/ Phân tích - Nghiên cứu
/ Bàn về chế định thỏa thuận trọng tài dưới góc nhìn khoa học pháp lý

Bàn về chế định thỏa thuận trọng tài dưới góc nhìn khoa học pháp lý

21/10/2024 16:10 |

(LSVN) - Bài viết này tập trung bàn về thỏa thuận trọng tài thương mại, trong đó đi sâu phân tích các quy định về các hình thức thỏa thuận trọng tài thương mại, quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp và thỏa thuận trọng tài thương mại bị vô hiệu theo pháp luật hiện hành ở nước ta, từ đó đưa ra một số kiến nghị hoàn thiện.

1. Đặt vấn đề

Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định Luật Trọng tài thương mại hiện hành. Trong đó, trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định Luật Trọng tài thương mại 2010 và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó. Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định Luật Trọng tài thương mại và trình tự, thủ tục do các bên thoả thuận. Đặc điểm cơ bản của giải quyết tranh chấp này đó là tính thỏa thuận trọng tài của các bên có tranh chấp và phán quyết cuối cùng của trọng tài là phán quyết chung thẩm. Trong quy định hiện hành của việc giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài thương mại thống nhất các hình thức thỏa thuận cũng như quyền lựa chọn giải quyết tranh chấp làm cơ sở cho các bên thể hiện rõ quyền và nghĩa vụ của mình. Đồng thời đây cũng là nguyên tắc cơ bản trong việc lựa chọn hình thức trọng tài và xác định những trường hợp cụ thể của thỏa thuận trọng tài thương mại bị vô hiệu để áp dụng chung thống nhất trong thực tiễn thi hành pháp luật trọng tài thương mại trong nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ. 

2. Các hình thức thỏa thuận trọng tài

Tại điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010 có đưa ra các hình thức thỏa thuận trọng tài như sau: “1. Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng; 2. Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Các hình thức thỏa thuận sau đây cũng được coi là xác lập dưới dạng văn bản: a) Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật; b) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên; c) Thỏa thuận được Luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên; d) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác; đ) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận”.

Như vậy, Luật Trọng tài thương mại hiện hành của Việt Nam thống nhất tính linh hoạt trong việc xác định hình thức thỏa thuận trọng tài.

Thứ nhất, thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng

Các nhà làm luật sử dụng cụm từ “có thể” mang tính tự nguyện lựa chọn xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng đều được thừa nhận là hợp lý trong thỏa thuận trọng tài để giải quyết những tranh chấp trong kinh doanh thương mại sẽ hoặc đã hoặc đang xẩy ra trong thực tiễn. Đây là quy định rất khoa học và phù hợp với thực tiễn thỏa thuận trọng tài để giải quyết tranh chấp của các chủ thể kinh doanh thương mại trong nền kinh tế thị trường ở nước ta. Mặt khác, xét về thỏa thuận trọng tài, trong quy định này các nhà làm luật không quy định nội dung chi tiết về thỏa thuận trọng tài ở cả 2 hình thức thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. So sánh với quy định của nước ta với các nước trên thế giới đều có điểm chung về nội dung thỏa thuận trọng tài trong các hình thức thỏa thuận phân tích trên đây. Nghĩa là, hầu hết luật các nước đều chỉ đơn thuần quy định điều khoản trọng tài phải thể hiện thỏa thuận đưa tranh chấp ra trọng tài.

Ví dụ như Điều 7 của Luật Mẫu; Điều 6 Luật Trọng tài của Anh 1996; Điều 1442 Luật Trọng tài của Pháp; Điều 1029 Luật Trọng tài của Đức [1], thỏa thuận này có thể được lập trước hoặc sau khi tranh chấp phát sinh. Ngoài ra, luật pháp các nước không quy định chi tiết nội dung cụ thể của thỏa thuận trọng tài. Điều đó để các bên tự quyết định, miễn là phải thỏa mãn yêu cầu là một “thỏa thuận” theo luật pháp về hợp đồng của nước có liên quan và phù hợp với yêu cầu của pháp luật nước đó. Từ đó cho thấy, việc hướng dẫn quy định chi tiết nội dung cụ thể trong thỏa thuận trọng tài ở nước ta là hết sức cần thiết. Thực tiễn pháp lý cho thấy, Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại 2020 chưa đáp ứng được tính thống nhất chung nội dung thỏa thuận phải đáp ứng yêu cầu thống nhất “thỏa thuận” của chế định hợp đồng dân sự hay là phải tuân thủ riêng bởi một sự hướng dẫn nào khác của cơ quan có thẩm quyền như thông tư của Bộ trưởng để áp dụng chung thống nhất về việc nội dung trong bản thỏa thuận trọng tài. Cho nên, thực tiễn thời gian qua rất khó khăn và gặp nhiều bất cập trong thực tiễn khi áp dụng hình thức lựa chọn trong tài điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng. Cần bổ sung nội dung này vào Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại để hoàn thiện hơn về mặt pháp lý phù hợp với nền kinh tế thị trường nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Thứ hai, thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản

Một là, thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản

Đây là một quy phạm bắt buộc phải áp dụng trong thực tiễn mặc dù thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng đi chăng nữa thì các bên trong giải quyết tranh chấp không dược làm khác quy định này. Quy định này các nhà làm luật đã nghiên cứu đối chiếu, học tập kinh nghiệm xây dựng quy định luật của một số nước trên thế giới về hình thức thỏa thuận trọng tài bằng văn bản. Phần lớn Luật Trọng tài của các nước thường quy định một thỏa thuận trọng tài phải được làm thành văn bản. Ví dụ như, tại Điều 89 Luật Trọng tài của Anh 1996, Điều 1031 Luật Trọng tài của Đức cũng có quy định thỏa thuận trọng tài với người tiêu dùng phải được làm thành văn bản thỏa thuận trọng tài có thể được thể hiện dưới hình thức văn bản. Xét về phương diện thực tiễn thì quy định này hoàn toàn phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế thế giới với sự tham gia vào thị trường nhiều thành phần kinh tế theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Hai là, xác định các hình thức thỏa thuận khác được coi là xác lập dưới dạng văn bản

Trong Luật Trọng tài thương mại hiện hành không có khái niệm chung xác định hiểu rõ khái niệm thỏa thuận trọng tài bằng hình thức là văn bản mà chỉ được liệt kê 5 hình thức thỏa thuận được coi là xác lập dưới dạng văn bản.

i) Thoả thuận được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật; ii) Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên; iii) Thỏa thuận được Luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên; iv) Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác; v) Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận.

Pháp luật của một số nước như Anh, Đức và Pháp cũng thống nhất thỏa thuận trọng tài phải lập thành văn bản, ngoài ra thỏa thuận có thể là một quy định sẵn trong hợp đồng, hoặc một thỏa thuận riêng biệt ngoài hợp đồng chính hoặc là tài liệu, telex, thư điện tử. Trong quy định này cho phép thỏa thuận trọng tài ở nước ta có thể có hình thức khác như được xác lập qua trao đổi giữa các bên bằng telegram, fax, telex, thư điện tử và các hình thức khác theo quy định của pháp luật. Thỏa thuận được xác lập thông qua trao đổi thông tin bằng văn bản giữa các bên. Thỏa thuận được Luật sư, công chứng viên hoặc tổ chức có thẩm quyền ghi chép lại bằng văn bản theo yêu cầu của các bên. Trong giao dịch các bên có dẫn chiếu đến một văn bản có thể hiện thỏa thuận trọng tài như hợp đồng, chứng từ, điều lệ công ty và những tài liệu tương tự khác. Qua trao đổi về đơn kiện và bản tự bảo vệ mà trong đó thể hiện sự tồn tại của thoả thuận do một bên đưa ra và bên kia không phủ nhận. Tức là các hình thức thỏa thuận đó đều được áp dụng hợp lệ trong thực tiễn, bởi vì đó là những thỏa thuận dưới dạng là văn bản.

Tại Điều 17 Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định về quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng: “Đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận”. Trong quy định hiện hành của nước ta giống với quy định của một số nước trên thế giới là có quy định cụ thể về hình thức thỏa thuận trọng tài ký kết với người tiêu dùng. Ví dụ, Luật mẫu của Anh quy định thỏa thuận trọng tài ký kết với người tiêu dùng phải phù hợp với quy định về pháp luật bảo về người tiêu dùng. Điều 1031 Luật Trọng tài của Đức cũng có quy định thỏa thuận trọng tài với người tiêu dùng phải được làm thành văn bản riêng.

Khác biệt với các nước trên thế giới đó là các nước chỉ duy nhất người tiêu dùng có quyền thỏa thuận khởi kiện bằng trọng tài thương mại còn ở nước ta chỉ quy định quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng mang tính linh hoạt không ấn định như tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại có thỏa thuận trọng tài. Cụ thể, tại Điều 17 Luật Trọng tài thương mại hiện hành có quy định quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng, như sau: “Đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận”. Nghĩa là người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài. Mặt khác, nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận.

Tuy nhiên, trong quy định này không làm rõ khái niệm “nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ” là ai? Có phải là tổ chức kinh tế có hoạt động kinh doanh thương mại không? Câu hỏi đặt ra là xác định tranh chấp giữa “nhà cung cấp hàng hóa dịch vụ với người tiêu dùng” có phải là đối tượng thuộc khoản 2 điều 3 Luật Trọng tài thương mại 2010 hay không khi mà không thống nhất chung được khái niệm “nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ”? Ngoài ra, trong quy định về quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng cũng chưa thỏa mãn thống nhất chung trong cách hiểu “điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung” là điều khoản trọng tài nào và điều kiện chung là điều kiện gì? Đây là khiếm khuyết của quy định hiện hành liên quan đến thỏa thuận trọng tài của người tiêu dùng.

Như vậy, Luật Trọng tài thương mại của nước ta, trong quy định này không có khái niệm rõ ràng riêng biệt giữa người tiêu dùng với người có sản phẩm hàng hóa, kinh doanh, thương mại phải áp dụng một thỏa thuận trọng tài riêng biệt. Nghĩa là, việc thỏa thuận trọng tài là việc của các bên trong quan hệ kinh doanh thương mại, đồng nghĩa với việc một trong các bên đó cũng có thể là người tiêu dùng và thống nhất chung tại điều 16 Luật Trọng tài thương mại hiện hành là thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản. Như vậy, quy định về chủ thể phải áp dụng thoả thuận trọng tài được xác lập dưới dạng văn bản trong pháp luật của nước ta chưa rõ ràng và thiếu logic khoa học, không áp dụng riêng cho những thỏa thuận trọng tài là người tiêu dùng như pháp luật của một số nước trên thế giới. Mặt khác, việc không quy định một thỏa thuận riêng dành cho người tiêu dùng cùng tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại mà chỉ quy định chung chung ở quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng là chưa phù hợp với thẩm quyền giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010: “Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại”. Bởi vì, quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại nêu trên đây cũng tương thích với khái niệm về người tiêu dùng quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2024: “ Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại”. Thiết nghĩ cần phải hoàn thiện hơn trong quy định này để bảo đảm quyền và lợi ích của các bên có quan hệ kinh doanh thương mại là đối tượng thuộc thẩm quyền giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại là ít nhất một bên có hoạt động thương mại và bên kia là người tiêu dùng không vi mục đích thương mại ở nước ta.

3. Thỏa thuận trọng tài vô hiệu và tính độc lập của thoả thuận trọng tài

Đối với việc xác định thỏa thuận trọng tài vô hiệu, tại Điều 18 Luật Trọng tài thương mại hiện hành có quy định về các trường hợp được xem là thỏa thuận trọng tài giữa các bên có tranh chấp đã thỏa thuận bị vô hiệu trong thực tiễn.

Một là, tranh chấp phát sinh trong các lĩnh vực không thuộc thẩm quyền của Trọng tài quy định tại Điều 2 của Luật Trọng tài thương mại 2010. Nghĩa là nội dung quy định tại khoản 2 là thẩm quyền giải quyết các tranh chấp thương mại là các tranh chấp mà các nhà làm luật chia ra thành 3 nhóm cụ thể mà hai bên có tranh chấp không liên quan đến một trong các tranh chấp sau đây thì được xác định là thỏa thuận trọng tài vô hiệu: i) Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại; ii) Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại; iii) Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài. Tuy nhiên nhóm thứ ba không được hướng dẫn cụ thể trong luật cũng như trong văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại của Chính phủ. Cho nên rất khó khăn để áp dụng chung thống nhất trong cách hiểu tranh chấp khác là tranh chấp gì? Và pháp luật quy định được giải quyết bằng trọng tài thương mại là quy định của pháp luật cụ thể nảo? Câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ trong thực tiễn dẫn tới việc áp dụng quy định này trong thực tiễn chưa có kết quả cao cũng như chưa thể hiện đúng nghĩa hoàn thiện của pháp luật để điều chỉnh thỏa thuận bị vô hiệu với lý do không thuộc lĩnh vực thẩm quyền của thỏa thuận trọng tài thương mại. Dưới góc nhìn của khoa học pháp lý, cần phải bổ sung làm rõ những nội hàm này trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại của Chính lhur để đáp ứng yêu cầu chung của thực tiễn xác định thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu.

Hai là, người xác lập thoả thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật. Nếu thỏa thuận trọng tài tranh chấp của các bên mà người xác lập thỏa thuận đó không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc người đó là Chủ tịch Hội đồng thành viên nhưng trong điều lệ công ty không quy định ông Chủ tịch Hội đồng thành viên được kiêm làm người đại diện theo pháp luật thì cũng được xác định là thỏa thuận đó bị vô hiệu. Quy định này hoàn toàn phù hợp giữa lý luận và thực tiễn, nó chứng minh về việc những tranh chấp trong kinh doanh là tranh chấp trong quá tình điều hành hạt động kinh doanh của các bộ máy quản trị trong doanh nghiệp, gắn liền với quyền đại diện của doanh nghiệp với người các chủ thể khác trong đó có tổ chức giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài thương mại. Vì vậy, thỏa thuận trọng tài thương mại bị vô hiệu khi mà người đại diện của doanh nghiệp trái với quy định của pháp luật xác lập thỏa thuận trọng tài thương mại. Với quy định này, Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành quy định Luật Trọng tài thương mại do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành thì người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật được quy định khỏa 2 Điều 3, cụ thể như sau: "Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật” quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Trọng tài thương mại là người xác lập thỏa thuận trọng tài khi không phải là người đại diện theo pháp luật hoặc không phải là người được ủy quyền hợp pháp hoặc là người được ủy quyền hợp pháp nhưng vượt quá phạm vi được ủy quyền. Về nguyên tắc thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập thì thỏa thuận trọng tài đó vô hiệu. Trường hợp thỏa thuận trọng tài do người không có thẩm quyền xác lập nhưng trong quá trình xác lập, thực hiện thỏa thuận trọng tài hoặc trong tố tụng trọng tài mà người có thẩm quyền xác lập thỏa thuận trọng tài đã chấp nhận hoặc đã biết mà không phản đối thì thỏa thuận trọng tài không vô hiệu.

Ba là, người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự. Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành quy định Luật Trọng tài thương mại do Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ban hành thì người xác lập thỏa thuận trọng tài không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật được quy định khỏa 3 điều 3, cụ thể như sau: Người xác lập thỏa thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự” quy định tại khoản 3 Điều 18 Luật Trọng tài thương mại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp này thì Tòa án cần thu thập chứng cứ để chứng minh người xác lập thoả thuận trọng tài không có năng lực hành vi dân sự thì phải có giấy tờ tài liệu chứng minh ngày tháng năm sinh hoặc kết luận của cơ quan có thẩm quyền hoặc quyết định của Tòa án xác định, tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.

Bốn là, hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 của Luật này. Đây là hình thức của thoả thuận trọng tài không phù hợp với quy định tại Điều 16 Luật Trọng tài thương mại” quy định tại khoản 4 Điều 18 Luật Trọng tài thương mại là trường hợp thỏa thuận trọng tài không được xác lập bằng một trong các hình thức quy định tại Điều 16 Luật Trọng tài thương mại và hướng dẫn tại Điều 7 Nghị quyết này. Điều 7 Nghị quyết 01/2014/NQ-HĐTP có quy định thành 4 khoản riêng biệt cụ thể như sau: "1. Trường hợp có nhiều thỏa thuận trọng tài được xác lập đối với cùng một nội dung tranh chấp thì thỏa thuận trọng tài được xác lập hợp pháp sau cùng theo thời gian có giá trị áp dụng; 2. Trường hợp thỏa thuận trọng tài có nội dung không rõ ràng, có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì áp dụng quy định của Bộ luật dân sự để giải thích; 3. Khi có sự chuyển giao quyền, nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch, hợp đồng mà trong giao dịch, hợp đồng đó các bên có xác lập thỏa thuận trọng tài hợp pháp thì thỏa thuận trọng tài trong giao dịch, hợp đồng vẫn có hiệu lực đối với bên được chuyển giao và bên nhận chuyển giao, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; 4. Việc gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp để giải quyết trong cùng một vụ kiện được thực hiện khi thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Các bên thỏa thuận đồng ý gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp vào giải quyết trong cùng một vụ kiện; b) Quy tắc tố tụng trọng tài cho phép gộp nhiều quan hệ pháp luật tranh chấp vào giải quyết trong cùng một vụ kiện".

Năm là, một trong các bên bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài và có yêu cầu tuyên bố thoả thuận trọng tài đó là vô hiệu. Một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép trong quá trình xác lập thoả thuận trọng tài” quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Trọng tài thương mại là trường hợp một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép theo quy định tại Điều 127 của Bộ luật Dân sự. Bộ luật Dân sự 2015 đã cụ thể hóa việc xác định trường hợp một trong các bên bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép, như sau: 

- Khi một bên tham gia giao dịch dân sự do bị lừa dối hoặc bị đe dọa, cưỡng ép thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu.

- Lừa dối trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc của người thứ ba nhằm làm cho bên kia hiểu sai lệch về chủ thể, tính chất của đối tượng hoặc nội dung của giao dịch dân sự nên đã xác lập giao dịch đó.

- Đe dọa, cưỡng ép trong giao dịch dân sự là hành vi cố ý của một bên hoặc người thứ ba làm cho bên kia buộc phải thực hiện giao dịch dân sự nhằm tránh thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, uy tín, nhân phẩm, tài sản của mình hoặc của người thân thích của mình.

Sáu là, thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật. Thỏa thuận trọng tài vi phạm điều cấm của pháp luật, quy định tại khoản 6 Điều 18 Luật Trọng tài thương mại là thỏa thuận thuộc trường hợp quy định tại Điều 123 của Bộ luật Dân sự hiện hành. Giao dịch dân sự có mục đích, nội dung vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội thì vô hiệu. Điều cấm của luật là những quy định của luật không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định. Đạo đức xã hội là những chuẩn mực ứng xử chung trong đời sống xã hội, được cộng đồng thừa nhận và tôn trọng.

Nhìn nhận dưới góc nhìn khoa học pháp lý, các thỏa thuận trọng tài vô hiệu, tại Điều 18 Luật Trọng tài thương mại hiện hành đã tương thích với quy định của pháp luật dân sự là văn bản gốc điều chỉnh tư cách pháp lý của cá nhân trong một tổ chức kinh tế khi thiết lập thỏa thuận trọng tài để giải quyết các tranh chấp kinh doanh, thương mại trong thực tiện hiện nay ở nước ta.

Đối với quy định tính độc lập của thoả thuận trọng tài, tại Điều 19 có quy định thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hợp đồng. Việc thay đổi, gia hạn, hủy bỏ hợp đồng, hợp đồng vô hiệu hoặc không thể thực hiện được không làm mất hiệu lực của thoả thuận trọng tài. Tuy nhiên trong Luật Trọng tài thương mại hiện hành không có khái niệm để hiểu như thế nào là “tính độc lập của thoả thuận trọng tài”. Cho nên khó áp dụng chung thống nhất trong thực tiễn thi hành Luật Trọng tài thương mại. Quy định tại Điều 19 là một quy phạm pháp luật bắt buộc áp dụng chung trong thực tiễn chứ không phải là một khái niệm về tính độc lập của thỏa thuận trọng tài.

Khái niệm tính độc lập của điều khoản trọng tài của một số hệ thống luật khác trên thế giới đều có định nghĩa hiểu cơ bản là điều khoản trọng tài trong một hợp đồng sẽ được coi là tách biệt so với hợp đồng chính có chứa điều khoản trọng tài đó, và do đó, vẫn tồn tại khi hợp đồng bị chấm dứt. Điều bất hợp lý ở đây là nếu một hành vi vi phạm hợp đồng (hoặc đang trong quá trình tranh chấp giữa các bên về việc vi phạm hợp đồng) hay một khiếu nại cho rằng hợp đồng vô hiệu có thể đồng thời hủy bỏ thỏa thuận trọng tài, bởi vì đây mới là những kh các bên cần đến thỏa thuận trọng tài nhất.

Nội dung quy định tại Điều 19 Luật Trọng tài thương mại 2010 cho thấy thỏa thuận trọng tài được thể hiện dưới hình thức một điều khoản nằm trong hợp đồng chính hay dưới hình thức văn bản riêng đi kèm hợp đồng chính thì thỏa thuận trọng tài thực chất là một hợp đồng nhỏ có nội dung khác biệt và giá trị độc lập với hợp đồng chính. Như vậy, ngay cả khi hợp đồng bị thay đổi, hủy bỏ, hết hiệu lực thì thỏa thuận trọng tài vẫn có giá trị.

Sở dĩ, ngay cả khi thỏa thuận trọng tài là một điều khoản nằm trong hợp đồng chính thì nó vẫn mang tính độc lập với hợp đồng chính vì thỏa thuận trọng tài có đối tượng pháp lý là xác định thủ tục tố tụng sẽ được áp dụng trong trường hợp có phát sinh tranh chấp giữa các bên, hoàn toàn khác so với đối tượng của hợp đồng chính là xác định quyền và nghĩa vụ của các bên trong một quan hệ pháp luật nhất định. Do đó, việc quy định hiệu lực độc lập của thỏa thuận trọng tài là hoàn toàn hợp lý, thể hiện sự tôn trọng ý chí của các bên trong việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng trong trường hợp hợp đồng chính vô hiệu thì việc xác định thỏa thuận trọng tài có vô hiệu hay không còn thụ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến hợp đồng chính bị vô hiệu. Nếu nguyên nhân dẫn đến hợp đồng chính và thỏa thuận trọng tài vô hiệu là giống nhau thì khi đó cả 2 cùng vô hiệu. Ví dụ: Trường hợp thỏa thuận trọng là một điều khoản trong hợp đồng chính do một bên không có hoặc không có đủ thẩm quyền ký kết thì cả hợp đồng chính và thỏa thuận trọng tài sẽ vô hiệu. Để xác định rõ ràng và học học hơn trong quá trình áp dụng quy định này cần thiết phải bổ sung vào Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại của Chính phủ để hoàn thiện hơn khung khổ pháp lý liên quan đến tính độc lập của thỏa thuận trọng tài.

4. Một số kiến nghị hoàn thiện quy định về thỏa thuận trọng tài thương mại

Để phù hợp với khoa học giữa lý luận và thực tiễn áp dung quy định về thức thỏa thuận trọng tài, tác giả kiến nghị một số nội dung như sau:

1. Nhằm mục đích tạo sự thống nhất giảm thiểu những khó khăn và bất cập trong thực tiễn khi áp dụng hình thức lựa chọn trong tài điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.

Kiến nghị phương án một, Quốc hội cần nhanh chóng sửa đổi bổ sung Luật Trọng tài thương mại để hoàn thiện hơn về mặt pháp lý về thỏa thuận trọng tài ở cả 2 hình thức thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng

Kiến nghị phương án hai, trong lúc chờ đợi Quốc hội sửa đổi bổ sung Luật Trọng tài thương mại, Chính phủ cần bổ sung chi tiết nội dung chi tiết về thỏa thuận trọng tài ở cả 2 hình thức thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng vào Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại để điều chỉnh tốt hơn các chủ thể kinh doanh trong nền kinh tế thị trường ở nước ta.

2. Để tương thích với các quy định khác liên quan đến việc thỏa thuận trọng tài bằng nhiều dạng khác nhau điều chỉnh tốt hơn trong thực tiễn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, cần học tập kinh nghiệm của một số nước trên thế giới trong việc quy định thỏa thuận trọng tài riêng cho đối tượng tranh chấp kinh doanh thương mại mà một bên là thương mại và bên kia là người tiêu dùng không vì mục đích thương mại trong Luật Trọng tài thương mại ở nước ta. Trong lúc chờ đợi Quốc hội thực hiện việc sửa đổi bổ sung quy định này trong Luật Trọng tài thương mại, Chính phủ cần nghiên cứu xem xét bổ sung quy định này vào Nghi định hướng dẫn dưới luật thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại để quy định này hoàn thiện hơn trong thực tiễn ở nước ta.

3. Quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng tại Điều 17 Luật Trọng tài thương mại, cần làm rõ các khái niệm sau đây:

- “Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ” có tranh chấp giải quyết bằng hình thức trọng tài thương mại theo hướng đó là Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.

- “Điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung” là điều khoản trọng tài nào và điều kiện chung là điều kiện gì?

Trước mắt, Chính phủ cần bổ sung làm rõ các khái niệm nêu trên đây trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại của Chính phủ để kịp thời điều chỉnh có hiệu quả thỏa thuận trọng tài của người tiêu dùng.

4. Về việc xác định không thuộc thẩm quyền của trọng tài đối với những tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài thì thỏa thuận trọng tài đó sẽ bị vô hiệu. Kiến nghị Chính phủ cần sửa đổi bổ sung giải thích rõ “những tranh chấp khác” là tranh chấp nào? và “mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài” là cụ thể những văn bản pháp luật nào? trong Nghị định hướng dẫn thi hnahf một số điều của Luật Trọng tài thương mại 2020 để khoa học hơn và điều chỉnh có hiệu quả đối với việc xác định thỏa thuận trọng tài bị vô hiệu.

5. Để thuận lợi hơn trong cách hiểu và áp dụng chung thống nhất về tính thống nhất của thỏa thuận trọng tài, tác giả kiến nghị các nội dung cụ thể như sau:

Một là, Quốc hội cần nhanh chóng sửa đổi bổ sung giải thích rõ khái niệm “tính độc lập của thoả thuận trọng tài” trong Luật Trọng tài thương mại 2010. Trước mắt có thể bổ sung làm rõ khái niệm này trong văn bản Nghị định thuộc thẩm quyền của Chính phủ để không còn khó khăn bất cập khi áp dụng quy định tính độc lập của thoả thuận trọng tài trong thực tiễn

Hai là, làm rõ nội hàm trong trường hợp hợp đồng chính vô hiệu thì việc xác định thỏa thuận trọng tài có vô hiệu hay không còn thụ thuộc vào nguyên nhân dẫn đến hợp đồng chính bị vô hiệu. Nếu nguyên nhân dẫn đến hợp đồng chính và thỏa thuận trọng tài vô hiệu là giống nhau thì khi đó cả 2 cùng vô hiệu trong Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Trọng tài thương mại của Chính phủ để làm cơ sở pháp lý áp dụng chung thống nhất từ trung ương đến địa phương.

[1] Pháp luật Việt Nam về trọng tài thương mại, sách chuyên khảo của TS. Đỗ Văn Đại và TS. Trần Hoàng Hải.

 

Tài liệu tham khảo

- Luật Trọng tài thương mại 2010;

- Bộ luật Dân sự năm 2015;

- Nghị Quyết số 01/2014 của Hội đồng thẩm phán hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại;

- Nghị định số 63/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trọng tài thương mại;

- TS. Đỗ Văn Đại và TS. Trần Hoàng Hải, Pháp luật Việt Nam về trọng tài thương mại, Sách chuyên khảo NXB chính trị Quốc gia - Sự thật Năm 2011.

PGS.TS. HỒ XUÂN THẮNG

Khoa Luật, Trường Đại học Công thương thành phố Hồ Chí Minh

LS.NCS. SIN THOẠI KHÁNH

Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh