Đặt vấn đề
Trong xã hội hiện nay vẫn tồn tại nhiều nơi tiêu thụ tài sản phạm pháp, sẵn sàng mua lại những tài sản do các đối tượng phạm tội mang đến, bởi thực tế rất nhiều tài sản do các đối tượng trộm cắp, cướp giật… đã được tiêu thụ chót lọt. Những điểm tiêu thụ tài sản phạm pháp này thường được ngụy trang bằng hình thức kinh doanh hợp pháp, như: Các cửa hàng cầm đồ, sửa chữa, mua bán xe máy, điện thoại cũ… nhằm dễ dàng che đậy cho những hành vi tiêu thụ tài sản phạm, chính vì vậy đã phần nào tạo điều kiện thúc đẩy cho các đối tượng trộm cắp, cướp giật… phạm tội, vì biết là có thể dễ dàng tiêu thụ những tài sản này. Có thể nói, đồng hành cùng các tội phạm trộm cắp, cướp, cướp giật tài sản là các vụ việc tiêu thụ tài sản phạm pháp.
Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ phát hiện xử lý tội “Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” là rất thấp, không đáng kể so với tình hình gia tăng của tội xâm phạm sở hữu.
Nội dung
Nguyên nhân của việc không xử lý được đối với tội "Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" một phần do phương pháp, thủ đoạn của các đối tượng tội phạm ngày càng tinh vi, một phần do chính quy định pháp luật của ta chưa cụ thể, rõ ràng gây khó khăn cho các cơ quan tố tụng.
Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: “1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm”. Theo nội dung quy định của Điều luật này, người phạm tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có thì phải “biết rõ” tài sản mà họ tiêu thụ là tài sản do người khác phạm tội mà có. Tuy nhiên, nhận thức như nào là “biết rõ” tài sản do người khác phạm tội mà có thì hiện nay có hai quan điểm như sau:
- Quan điểm thứ nhất: Cụm từ “biết rõ” là thể hiện ý thức chủ quan của người phạm tội. Ý thức chủ quan này phải được chính người phạm tội thừa nhận bằng lời khai. Nếu đối tượng khai không biết là tài sản do người khác phạm tội mà có thì cho dù có các tài liệu khác như: Chính lời khai của đối tượng bán hoặc lời khai của người liên quan; thu được tài sản tại nhà đối tượng tiêu thụ; tài liệu thể hiện đối tượng mua tài sản với giá thấp hơn nhiều so với giá trị thật… thì vẫn không xử lý hình sự được. Quan điểm này đưa ra căn cứ dựa trên cơ sở cấu thành cơ bản của tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định tại Điều 323 Bộ luật Hình sự năm 2015, trong đó nội dung điều luật đã ghi cụ thể ý thức chủ quan của người phạm tội phải là “biết rõ” tài sản do người khác phạm tội mà có, nếu người phạm tội không “biết rõ” thì bất cứ lý do gì cũng không đủ yếu tố cấu thành tội này.
- Quan điểm thứ hai: Dấu hiệu “biết rõ” cần được hiểu một cách toàn diện, không cứng nhắc và cần được đánh giá trên cơ sở “hành vi khách quan thể hiện ý chí chủ quan”. Quan điểm này cho rằng các cơ quan tố tụng không được phụ thuộc vào lời khai của đối tượng có nhận tội hay không, nếu phụ thuộc vào lời khai của đối tượng thì sẽ không thể xử lý hình sự được đối với loại tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có này, dẫn đến không đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung.
Tác giả đồng nhất với quan điểm thứ hai bởi:
Về quy định pháp luật: Theo khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC ngày 30/11/2011 hướng dẫn áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 về tội "Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" và tội "Rửa tiền" quy định:
Điều 1. Giải thích từ ngữ quy định tại Điều 250, Điều 251 Bộ luật Hình sự năm 1999
“2. Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội”.
Như vậy, quy định trên đã giải thích khái niệm “biết rõ” trong tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có là “có căn cứ chứng minh”, chứ không nêu là đối tượng phải “khai nhận” hoặc nhận tội mới là “biết rõ”. Ý nghĩa của cụm từ “có căn cứ chứng minh” ở đây rất rộng, bao gồm các tài liệu, chứng cứ vật chất mà Cơ quan điều tra thu thập được, chứ không phải là duy nhất chứng cứ về chủ quan (lời khai nhận) của tội phạm. Nói cách khác, “có căn cứ chứng minh” được hiểu là phải đánh giá một cách tổng quát, toàn diện các chứng cứ, tài liệu, các tình tiết có trong hồ sơ để kết luận đối tượng có “biết rõ” hay không, chứ không được phụ thuộc vào duy nhất lời khai của đối tượng. Việc phụ thuộc vào lời khai của đối tượng để buộc tội là không chắc chắn, bởi có thể đối tượng đầu tiên khai nhận, sau phản cung thì các cơ quan tố tụng sẽ không còn căn cứ để buộc tội. Chính vì vậy, cần hiểu cụm từ “biết rõ” trong tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có một cách toàn diện hơn và không đánh giá vào việc đối tượng trực tiếp khai nhận mới là “biết rõ”.
Ngoài ra, kế thừa Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT, Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao đã giải thích thế nào là “có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội” tại khoản 4 Điều 2 Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội rửa tiền như sau:
“4. Biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có là một trong các trường hợp sau đây:
a) Người phạm tội trực tiếp biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: người phạm tội được người thực hiện hành vi phạm tội nguồn cho biết là tiền, tài sản do họ phạm tội mà có);
b) Qua các phương tiện thông tin đại chúng, người phạm tội biết được người khác thực hiện hành vi phạm tội nguồn (ví dụ: hành vi phạm tội của người thực hiện tội phạm nguồn đã được báo, đài phát thanh, truyền hình đưa tin);
c) Bằng nhận thức thông thường, người phạm tội có thể biết được tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: biết chồng là nhân viên của cơ quan nhà nước có mức lương là 08 triệu đồng/tháng và không có nguồn thu nhập khác nhưng A vẫn nhận của chồng số tiền 10 tỷ đồng để góp vốn vào doanh nghiệp mà không hỏi rõ về nguồn tiền);
d) Theo quy định của pháp luật, người phạm tội buộc phải biết nguồn gốc tiền, tài sản do người khác phạm tội mà có (ví dụ: A mua xe ô tô của B không có giấy tờ với giá bằng một phần mười trị giá của chiếc xe đó)”
Qua quy định trên cho thấy, mặc dù quy định này hướng dẫn cho tội rửa tiền theo Điều 324 Bộ luật Hình sự năm 2015, tuy nhiên đều hướng dẫn về cách nhận biết, đánh giá thế nào là trường hợp“biết hay có cơ sở để biết tài sản là do người khác phạm tội mà có” nên có thể vận dụng đối với tội "Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có".
Như vậy, về mặt căn cứ pháp luật đã có văn bản hướng dẫn việc đánh giá thế nào là trường hợp “biết rõ” hoặc “biết” hoặc “có cơ sở để biết” tài sản là do người khác phạm tội mà có. Trong đó, đã chỉ ra nhiều căn cứ để đánh giá ý thức chủ quan của người phạm tội và không bắt buộc người phạm tội phải thừa nhận mới đủ cơ sở để kết tội.
Từ những phân tích trên, thấy rằng tội “Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” là một hệ quả tất yếu do nhóm tội xâm phạm sở hữu gây ra và là một hình thức tội phạm này làm phát sinh tội phạm khác, nên cần phải sớm có biện pháp để ngăn chặn mối quan hệ “cộng sinh” giữa nhóm tội xâm phạm sở hữu với tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có này. Chính vì vậy, kiến nghị liên ngành tư pháp sớm ban hành văn bản hướng dẫn tội "Chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có" như sau:
Sửa đổi Điều 1 Thông tư liên tịch số 09/2011/TTLT theo hướng kết hợp với quy định của Nghị quyết số 03/2019/NQ-HĐTP ngày 24/5/2019 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 324 của Bộ luật Hình sự về tội rửa tiền để hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn về khái niệm “biết rõ” trong tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Trong văn bản hướng dẫn, cần đề cập việc áp dụng nguyên tắc “hành vi khách quan thể hiện ý chí chủ quan” đối với hành vi phạm tội này, tiến tới có văn bản riêng hướng dẫn, quy định nguyên tắc “hành vi khách quan thể hiện ý chí chủ quan” để áp dụng chung cho tất cả các loại tội phạm.
TRẦN HUY PHỤC
Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7