/ Kinh nghiệm - Thực tiễn
/ Bất cập tại nội dung buộc tội bị cáo Tưởng Đăng Thế (tiếp theo)

Bất cập tại nội dung buộc tội bị cáo Tưởng Đăng Thế (tiếp theo)

05/01/2021 17:54 |

LSVNO - Nhân chứng Nguyễn Thị Loan đã khai báo nhìn thấy Tưởng Đăng Thế thực hiện hành vi phạm tội nhưng giữa gia đình bà Nguyễn Thị Loan và Tưởng Đăng Thế trước đây đã có mâu thuẫn với nhau. Vậy...

LSVNO - Nhân chứng Nguyễn Thị Loan đã khai báo nhìn thấy Tưởng Đăng Thế thực hiện hành vi phạm tội nhưng giữa gia đình bà Nguyễn Thị Loan và Tưởng Đăng Thế trước đây đã có mâu thuẫn với nhau. Vậy thì liệu lời khai của bà Loan có khách quan hay không? - Đây là một trong những nội dung bất cập tại nội dung buộc tội Tưởng Đăng Thế.

Ảnh minh họa.

III. Năm nội dung để buộc tội đối với Tưởng Đăng Thế tại bản cáo trạng, nhưng các chứng cứ này cũng thể hiện nhiều điều bất cập như sau:

III.1. Tại Bút lục số 97 (tập 1) về thực nghiệm điều tra:

Theo như Tưởng Đăng Thế trình bày thì, Thế không hề biết gì về sự việc. Thế bị dùng nhục hình chịu không nổi, bị đánh quá đau và không đi nổi, và công an hướng dẫn Thế làm gì thì thế làm nấy. Lời trình bày này của Thế là đúng, bởi vì tại các bản ảnh được chụp khi thực nghiệm điều tra (có trong hồ sơ vụ án) đã thể hiện rõ điều này, ví dụ tại các bản ảnh tôi xin đưa ra sau đây:

- Ảnh 3: mô tả khi Tưởng Đăng Thế đi ra khỏi nhà ông Cát, khi xuống thềm không đi nổi phải có 02 người công an xốc nách đỡ 02 bên.

- Ảnh 4: mô tả khi Tưởng Đăng Thế khi đi ra khỏi cổng nhà ông Cát, thì cũng phải có người dìu Thế đi.

- Ảnh 6: mô tả Tưởng Đăng Thế đi về phía nhà bếp ông Hùng bị cán bộ công an kẹp cổ đưa đi (việc này Thế khai tại phiên tòa sơ thẩm ngày 12/9/2006 là bị cáo không thực hiện nên bị cáo không đi, nhưng cán bộ điều tra vẫn cứ lôi bị cáo đi).

- Ảnh 7: mô tả khi Tưởng Đăng Thế đến cửa bếp nhà ông Hùng thì cán bộ công an phải chỉ cho Thế.

- Ảnh 15: mô tả Tưởng Đăng Thế bóp cổ cháu Hồng bằng tay trái, tay phải cầm tay của cháu Hồng nhưng lời khai của Thế tại bản tự thú ngày hôm trước thì ngược lại: Thế dùng tay phải bóp cổ cháu Hồng và dùng tay trái cầm tay của nạn nhân.

- Ảnh 16: mô tả Tưởng Đăng Thế cởi quần cháu Hồng: mô tả Thế cầm phía dưới ống quần của nạn nhân để cởi (nhưng quần của nạn nhân là quần âu, có khóa), không thể cởi như trong ảnh được.

- Ảnh 19: mô tả Tưởng Đăng Thế đang cầm hòn đá lên, nhưng phải có người cầm lên giúp cho Thế.

Và điều quan trọng là: Mặc dù Thực nghiệm điều tra được thực hiện theo như lời khai nhận tội của Thế của ngày hôm trước. Và thực nghiệm điều tra theo hành vi phạm tội này hoàn toàn trái ngược với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi như đã trình bày ở phẩn thứ I. Do đó không thể nói Tưởng Đăng Thế là người đã giết cháu Hồng.

III.2. Tại các Bút lục số 45 + 46 và 100 + 101 (tập I): Tưởng Đăng Thế làm bản tự khai giao nộp cho cán bộ Tú, trình bày rõ lý do vì sợ bị “tử hình” nên đã phản cung không nhận tội, nhưng chính ông Trương Khắc Tú cũng là người đánh đập và ép buộc đối với Tưởng Đăng Thế. Ngoài ra, trong quá trình bị tạm giam trong buồng giam Thế có tâm sự với các can phạm: Phạm Văn Thêu, Y Phước Bkrông, Nguyễn Phước Long lý do bị băt giử là do vào nhà trộm cắp bị phát hiện nên đã đánh làm chết người nên đã bị khởi tố về tội giết người.

Khi vào Trại tạm giam làm việc với Thế trước khi xét xử, tôi cũng đã nói với Thế rằng: có nhân chứng chứng kiến sự việc Thế đánh cháu Hồng, và một số can phạm cùng buồng giam với Thế cũng đã khai báo là Thế có kể chuyện đánh chết cháu Hồng. Do vậy Thế nên nhận tội để được giảm nhẹ, và tôi cũng nói cho Thế về các bản viết tự nhận tội của Thế và lý do Thế phản cung là do sợ bị tử hình, nhưng Tưởng Đăng Thế vẫn một mực kêu oan, và nói rằng Thế không phạm tội, Thế không giết cháu Hồng, những nội dung Thế phải viết là do Thế bị dùng nhục hình, bị đánh đập, bị ép buộc, và Thế nói rằng mọi việc là do Điều tra viên tự dựng lên để đổ tội cho Thế và hầu hết các bản Thế viết theo lời đọc của Điều tra viên, vì Thế không viết theo lời họ thì sẽ bị đánh, chứ Thế thề là Thế không hề đánh cháu Hồng, Thế không hề giết cháu Hồng.

Qua lời khai của Thế thấy rằng: Tại bút lục 77, 78 có Bản cam kết và tự khai ngày 06/4/2006; tiếp tục lại có bản cam kết viết ngày 06/4/2006 (tại Bút lục 190), Thế viết: “Thời gian trước đây khi làm việc với cán bộ và luật sư tôi không nhận tội và xuyên tạc tội giết người lý do tôi xuyên tạc vì sợ quá, sợ bị tử hình. Nay tôi thấy việc làm của tôi đã rõ ràng. Tôi thấy việc xuyên tạc như vậy là vi phạm pháp luật”. Tuy Thế viết như vậy, nhưng theo Thế khai thì do Thế bị đánh, bị ép viết và Điều tra viên đọc cho Thế, bắt Thế phải viết ra đúng như vậy. Điều này là có căn cứ vì tại buổi làm việc với Công an, Viện Kiểm sát, và Luật sư Phạm Hàn Lâm vào ngày 05/5/2006 đã thể hiện rõ trong hồ sơ là vào hôm đó Thế đã bị Điều tra viên đánh đập.

Về lời khai của Phạm Văn Thêu: Cơ quan điều tra sử dụng chứng cứ gián tiếp là bản báo cáo và lời khai của can phạm Phạm Văn Thêu (tại Bút lục 100, 102, 103, 104) để cho rằng Thế đã phạm tội nhưng sau đó đã phản cung bởi một số lý do mà Thế đã kể cho Thêu được biết. Theo can phạm Phạm Văn Thêu trình bày thì Thế nói người nhà của Thế vào thăm nói với Thế là Thế đừng nhận tội, gia đình Thế sẽ lo luật sư cãi cho Thế. Những nội dung này là không đúng (nếu không nói là Thêu đã bịa đặt cho Thế), vì: từ trước tới nay gia đình Thế chưa bao giờ thuê luật sư bào chữa cho Thế. Tại giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra yêu cầu Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk cử luật sư bào chữa chỉ định cho bị can Tưởng Đăng Thế. Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk đã cử luật sư Phạm Hàn Lâm tham gia bào chữa chỉ định cho bị can Tưởng Đăng Thế. Trong quá trình tham gia hỏi cung, bị can Tưởng Đăng Thế kêu oan không nhận tội, nên Luật sư Phạm Hàn Lâm không ký vào các biên bản hỏi cung trước đó Thế có nhận tội theo yêu cầu của Điều tra viên. Do Luật sư Phạm Hàn Lâm không ký vào các biên bản đó, nên khi hồ sơ chuyển qua Tòa án tỉnh Đắk Lắk, Tòa án tỉnh đề nghị Đoàn Luật sư không cử Luật sư Phạm Hàn Lâm mà cần cử luật sư khác tham gia bào chữa chỉ định cho bị cáo Tưởng Đăng Thế. Sau khi trao đổi với Luật sư Phạm Hàn Lâm, thấy rằng vụ án quá phức tạp, nên Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk đã họp và quyết định cử đích danh Chủ nhiệm Đoàn đứng ra để bào chữa chỉ định cho bị cáo Tưởng Đăng Thế. Bản thân tôi bào chữa cho Thế từ trước tới nay đều là bào chữa do Tòa án chỉ định, chứ không phải là do gia đình Thế thuê. Hơn nữa, khi hồ sơ đang ở giai đoạn điều tra, về nguyên tắc Luật sư không bao giờ được gặp riêng bị can. Nếu Luật sư vào làm việc với bị can thì đều phải có Cán bộ điều tra cùng đi theo để làm việc, thì không thể có Luật sư nào đó bảo với Thế là cần phản cung, và không nhận. Mặt khác, theo bị cáo cho biết thì mãi tới tháng 6/2006 (tức là khi hồ sơ đã chuyển qua Viện kiểm sát), người nhà của Thế mới được vào thăm gặp Thế, thì mới nghe Thế kêu oan, chứ trước đó gia đình họ không hề biết gì cả, Nhưng khi can phạm Thêu báo cáo và khai vào tháng 4/2006 thì lúc này hồ sơ đang ở giai đoạn điều tra. Hơn nữa, nếu như người nhà bị can vào thăm gặp bị can hoặc luật sư vào làm việc với bị can đều phải có lệnh trích xuất của cơ quan tiến hành tố tụng, mới được thăm gặp hoặc làm việc và đương nhiên sẽ được thể hiện đầy đủ trong sổ sách của Trại tạm giam. Do đó, rất dễ để kiểm tra lời khai này của can phạm Thêu là đúng hay không đúng.

Đồng thời cũng cần xem xét rằng: Vào ngày 20/4/2006 cán bộ Đoàn Quyết Thắng viết bản tố cáo Điều tra viên đánh đập Thế vào ngày 12/4/2006 thì vào ngày 25/4/2006 lại có bản báo cáo của bị can Phạm Văn Thêu. Hơn nữa Thêu là bị can đang ở giai đoạn điều tra và bị can Thêu lại được chính Điều tra viên Dương Thế Bình đã đánh Tưởng Đăng Thế trực tiếp điều tra vụ án của Thêu, liệu có hoàn toàn khách quan hay không?

Về lời khai củacác bị can Y Phước Bkrông và Nguyễn Phước Long và kể cả lời khai của những người khác có tính chất buộc tội cho Thế cũng cần phải xem lại, vì bị can Nguyễn Phước Long can tội giết người ở một vụ án khác cũng đang do chính Điều tra viên Dương Thế Bình trực tiếp điều tra, bởi vì Thế khai Thế bị ép cung, bị đánh đập và sợ bị đánh chết nên đã nhận bừa, thì không lý gì Thế lại nói những điều Thế không hề thực hiện đối với các can phạm này. Và các can phạm này mặc dù khai Thế phạm tôi theo như bản cáo trạng nêu thì rõ ràng nó cũng hoàn toàn trái ngược với Hiện trường vụ án và các dấu vết để lại trên thi thể nạn nhân.

Từ trước đến nay, khi làm những vụ án giết người mà bị can kêu oan tại Đắk Lắk, cán bộ điều tra đều sử dụng thủ thuật này để chứng minh bị cáo phạm tội (chứng cứ gian tiếp từ nhân chứng gián tiếp), nhưng rất nhiều trường hợp dù họ đã bị tuyên án tội giết người, họ đã đi tù nhiều năm nay và họ cũng vẫn cứ một mực kêu oan. Chúng ta cần phải xem xét lại là tại sao lại như vậy?   

III.3. Đơn thư tố giác tội phạm:

Trong khi điều tra, cơ quan điều tra được phép dùng các biện pháp mà pháp luật không cấm để điều tra truy tìm tội phạm. Nhưng trong vụ này, việc lấy ý kiến tố giác tội phạm theo kiểu họp thôn và theo biên bản họp thôn đột xuất vào ngày 20/01/2006 (có trong hồ sơ vụ án được ghi nhận taị Bút lục 60) đã quy định: “Tất cả các hộ dân thôn Tân Nam phải chuẩn bị ý kiến và hộ nào cũng phải bỏ phiếu tố giác tội phạm” và cơ quan điều tra đã thu giử được 49 phiếu (theo biên bản mở thùng phiếu tố giác tội phạm tại Bút lục 61), trong 49 phiếu này có một phiếu ghi người giết cháu Hồng là Thế Tùng, và cơ quan điều tra đã căn cứ vào đó để đưa Tưởng Đăng Thế đi và dùng nhục hình đối với Thế.

Việc bỏ phiếu tố giác tội phạm và bắt ai cũng phải bỏ phiếu như thế này là rất nguy hiểm, vì: trong cuộc sống không thiếu gì kẻ ganh ghét lẫn nhau, và có thể mượn cớ để báo thù.

III.4. Nhân chứng Nguyễn Thị Loan đã khai báo nhìn thấy Tưởng Đăng Thế thực hiện hành vi phạm tội nhưng giữa gia đình bà Nguyễn Thị Loan và Tưởng Đăng Thế trước đây đã có mâu thuẫn với nhau do trước đây con trai bà Loan bắt trộm thỏ của nhà anh Danh, Tưởng Đăng Thế bắt được đánh cho một trận đau (và theo bà Loan khai tại Tòa thì con trai bà Loan không hề trộm cắp thỏ nhưng Tưởng Đăng Thế vẫn bắt con trai bà đưa ra an ninh thôn) và kể từ đó bà Loan hận thù Tưởng Đăng Thế. Vậy thì liệu lời khai của bà Loan có khách quan hay không?

Hơn nữa, tại bút lục 36, 37 biên bản ghi lời khai ngày 15/8/2008, bà Nguyễn Thị Loan đã khai: “Tôi nhìn thấy có ngưòi đang kéo và đánh cháu Hồng. Tôi sợ quá trèo lên cây cà phê ngồi nhìn thì thấy Thế Tùng đang dùng cây đánh cháu Hồng. Khi cháu Hồng đang nằm ở dưới đất thì Thế Tùng bê đá đập vào đầu cháu Hồng, lột quần vứt ra ngoài rồi thế Tùng bỏ chạy” “tôi khẳng định cây cà phê nơi tôi trèo quan sát cách nơi cháu Hồng bị Thế Tùng đánh là 6 đến 7 cây cà phê”. Nhân chứng Nguyễn Thị Loan khai như vậy thì rõ ràng nhân chứng Nguyễn Thị Loan không thể thấy hành vi bị cáo đánh cháu Hồng, bởi vì: cà phê của nhà anh Hùng, cà phê của nhà chị Vân tại thời điểm xẩy ra vụ án đã rất tốt, cao 2,5 m và cành tán đã phủ kín theo như biên bản khám nghiệm hiện trường ngày 19/01/2006 tại bút lục 16, 17 đã mô tả, và được phản ảnh rất rõ tại bản ảnh số 21: khi Thế đi ra bờ lô cà phê tại buổi khám nghiệm hiện trường, cà phê rất là tốt, phủ kín lối đi. Nếu nhân chứng Nguyễn Thị Loan trèo lên cây cà phê với khoảng cách từ 6 đến 7 cây cà phê vào thời điểm diễn ra sự việc thì không thể chứng kiến được sự việc như bà Loan đã khai. Người có mắt thánh cũng không nhìn thấy gì chứ đừng nói là người thường như bà Loan.

Và điều rất quan trọng nữa là tại phiên tòa ngày 03/7/2008 khi được vị đại diện Viện kiểm sát tỉnh Đắk Lắk thẩm vấn, bà Loan khai: “Bà Loan đi phía sau người đã đánh chết cháu Hồng nhưng không hề nhìn thấy mặt người đó là ai”, vậy thì không thể khẳng định bà Loan thấy chính xác người giết cháu Hồng là Tưởng Đăng Thế. Cũng tại phiên tòa này bà Loan khai vào lúc 14 giờ 30 phút bà Loan nhìn thấy Tưởng Đăng Thế đi ngoài đường, rồi Thế vào nhà anh Hùng và một lúc sau thì đánh chết cháu Hồng, vậy nhưng theo kết quả điều tra và Cáo trạng thì tại thời điểm 14 giờ 30 phút Tưởng Đăng Thế đã có mặt tại nhà anh Cát (đi gây án xong và đã trở lại nhà anh Cát). Như vậy, thời gian thực tế xảy ra sự việc cháu Hồng bị đánh chết và thời gian mà nhân chứng Loan khai đã chứng kiến sự việc cháu Hồng bị đánh chết là khác nhau.

Hoặc tại lời khai ngày 15/8/2008, bà Nguyễn Thị Loan khi được hỏi: “Tại sao trong đơn bà viết là bà nghe tiếng động nên ngồi xuống nhìn vào lô cà phê thì thấy Thế Tùng xuất hiện từ dưới lên? Nay lại khai nhìn thấy Thế Tùng đi vào nhà anh Hùng khi bà đi đến gần cổng nhà anh Cung” thì bà Loan trả lời: “Vì ít học nên khi viết đơn tố giác không được rõ ràng, cụ thể. Nay trước cơ quan điều tra tôi được giải thích nên đã liên tưởng nhớ được cụ thể”. Vậy thì bà Loan đã được giải thích điều gì và được giải thích như thế nào?

Tại bút lục 109 thư tố giác, bà Loan viết vào ngày 20/01/2006, bà Loan viết: “Tôi hốt hoảng đến bây giờ vẫn chưa bình tĩnh được”. Trong khi đó, bà Loan khai: “Tôi ngồi im trên cây cà phê một lúc rồi tụt xuống đi về nhà. Một lúc sau tôi nói với chồng đi lên nhà cháu Hồng xem sao”.

Tại phiên tòa ngày 03/7/2008 bà Loan cũng khai sau khi chứng kiến sự việc, bà Loan có về nói lại với anh Lê Hồng Văn (là chồng bà Loan) về việc Tưởng Đăng Thế đánh chết cháu Hồng, nhưng tại bút lục 15 lời khai của anh Lê Hồng Văn (chồng bà Loan) vào ngày 05/01/2008, ông Văn đã khai: “Ngay trong chiều thì tôi nghe tin cháu Hồng bị giết chết. Giữa hai vợ chồng tôi cũng bàn luận về nguyên nhân cháu Hồng chết nhưng cả hai vợ chồng tôi đều đều không biết về nguyên nhân cháu Hồng chết”. Trong quá trình bào chữa cho bị cáo ở giai đoạn xét xử, tôi có gọi điện thoại hỏi lại anh Lê Hồng Văn (chồng bà Loan) thì anh Văn khẳng định  bà Loan không hề nói điều gì với anh Văn cả, và anh Văn cũng nói là nghe người ta nói nếu vợ tôi mà khai khác đi những gì trước đây đã khai thì vợ tôi sẽ bị tử hình.

Và lời khai mô tả về hành vi phạm tội của bị cáo mà nhân chứng Nguyễn Thị Loan đã khai cũng trái ngược với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi như đã trình bày ở phẩn thứ I.

III.5. Các tài liệu về bản tự khai của Tưởng Đăng Thế qua kết quả giám định đều do Tưởng Đăng Thế viết ra:

Các bản tự khai của Tưởng Đăng Thế không cần phải giám định thì đây cũng chính là do Thế viết ra, nhưng viết ra trong hoàn cảnh như Thế trình bày là bị ép buộc và bị mớm cung và nhiều khi còn phải viết theo nội dung do Điều tra viên đọc, buộc phải viết theo.

III.6.  Sau khi xảy ra sự việc ông Tưởng Đăng Khởi (là bố của Tưởng Đăng Thế) đã đến gia đình bị hại xin lỗi, khắc phục hậu quả bồi thường 6,5 triệu đồng và xin bãi nại:

Theo như ông Khởi khai là do công an bảo rằng con ông phạm tội, và nói với ông là nên đến nhà bị hại để bồi thường, nên ông Khởi đã đến và thực tế là đã đưa cho gia đình anh Hùng 6,5 triệu đồng. Ông già Khởi đã hơn 80 tuổi thấy công an nói thế nào thì nghe theo thế ấy chứ lúc đó cũng không hề biết là con mình bị oan.

Với lại, theo như ông Tưởng Đăng Khởi cho biết là có người nói Công an nói là do Công an đặt máy ghi hình và ghi âm tại khu vực mộ cháu Hồng nên đã phát hiện Tưởng Đăng Thế đến mộ cháu Hồng khấn vái xin tha thứ và Công an mới bắt được kẻ giết người là Thế, chứ không phải là như những gì mà cán bộ công an đã từng làm đối với Thế. 

Những vấn đề khác có liên quan xin được trình bày tiếp như sau:

IV.1. Thực tế hung thủ đã sử dụng hòn đá đã được thu giử tại hiện trường. Do đó, khi Tưởng Đăng Thế khai nhận đã dùng hòn đá này để thả vào đầu nạn nhân thì đương nhiên vật chứng gây án sẽ phù hợp với vết thương trên người nạn nhân. Nhưng dù sao thì nó cũng phải phù hợp với các tình tiết liên quan khác và phù hợp với hiện trường vụ án đã xẩy ra theo thực tế khách quan như đã phân tích ở trên thì mới được chấp nhận. Chứ không thể lấy vật chứng gây án phù hợp với thương tích là kết tội đối với bị cáo. Hơn nữa, theo bị cáo khai thì do bị mớm cung và bị đánh đập nên bị cáo mới khai nhận những gì mình không làm để khỏi bị đánh.

IV.2. Trong quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, nhiều vấn đề rất quan trọng đã không được thu thập hoặc chưa làm. Ví dụ:

- Khi bị giết, nạn nhân có mặc áo ngoài và áo lót, nhưng đã không thu thập 02 chiếc áo này để xác định thêm dấu vết.

- Nạn nhân bị bóp cổ và có chống cự mãnh liệt. Và nạn nhân đã dùng tay để làm việc này nhưng trong lòng bàn tay của nạn nhân không được khám nghiệm nên không được mô tả tại biên bản khám nghiệm tử thi là còn thiếu sót, vì trong những trường hợp này, tay của nạn nhân rất có thể sẽ lưu giử dấu vết gì đó của hung thủ để lại.

- Nạn nhân bị dập môi trên bên trái kích thước 2 cm x 1cm nhưng không xem xét răng của nạn nhân có bị gãy hay không là còn thiếu sót.

- Khi khám nghiệm thu giử được quần lót của nạn nhân màu xanh lơ phần đũng rách và bẩn, nhưng không xác định được quần lót của nạn nhân bị rách do bị xé rách hay là bị rách tự nhiên là thiếu sót, và khi thu giử được quần, thu giử được chiếc chai thuỷ tinh có mùi cồn rượu, thu giử được cục đá, cây cà phê mà hung thủ đã sử dụng gây án, thế nhưng không lấy được vân tay do hung thủ để lại trên những vật chứng này là điều đáng tiếc.

- Theo chị Nguyễn Thị Liên (mẹ của nạn nhân) khai tại bút lục 27, 28 “Buổi trưa cháu Hồng chỉ ăn có 02 chén cơm, vẻ mặt có vẻ buồn” và theo lời khai của một số người gửi xe tại nhà nạn nhân khi họ trả tiền xe và ra về (như lời khai của chị Nguyễn Thị Liệu tại bút lục 50,51 thì: “14 h trả tiền đi về thì thấy đứa bé gái có vẻ buồn và không nói gì, và hình như cháu bé mệt mỏi trong người”. Khi có nguồn tin này nghĩ rằng nên xác minh, tìm hiểu qua bạn bè, người thân của nạn nhân để biết buổi sáng hôm đó (18/01) và những ngày trước đó cháu Hồng có bị ai đe doạ hay có điều gì khác thường hay không để tìm ra sự thật.

IV.3. Tuy bị cáo Thế vào năm 1999 có trộm cắp 01 bao cà phê tại rẫy của người ta, và Thế bị Tòa án huyện Krông Pắk xử phạt 06 tháng tù treo, nhưng đây là lần phạm tội nhất thời duy nhất; do đó, cũng không thể nghĩ rằng một người nào đó trước đây đã trộm cắp, đã bị xử lý thì sau này vẫn cứ có thói rình mò nhà người khác để trộm cắp.

Theo lời khai của người nhà nạn nhân, theo biên bản khám nghiệm hiện trường thì gia đình anh Hùng không hề bị lục lọi, không hề bị mất mát bất cứ một thứ gì cả, nếu như cháu Hồng có nói Thế vào ăn trộm đi chăng nữa thì Thế vẫn chối được, chứ không thể vì lý do đó mà Thế giết cháu Hồng.

TÓM LẠI: Mặc dù Tưởng Đăng Thế có khai về hành vi phạm tội, nhưng việc khai nhận của Tưởng Đăng Thế là do bị bức cung nhục hình. Và cũng do khai nhận theo tưởng tượng hoặc do bị mớm cung (như Thế đã khai trước các phiên tòa) và hành vi phạm tội không phù hợp với thực tế khách quan của vụ án theo Biên bản khám nghiệm hiện trường, biên bản khám nghiệm tử thi và mâu thuẫn với nhiều tình tiết thực tế đã diễn ra; Đồng thời, Tưởng Đăng Thế có tình trạng ngoại phạm rõ ràng. Khi xảy ra vụ án, Tưởng Đăng Thế đang ngủ tại nhà anh Cát, chị Mai, hơn nữa Tưởng Đăng Thế đi giết người xong về ngủ lại bình thường và khi giết người xong trở về (mặc dù theo hiện trường thì nạn nhân có chống cự mãnh liệt và máu vương vãi khắp nơi, và xảy ra tại vườn đất cà phê) nhưng đầu tóc, thân thể, quần áo của Tưởng Đăng Thế vẫn sạch sẽ bình thường như khi chưa đi giết người là hoàn toàn vô lý. Nhân chứng khai vào lúc 14h 30’ gặp Tưởng Đăng Thế đi ngoài đường, và sau đó đánh chết cháu Hồng, nhưng kết quả điều tra lại ghi nhận tại thời điểm 14h giờ 30 phút Tưởng Đăng Thế đã có mặt tại nhà anh Cát, chị Mai.

Do đó, đề nghị HĐXX tuyên bị cáo Tưởng Đăng Thế không phạm tội giết người và áp dụng Điều 227 Bộ luật TTHS tuyên trả tự do cho bị cáo, đồng thời đề nghị cơ quan điều tra tiếp tục điều tra để tìm ra hung thủ đích thực đã giết hại cháu Hồng để xử lý theo pháp luật.

Bị cáo bị truy tố, xét xử về tội giết người tại các phiên tòa:+ Phiên tòa sơ thẩm ngày 12/9/2006 của TAND tỉnh Đắk Lắk;+ Phiên tòa sơ thẩm ngày 19/3/2007 của TAND tỉnh Đắk Lắk;+ Phiên tòa sơ thẩm ngày 03/7/2008 của TAND tỉnh Đắk Lắk;+ Phiên tòa phúc thẩm ngày 26/11/2008 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại Đà Nẵng;LS Chu Đức Lưu