Ảnh minh họa.
Tại dự thảo Luật Căn cước được Chính phủ trình Quốc hội đã đề xuất bổ sung quy định về việc tích hợp một số thông tin có tính ổn định, được sử dụng thường xuyên của công dân ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào căn cước công dân.
Cụ thể, thông tin tích hợp dự kiến là thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, văn bằng, chứng chỉ, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn...
Liên quan đề xuất này, một số ý kiến băn khoăn việc căn cước công dân tích hợp nhiều thông tin, nếu khai thác thì người khai thác sẽ biết được tất cả các thông tin đã tích hợp.
Trả lời vấn đề này, Bộ Công an cho biết, về sự cần thiết của việc tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và căn cước điện tử, Bộ khẳng định sẽ có giải pháp bảo đảm an toàn thông tin trong khai thác dữ liệu từ thẻ căn cước gắn chip.
Cũng theo Bộ Công an, việc sử dụng thẻ căn cước gắn chip đã được tích hợp thêm thông tin khác là một phương thức mới, ngoài phương thức hiện hành là sử dụng các giấy tờ hiện có do cơ quan có thẩm quyền cấp cho người dân nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính và các giao dịch khác.
Quy định này tại dự án Luật Căn cước không xung đột với quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan trong việc quản lý, sử dụng các giấy tờ nêu trên; không ảnh hưởng đến chức năng quản lý Nhà nước của bộ, ngành, địa phương với các loại giấy tờ, dữ liệu đang quản lý.
Thông tin của người dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử là thông tin quan trọng cần bảo vệ. Theo đó, Luật Căn cước đã xác định rõ nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước là bảo đảm quyền con người và quyền công dân, bảo vệ chặt chẽ và an toàn dữ liệu cá nhân. Đồng thời, trong triển khai thực tế, Bộ Công an có giải pháp để bảo đảm an ninh, an toàn thông tin trong khai thác dữ liệu từ thẻ căn cước có gắn chip.
Việc khai thác thông tin trong thẻ căn cước được phân cấp, phân quyền cụ thể, bảo đảm đối tượng khai thác chỉ được phép khai thác khi thực hiện trong chức năng, nhiệm vụ được giao và phải được người dân đó đồng ý thông qua việc xác thực bằng quét vân tay, khuôn mặt trên thiết bị hoặc qua ứng dụng VNeID (người dân có quyền cho phép tổ chức, cá nhân khai thác thông tin nào thì sẽ quyết định, phê duyệt trên ứng dụng VNeID).
Trường hợp người dân bị mất thẻ căn cước mà chưa có điều kiện thực hiện việc cấp lại thẻ thì có thể thực hiện việc khai thác, sử dụng thông tin tích hợp qua căn cước điện tử.
Về quản lý người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam, theo Bộ Công an, đây là yêu cầu cấp thiết, có tính lịch sử, đã tồn tại lâu nay ở nước ta do nhiều nguyên nhân khác nhau liên quan đến chiến tranh, di cư… Người gốc Việt Nam là một bộ phận không nhỏ, không tách rời của dân tộc ta và cần được Nhà nước, xã hội thừa nhận.
Trong khi đó, hiện chưa có bất kỳ văn bản luật nào giải quyết cơ bản, đầy đủ về vấn đề này. Nhiều cơ quan quản lý Nhà nước không có bất cứ thông tin, dữ liệu gì về người gốc Việt Nam, gây khó khăn trong quản lý đối với họ, nhất là trong vấn đề bảo đảm an ninh, trật tự khi họ vi phạm pháp luật; đồng thời đây cũng là cơ hội cho một số tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng vấn đề về nhân quyền để gây rối, gây mất an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Đại biểu Quốc hội, Bộ Công an đã phối hợp với Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội bổ sung quy định giải thích thuật ngữ về “Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam” tại khoản 17, Điều 3, dự thảo Luật Căn cước và chỉnh lý, bổ sung quy định tại Điều 30 quy định về điều kiện, nội dung quản lý Nhà nước, thông tin thể hiện trong giấy chứng nhận căn cước, nơi làm thủ tục và thẩm quyền cấp, đổi, cấp lại, thu hồi giấy chứng nhận căn cước, giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước cho đầy đủ, rõ ràng.
QUÝ MINH