Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự
Theo khái niệm trên và nguyên tắc trong tố tụng hình sự thì một người được xác định là tội phạm khi họ có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực và trải qua quá trình tố tụng theo trình tự, thủ tục luật quy định.
Tội phạm xâm hại đến các quan hệ xã hội mà luật hình sự bảo vệ, đơn cử: Quan hệ về tài sản của cá nhân, tổ chức khác; quan hệ về sức khỏe, tính mạng danh dự nhân phẩm của người khác; uy tín và hoạt động bình thường của cơ quan nhà nước, tổ chức,…
Mục đích mà các tội phạm hướng tới có rất nhiều, nhưng điển hình nhất chính là lợi ích vật chất – tài sản cụ thể nào đó (tiền, vàng, quyền sử dụng đất,…).
Vì lẽ đó, mà khi giải quyết các vụ án hình sự thì vấn đề dân dự luôn được đặt ra bên cạnh. Tuy nhiên, vấn đề dân sự này có thể được giải quyết luôn trong vụ án hình sự nhưng cũng có thể được tách ra để giải quyết bằng một vụ án dân sự tùy vào tính chất, mức độ phức tạp của hành vi và vụ việc.
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định như sau:
Điều 47. Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm 1. Việc tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy được áp dụng đối với: a) Công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; b) Vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; c) Vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ,13 cấm lưu hành. 2. Đối với vật, tiền bị người phạm tội chiếm đoạt hoặc sử dụng trái phép, thì không tịch thu mà trả lại cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp. 3. Vật, tiền là tài sản của người khác, nếu người này có lỗi trong việc để cho người phạm tội sử dụng vào việc thực hiện tội phạm, thì có thể bị tịch thu. |
Tại Điều 48 Bộ luật quy định về trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi. Theo đó, người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại.
Như vậy, ta có thể hiểu rằng vấn đề về xử lý tài sản trong các vụ án hình sự được chia làm 2 loại:
Loại 1: Những tài sản bị tịch thu, sung vào ngân sách nhà nước
Loại 2: Tài sản trả lại cho chủ sở hữu hợp pháp (thường là bị hại), tài sản thực hiện nghĩa vụ bồi thường dân sự trong vụ án hình sự.
Khi có bản án có hiệu lực thì việc thi hành bản án hình sự nêu trên sẽ thuộc cơ quan thi hành án. Đối với tội phạm thì cơ quan thi hành án hình sự sẽ đảm nhiệm. Đối với các trách nhiệm khác (cụ thể là liên quan đến thi hành các nghĩa vụ tài sản) sẽ do cơ quan thi hành án dân sự xử lý.
Trong thực tiễn tổ chức thi hành án, đặc biệt là đối với việc thi hành phần dân sự trong bản án, quyết định hình sự, cơ quan thi hành án dân sự (THADS) thường găp các trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên tài sản để đảm bảo thi hành án (THA). Việc các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện kê biên tài sản ngay trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử là một biện pháp đảm bảo THA hiệu quả, góp phần giảm tải cho cơ quan THADS và nâng cao hiệu quả THA.
Việc kê biên tài sản trong quá trình giải quyết vụ án dân sự thì do Thẩm phán áp dụng. Còn đối với vụ án hình sự thì thẩm quyền ra lệnh kê biên tài sản là những người có quyền ra lệnh, quyết định bắt bị can, bị cáo để tạm giam theo quy định tại khoản 1 Điều 113 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015 (BLTTHS năm 2015) bao gồm: Trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra các cấp; Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKSND và Viện trưởng, Phó Viện trưởng VKS quân sự các cấp; Chánh án, Phó Chánh án TAND và Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự các cấp; Hội đồng xét xử và thẩm phán chủ tọa phiên tòa ( Điều 128 BLTTHS 2015).
Đối với tài sản mà Tòa án đã tuyên kê biên để đảm bảo THA, trường hợp người phải THA tự nguyện THA xong các nghĩa vụ theo Bản án Quyết định thì Chấp hành viên ra quyết định giải toả kê biên theo Điều 105 Luật THADS và trả lại tài sản cho người phải THA trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có căn cứ giải tỏa kê biên. Trường hợp người phải THA không tự nguyện thi hành án thì theo quy định tại Điều 127 Luật THADS, Chấp hành viên tiến hành định giá, bán đấu giá tài sản kê biên theo quy định tại các điều 98, 99, 100 và 101 Luật THADS. Theo đó, trong trường hợp này, Chấp hành viên không phải ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp kê biên, xử lý tài sản của người phải THA theo quy định tại khoản 3 Điều 70 Luật THADS mà chỉ căn cứ vào Bản án Quyết định của Tòa án và quyết định THA, lệnh kê biên và biên bản kê biên của cơ quan có thẩm quyền để tiến hành việc định giá, định giá lại tài sản và bán tài sản để THA.
Việc tuyên kê biên tài sản để đảm bảo THA ngay trong giai đoạn tố tụng là một biện pháp ngăn chặn tẩu tán tài sản một cách hiệu quả, đảm bảo thuận lợi cho công tác THADS.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà phần lớn ít người để ý đến đó chính là quyền lợi của người thân của bị can, bị cáo, người phạm tội.
Đầu tiên, người thân của các bị can, bị cáo, người phạm tội trong các vụ án hình sự (cha, mẹ, vợ, con,...) nếu không xác định họ là đồng phạm thì họ không phải là người có hành vi phạm tội, vì thế các quyền lợi chính đáng của họ không bị hạn chế, trong đó có các quyền về tài sản.
Thứ hai, trong các tài sản mà cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thi hành án tiến hành kê biên, xử lý thì trong đó có quyền lợi của những người này. Đơn cử nhất chính là vợ, con của bị cáo, người phạm tội. Khi nhà, quyền sử dụng đất và các tài sản khác bị kê biên, bị xử lý thì theo quy định chỉ được xử lý tài sản của người phạm tội, những người khác không liên quan sẽ không bị xử lý. Theo Luật Hôn nhân và gia đình quy định về chế định tài sản chung của vợ và chồng.
Điều 33. Tài sản chung của vợ chồng 1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân, trừ trường hợp được quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung. Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng. 2. Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng. 3. Trong trường hợp không có căn cứ để chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó được coi là tài sản chung. |
Như vậy, phần lớn tài sản của người phạm tội được đem ra để thi hành án sẽ nằm trong khối tài sản chung của vợ chồng (nếu người phạm tội đã kết hôn). Hoặc tài sản của họ sẽ gắn liền với tài sản của bố mẹ họ, tài sản của những người khác theo chế độ sở hữu cụ thể…
Việc kê biên tài sản là một trong những biện pháp biện pháp cưỡng chế nhà nước được áp dụng để ngăn chặn việc tẩu tán tài sản. Kê biên tài sản sẽ làm cho chủ sở hữu tài sản bị hạn chế các quyền như chuyển nhượng, mua bán, tặng cho, thế chấp,… Tuy nhiên, cũng có rất nhiều trường hợp khi tiến hành áp dụng kê biên tài sản thì các cơ quan chức năng chưa xác định rõ tài sản thuộc quyền sơ hữu của ai, dẫn đến các chủ thể khác trong trường hợp này họ bị ảnh hưởng rất lớn.
- Thứ ba, hiện nay phần lớn người thân của những người này họ chưa biết, chưa quan tâm đến vấn đề này, không để ý dẫn đến nhiều trường hợp quyền lợi bị xâm phạm.
Các quy định cụ thể về vấn đề này hiện nay chưa nêu rõ, việc thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự cũng đã có quy định cụ thể. Để đảm bảo tốt các quyền lợi của những người này thì pháp luật cũng nên xem xét quy định một cách chặt chẽ, cụ thể từ điều luật đến công tác thi hành, cần phải xem xét cả lý lẫn tình.
Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa.
Vì vậy, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm kê biên tài sản của cơ quan điều tra đối với bị can và hệ quả pháp lí đối với trường hợp người có thẩm quyền không áp dụng biện pháp kê biên dẫn đến người phải THA tẩu tán tài sản, giảm hiệu quả THA. Cần phải xác định chính xác, cụ thể loại tài sản nào là tài sản do hành phi phạm tội mà có, loại tài sản nào thuộc quyền sở hữu của bị can, bị cáo, người phạm tội; có trách nhiệm phổ biến pháp luật cho người dân, người nhà của bị can, bị cáo, người phạm tội để họ hiểu về quyền lợi và nghĩa vụ của mình.
Đồng thời, trong quá trình thực hiện phải đúng theo quy định của pháp luật, thông báo đối với những người có quyền và nhĩa vụ liên quan đến những tài sản bị xử lý. Điều này không chỉ công khai, minh bạch và thực hiện thi hành án một cách đồng thuận, đúng quy định.
Luật sư HOÀNG TÙNG
Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa
Điều kiện thành lập tổ chức kinh tế tại Việt Nam của nhà đầu tư nước ngoài theo Luật Đầu tư 2020