Ảnh minh họa.
Xác định đương sự trong vụ, việc dân sự
Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự (Bộ luật Tố tụng Dân sự) năm 2015, đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Nguyên đơn
Nguyên đơn trong vụ án dân sự theo quy định tại Điều 68 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm. Cơ quan, tổ chức do Bộ luật Tố tụng Dân sự quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.
Trường hợp nguyên đơn là cá nhân
Theo quy định của pháp luật, cá nhân từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có quyền tự khởi kiện để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình, khi đó họ được xác định là nguyên đơn.
Đối với trường hợp doanh nghiệp tư nhân khởi kiện thì doanh nghiệp tư nhân không phải là nguyên đơn mà cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân được xác định là nguyên đơn.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp mặc dù cho rằng quyền và lợi ích của mình bị người khác xâm hại hoặc làm ảnh hưởng nhưng họ không thể tự khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình mà phải thông qua người đại diện hợp pháp của cá nhân đó. Đó là các trường hợp sau:
- Trường hợp 1: Cá nhân là người chưa đủ 06 tuổi; cá nhân là người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi; cá nhân là người bị mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của họ thực hiện việc khởi kiện tại Tòa án. Tuy nhiên, nguyên đơn phải xác định là: cá nhân là người chưa đủ 06 tuổi; cá nhân là người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi; cá nhân là người bị mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Còn người đại diện hợp pháp hoặc người giám hộ của những người này thực hiện quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn do nguyên đơn không có năng lực hành vi tố tụng dân sự.
- Trường hợp 2: Cá nhân là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Khi đó, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có quyền khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp có liên quan đến hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự để bảo vệ quyền lợi của mình và họ được xác định là nguyên đơn.
Đối với trường hợp cá nhân là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự không phải bằng tài sản riêng của mình thì họ được xác định là nguyên đơn. Còn người đại diện hợp pháp của họ trong trường hợp này thực hiện quyền, nghĩa vụ của nguyên đơn.
- Trường hợp 3: Cơ quan về dân số - gia đình và trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ (gọi chung là các tổ chức đoàn thể) khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình thì nguyên đơn là: người được các tổ chức đoàn thể khởi kiện vụ án để yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó theo quy định; người con được các tổ chức đoàn thể khởi kiện vụ án để yêu cầu Tòa án xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự; cha, mẹ được các tổ chức đoàn thể khởi kiện vụ án để yêu cầu Tòa án xác định con cho cha, mẹ mất năng lực hành vi dân sự.
- Trường hợp 4: Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên. Khi đó, người con chưa thành niên là nguyên đơn.
- Trường hợp 5: Trường hợp công đoàn cấp trên của công đoàn cơ sở khởi kiện vụ án về tranh chấp lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động, thì nguyên đơn là tập thể người lao động có quyền và lợi ích hợp pháp được bảo vệ
- Trường hợp 6: Chấp hành viên khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp về kết quả bán đấu giá tài sản, nếu có căn cứ chứng minh có vi phạm trong quá trình bán đấu giá tài sản.
Trường hợp nguyên đơn là cơ quan, tổ chức
Theo quy định của pháp luật, cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân thì có quyền tự khởi kiện để vệ quyền, lợi ích hợp pháp của chính mình, khi đó họ được xác định là nguyên đơn. Tuy nhiên, việc tham gia tố tụng của nguyên đơn là cơ quan, tổ chức do người đại diện thực hiện. Do đó, các chi nhánh, văn phòng đại diện, phòng giao dịch, đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức không phải là nguyên đơn.
Cũng có trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện nhằm bảo lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước. Khi đó, cơ quan, tổ chức khởi kiện được xác định là nguyên đơn. Đó là các trường hợp như: tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.
Bị đơn
Bị đơn trong vụ án dân sự theo quy định tại Điều 68 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm. Như vậy, bị đơn trong vụ án dân sự có thể là cá nhân hoặc là cơ quan, tổ chức.
Trường hợp bị đơn là cá nhân
Cá nhân từ đủ mười tám tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể bị khởi kiện bởi nguyên đơn, khi đó họ được xác định là bị đơn.
Đối với trường hợp doanh nghiệp tư nhân bị khởi kiện thì doanh nghiệp tư nhân không phải là bị đơn mà cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân được xác định là bị đơn.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp mặc dù cá nhân xâm hại đến quyền và lợi ích của nguyên đơn nhưng nguyên đơn không thể khởi kiện trực tiếp đối với họ mà phải khởi kiện người đại diện hợp pháp hoặc người giám hộ của họ hoặc người quản lý trực tiếp họ. Đối với cá nhân là người chưa đủ 06 tuổi, cá nhân là người từ đủ 06 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi thì cha mẹ hoặc người đại diện hợp pháp của họ được xác định là bị đơn. Đối với cá nhân là người bị mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi gây thiệt hại hoặc xâm phạm đến quyền và lợi ích của người khác mà bị khởi kiện thì họ được xác định là bị đơn.
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi bị khởi kiện liên quan đến hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của mình thì họ được xác định là bị đơn.
Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi bị khởi kiện không liên quan đến hợp đồng lao động mà họ đã tham gia hoặc giao dịch dân sự bằng tài sản riêng của họ thì họ được xác định là bị đơn.
Người làm công, người học nghề gây ra thiệt hại trong khi thực hiện công việc được cá nhân giao thì cá nhân giao việc được xác định là bị đơn.
Trường hợp bị đơn là cơ quan, tổ chức
Theo quy định của pháp luật, cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân, nếu nguyên đơn cho rằng cơ quan, tổ chức đã xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn hoặc quyền và lợi ích của cá nhân, cơ quan, tổ chức mà nguyên đơn có nhiệm vụ bảo vệ thì khi đó, cơ quan, tổ chức là bị đơn.
Đối với các chi nhánh, văn phòng đại diện, phòng giao dịch, đơn vị trực thuộc cơ quan, tổ chức không phải là bị đơn.
Cũng có trường hợp cơ quan, tổ chức bị nguyên đơn khởi kiện và xác định cơ quan, tổ chức là bị đơn mặc dù cơ quan, tổ chức không trực tiếp xâm phạm đến quyền và lợi ích của nguyên đơn. Đó là các trường hợp: người của pháp nhân gây thiệt hại trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao thì pháp nhân được xác định là bị đơn; người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại, thì cơ quan quản lý trực tiếp người thi hành công vụ được xác định là bị đơn; người chưa đủ 15 tuổi trong thời gian trường học trực tiếp quản lý mà gây thiệt hại thì trường học được xác định là bị đơn; người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác trong thời gian được bệnh viện, pháp nhân khác trực tiếp quản lý thì bệnh viện, pháp nhân khác được xác định là bị đơn; người làm công, người học nghề gây ra thiệt hại trong khi thực hiện công việc được pháp nhân giao thì pháp nhân giao việc được xác định là bị đơn.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự theo quy định tại Điều 68 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Như vậy, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự có thể là cá nhân hoặc là cơ quan, tổ chức.
Cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự thì có thể được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đối với trường hợp doanh nghiệp tư nhân có liên quan đến tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn thì doanh nghiệp tư nhân không phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan mà cá nhân là chủ doanh nghiệp tư nhân được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Cũng có trường hợp người đại diện hợp pháp hoặc người giám hộ của cá nhân là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ví dụ: A. là người vừa đủ 16 tuổi có hành vi gây thương tích cho B. nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu B. khởi kiện để yêu cầu bồi thường chi phí điều trị cho mình thì phải khởi kiện A. Khi đó, A. được xác định là bị đơn. Nhưng cha mẹ của A. được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, vì nếu A. không có đủ tài sản bồi thường cho B. thì cha mẹ của A. phải tiếp tục bồi thường bằng tài sản của cha mẹ A.
Cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân có thể là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nếu có liên quan đến tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn.
Người yêu cầu giải quyết việc dân sự
Người yêu cầu giải quyết việc dân sự theo quy định tại Điều 68 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự.
Một số bất cập trong thực tiễn
Về xác định tuổi của đương sự trong vụ, việc dân sự
Trong tố tụng dân sự, nhiều trường hợp bắt buộc Tòa án phải xác định chính xác tuổi của đương sự như: tuổi của đương sự trong vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; tuổi của con chưa thành niên trong vụ án ly hôn; tuổi của đương sự trong trường hợp có đơn yêu cầu miễn án phí… Tuy nhiên, hiện nay chỉ có quy định về xác định tuổi của người bị buộc tội và bị hại trong vụ án hình sự mà chưa có quy định về xác định tuổi trong tố tụng dân sự. Điều này dẫn đến những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án mà cần phải xác định được tuổi của đương sự, người làm chứng… Trong nhiều trường hợp, vì nhiều lý do khác nhau mà trong giấy tờ tùy thân của cá nhân chỉ có năm sinh mà không có ngày và tháng sinh, bắt buộc Tòa án phải làm rõ chính xác tuổi của họ.
Trong vụ án bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do người chưa thành niên gây ra thì cần phải xác định tuổi của người chưa thành niên. Tùy thuộc vào từng độ tuổi của người chưa thành niên mà Tòa án xác định ai là bị đơn. Về xác định tư cách đương sự của người chưa thành niên gây thiệt hại theo quy định tại Điều 568 của Bộ luật Dân sự năm 2015 thì hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể. Tuy nhiên, trước đây Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn về xác định tư cách đương sự trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do người chưa thành niên gây ra tại tiểu mục 3.1, mục 3, phần 1, Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 như sau:
“3.1. Khi thực hiện quy định tại Điều 606, Bộ luật Dân sự về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, cần phải chú ý xác định đúng tư cách đương sự trong từng trường hợp; cụ thể như sau:
- Trong trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 606, Bộ luật Dân sự thì người gây thiệt hại là bị đơn dân sự, trừ khi họ mất năng lực hành vi dân sự;
- Trong trường hợp quy định tại đoạn 1, khoản 2, Điều 606, Bộ luật Dân sự thì cha, mẹ của người gây thiệt hại là bị đơn dân sự;
- Trong trường hợp quy định tại đoạn 2, khoản 2, Điều 606, Bộ luật Dân sự thì người gây thiệt hại là bị đơn dân sự và cha, mẹ của người gây thiệt hại là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Trong trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 606, Bộ luật Dân sự thì cá nhân, tổ chức giám hộ là bị đơn dân sự”.
Theo hướng dẫn trên, nếu người gây thiệt hại từ đủ 18 tuổi trở lên thì họ là bị đơn. Nếu người gây thiệt hại dưới 15 tuổi thì cha mẹ của họ là bị đơn. Nếu người gây thiệt hại từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì họ là bị đơn. Nếu người gây thiệt hại dưới 18 tuổi mà có người giám hộ thì người giám hộ là bị đơn. Nghiên cứu quy định tại Điều 606, Bộ luật Dân sự năm 2005 và Điều 568, Bộ luật Dân sự năm 2015 thì không có gì khác nhau. Như vậy, trong vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do người chưa thành niên gây ra thì cần phân biệt ba độ tuổi sau để xác định tư cách đương sự của người chưa thành niên: một là, người đó dưới 15 tuổi; hai là, người đó từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; ba là, người đó từ đủ 18 tuổi trở lên.
Dẫn chứng vụ án sau đây để thấy rằng, thực tiễn giải quyết vụ án tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (thiệt hại về sức khỏe) vẫn còn vướng mắc trong việc xác định bị đơn trong vụ án. Nội dung vụ án như sau: Ngày 12/5/2019, Nguyễn Văn A., sinh năm 2004 (giấy khai sinh của A. không ghi ngày tháng sinh) đánh Trần Văn B., sinh năm 2003 gây thương tích (chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự) và B. phải nằm viện điều trị 02 ngày. Gia đình của B. khởi kiện yêu cầu gia đình A. bồi thường chi phí điều trị thương tích. Trong vụ án này, ai là bị đơn?
Có quan điểm cho rằng theo giấy khai sinh, A. sinh năm 2004 nên xác định A. sinh ngày 01/01/2004. Do đó, A. khi gây thương tích cho B. đã trên 15 tuổi nên A. là bị đơn. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng cần phải tiến hành các biện pháp xác minh về ngày tháng sinh của A. Nếu có căn cứ cho rằng A. sinh trước ngày 12/5/2004 thì A. chưa đủ 15 tuổi nên cha mẹ A. là bị đơn. Nếu có căn cứ xác định A. sinh sau ngày 12/5/2004 thì A. đã trên 15 tuổi nên A. là bị đơn.
Trong vụ án ly hôn có tranh chấp về nuôi con
Theo quy định tại khoản 2, Điều 81, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Theo quy định này thì trong vụ án ly hôn mà vợ chồng có con chưa thành niên thì Tòa án phải giải quyết giao con chưa thành niên cho vợ hoặc chồng trực tiếp nuôi dưỡng nếu Tòa án giải quyết vợ chồng ly hôn. Còn nếu con từ đủ 18 tuổi trở lên thì Tòa án sẽ không xem xét giải quyết việc nuôi con. Do đó, nếu người con chưa đủ 18 tuổi mà Tòa án không xem xét giải quyết giao con cho vợ hoặc chồng nuôi thì không đúng quy định. Nhưng nếu con từ đủ 18 tuổi mà Tòa án giải quyết việc nuôi con chung thì cũng không đúng quy định. Chính vì vậy mà bắt buộc Tòa án phải xác định được người con đã thành niên hay chưa thành niên.
Trong vụ án có đương sự đề nghị miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc án phí vì cho rằng đã đủ 60 tuổi
Theo quy định tại điểm đ, khoản 1, Điều 12, Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì người cao tuổi thuộc trường hợp được miễn nộp tiền tạm ứng án phí và án phí. Theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi năm 2010 thì người cao tuổi là từ đủ 60 tuổi trở lên. Như vậy, đương sự là người từ đủ 60 tuổi trở lên sẽ được Tòa án xem xét miễn nộp tiền tạm ứng án phí hoặc án phí. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy không phải trường hợp nào giấy tùy thân của đương sự cũng ghi đầy đủ ngày tháng năm sinh. Nếu giấy chứng minh nhân dân của đương sự chỉ đề năm sinh thì Tòa án căn cứ vào đâu để xác định họ đã đủ 60 tuổi hay chưa.
Trường hợp đương sự dưới 15 tuổi hoặc từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi, trong quá trình tham gia tố tụng đã thành niên thì xác định tư cách như thế nào?
Theo quy định trường hợp người từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà gây thiệt hại cho người khác thì họ phải bồi thường bằng tài sản của mình nên họ được xác định là bị đơn. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn nhận thức khác nhau về một số vấn đề có liên quan như sau:
Thứ nhất, khi tham gia tố tụng đương sự là người chưa thành niên thì phải có người đại diện hợp pháp của họ tham gia tố tụng. Như vậy, đến một giai đoạn tố tụng nào đó, vụ án chưa được giải quyết xong mà đương sự đã thành niên thì có bắt buộc cha mẹ của họ tiếp tục tham gia tố tụng không. Nếu Tòa án quyết định cha mẹ của họ không tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện hợp pháp của đương sự do đương sự đã thành niên thì thủ tục giải quyết vấn đề này thực hiện như thế nào.
Thứ hai, tại khoản 2, Điều 568, Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định: Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình. Như vậy, trong trường hợp này, cha mẹ của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại có được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không. Có ý kiến cho rằng không xác định cha mẹ của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì cha mẹ chỉ thực hiện việc bồi thường nếu như con của họ không có đủ tài sản để bồi thường và việc bồi thường của cha mẹ là sau khi có bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần phải xác định cha mẹ của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vì khi giải quyết vụ án, Tòa án phải quyết định buộc họ thực hiện nghĩa vụ bồi thường nếu như người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không có đủ tài sản để bồi thường và ghi rõ trong bản án, quyết định của Tòa án.
Người bị yêu cầu tuyên bố mất tích, đã chết có được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan hay không?
Thực tiễn giải quyết các việc dân sự liên quan đến yêu cầu Tòa án tuyên bố một người bị mất tích hoặc đã chết thì việc xác định tư cách tham gia tố tụng của người bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc đã chết vẫn còn nhận thức khác nhau. Có Tòa án thì xác định người bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc đã chết là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng có Tòa án không xác định người bị yêu cầu tuyên bố mất tích hoặc đã chết là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan với lập luận choi rằng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự yêu cầu tuyên bố một người bị mất tích, đã chết là người có liên quan đến tài sản của người bị yêu cầu tuyên bố mất tích, đã chết.
Chấp hành viên yêu cầu phân chia tài sản chung của hộ gia đình là nguyên đơn hay người yêu cầu?
Điều 74, Luật Thi hành án dân sự năm 2014 quy định như sau: Hết thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo mà người được thi hành án không yêu cầu Tòa án giải quyết thì chấp hành viên yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung theo thủ tục tố tụng dân sự. Chấp hành viên xử lý tài sản theo quyết định của Tòa án.
Như vậy, khi chấp hành viên thực hiện quyền yêu cầu Tòa án xác định phần quyền sở hữu tài sản, phần quyền sử dụng đất của người phải thi hành án trong khối tài sản chung thì có hai quan điểm khác nhau. Theo quan điểm thứ nhất, chấp hành viên phải làm đơn khởi kiện vụ án dân sự và chấp hành viên được xác định là nguyên đơn vì căn cứ vào quy định tại khoản 12, Điều 26, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì có tranh chấp liên quan đến tài sản bị cưỡng chế để thi hành án theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự. Nhưng cũng có quan điểm cho rằng chấp hành viên phải làm đơn yêu cầu việc dân sự và chấp hành viên được xác định là người yêu cầu giải quyết việc dân sự vì căn cứ vào quy định tại khoản 9, Điều 27, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định những yêu cầu về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì có yêu cầu xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, phân chia tài sản chung để thi hành án.
Kiến nghị
Những vướng mắc từ thực tiễn nêu trên, nguyên nhân là do chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền, dẫn đến việc các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện mỗi nơi một khác hoặc rất lúng túng khi giải quyết vụ, việc dân sự. Để thực tiễn áp dụng pháp luật được thống nhất, tác giả kiến nghị cơ quan tiến hành tố tụng ở Trung ương cần sớm có hướng dẫn cụ thể. Riêng đối với việc xác định tuổi của đương sự trong vụ, việc dân sự, kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao có hướng dẫn cụ theo hướng như sau:
- Trường hợp xác định được tháng nhưng không xác định được ngày thì lấy ngày cuối cùng của tháng đó làm ngày sinh.
- Trường hợp xác định được quý nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng của tháng cuối cùng trong quý đó làm ngày, tháng sinh.
- Trường hợp xác định được nửa của năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng trong nửa năm đó làm ngày, tháng sinh.
- Trường hợp xác định được năm nhưng không xác định được ngày, tháng thì lấy ngày cuối cùng trong năm đó làm ngày, tháng sinh.
- Trường hợp không xác định được năm sinh thì phải tiến hành giám định để xác định tuổi.
Việc nghiên cứu các quy định về đương sự trong vụ, việc dân sự có ý nghĩa thiết thực đối với người nghiên cứu khoa học pháp lý và đối với cơ quan, người tiến hành tố tụng. Việc xác định đúng, đầy đủ thành phần đương sự trong vụ, việc dân sự bảo đảm việc giải quyết vụ, việc đúng quy định, qua đó quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; lợi ích công cộng hoặc lợi ích của Nhà nước cũng được bảo đảm hơn.
Tài liệu tham khảo: 1. Bộ luật Dân sự năm 2005. 2. Bộ luật Dân sự năm 2015. 3. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. 4. Luật Thi hành án dân sự năm 2014. 5. Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. |
DƯƠNG TẤN THANH
Trường Đại học Trà Vinh
Tiếp cận quyền tư pháp trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa