(LSVN) - Ly thân là một hiện tượng diễn ra khá phổ biến trong xã hội hiện nay. Đó là khi mối quan hệ giữa người vợ và người chồng lâm vào tình trạng bất ổn, mâu thuẫn xảy ra thường xuyên và không thể tìm được tiếng nói chung thì họ thường chọn không chung sống một thời gian để xác định lại mối quan hệ.
Vấn đề ly thân xâm nhập vào Việt Nam theo Bộ dân luật giản yếu tại miền Nam (còn gọi là Bộ luật dân sự Nam Kỳ năm 1883). Đây là văn bản pháp luật được soạn thảo theo tinh thần của Bộ luật dân sự Pháp. Theo Bộ luật dân sự Pháp thì chế định ly thân là chế định cùng tồn tại với chế định ly hôn. Ban đầu, ly thân được đặt ra để giải quyết quan hệ hôn nhân của những người theo Công giáo, vì luật của Giáo hội cấm ly hôn.
Tuy nhiên, ly thân không chỉ để áp dụng riêng cho những người theo Công giáo. Do đó, nhiều người không theo Công giáo cũng lựa chọn giải pháp ly thân để giải quyết quan hệ vợ chồng khi cuộc sống chung không được như ý và dần dần chế định ly thân được áp dụng như một giai đoạn chuyển tiếp trước khi đi đến ly hôn.
Cổ luật Việt Nam, cũng như Bộ luật dân sự Bắc Kỳ năm 1931 và Bộ luật dân sự Trung Kỳ năm 1936 không quy định vấn đề ly thân. Thực tế, ngoài Bộ luật dân sự Nam Kỳ năm 1883, vấn đề ly thân cũng chỉ được quy định trong một số văn bản pháp luật của chế độ Sài Gòn dưới thời Ngô Đình Diệm như Luật gia đình năm 1959, Sắc luật năm 1964, theo các văn bản pháp luật này thì vợ chồng muốn li thân phải yêu cầu Toà án giải quyết.
Pháp luật của nhà nước ta không ghi nhận chế định ly thân, nên thuật ngữ này không có ý nghĩa về mặt pháp lí. Pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam từ trước đến nay, từ Luật hôn nhân và gia đình năm 1959, năm 1986 và đến Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, 2014 đều không ghi nhận việc ly thân của vợ chồng. Tuy nhiên, tại khoản 10, Điều 8 Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã nêu rằng: “Ly thân là tình trạng pháp lý, theo đó vợ chồng không có nghĩa vụ sống chung với nhau do cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc quyết định theo yêu cầu của hai vợ chồng”.
Đối với pháp luật của một số nước như pháp luật của Pháp, chế định ly thân (Séparation de Corps) được quy định tại Điều 296 Bộ luật Dân sự Pháp. Ly thân được hiểu là sự giảm độ gắn kết quan hệ vợ chồng, theo đó, hệ quả quan trọng nhất là sự hủy bỏ nghĩa vụ chung sống giữa vợ và chồng, trong khi những nghĩa vụ khác như nghĩa vụ chung thủy, nghĩa vụ tương trợ giúp đỡ nhau vẫn phải được duy trì giữa hai vợ chồng.
Việc ly thân theo quy định của pháp luật Pháp, do tòa án ra quyết định trên cơ sở những căn cứ và điều kiện giống như căn cứ và điều kiện ly hôn (vợ chồng ly thân, vợ chồng thống nhất chấm dứt hôn nhân, vợ chồng ly thân do lỗi của một bên hoặc ly thân do cuộc sống chung đã hoàn toàn chấm dứt).
Đây là một khái niệm tiến bộ ở chỗ đã thể hiện được yếu tố nhân văn bằng nghĩa vụ chăm sóc về vật chất và tinh thần trong một số điều kiện cụ thể đối với quan hệ vợ chồng thời kỳ ly thân. Tuy nhiên, việc ly hôn chỉ được thừa nhận hợp pháp trên cơ sở quyết định của Toà án, làm thủ tục tố tụng trong ly thân trở nên rườm rà hơn so với một số quốc gia cho phép hai bên tự thoả thuận thông qua văn bản tự chứng thư.
Theo pháp luật của Anh thì ly thân (Separation) được hiểu là đình chỉ quyền và nghĩa vụ sống chung, chỉ còn để lại nghĩa vụ trung thành và không thể thiết lập cuộc hôn nhân mới. Ly thân có thể là ly thân tư pháp (judicial separation) hay ly thân thuận ý (voluntary separation) được thực hiện bởi chứng thư ly thân (separation deed). Khái niệm này gần giống tinh thần với pháp luật Cộng hoà Pháp. Tuy nhiên, thủ tục mở rộng chấp nhận sự thuận ý hai bên chứng minh bởi chứng thư ly thân.
Như vậy, có nhiều khái niệm về ly thân với các cách tiếp cận khác nhau phù hợp với đời sống thực tiễn và đặc thù của mỗi quốc gia. Từ những cách hiểu kể trên, có thể nhận định rằng ly thân là tình trạng hai bên vợ chồng vẫn chưa chấm dứt quan hệ hôn nhân và có nghĩa vụ đối với con chung, tài sản chung và những nghĩa vụ khác trong quan hệ hôn nhân, nhưng không còn nghĩa vụ sống chung với nhau do cơ quan có thẩm quyền công nhận theo yêu cầu của hai vợ chồng hoặc của vợ, chồng.
Thực trạng về vấn đề ly thân ở nước ta hiện nay
Theo thống kê, tỷ lệ ly hôn của các gia đình tại Việt Nam ngày càng gia tăng, đặc biệt là trong các gia đình trẻ ở các thành phố lớn. Theo Trung tâm tư vấn giáo dục tâm lý thể chất TP. HCM nghiên cứu thì hiện nay cứ bình quân 2,7 cặp kết hôn thì có một cặp ly hôn. Độ tuổi ly hôn dưới 30 chiếm tỉ lệ cao và năm sau luôn tăng hơn năm trước.
Trong thực tế, trước khi ly hôn các cặp vợ chồng thường có quãng thời gian sống ly thân với nhau và có thể hiện vẫn đang sống ly thân nhưng chưa ly hôn. Tỷ lệ ly thân chiếm một con số không hề nhỏ trong đời sống của các cặp vợ chồng. Vậy nên dù muốn hay không thì vẫn phải thừa nhận ly thân là một hiện tượng xã hội đã đang và sẽ tiếp tục tồn tại. Có khá nhiều nguyên do mà nhiều cặp vợ chồng tuy xác định mâu thuẫn không thể hàn gắn, nhưng vẫn không ly hôn mà chọn cách ly thân.
Trong khi xét xử một số vụ việc cụ thể, thẩm phán vẫn xem xét đến tình trạng ly thân như một trong những cơ sở cho thấy mâu thuẫn vợ chồng kéo dài, không thể hàn gắn để cho ly hôn. Nhưng vì không được luật quy định nên ngay cả việc xác định một cặp vợ chồng nào đó trong tình trạng ly thân hay không cũng không dễ dàng.
Trong khi đó, ly thân (được hiểu là vợ chồng không cùng chung sống, không có quan hệ tình cảm, không thiết lập khối tài sản chung… với nhau) lại nảy sinh rất nhiều vấn đề phức tạp.
Trong thời gian ly thân, nhiều người đã tìm cách tẩu tán, hợp thức hóa tài sản chung thành tài sản riêng, hoặc cố tình vay mượn để bắt người kia phải chung trách nhiệm “vợ chồng” trả nợ… Đặc biệt, con cái là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều vì ly thân vẫn đang là thời kỳ hôn nhân, song do không cùng chung sống, nên ai là người có trách nhiệm trực tiếp nuôi dưỡng con cái cũng phát sinh nhiều mâu thuẫn.
Một số nhận định về vấn đề ly thân
Các nhà làm luật đều thừa nhận một thực tế rằng ly thân là một hiện tượng xã hội đang tồn tại trong nhiều gia đình Việt Nam. Tuy nhiên có nên luật hóa hiện tượng này hay không thì có những quan điểm trái chiều.
Vấn đề này đã từng được đem ra thảo luận trong quá trình dự thảo Luật hôn nhân gia đình năm 2000, đến Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 thì chế định này vẫn chưa được ghi nhận. Vì vậy, đã có nhiều luồng ý kiến ủng hộ và không ủng hộ.
Thứ nhất, về quan điểm ủng hộ, tiêu biểu cho quan điểm này là của nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, ông cho rằng: “Ly thân là vấn đề thực tiễn ở Việt Nam. Pháp luật không thể né tránh thực tiễn và nhu cầu này của người dân, đặc biệt trong việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em’”. Theo Bộ trưởng, trong thực tế, khi cần ly thân, người dân có thể có nguyện vọng lựa chọn ly thân thực tế hoặc ly thân pháp lý, nếu thấy việc ly thân pháp lý mang lại lợi ích cho mình thì họ mong muốn có sự công nhận của Nhà nước và pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật chưa quy định về ly thân cho nên nguyện vọng chính đáng đó không thực hiện được.
Thứ hai, quan điểm không ủng hộ cho rằng sẽ có những hệ lụy xấu mà chế định này có thể gây ra cho xã hội. Tuy rằng một số quốc gia đã quy định về "chế định ly thân" trong luật pháp, nhưng đối với đặc thù văn hóa - xã hội - gia đình của một nước Á Đông như Việt Nam, việc quy định vấn đề này trong luật sẽ gây ra tác hại nhiều hơn là lợi ích.
Tuy nhiên, thực tế cho rằng nếu không luật hóa chế định ly thân sẽ phát sinh nhiều bất cập vì:
Thứ nhất, không có cơ sở để bảo vệ quyền lợi của các bên khi phát sinh tranh chấp.
Ly thân hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện của đôi bên và việc thực hiện đúng như những cam kết cũng chỉ xuất phát từ sự tự nguyện đó. Do vậy, khi một trong hai bên tự ý thay đổi thỏa thuận, gây phương hại đến lợi ích của bên còn lại thì hoàn toàn không có cơ sở để bảo vệ lợi ích của bên bị thiệt hại.
Thứ hai, pháp luật hiện hành không giúp giải quyết được triệt để vấn đề.
Quy định pháp luật hiện hành cho phép vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân (Điều 38 Luật HN&GĐ năm 2014) và các bên có quyền thỏa thuận về việc không sống chung với nhau (Khoản 2 Điều 19 Luật HN&GĐ năm 2014). Về bản chất đây không phải là những quy định có thể thay thế và giải quyết được về việc ly thân giữa vợ, chồng mà chỉ là những quy định nhằm giúp cho vợ, chồng có sự thuận lợi hơn trong đời sống hôn nhân. Hơn nữa, ly thân về bản chất là chấm dứt đời sống tình cảm chứ không phải chấm dứt về tình trạng tài sản hay không gian sống, nơi sống.
Thứ ba, không có quy định rõ ràng dễ gây xung đột lợi ích giữa những người trong cuộc với quy định của pháp luật.
Khi đã ly thân, vợ hoặc chồng, thông thường sẽ được thoải mái tự do về mặt tình cảm, có thể yêu và sống chung như vợ chồng với người khác, việc này nằm trong thỏa thuận của đôi bên và đôi bên tôn trọng quyền đó của nhau nhưng theo quy định của pháp luật thì hành vi trên lại xem là hành vi vi phạm pháp luật, nhẹ có thể bị xử lý hành chính, nặng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, người nào đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác nhưng chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tiền từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng (Nghị định số 110/2013/NĐ-CP).
Nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm có thể thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến một năm. Phạm tội trong trường hợp đã có quyết định của Toà án tiêu huỷ việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó hoặc làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm (Điều 182 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017).
Thứ tư, cần xác định rằng việc quy định về chế định ly thân trong luật là đang nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho vợ và chồng. Và sẽ không bị mâu thuẫn với những mong muốn của vợ chồng khi thực hiện việc ly thân trên thực tế theo thỏa thuận của hai bên.
Kiến nghị ghi nhận chế định ly thân trong Luật Hôn nhân và Gia đình
Thực tế, ly thân là giải pháp được nhiều cặp vợ chồng lựa chọn để giải quyết mâu thuẫn khi họ chưa muốn ly hôn và vì vậy Luật Hôn nhân và Gia đình không thể né tránh mà cần quy định rõ ràng. Bên cạnh đó, ly hôn còn là biện pháp giúp các bên vợ chồng tránh được tình trạng bạo lực gia đình, tạo điều kiện cho các bên cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định ly hôn. Quy định về ly hôn còn giúp minh bạch hóa các giao dịch dân sự, kinh tế do một bên vợ, chồng thực hiện, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của các con, các thành viên khác trong gia đình.
Pháp luật của nhiều quốc gia trên thế giới quy định “ly thân là quyền của vợ, chồng lựa chọn phương thức giải quyết mâu thuẫn trong hôn nhân, tạo căn cứ pháp lý cho các quan hệ tài sản, nhân thân, con cái trong giai đoạn quan hệ hôn nhân nhạy cảm này; tức là họ công nhận quyền ly thân của vợ, chồng. Chế định ly thân được xem là một chế định bắt kịp với thực tế cuộc sống hôn nhân vợ chồng đồng thời thể hiện được tinh thần luật hóa đạo đức khi quy định nghĩa vụ cưu mang lẫn nhau về vật chất bằng tài sản riêng và chăm sóc về tinh thần cho bên có bệnh nặng, khó khăn trong thời kỳ ly thân.
Từ những phân tích trên, việc ghi nhận chế định ly thân trong Luật Hôn nhân và Gia đình sẽ mang lại những ưu điểm sau:
Thứ nhất, thỏa thuận ly thân sẽ được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Khi pháp luật đã có những quy phạm điều chỉnh vấn đề ly thân, nếu các bên thực hiện theo đúng yêu cầu pháp luật quy định thì thỏa thuận ly thân này sẽ được pháp luật bảo vệ. Quyền và lợi ích của các bên sẽ được đảm bảo khi có sự xâm phạm từ phía đối phương do vi phạm thỏa thuận.
Thứ hai, cơ sở quan trọng để Tòa án chấp nhận việc ly hôn. Hiện nay ly thân trong thực tế không phải là một trong các căn cứ để Tòa án quyết định có đồng ý cho ly hôn hay không. Tòa án sẽ xem xét đến các yếu tố nhằm chứng minh cho mục đích đời sống hôn nhân không đạt được… Thông thường thì việc chứng minh này khá phức tạp (đặc biệt là trong trường hợp đơn phương ly hôn), đó là lý do tại sao các vụ án liên quan đến ly hôn thường phải tiến hành hòa giải rất nhiều lần, tốn thời gian và công sức của đôi bên.
Thứ ba, hạn chế tình trạng đơn phương ly hôn. Đơn phương ly hôn khi một bên muốn chấm dứt hôn nhân nhưng bên còn lại thì không. Đơn phương ly hôn thường dẫn đến những tranh chấp về tài sản và con cái, do các bên chưa đạt được sự đồng thuận. Nếu các bên đã ly thân và đã có những thỏa thuận về tài sản chung, con chung trước đó thì khi ly hôn những tranh chấp hầu như sẽ không còn, các bên dễ dàng đạt được sự đồng thuận và khi đó việc của Tòa án chỉ là công nhận sự thuận tình ly hôn của các bên. Mọi việc sẽ trở nên dễ dàng và nhanh chóng.
_____________________________ 1. Dự thảo Luật Hôn nhân và Gia đình 2014; 2.Ths. Đoàn Thị Ngọc Hải, Sự cần thiết luật hóa chế định ly thân trong Luật Hôn nhân và Gia đình; https://tapchitoaan.vn/bai-viet/xay-dung-phat-luat/su-can-thiet-luat-hoa-che-dinh-ly-than-trong-luat-hon-nhan-va-gia-dinh 3. Phan Thị Vân Hương - Trần Minh Tuấn, Một số ý kiến về chế định “Ly thân” trong dự thảo sửa đổi Luật hôn nhân và gia đình; http://hvta.toaan.gov.vn/portal/page/portal/tandtc/baiviet?p_page_id=1754190&p_cateid=1751909&article_details=1&item_id=35559277 4. Bùi Huyền, Vấn đề bảo đảm quyền con người trong Dự thảo Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi. https://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/xay-dung-phap-luat.aspx?ItemID=60 |
LÊ HIỀN