Theo dự thảo, trợ cấp tuất hằng tháng được quy định tại Điều 86 và Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội và được quy định cụ thể như sau:
Thứ nhất, trường hợp người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc hoặc đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc chết mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc còn thiếu tối đa 06 tháng để đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng (đủ 15 năm) thì thân nhân của người lao động được đóng tiếp một lần cho số tháng còn thiếu vào quỹ hưu trí và tử tuất với mức đóng hằng tháng bằng 22% mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động trước khi chết (hoặc trước khi nghỉ việc đối với người lao động đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội) để giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng. Trường hợp thân nhân của người lao động không đóng cho số tháng còn thiếu thì giải quyết hưởng trợ cấp tuất một lần.
Thứ hai, việc xác định thân nhân của người lao động thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 86 của Luật Bảo hiểm xã hội và được hướng dẫn như sau:
- Thời điểm xem xét tuổi đối với thân nhân của người lao động là kết thúc ngày cuối cùng của tháng người lao động chết.
- Trường hợp hồ sơ của thân nhân người lao động không xác định được ngày, tháng sinh mà chỉ có năm sinh thì lấy ngày 01 tháng 01 của năm sinh để xác định tuổi của thân nhân người lao động làm cơ sở giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng.
- Việc xác định tình trạng của thân nhân người lao động để làm căn cứ giải quyết trợ cấp tuất hằng tháng theo quy định tại khoản 3 Điều 86 của Luật Bảo hiểm xã hội được xác định tại tháng người lao động chết. Trường hợp sau đó tình trạng của thân nhân người lao động có sự thay đổi thì không căn cứ vào đó để xem xét lại việc giải quyết chế độ tử tuất.
- Việc thực hiện giám định mức suy giảm khả năng lao động của thân nhân người lao động để hưởng trợ cấp tuất hằng tháng phải đảm bảo thời hạn quy định tại khoản 4 Điều 86 của Luật Bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp thân nhân của người lao động trước đó đã có Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa kết luận bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc thân nhân của người lao động là người khuyết tật đặc biệt nặng mà giấy xác nhận mức độ khuyết tật đặc biệt nặng có thể hiện kết luận của Hội đồng giám định y khoa ghi rõ tỷ lệ phần trăm suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Thứ ba, thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức tham chiếu quy định tại khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội trong các trường hợp sau đây:
- Tất các con đều chưa đủ 18 tuổi mà cả cha và mẹ chết;
- Cha đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động, mẹ đã chết mà không còn con hoặc còn có con nhưng đều chưa đủ 18 tuổi hoặc còn có con đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
- Mẹ đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động, cha đã chết mà không còn con hoặc còn có con nhưng đều chưa đủ 18 tuổi hoặc có con đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
- Vợ đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động mà không còn con hoặc còn có con nhưng đều chưa đủ 18 tuổi hoặc còn có con đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên;
- Chồng đủ tuổi theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động mà không còn con hoặc còn có con nhưng đều chưa đủ 18 tuổi hoặc còn có con đủ 18 tuổi trở lên nhưng bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
Ví dụ: Bà T. có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 20 năm, có một con 3 tuổi, một con 19 tuổi bị suy giảm khả năng lao động 81%. Hai vợ chồng bà T. không may bị chết trong một vụ tai nạn giao thông.
Như vậy, hai con của bà T. thuộc diện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức tham chiếu.
Ví dụ: Ông H. là đối tượng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bị chết do tai nạn lao động; ông H. có vợ 60 tuổi (không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 86). Hai vợ chồng ông H. chỉ có một con 10 tuổi. Trợ cấp tuất hằng tháng đối với thân nhân của ông H được giải quyết như sau:
- Con ông H. thuộc diện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bằng 50% mức tham chiếu;
- Vợ ông H. thuộc diện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức tham chiếu.
Ví dụ: Bà K. 57 tuổi (không thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 86), chồng đã chết, có một con gái duy nhất đã lấy chồng (hiện đã chết). Con rể bà K. có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc 16 năm, bị chết do tai nạn rủi ro.
Như vậy, bà K. thuộc diện được hưởng trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức tham chiếu.
Ví dụ: Hai vợ chồng bà C. đều đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, có một con duy nhất 7 tuổi. Cả hai vợ chồng bà C. bị chết do tai nạn lao động.
Như vậy, con của vợ chồng bà C. thuộc diện được hưởng 02 lần mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức tham chiếu (bằng 2 lần của 70% mức tham chiếu).
Trường hợp có từ 02 người chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết trở lên thì thân nhân được hưởng 02 lần mức trợ cấp quy định tại khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Đối với trường hợp thân nhân đã được giải quyết hưởng 02 lần mức trợ cấp tuất hằng tháng mà tổng mức hưởng thấp hơn mức tham chiếu thì thân nhân vẫn thuộc diện được giải quyết hưởng 01 lần mức trợ cấp quy định tại khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Dự kiến Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2025.