Ảnh minh họa.
1. Khái niệm, đặc điểm án treo
1.1. Khái niệm án treo
Án treo là một chế định hình sự ra đời từ khá sớm, quy định về chế định án treo của mỗi quốc gia là khác nhau nhưng nhìn chung, hệ thống án treo trong pháp luật hình sự các nước vẫn là một biện pháp khoan hồng, nhân đạo trong quá trình xử lý tội phạm. Quy định về án treo trong pháp luật hình sự của nhiều nước đều có điểm chung về các nội dung liên quan đến việc cho bị cáo được hưởng án treo, điều kiện hoãn hoặc miễn chấp hành hình phạt, điều kiện thử thách,…
Chế định án treo từ khi mới ra đời trong luật hình sự nước ta cho đến thời điểm được chính thức quy định tại Điều 44, Bộ luật Hình sự năm 1985 là bước tiến dài và đã có những quan điểm, quan niệm rất khác nhau, đôi lúc án treo theo quy định của luật hình sự được hiểu là một biện pháp “tạm đình chỉ việc thi hành án” (tại Điều 10, Sắc lệnh số 21/SL ngày 14/02/1946) hoặc là một biện pháp hoãn hình phạt có điều kiện cũng có khi: Án treo được hiểu là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện (theo Nghị quyết số 01/1990/NQ-HĐTP TANDTC). Mặc dù, có nhiều quan niệm khác nhau nhưng án treo chưa bao giờ được coi là hình phạt trong hệ thống hình phạt ở nước ta. Trong pháp luật hình sự Việt Nam chế định án treo được quy định cụ thể lần đầu tiên trong Bộ luật Hình sự năm 1985, tiếp đó là Bộ luật Hình sự năm 1999 và nay là Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo tác giả Đinh Văn Quế và theo giáo trình luật hình sự Việt Nam phần chung của Học viện Khoa học xã hội xuất bản năm 2014 thì: “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được áp dụng đối với người bị phạt không quá ba năm tù, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù”.
Theo quan điểm của GS. TSKH Lê Văn Cảm: “Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù kèm theo một thời gian thử thách nhất định đối với người bị coi là có lỗi trong việc thực hiện tội phạm khi có đủ căn cứ và những điều kiện do pháp luật hình sự quy định”.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 65, Bộ luật Hình sự năm 2015: “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho người phạm tội được hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật Thi hành án hình sự”.
Hiện nay, để áp dụng thống nhất chế định án treo, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP TANDTC ngày 15/5/2018 hướng dẫn cụ thể, chi tiết về áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự liên quan đến án treo. Theo đó, ngoài điều kiện đầu tiên là người phạm tội bị xử phạt tù không quá 03 năm thì người được hưởng án treo phải có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự (TNHS). Nhiều tình tiết giảm nhẹ TNHS theo quy định của Bộ luật Hình sự được hướng dẫn là phải có từ 02 tình tiết giảm nhẹ TNHS trở lên và không có tình tiết tăng nặng TNHS, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1, Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Trường hợp người phạm tội vừa có tình tiết giảm nhẹ TNHS vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ TNHS phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ 02 tình tiết trở lên trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại khoản 1, Điều 51 của Bộ luật Hình sự năm 2015. Ngoài ra, người phạm tội phải có nhân thân tốt, có nơi cư trú (thường trú hoặc tạm trú) rõ ràng để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục thì mới có thể được Tòa án xem xét áp dụng án treo.
Trên cơ sở các quan điểm trên, tác giả cũng đưa ra quan điểm về chế định án treo: Án treo là một chế định pháp lý hình sự đặc biệt, được gọi là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, do HĐXX nhân danh Nhà nước quyết định trên cơ sở căn cứ vào mức hình phạt tù đã tuyên đối với người phạm tội không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì HĐXX cho người đó được hưởng án treo.
1.2. Đặc điểm của án treo
Từ khái niệm chung về án treo, đồng thời căn cứ vào Nghị định 02/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 của Chính Phủ hướng dẫn thi hành hình phạt tù cho hưởng án treo và Điều 65, Bộ luật Hình sự và thực tiễn áp dụng các quy phạm này, có thể rút ra nhận xét về đặc điểm của án treo như sau:
Thứ nhất, án treo không phải là hình phạt mà là một biện pháp miễn chấp hành phạt tù có điều kiện. Án treo là một biện pháp giáo dục trong trường hợp không cần cách ly người phạm tội ra khỏi cộng đồng khi bị xử phạt tù tương đối nhẹ. Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định bảy hình phạt chính, trong đó có hình phạt tù nên không thể coi án treo là hình phạt. Thực tế, có trường hợp bị cáo bị tuyên phạt tù ở cấp sơ thẩm, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và cho hưởng án treo. Cần xác định và giải thích rõ nội dung kháng cáo là xin giảm hình phạt hoặc cho hưởng án treo hoặc cả xin giảm hình phạt và cho hưởng án treo vì án treo chỉ là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù khi người phạm tội đó có đủ các điều kiện được hưởng án treo theo quy định của pháp luật hình sự hiện hành.
Thứ hai, án treo là biện pháp miễn chấp hành án phạt tù có điều kiện. Vì vậy, người được hưởng án treo là người phạm tội phải chịu hình phạt tù có thời hạn nhưng được miễn chấp hành hình phạt tù tại trại giam. Để được hưởng án treo người bị kết án phải đáp ứng đủ căn cứ và điều kiện do luật định. Cụ thể, chỉ khi nào người bị kết án có đủ căn cứ và những điều kiện do pháp luật hình sự quy định thì người đó mới được cho hưởng án treo hay nói cách khác là cho hưởng biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện này.
Thứ ba, Toà án quyết định án treo nhất thiết phải kèm theo thời gian thử thách nhất định. Cụ thể, thời gian thử thách sẽ đươc tính bằng hai lần mức hình phạt tù nhưng thời gian này không được dưới 1 năm và không được quá 05 năm.
Thứ tư, trong suốt thời gian thử thách, người chấp hành án treo phải được giám sát, giáo dục. Khi cho người phạm tội hưởng án treo, bản án phải quy định việc giao bị cáo cho cơ quan, tổ chức giám sát, giáo dục trong suốt thời gian thử thách. Trong thời gian thử thách, người bị kết án phải chịu sự giám sát, giáo dục của cơ quan, tổ chức được Tòa án giao trách nhiệm giám sát, giáo dục (thường là Ủy ban nhân dân nơi bị cáo cư trú). Trong thời gian thử thách này, người phạm tội sẽ phải chấp hành một số nghĩa vụ nhất định do pháp luật quy định. Người bị kết án phải chịu TNHS do phạm tội mới trong thời gian thử thách, cụ thể là hình phạt tù của bản án treo này sẽ được chuyển thành hình phạt tù và cộng với hình phạt của bản án mới.
Ngoài ra, trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên theo quy định của Luật Thi hành án hình sự, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo.
2. Quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 về án treo
2.1. Quy định về điều kiện áp dụng án treo
Theo quy định tại Điều 65, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ TNHS, nếu xét thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt tù, thì Tòa án có thể xem xét cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm đồng thời phải thực hiện các nghĩa vụ của họ trong thời gian thử thách theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự. Đồng thời, theo Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật Hình sự về án treo thì căn cứ vào những điều kiện sau để Tòa án quyết định cho hay không cho bị cáo được hưởng án treo. Các điều kiện để được hưởng án treo bao gồm các điều kiện:
Thứ nhất, căn cứ đầu tiên là mức hình phạt tù. Tòa án căn cứ vào mức hình phạt tù đối với người phạm tội về thực chất là căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng giảm nhẹ TNHS để xem xét có áp dụng cho người bị kết án tù có được hưởng án treo hay không. Theo quy định tại Điều 65, Bộ luật Hình sự, người bị áp dụng hình phạt tù không quá 03 năm thì có thể được xem xét cho hưởng án treo; trường hợp người dưới 18 tuổi bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt không quá 03 năm tù thì cũng có thể được hưởng án treo. Đây được coi là điều kiện tiên quyết làm cơ sở để đánh giá các điều kiện tiếp theo. Khi người phạm tội không thỏa mãn điều kiện này thì Tòa án không cần đánh giá các điều kiện tiếp theo để xem xét cho hưởng án treo.
Ngoài ra, tại Điều 3, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP đã bổ sung 06 trường hợp không được hưởng án treo, cụ thể là: Người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng; người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã;…
Thứ hai, căn cứ vào nhân thân người phạm tội, để được hưởng án treo là người phạm tội phải có nhân thân tốt. Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của HĐTP TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65, Bộ luật Hình sự năm 2015 về án treo quy định: “Được coi là có nhân thân tốt nếu ngoài lần phạm tội này, người phạm tội luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc. Đối với người đã bị kết án nhưng thuộc trường hợp được coi là không có án tích, người bị kết án nhưng đã được xóa án tích, người đã bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị xử lý kỷ luật mà thời gian được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, chưa bị xử lý kỷ luật tính đến ngày phạm tội lần này đã quá 06 tháng, nếu xét thấy tính chất, mức độ của tội phạm mới được thực hiện thuộc trường hợp ít nghiêm trọng hoặc người phạm tội là đồng phạm có vai trò không đáng kể trong vụ án và có đủ các điều kiện khác thì cũng có thể cho hưởng án treo”.
Thứ ba, căn cứ vào các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của HĐTP TAND Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65, Bộ luật Hình sự về án treo hướng dẫn về điều kiện này, cụ thể: có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1, Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
Quy định tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP đã thể hiện được sự khoan hồng của pháp luật đối với người phạm tội nếu có tình tiết tăng nặng thì số tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn từ 02 tình tiết và chỉ cần có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ TNHS theo khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự hiện hành. Quy định này vừa bảo đảm tính khoa học, vừa bảo đảm sự công bằng khi quyết định lượng hình của Tòa án.
Thứ tư, căn cứ vào nơi cư trú, nơi làm việc của người bị kết án. Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của HĐTP-TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo hướng dẫn về điều kiện này, cụ thể: Nơi cư trú rõ ràng là nơi tạm trú hoặc thường trú có địa chỉ được xác định cụ thể theo quy định của Luật Cư trú mà người được hưởng án treo về cư trú, sinh sống thường xuyên sau khi được hưởng án treo. Nơi làm việc ổn định là nơi người phạm tội làm việc có thời hạn từ 01 năm trở lên theo hợp đồng lao động hoặc theo quyết định của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Thứ năm, căn cứ vào việc người bị kết án có thuộc trường hợp không cho hưởng án treo hay không. Tại Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP của HĐTP-TANDTC hướng dẫn áp dụng quy định cụ thể 06 trường hợp không cho người phạm tội được hưởng án treo.
Một là, người phạm tội là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, có tính chất chuyên nghiệp, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Hai là, người thực hiện hành vi phạm tội bỏ trốn và đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng đề nghị truy nã.
Ba là, người được hưởng án treo phạm tội mới trong thời gian thử thách; người đang được hưởng án treo bị xét xử về một tội phạm khác thực hiện trước khi được hưởng án treo.
Bốn là, người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
Năm là, người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi.
Sáu là, người phạm tội thuộc trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm.
2.2. Quy định về thời gian thử thách của án treo
Theo quy định tại khoản 1, Điều 65, Bộ luật Hình sự 2015 thì: “Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ TNHS, nếu xét thấy không cần thiết phải bắt họ chấp hành hình phạt tù, thì Hội đồng xét xử có thể cho người phạm tội hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách đối với họ là từ một năm đến năm năm”. Nhằm khắc phục hạn chế nêu trên, theo hướng dẫn tại Điều 4, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP hướng dẫn: “Khi cho người phạm tội hưởng án treo, Tòa án phải ấn định thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới 01 năm và không được quá 05 năm”. Đây là quy định được kế thừa từ Nghị quyết số 01/2013/NQ-HĐT ngày 06/11/2013 của HĐTP TAND Tối cao. Ngoài ra, đối với trường hợp người bị xử phạt tù không bị tạm giam hay đã bị tạm giam thời gian thử thách luôn bằng 02 lần mức hình phạt tù phải chấp hành không được trừ đi thời gian đã bị tạm giam.
Việc áp dụng chế định án treo có ý nghĩa pháp lý và ý nghĩa nhân văn của pháp luật khi HĐXX tuyên thời gian thử thách hợp lý. Việc áp dụng thời gian thử thách đây được xem là khoảng thời gian nhất định đủ để thử thách đối với người bị án treo để bản thân họ có thể tự lao động cải tạo để hoàn lương, nếu trong thời gian này họ không phạm tội mới và chấp hành đầy đủ các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật thì có thể tin tưởng rằng họ là con người không còn nguy hiểm cho xã hội, ít có nguy cơ tái phạm tội.
Ngoài ra, trong trường hợp người phạm tội phạm tội mới trong thời gian thử thách thì người phạm tội buộc phải chấp hành hình phạt của bản án trước đó và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56, Bộ luật Hình sự.
2.3. Quy định về áp dụng hình phạt bổ sung đối với người được hưởng án treo
Theo quy định tại khoản 3, Điều 65, Bộ luật Hình sự 2015 thì Tòa án có thể quyết định áp dụng đối với người được hưởng án treo hình phạt bổ sung nếu trong điều luật áp dụng có quy định hình phạt này. Người được hưởng án treo có thể phải chịu hình phạt bổ sung đi kèm là phạt tiền, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định tại Điều 35 và Điều 41 của Bộ luật Hình sự 2015.
Có thể thấy việc áp dụng hình phạt bổ sung đối với người bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo là cần thiết. Hình phạt bổ sung là biện pháp cưỡng chế được Nhà nước sử dụng nhằm thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, răn đe tội phạm, góp phần phòng ngừa tội phạm. Như vậy, đối với một người đã được pháp luật đối xử khoan hồng, không phải chấp hành hình phạt tù mà cho hưởng án treo o thì việc áp dụng hình phạt bổ sung với người này là cần thiết và đi đúng chính sách xử lý người phạm tội.
2.4. Quy định về giao người bị án treo cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân giám sát và giáo dục
Theo quy định tại khoản 2, Điều 65, Bộ luật Hình sự năm 2015 thì trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
Nghị quyết Số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15 tháng 05 năm 2018 của HĐTP TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật Hình sự về án treo cụ thể hóa như sau:
a) Khi cho người phạm tội được hưởng án treo, Tòa án phải ghi rõ trong phần Quyết định của bản án việc giao người được hưởng án treo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách;
b) Khi giao người được hưởng án treo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách, Tòa án phải ghi rõ trong phần quyết định của bản án tên Ủy ban nhân dân cấp xã; tên huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; tên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; đồng thời, ghi rõ trong trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự;
c) Khi giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách, Tòa án phải ghi rõ trong phần quyết định của bản án tên và địa chỉ đầy đủ của cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo; đồng thời, ghi rõ trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi làm việc thì thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.
Trường hợp cơ quan, tổ chức được giao giám sát, giáo dục người được hưởng án treo thuộc lực lượng quân đội nhân dân thì trong phần quyết định của bản án phải ghi tên của đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục.
3. Một số bất cập về chế định án treo và kiến nghị hoàn thiện
Thứ nhất, về trường hợp không cho hưởng án treo
Theo quy định tại khoản 5, Điều 3, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP quy định thì “Người phạm tội nhiều lần, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi” sẽ không được hưởng án treo. Theo Bộ luật Hình sự năm 1999, tình tiết “phạm tội nhiều lần” được xác định là một trong những tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự (TNHS) quy định tại điểm g khoản 1, Điều 48, Bộ luật Hình sự (Phần chung) và là tình tiết định khung tăng nặng của 48 điều luật thuộc các chương khác nhau trong phần các tội phạm cụ thể (khi không là tình tiết tăng nặng TNHS – khoản 2, Điều 48). Bộ luật Hình sự năm 2015 không có quy định tình tiết “phạm tội nhiều lần” mà chỉ quy định “phạm tội 02 lần trở lên” và được xác định là một trong những tình tiết tăng nặng TNHS quy định tại điểm g, khoản 1, Điều 52, Bộ luật Hình sự.
Do đó, trong quá trình áp dụng nảy sinh những vướng mắc và nhận thức khác nhau về việc áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên”, đây đang là vấn đề cần thiết phải được hướng dẫn cụ thể để thống nhất ngay về mặt nhận thức để đảm áp dụng pháp luật được chính xác, theo đúng quy định của pháp luật.
Kiến nghị: Bổ sung văn bản chính thức hướng dẫn cụ thể về việc áp dụng tình tiết “phạm tội 02 lần trở lên” trong từng điều luật của Bộ luật Hình sự năm 2015.
Thứ hai, về thời điểm tính thời gian thử thách
Theo quy định tại khoản 3, Điều 5, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP quy định về xác định thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách như sau: “Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm”.
Đối với giai đoạn xét xử phúc thẩm, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, đánh giá chứng cứ, bản chất vụ án Tòa án cấp phúc thẩm quyết định sửa bản án sơ thẩm và áp dụng hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo đối với vụ án. Đối với trường hợp này, thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm.
Vấn đề đặt ra Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm do có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội đồng nghĩa với việc trường hợp này Tòa án cấp sơ thẩm đã có thiếu sót trong quá trình xét xử vụ án dẫn đến không cho bị cáo được hưởng án treo mà đáng lẽ ra bị cáo đủ điều kiện hưởng án treo. Việc không cho hưởng án treo xuất phát từ sai sót tại cấp sơ thẩm tuy nhiên khi Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm. Đây liệu có đảm bảo công bằng quyền lợi cho bị cáo hay không? Cấp sơ thẩm đã sai sót nên không áp dụng hưởng án treo cho bị cáo tuy nhiên hậu quả lại bị cáo phải chịu, gây bất lợi cho bị cáo.
Từ bất cập trên nên có sự điều chỉnh quy định tại khoản 3, Điều 5, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP theo 02 trường hợp cụ thể để đảm bảo công bằng cho người phạm tội.
Kiến nghị: Sửa đổi quy định tại khoản 3, Điều 5, Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP như sau:
- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo vì có căn cứ xác định bản án sơ thẩm đã tuyên không đúng với tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi phạm tội và nhân thân bị cáo thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án sơ thẩm;
- Trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm không cho hưởng án treo, Tòa án cấp phúc thẩm cho hưởng án treo vì xuất hiện tình tiết mới thì thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án phúc thẩm;
- Áp dụng án treo dành riêng cho người dưới 18 tuổi.
Hiện nay, không có quy định riêng về việc áp dụng án treo cho người dưới 18 tuổi. Việc không có quy định riêng về việc áp dụng án treo cho người dưới 18 tuổi trong quá trình áp dụng theo những điều kiện trên sẽ là rất khó khăn trong việc áp dụng án treo dành cho nhóm đối tượng này.
Việc xử lý người dưới 18 tuổi phạm tội phải bảo đảm lợi ích tốt nhất của người dưới 18 tuổi và chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Tuy nhiên, hiện nay điều kiện áp dụng án treo hiện nay không phân biệt đối tượng áp dụng là ai. Do vậy, nếu chỉ xét riêng cho người dưới 18 tuổi thì có những điều kiện không thực sự phù hợp, gây ảnh hưởng đến việc xem xét án treo cho đối tượng này đồng thời ảnh hưởng đến mục đích của hình phạt khi đây là đối tượng dễ giáo dục, dễ cải tạo nhưng pháp luật lại không rõ ràng, buộc họ phải chấp hành án phạt tù tại trại giam. Điều đó có thể sẽ gây tiêu cực đến việc hình thành nhân cách cũng như sự giáo dục, cải tạo người bị kết án phạt tù.
Kiến nghị: Cần hướng dẫn các điều kiện áp dụng án treo dành cho người dưới 18 tuổi có thể chỉ cần các điều kiện sau:
“1. Bị xử phạt tù không quá 03 năm.
2. Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên (không phân biệt giữa tình tiết tại khoản 1 hay khoản 2, Điều 51).
…
4, Có nơi cư trú rõ ràng hoặc đang học tại tại các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề thuận lợi cho việc giám sát, giáo dục.
5. Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.
Theo quan điểm tác giả, nên loại bỏ điều kiện “có nhân thân tốt”, vì xét thấy việc đánh giá nhân thân của người dưới 18 tuổi là không phù hợp đánh giá ở độ tuổi này. Xét thấy đối tượng người dưới 18 tuổi là đối tượng chủ yếu nhằm mục đích giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh, trở thành công dân có ích cho xã hội. Việc đánh giá này là quá khắt khe đối với người dưới 18 tuổi.
Ngoài ra, chỉ cần có đủ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự không phân biệt có hay không tình tiết khoản 1, Điều 51, Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, cần thay thế cụm từ “đang có công việc ổn định” bằng “đang học tại các cơ sở giáo dục, đào tạo nghề” cho phù hợp với người dưới 18 tuổi.
Thứ tư, sửa đổi các cụm từ mang tính chất tùy nghi, không rõ ràng.
Trong khoản 1, Điều 65, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân người phạm tội và các tinh tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ổn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm”. Việc quy định “nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù...” thì vẫn dẫn đến việc có nhiều cách hiểu trong quá trình áp dụng pháp luật. Quy định trên tạo sự chủ quan, tùy nghi trong việc quyết định của HĐXX cho bị cáo được hưởng án treo hay không.
Kiến nghị: Nên sửa đổi lại để điều luật rõ ràng và rành mạch hơn bằng cách đưa ra những lý do, điều kiện cụ thể, chính đáng được hưởng khoan hồng.
Tài liệu tham khảo: 1. Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017); |
NGUYỄN PHI HÙNG
Tòa Quân sự Quân khu 4
Quản lý Nhà nước về thi hành án dân sự: Thực trạng và giải pháp