoảng tâm lý học đường vì Covid-19 là vấn đề được nhiều chuyên gia giáo dục đặt ra trong thời gian gần đây. Điều này cần có đội ngũ cán bộ, giáo viên có kiến thức sâu về tâm lý, tư vấn tâm lý học đường, đặc biệt là đội ngũ giáo viên chủ nhiệm, cán bộ đoàn, đội tham gia hỗ trợ học sinh. Tuy nhiên không phải nơi nào cũng có cán bộ học đường chuyên trách vấn đề này.
Nhằm giảm thiểu phần nào thực trạng này, trước đó, Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) tổ chức tập huấn trực tuyến cho 1.000 cán bộ, giáo viên ở các trường phổ thông về tư vấn, hỗ trợ tâm lý học sinh trong bối cảnh dịch Covid-19. Các chuyên gia tâm lý Việt Nam và quốc tế đã chia sẻ với các thầy cô về kinh nghiệm và kiến thức của 4 chuyên đề quan trọng. Đó là nhận diện những vấn đề tâm lý học sinh phổ thông trong đại dịch Covid-19; hướng dẫn kỹ năng tư vấn hỗ trợ tâm lý cho học sinh trong đại dịch Covid-19 và sau khi quay lại trường học; nguy cơ tổn thương tâm lý trên không gian mạng và những phương thức giáo viên, phụ huynh tư vấn hỗ trợ và cuối cùng là hướng dẫn các kỹ thuật cân bằng công việc và gia đình cho cán bộ, giáo viên.
PV
Rà soát sửa đổi, bổ sung các quy định về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo