LSVNO - Để làm sáng tỏ những bất thường trong công tác bồi thường GPMB nâng cấp tuyến đường ĐT 639B, đoạn đi qua phường Bùi Thị Xuân, TP. Quy Nhơn, chúng tôi đã có buổi làm việc với ông Đặng Phan Tiến Dũng – Phó Giám đốc và ông Lưu Thanh Tùng – cán bộ của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Quy Nhơn.
Từ sự lập luận “lập lờ” của ông Phó Giám đốc
Tại buổi làm việc, chúng tôi đặt câu hỏi dựa vào đâu để Trung tâm áp giá bồi thường 121,9m2 đất ở cho hộ ông Trần Xuân Thức và bà Phạm Thị Phương Nga, trong khi thực tế có nhà ở chỉ có 19,2m2, thậm chí nếu cộng dồn tất cả các hạng mục khác (được cho là có dấu hiệu bồi thường khống-PV) thì cũng chỉ có 55,88m2?
Ông Đặng Phan Tiến Dũng cho biết: Việc áp giá bồi thường cho ông Thức là căn cứ theo khoản 5 Điều 10 Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND ngày 07/7/2015 của UBND tỉnh Bình Định quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Bình Định, trên cơ sở xác nhận nguồn gốc của UBND phường Bùi Thị Xuân.
Dẫn nguồn Quyết định số 13, nhưng khi PV yêu cầu đọc cụ thể nội dung điều khoản này thì ông Dũng lại trích dẫn quy định tại khoản 5, Điều 10 Quyết định số 50/2012/QĐ-UBND ngày 20/12/2012 của UBND tỉnh (đã hết hiệu lực – PV): “Đối với thửa đất có nhà ở hình thành trước ngày 01/7/2004 nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 Luật Đất đai, không vi phạm khoản 4, Điều 14 Nghị định số 84/2007/NĐ-CP và được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận là đất sử dụng ổn định, không có tranh chấp thì được bồi thường, hỗ trợ theo giá đất ở đối với phần diện tích đất thực tế đang sử dụng bị thu hồi nhưng không vượt quá hạn mức giao đất ở…”.
Từ căn cứ đó, ông Dũng cho rằng việc bồi thường theo giá đất ở cho gia đình ông Thức 121,9m2 là đúng quy định vì không vượt quá hạn mức giao đất ở (hạn mức giao đất ở theo quy định tại Quyết định 37/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định đối với phường Bùi Thị Xuân là không quá 140m2 - PV).
Vì sao ông Dũng - một lãnh đạo chủ chốt của cơ quan thực hiện áp giá bồi thường của thành phố lại có sự nhầm lẫn giữa hai chính sách bồi thường, hỗ trợ của UBND tỉnh Bình Định ban hành vào 2 thời điểm khác nhau?
Có hay không sự cố ý hay vô tình, chúng tôi không bình luận nhưng có thể thấy nếu vận dụng theo Quyết định số 50 thì việc bồi thường 121,9m2 đất ở cho gia đình ông Thức có thể dễ dàng chấp nhận theo kiểu “lập lờ đánh lận con đen”, như cách lý giải của ông Dũng nêu trên.
Tại buổi làm việc, ông Đặng Phan Tiến Dũng (trái) đã lập luận rất “khó hiểu” về việc áp giá bồi thường 121,9m2 đất ở cho hộ ông Trần Xuân Thức.
Ngược lại nếu vận dụng theo điểm a, khoản 7 Điều 12 Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND (văn bản đang có hiệu lực áp dụng), Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn luật sư tỉnh Bình Định) cho rằng, việc áp giá bồi thường 121,9m2 đất ở cho gia đình ông Thức là trái pháp luật.
Bởi nội dung của điều khoản này quy định: “Đất có nhà ở hình thành từ ngày 15/10/1993 đến trước ngày 01/7/2004 nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định… tại thời điểm bắt đầu sử dụng đất không có một trong các hành vi vi phạm… và được UBND cấp xã xác nhận là đất sử dụng ổn định, không có tranh chấp thì được bồi thường như sau:Trường hợp diện tích đất đã xây dựng nhà ở bằng hoặc nhỏ hơn hạn mức giao đất ở thì được bồi thường theo giá đất ở đối với phần diện tích đất thực tế đang sử dụng bị thu hồi và phải trừ đi 50% tiền sử dụng đất theo quy định”.
Mặc dù vậy, nếu đọc kỹ thì quy định tại 02 điều khoản của 2 Quyết định được ban hành tại 2 thời điểm khác nhau, có thể thấy bản chất không thay đổi, vì đều nhấn mạnh: “Việc bồi thường theo giá đất ở chỉ áp dụng đối với phần diện tích đang sử dụng thực tế”. Có nghĩa là trên thửa đất đó phải có công trình hiện hữu đang sử dụng thực tế tại thời điểm kiểm kê, hay nói cách khác người sử dụng đất phải ở ổn định, thì mới đáp ứng điều kiện để bồi thường theo giá đất ở.
Thế nhưng, nhìn từ hiện trạng cho thấy không có sự sống tồn tại trên thửa đất số 24C, tờ bản đồ số 42 tại thời điểm kiểm kê. Trả lời PV, ông Huỳnh Tấn Lâm - Khu vực trưởng khu vực 7 cũng xác thực vợ chồng ông Thức không sống tại thửa đất này từ rất lâu. Vậy lấy ở đâu ra có 121,9m2 để bồi thường đất ở?
Trước câu hỏi bất ngờ của PV, ông Đặng Phan Tiến Dũng và ông Lê Lưu Thanh Tùng lập tức “đẩy” trách nhiệm cho UBND phường: “Vợ chồng ông Thức – bà Nga có sử dụng thực tế hay bỏ hoang là do UBND phường Bùi Thị Xuân xác nhận. Trung tâm và Tổ công tác căn cứ vào xác nhận của UBND phường để thực hiện việc áp giá bồi thường, hỗ trợ theo quy định pháp luật”.
Tuy nhiên, nếu theo căn cứ xác nhận của UBND phường, thì trong quá trình thực hiện kiểm đếm đo đạc hiện trạng, cán bộ của Trung tâm và Tổ công tác không thể không phát hiện sự bất hợp lý này hay chăng?
Trả lời vấn đề này, ông Dũng và ông Tùng cho biết: “Tại thời điểm đo đạc, chủ hộ gia đình cũng có mặt, họ cũng khai báo là có ở thực tế. Họ nói như vậy thì chỉ có UBND phường mới kiểm chứng được chứ Tổ công tác có ở địa bàn đâu mà biết”.
Cũng theo ông Dũng, dựa vào xác nhận nguồn gốc của UBND phường Bùi Thị Xuân mà Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Quy Nhơn đã áp giá bồi thường đối với trường hợp của hộ ông Trần Văn Hải theo giá đất nông nghiệp (mặc dù ông Hải đã nhận chuyển nhượng lại đất có móng nhà 19m2 của vợ chồng ông Trần Xuân Thức từ năm 2003 và đang sử dụng thực tế - PV) và áp giá bồi thường theo giá đất ở đối với các trường hợp ông Phạm Văn Tùng, ông Lê Tấn Vĩnh và ông Phạm Văn Thực, mặc dù các hộ này cũng nhận chuyển nhượng lại đất có nguồn gốc của ông Phạm Khâm và cũng không có một loại giấy tờ gì pháp lý để chứng minh có nhà ở hình thành trước 01/7/2004.
Đến sự bức xúc của ông Khu vực trưởng!
Trước đó, nhóm PV cùng Luật sư Lê Hoài Sơn (Đoàn luật sư tỉnh Bình Định) đã tiếp xúc với ông Huỳnh Tấn Lâm – Khu vực trưởng khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân, tại nhà riêng. Ông Lâm cho biết, ông làm Khu vực trưởng quá 2 nhiệm kỳ nên ông hiểu khá tường tận “lý lịch” của từng hộ gia đình trên địa bàn mình quản lý.
Tuy nhiên ông lại không được Trung tâm Phát triển quỹ đất thành phố mời tham gia làm thành viên Tổ công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, trong khi trước đó cũng tuyến đường này, phân đoạn phía trên Quốc lộ 1A do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đảm nhiệm thì ông được mời tham gia.
Ông Lâm nhớ lại, chỉ duy nhất có một lần, UBND phường mời ông tham dự để xét nguồn gốc đất nhưng hôm đó ông bận lo đám cưới cho con nên cử ông Đoàn - Khu vực phó đi thay. Do không trực tiếp tham gia nên khi biết được sự thật hộ ông Hải không được bồi thường đất ở, trong khi 4 hộ còn lại thì được bồi thường đất ở, ông Lâm rất bất bình.
“Làm gì có cái chuyện vô lý, vì do mới đăng ký kết hôn nên không có căn cứ để xác nhận nhà ông Hải hình thành trước ngày 01/7/2004. Theo tôi được biết thì thời điểm vợ chồng ông Thức - bà Nga bán nhà cho ông Hải, pháp luật không có quy định phải kết hôn mới được làm nhà. Ngược lại ông Hải có quyền nhận chuyển quyền sử dụng đất và nhà ở bất cứ lúc nào mà không bị hạn chế quyền của công dân”, ông Lâm bức xúc nói.
Căn nhà ông Hải nhận chuyển nhượng lại một phần nền nhà của vợ chồng ông Thức vào năm 2003 và ở thực sự thì không được Trung tâm bồi thường và cấp đất tái định cư.
Đề cập đến trường hợp được bồi thường đất ở của hộ ông Trần Xuân Thức, ông Lâm lắc đầu và nói: “Họ làm sai quá !”. Theo ông việc UBND phường xác nhận nguồn gốc nhà ở của vợ chồng ông Trần Xuân Thức được hình thành từ năm 1996 là không đúng với thực tế. Chính xác là vào thời điểm đó, vợ chồng ông Thức có làm đơn xin xây dựng nhà ở trên diện tích 36m2 và được UBND phường xác nhận. Thế nhưng họ chỉ làm được móng nhà rồi để đó.
Đến năm 2003, họ viết giấy chuyển nhượng lại cho vợ chồng ông Hải một nửa móng nhà, gắn liền với 72m2 đất màu. Tiếp tục bỏ trống, cho đến năm 2017, khi có quy hoạch nâng cấp tuyến ĐT 639B triển khai, vợ chồng ông Thức mới quay trở lại xây dựng nhà tạm bợ trên móng nhà, mục đích là để hợp thức hóa quyền lợi được hưởng.
Toàn cảnh nhà ông Thức bỏ hoang phế nhưng được Trung tâm áp giá bồi thường 121,9m2 đất ở và được đề nghị cấp 01 lô đất tái định cư.
“Do mới được xây dựng vào năm 2017 nên đến thời điểm này các bức tường nhà ông Thức vẫn còn lộ diện gạch ống và hồ xây còn rất mới. Vậy mà vẫn qua mắt được cơ quan có thẩm quyền, tôi không thể nào lý giải nổi”, ông Lâm nói thẳng.
Cũng tương tự vậy, ông Lâm không thể nào lý giải được việc UBND phường Bùi Thị Xuân đã dựa vào cơ sở nào để xác nhận hộ ông Phạm Văn Tùng, ông Lê Tấn Vĩnh và ông Phạm Văn Thực làm nhà trước ngày 01/7/2004 để được bồi thường đất ở và cấp đất tái định cư, trong khi giấy tờ họ nhận chuyển nhượng lại từ ông Phạm Khâm (được UBND phường xác nhận) đều thể hiện là đất màu.
Trước sự việc trên, dư luận thắc mắc cho rằng có hay không sự khuất tất trong việc xác nhận nguồn gốc đất do UBND phường Bùi Thị Xuân thực hiện và Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Quy Nhơn có “vô can” trách nhiệm?
Luật sư Việt Nam Online sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.
Theo Luật sư Lê Hoài Sơn: “Đối chiếu với hiện trạng nhà của ông Trần Xuân Thức, nếu bồi thường “ép” thì cũng chỉ có 19,2m2 theo giá đất ở, diện tích còn lại bồi thường theo giá đất nông nghiệp thì mới đúng tinh thần của Quyết định số 13/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bình Định. Do đó, việc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Quy Nhơn áp giá bồi thường cho gia đình ông Thức 121,9m2 là trái quy định pháp luật”.
Sáu Nguyễn - Huấn Cao