Ảnh minh họa.
Một số vấn đề lý luận về nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của Tòa án
Quan niệm về độc lập xét xử của Tòa án
Độc lập tư pháp hay độc lập của Tòa án có các cách nhìn khác nhau từ góc độ cơ chế tổ chức thực hiện quyền lực Nhà nước hay từ góc độ hoạt động xét xử thực hiện quyền tư pháp của Tòa án.
Từ góc nhìn về thể chế, phương cách tổ chức thực hiện quyền lực Nhà nước, độc lập tư pháp thể hiện ở vị trí độc lập của Tòa án, tư pháp trong tổ chức thực hiện quyền lực Nhà nước. Ở Việt Nam, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp(1); Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp(2).
Trong cơ cấu tổ chức thực hiện quyền lực Nhà nước, quyền tư pháp phải được độc lập để bảo vệ công lý cho người dân, bảo vệ quyền con người, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Sự độc lập của quyền tư pháp là một trong những yếu tố cơ bản của Nhà nước pháp quyền nhằm hạn chế sự tùy tiện, lạm dụng quyền lực của lập pháp, hành pháp. Bởi vì, trong Nhà nước pháp quyền, pháp luật là tối thượng và Tòa án là cơ quan duy nhất phán xét về vi phạm pháp luật của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân; kể cả Nhà nước(3).
Từ góc nhìn về hoạt động thực hiện quyền tư pháp - xét xử: Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Từ góc nhìn này, trên thế giới tuy diễn đạt có khác nhau, nhưng đều được hiểu là Thẩm phán, hội thẩm, bồi thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Ở Việt Nam, độc lập xét xử của Tòa án luôn được xác định là một nguyên tắc quan trọng cốt lõi của hoạt động xét xử:
- Theo Hiến pháp năm 1946, trong khi xét xử, các viên Thẩm phán chỉ tuân theo pháp luật, các cơ quan khác không được can thiệp (Điều thứ 69);
- Theo Hiến pháp năm 1959, khi xét xử, Tòa án nhân dân có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (Điều 100);
- Theo Điều 131, Hiến pháp năm 1980; Điều 130, Hiến pháp năm 1992, khi xét xử, Thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;
- Theo khoản 2, Điều 103, Hiến pháp năm 2013, Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, hội thẩm.
Như vậy, các diễn đạt về nguyên tắc này trong các bản Hiến pháp, các văn bản pháp luật trong từng thời kỳ có khác nhau, cho nên dẫn đến có các cách hiểu khác nhau trong thực tiễn. Tuy nhiên, từ góc nhìn toàn cầu về độc lập xét xử, nhận thức về nguyên tắc này là thống nhất ở các nội dung sau:
Thứ nhất, đối tượng điều chỉnh của nguyên tắc là Thẩm phán, hội thẩm, những người nhân danh Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện việc xét xử và ra phán quyết về vụ án cụ thể. Nguyên tắc không nói đến Tòa án như là một thiết chế hành chính tư pháp chung chung; Tòa án thực hiện quyền tư pháp của mình thông qua phương thức duy nhất là xét xử, Tòa án bảo vệ công lý và nội dung thông qua trình tự, thủ tục tố tụng tư pháp khách quan, chặt chẽ và công bằng (tức công lý về hình thức).
Thứ hai, nguyên tắc độc lập xét xử không bị giới hạn về không gian, thời gian tại phiên tòa xét xử. Toàn bộ hoạt động của Thẩm phán, hội thẩm trong xét xử vụ án kể từ khi thụ lý, lập hồ sơ, xác minh, điều tra, chuẩn bị xét xử cũng như xét xử tại phiên tòa đều được điều chỉnh bởi nguyên tắc độc lập. Mọi sự can thiệp đến Thẩm phán, hội thẩm trong các hoạt động này đều trái pháp luật, vi phạm nguyên tắc.
Thứ ba, Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập. Tuy nhiên, sự độc lập đó không thể là tùy tiện, mà phải tuân theo pháp luật. Pháp luật là tiêu chí duy nhất để Thẩm phán, hội thẩm tuân thủ trong quá trình giải quyết vụ án thuộc thẩm quyền.
Thứ tư, nghiên cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, hội thẩm. Mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân tác động đến Thẩm phán, hội thẩm nhằm làm sai lệch “lương tâm” của họ, dẫn đến ra phán quyết trái pháp luật đều là hành vi can thiệp, vi phạm nguyên tắc độc lập xét xử. Tuy nhiên, các yêu cầu, kiến nghị của người tham gia tố tụng có liên quan, của người và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp không thể coi là sự can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, hội thẩm.
Có thể nói, khoản 2, Điều 103, Hiến pháp năm 2013 đã hiến định đầy đủ, chính xác các nội dung trên của nguyên tắc độc lập xét xử. Tuy nhiên, từ góc độ pháp luật, chưa phải lúc nào các quy định của Hiến pháp cũng được cụ thể hóa chính xác.
Nguyên tắc độc lập xét xử là yếu tố tất yếu, đặc trưng của Nhà nước pháp quyền, gắn với dân chủ, công lý
Độc lập tư pháp là vấn đề luôn được đặt ra trong mọi cuộc thảo luận về Nhà nước pháp quyền. Tòa án không làm luật, không tổ chức thi hành pháp luật; Tòa án chăm lo tới việc xử lý các vi phạm pháp luật, giải quyết các tranh chấp pháp luật và thậm chí phán quyết trực tiếp về quyền con người. Nhiều nhà khoa học đánh giá vai trò cực kỳ quan trọng của độc lập tư pháp trong Nhà nước pháp quyền.
“Trong luật hiến pháp hiện đại, nguyên tắc pháp quyền được hiểu như là sự tuân thủ luật pháp của quyền lực Nhà nước, Tòa án độc lập, tính minh bạch của pháp luật và xem xét của Tòa án về tình hợp hiến của các đạo luật và văn bản quy phạm khác”(4).
“Nếu khái quát sự chế ước quyền lực Nhà nước ở mức độ cao thì bên cạnh việc phải áp dụng sự phân quyền giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp, thì phải có sự hiển diện của tư pháp độc lập. Chỉ cần hai yếu tố: phân quyền và tư pháp độc lập cũng đủ khắc họa nên tính chế ước quyền lực của một Nhà nước dân chủ”(5).
“Khả năng và mức độ hiện thực hóa những giá trị của Nhà nước pháp quyền dân chủ vào đời sống xã hội phụ thuộc mạnh mẽ vào mức độ độc lập của quyền lực tư pháp. Quyền lực tư pháp độc lập được bảo đảm càng cao thì mức độ pháp quyền sẽ có cơ hội phát triển mạnh mẽ và ngược lại”(6).
“Đặc tính cuối cùng của nguyên tắc pháp quyền liên quan đến sự cần thiết tăng cường sự độc lập tư pháp, nhất là tại các quốc gia đang thực hành dân chủ. Tư pháp có xu thế trở thành một cơ chế thúc đẩy trách nhiệm giải trình của chính phủ trước pháp luật”(7).
Rõ ràng, độc lập tư pháp là một yếu tố, một nội dung không thể thiếu của Nhà nước pháp quyền. Bảo đảm độc lập tư pháp, chính là bảo đảm cho nguyên tắc pháp quyền được thực hiện trên thực tế ở mọi quốc gia hiện đại.
Độc lập xét xử không chỉ là lời nói suông, câu khẩu hiệu, mà là một vấn đề rất quan trọng vì công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bảo đảm cho xét xử độc lập là điều kiện tiên quyết để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người - nhiệm vụ thiêng liêng của Tòa án, cơ quan thực hiện quyền tư pháp.
Cơ sở của nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án
Nguyên tắc độc lập xét xử của Thẩm phán, hội thẩm được xác định trên cơ sở sau đây:
(1) Vấn đề tổ chức thực hiện quyền lực trong Nhà nước pháp quyền, trong đó có sự kiểm soát lẫn nhau giữa các cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Chức năng đặc biệt của Tòa án là thực hiện quyền tư pháp, xử lý các vi phạm pháp luật từ phía các cơ quan, tổ chức, cá nhân; xử lý các tranh chấp pháp luật trong xã hội. Trong hoạt động đó, người vi phạm, người có quyền, lợi ích liên quan trong các vụ án bao giờ cũng có xu thế can thiệp, tạo áp lực để Tòa án phán quyết có lợi cho mình. Cho nên, để bảo đảm tính vô tư, khách quan, để công lý được thực thi, Thẩm phán, hội thẩm cần được độc lập phán xét theo pháp luật, theo lương tâm, cảm nhận công lý của mình.
Đồng thời, trong cơ chế tổ chức thực hiện quyền lực trong Nhà nước pháp quyền, Tòa án, cơ quan thực hiện quyền tư pháp bao giờ cũng có vai trò yếu thế hơn so với cơ quan thực hiện quyền lập pháp, hành pháp. Vì thế cho nên, chỉ có thể trao cho Thẩm phán, hội thẩm quyền độc lập và các bảo đảm để độc lập thì Thẩm phán, hội thẩm mới có thể ra được các phán quyết vô tư, khách quan, đúng pháp luật, vì công lý.
(2) Nguyên tắc xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật được xác định trên cơ sở nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người của Tòa án. Tòa án nhân danh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thực hiện quyền tư pháp, chứ không phải nhân danh "Nhà nước" như các cơ quan Nhà nước khác. Nhiệm vụ đầu tiên là bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người.
(3) Thực trạng tình hình can thiệp khá phổ biến vào hoạt động xét xử ở các quốc gia, đặc biệt là Việt Nam cũng là cơ sở thực tiễn quan trọng để xác định nguyên tắc Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đồng thời, thực tiễn đó cũng đặt ra vấn đề xác định cơ chế, các điều kiện bảo đảm thực hiện nguyên tắc đó trên thực tế; tránh để nguyên tắc trở thành câu khẩu hiệu suông, thiếu tính khả thi.
(4) Đặc biệt, trong điều kiện Đảng lãnh đạo trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam(8) cũng đòi hỏi xác định nguyên tắc độc lập xét xử của Thẩm phán, hội thẩm. Xác định nguyên tắc độc lập xét xử nhằm phân biệt rõ ràng, rành mạch phạm vi, biện pháp, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với tư pháp và hoạt động tư pháp; loại trừ nguy cơ một số cơ quan, cá nhân nhân danh sự lãnh đạo của Đảng để can thiệp vào hoạt động bảo vệ công lý, hạ thấp uy tín của Đảng trước nhân dân và pháp luật.
(5) Xác định nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án nói chung, của Thẩm phán, hội thẩm nói riêng đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế. Các chuẩn mực quốc tế về tư pháp, các công ước của Liên hợp quốc về quyền con người (về quyền dân sự, chính trị; về quyền văn hóa, xã hội...), Dự án Công lý quốc tế; Quy tắc Đạo đức Thẩm phán Banglagore(9)... là những văn kiện quốc tế về độc lập tư pháp mà Việt Nam cần tuân thủ và nội luật hóa trong hệ thống pháp luật của mình. Các bảo đảm cho thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là nguyên tắc Hiến định. Tuy nhiên, để nguyên tắc đó được thực hiện trên thực tế thì cần có hệ thống các bảo đảm khác nhau. Trong hệ thống các bảo đảm đó, tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm để thực hiện nguyên tắc Thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Từ góc độ tổ chức hệ thống Tòa án nhân dân, theo chúng tôi, các yếu tố sau đây có ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử của Thẩm phán và Hội thẩm:
Một là, tổ chức hệ thống các Tòa án theo cấp xét xử với một hệ thống lãnh đạo, quản lý đặc thù hay theo đơn vị hành chính lãnh thổ với các mối quan hệ ngang với cơ quan lãnh đạo, đại diện, hành chính địa phương. Thực tiễn tư pháp thế giới cho thấy, các Tòa án càng có ít mối quan hệ ngang với các cơ quan đại diện, với cơ quan hành chính địa phương thì nguyên tắc độc lập càng được thực hiện tốt. Khi Tòa án được tổ chức theo đơn vị hành chính lãnh thổ thì càng nhiều khả năng can thiệt từ phía cơ quan lãnh đạo, cơ quan đại diện, cơ quan hành chính cùng cấp.
Hai là, vấn đề quản trị Tòa án có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cho Tòa án nói chung, Thẩm phán và hội thẩm nói riêng được độc lập trong xét xử. Trong tư pháp hiện đại, có 3 phương cách quản trị Tòa án:
(1) Chánh án Tòa án Tối cao quản lý Tòa án cấp dưới. Cách quản lý này bảo đảm cho cơ quan quản lý nắm chắc năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ Tòa án nói chung, Thẩm phán nói riêng để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cũng như phân công nhiệm vụ, điều động, bổ nhiệm Thẩm phán tại các Tòa án. Tuy nhiên, cách quản lý này cũng dễ dẫn đến sự tác động của quan hệ quản lý liên quan hệ tố tụng, dẫn đến sự can thiệp hoặc áp lực của Tòa án cấp trên đối với việc xét xử của Tòa án cấp dưới.
(2) Cơ quan hành pháp, hành chính Nhà nước quản lý Tòa án. Đây là phương cách quản lý bảo đảm tách quan hệ quản lý khỏi quan hệ tố tụng; bảo đảm cho quan hệ tố tụng được thực hiện độc lập. Tòa án chỉ tập trung cho hoạt động xét xử, thực hiện quyền tư pháp; còn các công việc khác như tổ chức Tòa án; đội ngũ cán bộ, Thẩm phán; ngân sách cho hoạt động của Tòa án, trong đó có chế độ, chính sách đối với Thẩm phán do cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện. Tuy nhiên, việc tách rời giữa quản lý về mặt tổ chức và quản lý về mặt chuyên môn nghiệp vụ đã dẫn đến những hạn chế trong đánh giá năng lực đội ngũ Thẩm phán, hội thẩm; dẫn đến những hạn chế trong thực hiện chế độ, chính sách đối với Tòa án, đối với Thẩm phán, hội thẩm...
(3) Một cơ quan hỗn hợp độc lập quản lý Tòa án. Để phát huy được những ưu điểm, khắc phục được những hạn chế của 02 mô hình quản trị Tòa án nêu trên, trong Nhà nước pháp quyền hiện đại, việc quản trị Tòa án, nhất là trong lựa chọn bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật, cách chức Thẩm phán do hội đồng tư pháp quốc gia thực hiện. Hội đồng tư pháp quốc gia thông thường gồm đại diện các cơ quan tư pháp, hành pháp, lập pháp và một số cựu Thẩm phán có nhiều kinh nghiệm tham gia do nguyên thủ quốc gia (Tổng thống, Chủ tịch nước, Nhà vua) đứng đầu(10).
Ba là, về địa vị của Thẩm phán, hội thẩm. Thẩm phán không phải là công chức hành chính. Vì vậy, tiêu chuẩn, chế độ, nhiệm kỳ bổ nhiệm; thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật Thẩm phán phải khác so với công chức hành chính khác để họ có thể độc lập xét xử. Thẩm phán phải là người có trình độ chuyên môn, được đào tạo nghiệp vụ, từng trải trong cuộc sống và bản lĩnh để phán quyết, vì công lý và dám chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Đặc biệt, việc miễn nhiệm hay kỷ luật Thẩm phán được quy định chặt chẽ và được thực hiện theo một thủ tục minh bạch, khách quan, bảo đảm để họ không có sự e ngại nào về việc có thể bị xử lý, bị kỷ luật khi phán quyết về một vụ việc cụ thể. Ở nhiều nước, Thẩm phán có quyền miễn trừ; họ chỉ có thể bị truy cứu trách nhiệm pháp lý, bao gồm cả trách nhiệm hình sự khi có sự đồng ý của hội đồng tư pháp quốc gia hoặc phán quyết cho phép của Tòa án danh dự (impeachment court) Thẩm phán. Thẩm phán không bị điều chuyển sang công tác khác, không bị hạ bậc lương trong quá trình công tác. Việc kỷ luật Thẩm phán thuộc thẩm quyền tập thể của hội đồng tư pháp quốc gia hoặc một uỷ ban kỷ luật độc lập; người đứng đầu cơ quan quản lý Tòa án không có thẩm quyền kỷ luật Thẩm phán... Thẩm phán thông thường được nguyên thủ quốc gia bổ nhiệm theo đề nghị của cơ quan quản lý Thẩm phán. Nhiệm kỳ bổ nhiệm Thẩm phán có vai trò rất quan trọng để Thẩm phán xét xử độc lập. Nguy cơ mất việc làm, nguy cơ không được tái bổ nhiệm luôn tạo ra cho Thẩm phán rào cản lớn cho độc lập xét xử. Vì thế, thực tiễn tư pháp đều cho thấy xu thế hoặc là Thẩm phán được bổ nhiệm với nhiệm kỳ suốt đời, hoặc là được bổ nhiệm với nhiệm kỳ khá dài, đa số là 10 năm hoặc kết hợp cả hai tuỳ theo cấp Thẩm phán. Đồng thời, tuổi làm việc của Thẩm phán cũng dài hơn công chức hành chính, hoặc là cho đến khi không còn khả năng làm Thẩm phán hoặc 65 đến 70 tuổi.
Chế độ lương bổng của Thẩm phán, thù lao cho hội thẩm cũng là yếu tố có ảnh hưởng rất lớn tới sự độc lập xét xử của Thẩm phán, hội thẩm, bảo đảm sự liêm chính trong hoạt động vốn nhiều cám dỗ của mình. Trong các quốc gia, số lượng Thẩm phán bao giờ cũng ít hơn rất nhiều so với đội ngũ công chức. Tuy các Thẩm phán luôn luôn có bậc lương riêng và cao hơn nhiều so với các công chức khác; bảo đảm cho họ và gia đình có cuộc sống vật chất, mà không chịu sự tác động, cám dỗ vật chất nào khác từ những người tham gia tố tụng có liên quan; nhưng quỹ tiền lương của Thẩm phán luôn chiếm phần khiêm tốn trong ngân sách quốc gia.
Bốn là, để Thẩm phán, hội thẩm độc lập xét xử không thể không có sự giám sát. Đó là sự giám sát từ bên trong hệ thống thông qua các trình tự tố tụng tư pháp, hoạt động giám đốc xét xử của Tòa án cấp trên; mối quan hệ chế ước của các cơ quan tiến hành tố tụng và đặc biệt là giám sát (kháng cáo, khiều nại, tố cáo) từ phía người tham gia tố tụng có quyền và nghĩa vụ liên quan. Đó là sự giám sát bên ngoài từ phía các cơ quan lập pháp, hành pháp; của nhân dân; của dư luận xã hội và truyền thông...
Năm là, ngoài các yếu tố trên, năng lực của Thẩm phán cũng là điều kiện quan trọng để Thẩm phán "dám" độc lập xét xử. Năng lực của Thẩm phán thể hiện ở trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, sự từng trải xã hội, đạo đức và bản lĩnh nghề nghiệp. Chỉ trên cơ sở có được những năng lực đó, Thẩm phán mới có thể phán quyết vụ án theo quy định pháp luật và lương tâm của mình vì sự thật, pháp luật và công lý.
Sáu là, ở Việt Nam, đặc thù của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa do Đảng duy nhất lãnh đạo. Là cơ quan trong bộ máy thực hiện quyền lực Nhà nước (quyền tư pháp), Tòa án nhân dân chịu sự lãnh đạo của Đảng. Tuy nhiên, nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam đối với các Tòa án nhân dân cũng cần có những nét đặc thù để một mặt nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Đảng; mặt khác bảo đảm thực hiện nguyên tắc Tòa án xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Thực trạng bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án
Khái quát kết quả đạt được
Cùng với công cuộc cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, ban hành Hiến pháp năm 2013 và hệ thống các luật về hệ thống tư pháp nói chung, Tòa án nhân dân nói riêng, Việt Nam đã tạo ra được cơ sở pháp lý khá tiến bộ cho việc bảo đảm cho Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Cơ sở đó thể hiện ở một số điểm sau đây:
- Hiến pháp đã xác định nguyên tắc kiểm soát việc thực hiện quyền lực giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp, tạo cơ sở Hiến định cho mô hình tổ chức, quản trị Tòa án bảo đảm tốt nhất cho Thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (Điều 2). Hiến pháp cũng khẳng định Thẩm phán và hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân (Điều 103). Hiến pháp cũng quy định Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân Tối cao và các Tòa án khác do luật định (Điều 102) để tạo cơ sở pháp lý cho việc thành lập các Tòa án theo cấp xét xử...
- Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 đã có những quy định tiến bộ, phù hợp với nguyên tắc pháp quyền và xu thế tư pháp hiện đại. Bước đầu đã kết hợp tổ chức Tòa án theo cấp xét xử (các Tòa án nhân dân cấp cao) với tổ chức Tòa án theo đơn vị hành chính lãnh thổ (các Tòa án nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện); năng lực của Thẩm phán được tiêu chuẩn hóa về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm; Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao được Quốc hội phê chuẩn với nhiệm kỳ suốt đời, Thẩm phán các cấp do Chủ tịch nước bổ nhiệm với nhiệm kỳ dài hơn là 10 năm; tuy vẫn giao cho Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao quản lý các Tòa án, nhưng đã có sự kết hợp với Hội đồng tuyển chọn và giám sát Thẩm phán quốc gia; các lớp đào tạo nghiệp vụ và thi tuyển Thẩm phán các cấp đã được tổ chức; chánh án Tòa án nhân dân địa phương chỉ phải báo cáo công tác, mà không phải chịu trách nhiệm trước hội đồng nhân dân địa phương... Những quy định này là bước tiến mới trong tổ chức hệ thống tư pháp, bảo đảm vị trí Tòa án là trung tâm, xét xử là trọng tâm trong hoạt động tư pháp.
- Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII đã rất nhấn mạnh quyết tâm của Đảng trong việc thực hiện nguyên tắc độc lập xét xử, trong đó chú trọng đến việc bảo đảm độc lập của Tòa án theo cấp xét xử, chú trọng năng lực Thẩm phán; đặc biệt là kiên quyết xử lý các cá nhân, tổ chức can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, hội thẩm...
Những hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cũng còn tồn tại những hạn chế, bất cập trong bảo đảm việc thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đó là:
- Tổ chức Tòa án theo cấp xét xử vẫn chưa được thực hiện một cách triệt để, dễ dẫn đến các Tòa án địa phương phụ thuộc vào các cơ quan, tổ chức lãnh đạo, quản lý địa phương. Việc tổ chức Tòa án theo đơn vị hành chính và chánh án là cấp ủy địa phương; việc bổ nhiệm, tái bổ nhiệm Thẩm phán thông qua thường vụ cấp ủy địa phương giải thích tại sao tỷ lệ các vụ án hành chính bị xét xử sai hoặc bị hủy cao hơn nhiều so với các vụ án khác (mà sai chủ yếu xâm phạm lợi ích người khởi kiện). Điều 42, Điều 47 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định chánh án Tòa án nhân dân không phải chịu trách nhiệm trước hội đồng nhân dân địa phương đã không được thực hiện một cách triệt để; việc cơ quan đại diện chính quyền địa phương chất vấn trách nhiệm của chánh án, chất vấn về xét xử các vụ án cụ thể vẫn được tiến hành;
- Vấn đề quản trị Tòa án vẫn còn những bất cập. Chức trách của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao với tư cách vừa là người đứng đầu cơ quan xét xử cao nhất vừa là người được giao quản lý các Tòa án nhân dân chưa được phân định rõ ràng, minh bạch, dễ dẫn đến các quan hệ quản lý ảnh hưởng đến quan hệ tố tụng và sử dụng quan hệ tố tụng cho mục đích quản lý, tổ chức; trong đó có độc lập xét xử của Thẩm phán và hội thẩm.
Vai trò của Hội đồng Tuyển chọn và giám sát Thẩm phán quốc gia chưa thật rõ ràng, còn nhiều hạn chế so với kỳ vọng; nhất là thành phần Hội đồng và trong việc kỷ luật Thẩm phán. Theo chúng tôi, Hội đồng phải có vai trò quyết định trong xem xét kỷ luật, điều chuyển Thẩm phán để bảo vệ Thẩm phán và vấn đề kỷ luật không trở thành sức ép tâm lý đối với Thẩm phán trong độc lập xét xử.
- Chế độ, chính sách đối với Thẩm phán, hội thẩm vẫn còn nhiều điểm thiếu hợp lý. Việc coi Thẩm phán là công chức Nhà nước bình thường sẽ dẫn đến họ phải phụ thuộc vào sự lãnh đạo của cấp trên với mối quan hệ mệnh lệnh, phục tùng (đặc trưng trong quan hệ hành chính). Chế độ tiền lương của Thẩm phán, thù lao xét xử của hội thẩm chưa được đổi mới, ảnh hưởng đến tính liêm chính trong đội ngũ Thẩm phán, hội thẩm, thậm chí dẫn đến tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ này... làm cho nhân dân nghi ngờ, mất lòng tin vào công lý, tức hệ thống tư pháp nói chung, vào hoạt động xét xử của các Tòa án nói riêng. Ở Việt Nam, Thẩm phán không hề có một quyền miễn trừ nào, nhất là miễn trừ trách nhiệm. Vì vậy, Thẩm phán không thể “an tâm” để độc lập xét xử... Bên cạnh đó, cơ chế giám sát hoạt động xét xử của các thiết chế Nhà nước cũng như xã hội chưa phù hợp với yếu tố đặc thù của độc lập xét xử là hậu kiểm. Trong xét xử, yếu tố tiền kiểm sẽ tạo nguy cơ lớn chuyển từ kiểm soát xét xử sang can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, hội thẩm. Hiến pháp cũng như pháp luật quy định nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, hội thẩm. Tuy nhiên, cùng với điều cấm mang tính Hiến định này lại chưa có bất kỳ một chế tài nào bảo đảm cho điều cấm đó được thực thi trên thực tiễn. Có lẽ vì vậy, trong lịch sử tư pháp Việt Nam, chưa thấy bất kỳ một cá nhân nào bị xử lý trách nhiệm, dù là nhỏ nhất đối với hành vi can thiệp vào hoạt động xét xử của Thẩm phán, hội thẩm...
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, vướng mắc nêu trên, có thể kể ra các nguyên nhân cơ bản sau đây:
(1) Do thiếu nhận thức đầy đủ về nội dung cũng như vai trò của nguyên tắc Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, các đặc thù của quyền tư pháp trong cơ chế thực hiện quyền lực Nhà nước, trong bảo vệ công lý(11).
(2) Tình trạng “hành chính hóa” quản lý cũng như hoạt động tư pháp, không phân biệt hoạt động hành chính Nhà nước với hoạt động tư pháp, từ đó không phân biệt được tính đặc thù trong tổ chức, lãnh đạo công tác tư pháp; trong thực hiện chế độ, chính sách đối với tư pháp; trong khen thưởng, kỷ luật trong lĩnh vực tư pháp và hoạt động giám sát tư pháp.
(3) Từ những nhận thức chưa thật đúng đắn nêu trên, cơ chế thực hiện quyền tư pháp ở nước ta còn những sai lệch nhất định. Đó là:
- Thể chế về hệ thống tư pháp còn những bất cập. Tư pháp chưa được đặt ngang hàng độc lập để có thể có khả năng kiểm soát có hiệu quả đối với lập pháp, hành pháp; khả năng độc lập trong hoạt động của mình;
- Các thiết chế tư pháp được thiết lập còn thiếu hợp lý từ góc độ chức năng, nhiệm vụ; quản lý Nhà nước và chính sách đầu tư; đội ngũ cán bộ, nhất là Thẩm phán chưa được xây dựng thật vững mạnh, không chỉ đủ khả năng hoàn thành chức năng thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý và tạo nên trong mắt người dân rằng công lý được bảo vệ, mà còn có bản lĩnh để độc lập xét xử;
- Hoạt động thực hiện quyền tư pháp còn nhiều rào cản để Thẩm phán, hội thẩm độc lập xét xử và tuân theo pháp luật. Thẩm phán, hội thẩm không được tạo điều kiện để xét xử theo “lương tâm Thẩm phán", theo “cảm nhận công lý” của mình, một “lương tâm”, “cảm nhận” được xây dựng nên từ trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, đạo đức, nghề nghiệp, từng trải cuộc sống và kinh nghiệm nghề nghiệp... Đặc biệt, hoạt động xét xử của Thẩm phán còn chịu không ít sự can thiệp nhân danh sự lãnh đạo, chỉ đạo quản lý, điều hành không đúng pháp luật...
Quan điểm và các giải pháp bảo đảm nguyên tắc độc lập xét xử của Tòa án
Quan điểm
Từ những khái quát lý luận về nguyên tắc Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật nêu trên, phân tích quan điểm của Đảng, các quy định của pháp luật, đánh giá thực tiễn bảo đảm thực hiện nguyên tắc, chúng tôi thấy cần tiếp tục có những giải pháp bảo đảm thực hiện có hiệu quả nguyên tắc Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Để đưa ra được các giải pháp khách quan, toàn diện, phù hợp, khả thi, trước tiên, cần quán triệt các quan điểm sau đây:
Một là, nguyên tắc Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật là một nội dung quan trọng trong cải cách tư pháp, xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Bảo đảm thực hiện nguyên tắc này là góp phần “Xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân... nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của toà án nhân dân”(12).
Hai là, các giải pháp bảo đảm thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật phải được tiến hành đồng bộ với cải cách tư pháp, đổi mới hệ thống tư pháp trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Ba là, các giải pháp đưa ra phải xuất phát từ điều kiện phát triển chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.
Bốn là, cần có lộ trình phù hợp để đưa ra và thực hiện các biện pháp, bảo đảm mang tính khả thi cao...
Giải pháp và kiến nghị
Các giải pháp trước mắt
(1) Quán triệt một cách sâu rộng trong nhân dân, các cơ quan truyền thông, báo chí, đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là đội ngũ lãnh đạo quan điểm, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước ta về nguyên tắc Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; đặc biệt là quy định nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân can thiệp vào hoạt động xét xử của Thẩm phán, hội thẩm.
(2) Nhận thức đúng đắn và đổi mới công tác quản lý Tòa án. Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Tuyển chọn và giám sát Thẩm phán quốc gia. Nghiên cứu tổ chức Hội đồng Tư pháp quốc gia.
(3) Nhanh chóng xây dựng bảng lương riêng cho Thẩm phán; chế độ phụ cấp xét xử mới đối với hội thẩm, góp phần xây dựng liêm chính trọng hoạt động của Thẩm phán, hội thẩm.
(4) Quy định chế tài, phát hiện, xử lý kỷ luật một số tổ chức, cá nhân có hành vi can thiệp vào việc xét xử của Thẩm phán, hội thẩm gây hậu quả nghiêm trọng để kịp thời rút kinh nghiệm và răn đe các trường hợp tương tự...
(5) Đổi mới hoạt động giám sát đối với hoạt động xét xử của Thẩm phán, hội thẩm. Các cơ quan lập pháp, hành pháp không can thiệp vào việc xét xử các vụ án cụ thể; đổi mới việc chất vấn chánh án trước Quốc hội; hội đồng nhân dân không thảo luận, chất vấn trách nhiệm về các vụ án cụ thể đối với các cánh án Tòa án nhân dân theo pháp luật hiện hành.
Các giải pháp lâu dài
Tiếp tục thực hiện tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII. Tiến hành sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tổ chức hệ thống tư pháp, về tố tụng tư pháp tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện nguyên tắc Thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Cụ thể là:
- Sửa đổi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân để tổ chức Tòa án hoàn toàn theo cấp xét xử, không theo đơn vị hành chính lãnh thổ. Nghiên cứu thành lập các Tòa án rút gọn, Tòa án giản lược để xét xử các vụ án hình sự ít nghiêm trọng, các tranh chấp có giá trị không lớn với cơ chế lãnh đạo, quản lý phù hợp. Hoàn thiện điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán để lựa chọn được đội ngũ Thẩm phán từ nhiều nguồn khác nhau, loại bỏ đặc cách bổ nhiệm không đủ tiêu chuẩn Thẩm phán, nhất là Thẩm phán là lãnh đạo Tòa án các cấp. Giao việc quản trị Tòa án cho Hội đồng Tư pháp quốc gia do Chủ tịch nước đứng đầu và có sự tham gia của các cựu Thẩm phán có kinh nghiệm và uy tín nghề nghiệp; đồng thời, Chủ tịch nước là người bổ nhiệm, kỷ luật Thẩm phán. Kéo dài nhiệm kỳ của Thẩm phán lên 10 năm hay suốt đời; thay đổi quy chế Thẩm phán, coi Thẩm phán là công chức đặc biệt với chế độ, chính sách đặc thù; Thẩm phán cần được hưởng chế độ miễn trừ cần thiết. Bảo đảm cho Thẩm phán không bị chuyển sang công tác khác, bị hạ bậc lương, bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu không có quyết định của Chủ tịch nước theo đề nghị của Hội đồng Tư pháp quốc gia.
- Sửa đổi, hoàn thiện các Luật Tố tụng tư pháp. Hủy bỏ việc tham gia tố tụng đối với các vụ án phi hình sự của đại diện viện kiểm sát. Chuyển viện kiểm sát thành viện công tố thuộc cơ quan hành pháp, thực hành quyền công tố trong các vụ án hình sự. Đổi mới việc tham gia xét xử của hội thẩm; phân biệt 03 loại vụ án: a) vụ án đơn giản, rõ ràng, tranh chấp không đáng kể thì được xét xử bằng một Thẩm phán; b) vụ án hình sự nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, các vụ án phi hình sự khác xét xử bằng một Thẩm phán và hai hội thẩm; c) vụ án hình sự đặc biệt nghiêm trọng xét xử bằng Thẩm phán và Đoàn hội thẩm.
Hủy bỏ thủ tục án đụng trần. Phán quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao không ai được quyền xem xét lại theo thủ tục tố tụng tư pháp, kể cả Quốc hội.
(1) Điều 2 Hiến pháp năm 2013. (2) Điều 102 Hiến pháp năm 2013. (3) Khác với pháp trị, tức Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, và dường như tự mình Nhà nước đứng ngoài, đứng trên pháp luật; Nhà nước pháp quyền, tức Nhà nước được tổ chức theo tư tưởng pháp quyền; Nhà nước “Government itself is bound by law”. (4) Barry M.Hager, The Rule of law: a lexicon for Policy Makers, The Mansfield Center for Pacific Afairs, 2000, tr.23. (5) Nguyễn Đăng Dung, Chế ước quyền lực Nhà nước, NXB Đà Nẵng, 2008, tr.413. (6) Lê Hồng Hạnh và Đặng Công Cường (Chủ biên), Độc lập tư pháp ở Việt Nam và tiêu chí đánh giá, NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2015, tr. 9-10. (7) Peter VonDoepp, The Rule of law and the courts, https://www.routledgehandbooks.com/doi/10.4324/9780203070680.ch3, p. 46. (8) Điều 4 Hiến pháp năm 2013. (9) The international Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR); The Universal Declaration on the Independence of Justice, Montreal 1983; World Justice Project. Rule of Law Index. Vienna 2008... (10) Trương Hòa Bình, Ngô Cường, Hệ thống Tòa án một số nước trên thế giới (kinh nghiệm cho Việt Nam), H. 2014, tr.376-377. (11) Ví dụ: Có một số đại biểu Quốc hội cho rằng Quốc hội là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, thực hiện giám sát tối cao, cho nên có thể phát biểu về việc xét xử vụ án của Tòa án bất kỳ lúc nào, kể cả trước và trong khi phiên tòa đang diễn ra. (12) Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thức XIII Đảng Cộng sản Việt Nam. |
Tài liệu tham khảo:
|
PGS. TS. TRẦN VĂN ĐỘ
Nguyên Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao