(LSO) - Để trả lời những thắc mắc của người dân về phương án mức điện một giá tại dự thảo cơ cấu biểu giá bán lẻ điện mới đây của Bộ Công thương, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) đã có trao đổi với báo chí về cơ chế tính toán giá điện, nguyên tắc huy động cũng như bản chất của cơ cấu giá bán lẻ trên cơ sở giá bán lẻ điện bình quân…
Bộ Công thương vừa đưa ra lấy ý kiến dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện để sửa đổi Quyết định 28/2014.
Theo đó, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cơ quan, đơn vị góp ý và trên cơ sở số liệu thực tế sử dụng điện của các khách hàng sinh hoạt, Bộ Công thương đề xuất 2 phương án giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt để lấy ý kiến.
Phương án 1 là cơ cấu biểu giá bán lẻ điện năm bậc, phương án 2 gồm cơ cấu biểu giá bán lẻ điện năm bậc và giá bán lẻ điện một giá. Khách hàng được quyền lựa chọn áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt năm bậc hoặc giá bán lẻ điện một giá.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), các phương án sửa đổi được thực hiện theo nguyên tắc đảm bảo giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân cho sinh hoạt hiện hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT của Bộ Công Thương và áp dụng từ ngày 20/3/2019.
Đặc biệt, phương án mới đảm bảo nguyên tắc chi phí tiền điện của đa số khách hàng sử dụng điện không tăng, đặc biệt là nhóm 18,7 triệu khách hàng sử dụng điện dưới 200 kWh/tháng, chiếm 73,4% tổng số khách hàng sinh hoạt do chủ yếu là người lao động, công chức, viên chức…
Đồng thời, bảo đảm Ngân sách Nhà nước hỗ trợ tiền điện cho các khách hàng sử dụng điện là các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội tiếp tục duy trì như mức hiện nay. Tiếp tục duy trì giá điện bậc thang nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả nhưng sẽ nghiên cứu giảm bớt số bậc thang để phù hợp với mức độ sử dụng điện của nhân dân.
Với phương án điện 1 giá Bộ Công thương đưa ra, nếu phương án này được chấp thuận thì khách hàng có thể lựa chọn áp dụng biểu giá điện bậc thang hoặc biểu giá một giá phù hợp với thực tế sử dụng điện của khách hàng.
Phương án “điện 1 giá”
Khác với phương án 1 giá đã đưa ra lấy ý kiến trước đây bằng giá bình quân sinh hoạt. Phương án 1 giá, bằng giá điện sinh hoạt bình quân không nhận được sự ủng hộ của phần đông các bộ, ngành đã lấy ý kiến. Bởi phương án “một giá bằng giá sinh hoạt bình quân”, tiền điện các khách hàng sử dụng điện cho mục đích sinh hoạt có mức dưới 200 kWh/tháng (khoảng 18,7 triệu khách hàng) phải trả tăng từ 19.000-39.000 đồng/khách hàng/tháng.
Số tiền ngân sách hỗ trợ cho hộ nghèo và hộ chính sách xã hội hằng năm tăng từ mức trên 1.000 tỷ đồng/năm lên khoảng 1.240 tỷ đồng/năm (tăng thêm khoảng 240 tỷ đồng/năm) do mức giá điện 1 giá cao hơn so với giá bậc 1 hiện hành.
Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý và bảo đảm khách hàng có thêm sự lựa chọn, Bộ Công thương đã xây dựng phương án 2A và 2B để lấy ý kiến.
Trong đó biểu giá ở 4 bậc thang đầu tiên của phương án 2A và phương án 2B giống như phương án 1. Biểu giá điện ở Phương án 2A và 2B lần lượt được đề xuất ở mức 145% và 155% giá bình quân, tương ứng với mỗi phương án thì giá điện tại bậc thang thứ 5 sẽ được tính toán lại để giá điện sinh hoạt bình quân không đổi.
Khách hàng tùy theo lượng điện tiêu thụ thực tế có quyền lựa chọn áp dụng biểu giá theo 5 bậc thang hoặc 1 giá. Mỗi lần chuyển đổi giữa 2 phương thức tối thiểu là 12 tháng.
Các khách hàng sử dụng điện trung bình hàng tháng dưới 700 kWh (chiếm tỉ lệ trên 98% tổng số khách hàng) trong các phương án 1, phương án 2A và 2B có chi phí trả tiền điện bằng nhau do giá 4 bậc thang đầu của phương án 1 và phương án 2A và 2B là giống nhau.
Như vậy, nếu phương án 1 được áp dụng thì biểu giá điện cho khách hàng sẽ có 5 bậc, giảm 1 bậc so với biểu giá điện hiện hành.
Nếu phương án 2A hoặc 2B áp dụng, khách hàng sẽ có quyền lựa chọn áp dụng giá điện bậc thang hoặc biểu giá một giá phù hợp với thực tế sử dụng điện của gia đình. Sau 12 tháng, khách hàng có thể tiếp tục áp dụng giá điện đang áp dụng hoặc đổi sang biểu giá khác.
Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, đối với tất cả các phương án, đa số các khách hàng sử dụng dưới 600 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm so với giá điện hiện hành (từ 2.800 - 12.800 đồng).
Cụ thể, khách hàng sử dụng 100 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 2.800 đồng; khách hàng sử dụng 200 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 2.800 đồng; khách hàng sử dụng 400 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 12.800 đồng; khách hàng sử dụng 500 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 7.200 đồng; khách hàng sử dụng 600 kWh chi phí tiền điện sẽ giảm khoảng 1.600 đồng.
Riêng các khách hàng nếu sử dụng ở mức 300 kWh chi phí tiền điện sẽ tăng do ghép bậc 201-300 kWh và 301-400 kWh thành bậc mới. Số tiền phải trả tăng thêm khi sử dụng ở mức 300 kWh là 7.100 đồng.
Phương án 1 và Phương án 2A, 2B đều có giá điện 4 bậc đầu giống nhau. Do vậy, dù phương án nào được áp dụng thì các khách hàng sử dụng điện ở mức dưới 700kWh (hiện chiếm trên 98% tổng số khách hàng) đều có chi phí tiền điện bằng nhau.
Nếu Phương án 2A và 2B được áp dụng, khi khách hàng lựa chọn biểu giá theo phương án “điện 1 giá” sẽ hạn chế những nhược điểm của giá điện bậc thang, đặc biệt là những khách hàng sử dụng điện ở mức cao như việc tiền điện tăng bất thường vào các tháng nắng nóng, sai lệch về thời điểm ghi chỉ số công tơ hằng tháng.
Trong đó, nếu giá “điện 1 giá” ở mức bằng 145% giá điện bình quân (phương án 2A) thì các khách hàng sử dụng điện trên 800 kWh khi lựa chọn 1 giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn lựa chọn giá bậc thang.
Tương tự nếu giá điện một giá ở mức bằng 155% giá điện bình quân (phương án 2B) thì các khách hàng sử dụng điện trên 1.100 kWh khi lựa chọn 1 giá sẽ có chi phí tiền điện thấp hơn lựa chọn giá bậc thang.
Các phương án nêu trên đã khắc phục được một phần nhược điểm của biểu giá bán lẻ điện cho mục đích sinh hoạt hiện hành. Bộ Công thương sẽ tổng hợp ý kiến lựa chọn của các cơ quan đơn vị, các khách hàng sử đụng điện để hoàn chỉnh và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
LSO