LSVNO - Trong lịch sử xứ Thuận Hóa, người ghi dấu ấn rõ nét nhất đối với cư dân vùng này thời kỳ đầu chính là công chúa Huyền Trân. Tháng 7/1306 là một mốc lịch sử quan trọng, đem lại cho Đại Việt phần đất từ sông Hiếu (Quảng Trị) đến sông Thu Bồn (Quảng Nam). Tất cả khởi đầu bằng một động thái ngoại giao khôn khéo của Thượng hoàng Trần Nhân Tông.
Mùa hạ năm 1306, vua Chămpa xin dâng hai châu Ô và Lý làm lễ vật dẫn cưới công chúa Huyền Trân. Một giải đất xung yếu từ bờ nam sông Hiếu đến bờ bắc sông Thu Bồn được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt một cách hòa bình. Từ đó, tổ chức và hoạt động của bộ máy cai trị ở Hóa Châu cũng hình thành và phát triển chung trong bộ máy nhà nước phong kiến tập quyền Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử.
Phát hiện dấu tích thành cổ Hóa Châu.
Tổ chức và hoạt động của bộ máy cai trị cấp châu
Hóa Châu là một vùng đất mà quân Minh chú ý ngay từ khi vừa đánh chiếm Đại Việt. Trương Phụ, tướng nhà Minh đã từng nói: “Tôi có sống được là ở Hóa Châu, tôi có chết cũng ở Hóa Châu, Hóa Châu mà chưa bình định xong thì tôi còn cặp mắt nào trông thấy chúa thượng nữa” (1). Vì thế, ngay khi chiếm Hóa Châu, quân Minh đã đặt ách đô hộ khắc nghiệt trên toàn cõi Đại Việt. “Hai châu Thuận, Hóa bị sáp nhập làm một châu Thuận Hóa, chỉ còn 79 làng, 1470 hộ và 5662 khẩu dân đinh” (2).
Sau khi giành lại độc lập cho đất nước, nhiệm vụ trọng yếu nhất của các vua thời Lê Sơ là phải gấp rút xây dựng lại nền kinh tế vừa bị phá hoại nghiêm trọng, đồng thời phải ổn định tình hình xã hội ở Hóa Châu.
Năm 1428, vua Lê Thái Tổ đã cử các trọng thần vào trấn thủ Hóa Châu, với nhiệm vụ bảo vệ vùng trọng trấn phía nam. Hơn nữa, sau khi được giải phóng khỏi ách thống trị của giặc Minh, chế độ phong kiến Việt Nam chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, giai đoạn phát triển cao độ của chế độ phong kiến tập quyền.
Sự tan rã của nền kinh tế điền trang và quan hệ nông nô nô tì đã thủ tiêu về căn bản những cơ sở phân tán trong xã hội cùng với sự phát triển của kinh tế tiểu nông tạo điều kiện nâng cao mức độ tập quyền của nhà nước phong kiến thời Lê Sơ. Trải qua các đời vua Thái Tổ, Thái Tông, Nhân Tông, bộ máy nhà nước phong kiến ngày càng được củng cố và đến đời Thánh Tông thì đạt tới đỉnh phát triển cao nhất của nó.
Bộ máy nhà nước phong kiến thời Lê Sơ là một hệ thống chính quyền chặt chẽ nhằm chi phối xuống tận các địa phương và tập trung quyền hành vào tay triều đình, đứng đầu là nhà vua. Lãnh thổ Đại Việt lúc bấy giờ mới bao gồm miền Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ ngày nay, cho đến sông Thu Bồn, miền phủ Thăng Hoa đã bị quân Chămpa chiếm lại.
Năm 1427, vua Lê đã bố trí nhiều quan quân nhà Minh đầu hàng vào các xứ Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa, còn “sai người Minh là Châu Sài đem 340 con ngựa đến Hóa Châu chăn nuôi” (3). Vùng đất Hóa Châu ngay từ đầu đã được nhà Lê rất quan tâm và tổ chức cai trị một cách chặt chẽ.
Ngay khi vừa lên ngôi, năm 1428, Lê Lợi đã chia cả nước làm 5 đạo để cai trị thiên hạ: “trước khi nhà vua ra Đông Đô chia trong nước làm 4 đạo. Đến đây, trong nước đã yên hẳn rồi, lại đặt thêm đạo Hải Tây. Cho Thanh Hóa, Nghệ An, Tân Bình và Thuận Hóa đều lệ thuộc vào đó. Ở đạo thì đặt vệ quân, ở vệ thì đặt tổng quản. Đơn vị to và nhỏ cùng gìn giữ cho nhau, cấp bậc trên và dưới cùng ràng buộc lẫn nhau. Lại đặt Hành khiển ở các đạo chia giữ sổ sách quân và dân” (4).
Nhà vua lấy Hóa Châu làm trọng trấn, triều đình thường phái các vị trọng thần vào đó trấn thủ, ngoài đặt các chức lộ tổng quản và lộ tri phủ tại trọng trấn này (5). Đứng đầu Châu Hóa là một viên Tri châu và Đồng tri châu. Ngoài ra, còn có các chức Phòng ngự sứ hay Chiêu thảo sứ. Năm Kỷ Dậu (1429) nhà vua lại: “chỉ huy cho quan các lộ, huyện, xã rằng hễ ấn công thì do Chính quan giữ, ở lộ thì Tri phủ giữ ấn, không có Tri phủ thì Trấn phủ giữ ấn; các huyện thì Tuần sát giữ ấn; nếu không có Trấn phủ, Tri phủ thì dùng Chiêu thảo hoặc Phòng ngự giữ ấn; có việc thì cùng bàn với nhau, đáng đóng ấn thì mới đóng” (6).
Nhìn chung, bộ máy cai trị thời Lê Thái Tổ vẫn còn sơ sài và phải dựa vào quy chế tổ chức của các triều đại trước đó. Tuy vậy, so với thời Lý – Trần, bộ máy cai trị thời Lê Thái Tổ đã có một bước tiến và mức độ tập trung chính quyền. Năm 1466, vua Lê Thánh Tông đã chia lại các đơn vị hành chính trong địa phương. “Năm Quang Thuận thứ 7 (1466), Lê Thánh Tông đặt ra 12 đạo thừa tuyên là Thanh Hóa, Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Hưng Hóa, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn và phủ Trung Đô. Đổi lộ làm phủ, đổi trấn làm châu. Rồi sai các chức thừa tuyên xét núi sông chỗ mình cai quản làm thành địa đồ. Năm thứ 10 (1469) Kỷ Sửu, sửa định lại bản đồ trong nước để thống thuộc các phủ huyện và thừa tuyên. Đến năm Tân Mão (1471), bình định được nước Chămpa, đặt thêm thừa tuyên Quảng Nam, cộng là 13 đạo” (7). Năm đạo trước kia trở thành 12 đạo để hạn chế bớt quyền hành của chính quyền địa phương. Tiếp theo đó, vua Lê Thánh Tông lại đổi lộ làm phủ, đổi trấn làm châu.
Theo đó, Thuận Hóa gồm 2 phủ, 7 huyện, 4 châu. Trong đó phủ Triệu Phong lãnh 5 huyện (Hải Lăng, Vũ Xương, Đan Điền, Kim Trà, Tư Vinh) và 2 châu (Thuận Bình, Sa Bôi). Riêng Hóa Châu quản 3 huyện Đan Điền, Kim Trà, Tư Vinh. Đứng đầu Hóa Châu là một viên Tri châu. Ngoài ra còn có Đồng tri châu giúp việc.
So với thời Trần Hồ, bộ máy cai trị Hóa Châu thời Lê Sơ đã khá chặt chẽ và hoàn chỉnh. Dưới thời Trần, đơn vị hành chính địa phương đã được chia lại từ 24 lộ thời Lý làm 12 lộ. Dưới lộ là phủ, châu, huyện và xã.
Hóa Châu được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt vào năm 1306, cai quản châu Hóa có một Tuần sứ. Hóa Châu thời Trần quản 7 huyện là: Trà Kệ, Lợi Bồng, Sạ Lệnh, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng và Thế Vinh với khoảng trên 40 làng, ấp, thôn, trại, sách. Đứng đầu châu là một viên Đại tri châu.
Hóa Châu thời Trần tất nhiên chưa thể ổn định như thời Lê. Các vua Trần đã nhận thức rõ vị trí xung yếu của châu Hóa, nên đã giao việc trấn thủ châu Hóa cho trọng thần hay hoàng thân. Năm 1342, Hưng Hóa vương Trần Quốc Oai được cử làm trấn thủ châu Hóa.
Tháng 3 năm 1352, vua Chămpa là Bà La Trà Toàn kéo quân ra đánh châu Hóa, quân trấn giữ chống cự khó khăn. Vua Trần Dụ Tông phải cử Tả tham tri chính sự Trương Hán Siêu vào trấn thủ Châu Hóa, ổn định tình hình trong mấy tháng rồi trở về triều.
Mười năm sau, quân Chămpa lại sang cướp phá Hóa châu, vua lại cử Đỗ Tử Bình cầm quân tăng viện và tu bổ thành Hóa châu kiên cố hơn. Hơn nữa để tăng cường ổn định nơi biên viễn, vua Trần Nghệ Tông đã cắt một viên quan người địa phương là Hồ Long làm Đại tri châu Hóa. Đến năm 1391, vua Trần Thuận Tông cử Lê Quý Ly đi tuần châu Hóa, xét định quân ngũ, sửa chữa thành trì, châu Hóa mới ổn định.
Như vậy, việc tổ chức bộ máy cai trị ở châu Hóa đã được nhà nước phong kiến quan tâm đúng mức. Song, phải đến thời Lê Sơ thì bộ máy cai trị châu Hóa mới trở nên hoàn chỉnh và chặt chẽ hơn. Tổ chức bộ máy cai trị Hóa châu thời Lê đã được kện toàn.
Hoạt động chủ yếu của cấp châu thời Lê Sơ là việc quản lý chính sự, quân sự và kiện tụng.
Tổ chức và hoạt động của bộ máy cai trị cấp huyện
Dưới thời Trần – Hồ, đơn vị hành chính địa phương là huyện. Đứng đầu huyện là một viên tri huyện. Dưới thời Trần, Hóa châu có 7 huyện, với 40 xã, ấp, thôn, trại, sách. Như vậy, huyện là đơn vị hành chính có từ thời Trần, huyện quản lý các xã.
Đến thời Lê Sơ, đơn vị huyện được tổ chức một cách tập trung hơn, bao gồm nhiều xã hơn và quản lý chặt chẽ hơn. Năm 1466, dưới thời Lê Thánh Tông, ba huyện Đan Điền, Kim Trà, Tư Vinh đã quản: Đan Điền 65 xã, 9 thôn, 6 sách; Kim Trà 72 xã, 6 châu, 13 sách, 3 nguyên; Tư Vinh 43 xã, 18 thôn, 1 trang. Như vậy, thời kỳ này Hóa châu quản 180 xã (8).
Huyện thời Lê có một viên trưởng quan gọi là Tri huyện, cùng một viên phó quan gọi là Huyện thừa. Các chức quan này trực tiếp cai quản các công việc trong huyện.
Hoạt động cơ bản của huyện là quản lý các xã thuộc huyện mình. Có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc quản lý đất đai, thuế khóa và dân đinh của các xã. Đây là đơn vị hành chính quan trọng còn tồn tại đến ngày nay.
Tổ chức và hoạt động của bộ máy cai trị cấp xã
Nếu trong xã hội Việt Nam truyền thống, gia đình thường được coi là tế bào của xã hội, thì làng xã là đơn vị cố kết nhiều gia đình lại là tổ chức “mô” của xã hội đó. Tuy nhiên, sự phát triển nội tại của làng xã không nhất thiết tỷ lệ thuận với sự gia tăng mức độ quản lý làng xã và sự can thiệp vào đời sống làng xã của nhà nước phong kiến. Trong từng giai đoạn của lịch sử, hai yếu tố trên phát triển theo chiều tỷ lệ nghịch: nhà nước mạnh thì làng xã yếu đi và khi nhà nước yếu thì làng xã mạnh lên.
Dưới triều Lê, chính sách “dĩ nông vi bản”, “trọng nông ức thương” được thi hành. Vì vậy, mối quan tâm hàng đầu của chính quyền nhà nước là việc quản lý chặt chẽ nông thôn, nắm cho được làng xã thông qua việc quản lý ruộng đất và quản lý dân đinh. Vương triều Lê Sơ thông qua chính sách và luật pháp, nhất là phép quân điền đã cơ bản làm được điều đó. Triều đình trung ương một mặt đảm bảo giúp đỡ và mặt khác làm kiểm soát can thiệp vào mọi mặt đời sống của làng xã. Hóa Châu tuy là vùng đất mới thành lập và nằm xa chính quyền trung ương, song không thoát khỏi tình trạng đó.
Hóa Châu thời Lê Sơ có 180 xã với sự phân bố như sau: Đan Điền 65 xã, Kim Trà 72 xã và Tư Vinh 43 xã. Đứng đầu xã có chức đại và tiểu tư xã. Bên cạnh còn các chức xã quan và xã chính. Năm 1428, Lê Lợi đặt xã quan, “xã lớn từ 100 người trở lên, có 3 xã quan; xã bậc trung từ 50 người trở lên, có 2 xã quan; xã nhỏ từ 10 người trở lên có 1 xã quan” (9).
Đến đời Thánh Tông định lại: đại xã gồm 500 hộ trở lên, trung xã 300 hộ trở lên và tiểu xã 100 hộ trở lên. Như vậy, phạm vi của xã so với thời Lê Lợi đã được mở rộng hơn nhiều. Tổ chức cai trị châu Hóa thời Lê nhìn chung được quy định khá rạch ròi, nó cho thấy sự quản lý của nhà nước trung ương đã với tay xuống làng xã trong quản lý dân đinh.
Một điều đặc biệt trong làng xã Hóa Châu thời kỳ này là sự giao thoa, cộng cảm giữa cộng đồng cư dân người Việt và người Chăm trong quá tình khai hoang lập làng. Trong bản Thỉ thiên tự tìm thấy được ở làng Câu Nhi (Quảng Trị) đã cho thấy sự hiện diện khá đông đảo của người Chăm ở lại đất Hóa Châu và cùng với nó là sự đan xen của làng người Việt di cư vào và làng của người Chăm còn lại ở vùng đất này: “Lúc đến xứ Ô châu mà ngày trước ta từng sống và bàn bạc với dân Chiêm Thành xứ ấy xin cư trú rồi nên không có gì trở ngại. Do vậy, việc dựng nhà, mua cày bừa chỉ ít lâu là xong; bèn làm một cái rạp trước mặt nhà, biện một lễ tế giang sơn, xin cáo chôn cất kim cốt và ra sức canh cẩn ruộng nương”…
“Từ nay về sau, chỗ ở đã yên, người Chiêm Thành thường lui tới, ta hết lòng tiếp đãi họ, giúp đỡ họ khi gặp khó khăn. Họ hay mang thổ cẩm đến tặng ta, ta không hề tiêu” (10).Như vậy, sự thành lập làng xã mới của người Việt cộng với những làng xã cũ của người Chăm còn lại, bức tranh cư dân châu Hóa thời kỳ này khá đa dạng nhưng không có nhiều xáo trộn.
Dưới thời Lê Sơ, vị xã trưởng đảm nhận mọi việc trong xã, còn xã sử và xã tư là người giúp việc thuế khóa, tuần tra và an ninh.
Các chức danh và quan chức tiêu biểu
Sau khi giành lại độc lập cho đất nước, vua Lê Thái Tổ đã cử các trọng thần vào trấn thủ châu Hóa với nhiệm vụ bảo vệ vùng trọng trấn phía nam, tổ chức ổn định đời sống nhân dân, tăng cường việc di dân, khai hoang, phục hóa, thành lập làng xã mới. Tiêu biểu là năm 1430, vua đã cử danh tướng Lê Khôi làm tổng quản hành quân trấn thủ châu Hóa.
Lê Khôi là tướng giỏi, đồng thời cũng là nhà chính trị có biệt tài. Năm 1430, được cử vào trấn thủ châu Hóa. Ông bãi trạm gác, bỏ sự xét hỏi nghiêm ngặt, chiêu mộ dân xiêu tán, khuyên bảo làm ruộng trồng dâu. Dân biên giới bị bắt đều được đối đãi tử tế, giáo dục rồi cho về; vì vậy, đức độ, tiếng tăm rộng khắp. Người Chiêm sợ uy mộ nghĩa, trả lại những nhân khẩu đã bắt trước.
Với vùng đất Hóa Châu, Lê Khôi đã làm được khá nhiều việc ở vùng đất nơi biên viễn. Khâm định Việt sử thông giám cương mục còn ghi: “Hóa Châu gần kề Chiêm Thành nên phải sai người bầy tôi có họ thân giữ lấy (11). Hay Đại Việt thông sử còn ghi: “năm Thuận Thiên thứ 3 (1430) vua sai Hành quân Tổng quản là Lê Khôi đóng quân tại Hóa Châu để trấn giữ nước Chiêm Thành” (12). Năm Bính Dần (1446), ông được lệnh cùng Lê Thận, Lê Xí cầm quân đánh Chiêm Thành, đã đánh vào tận thành Đồ Bàn, bắt được vua Chiêm là Bí Cai. Năm 1447, ông mất trên đường trở về sau khi đánh trận Đồ Bàn thắng lợi.
Nhắc đến vùng đất Hóa Châu hẳn sẽ không thể quên được công lao của Lê Chuyết. “Năm Mậu Thân (tức 1428), quân nhà Minh phải rút về nước, nên khắp nơi trên đất nước ta đều được bình định. Nhà vua lấy Hóa Châu làm trọng trấn, cho nên thường phái các vị trọng thần về đó làm trấn thủ. Ngài lại đặt các chức “lộ tổng quản” và “lộ tri phủ” tại trọng trấn này. Các tướng hữu danh thời ấy như Lê Khôi, Lê Chuyết đều có trấn đất này” (13).
Hóa Châu sau khi Lê Khôi vào trấn thủ, không khí thanh bình, ổn định kéo dài chỉ trong vòng 6 năm. Mùa hạ, năm 1434, vua Chămpa là Bồ Đề nghe tin Thái Tổ chết, đã đích thân cầm quân ra đóng sát biên giới, âm mưu đánh phá Thuận Hóa. Y sai thuyền lẻn vào cửa Việt, bắt cóc dân đinh. Do đó, vua Lê Thánh Tông đã cử Tư mã Lê Liệt, chỉ huy các quân Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa đi tuần du Tân Bình, Thuận Hóa; tiếp theo lại cử Thiếu úy Lê Khôi và Hành khiển Tổng quản Lê Chuyết cùng đốc suất quân địa phương đi sau. Tình hình trở lại bình yên.
Năm 1443, vua Lê Thánh Tông đã cử Tổng quản Lê Chuyết trông coi dân sự hai phủ Tân Bình và Thuận Hóa. Năm 1444, vua Chămpa là Bí Cai thân chinh đem quân, voi và thuyền ra vây thành châu Hóa. Lê Chuyết ngày đêm cố thủ, có lần vượt ra ngoài thành, xung phong đi trước quân lính, phá được giặc. Quân Chămpa lại điều thủy quân tiến đánh, nhưng bị Lê Chuyết tổ chức mai phục, cả tướng chỉ huy và tất cả thuyền giặc đều bị bắt. Đến khi quân Chămpa tiếp viện kéo đến thì cũng bị đẩy lui bởi quân địa phương châu Hóa.
Mùa hạ, năm 1445, quân Chămpa lại ra cướp. Đêm ấy mưa tó gió lớn, nước sông đầy tràn. Lê Chuyết đem thủy quân xung phong đánh giặc, bắt được 200 chiến thuyền. Vua Chămpa là Bí Cai phải trốn chạy trong đêm. Lê Chuyết chia quân cho Tuyên phủ sứ Nguyễn Liêu giữ thành, còn tự mình đem quân truy đuổi, bắt được rất nhiều thuyền giặc. Quân Chămpa đại bại, Bí Cai phải lội rừng trốn thoát. Sách Phủ biên tạp lục còn ghi lại công lao của Lê Chuyết trong trận đánh Đồ Bàn của vua Lê Nhân Tông: “Năm 1446, vua Lê Nhân Tông lại cử quân hỏi tội Chiêm Thành. Lê Chuyết được cử làm tiên phong đánh giặc ở các châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa; lại cùng các chủ tướng bàn mưu tính kế, thuyết phục được vương tôn Chiêm Thành là Tả Bí Cai, tiến quân vào thành Đồ Bàn, bắt được Bí Cai” (14). Năm Mậu Thìn (1448) ông mất, được thăng Nhập nội tư không Bình chương sự.
Trong những quan chức vào trấn thủ Hóa Châu, một nhân vật đã có công rất lớn đối với vùng đất này, đó là Đặng Thiếp.
Sau khi nối ngôi, vào tháng 6 năm Bính Tuất (1446), vua Lê Thánh Tông đặt 13 đạo thừa tuyên trong cả nước, trong đó có thừa tuyên Thuận Hóa. “Tháng 2 năm thứ 7 niên hiệu Quang Thuận, vua Lê Thánh Tông đặt ty “Tuyên chánh sứ” tại các đạo và cử Nguyễn Đặc Đạt làm “tuyên chánh sứ” Hóa Châu” (15). Vua cũng đã đổi lộ thành phủ, đổi trấn thành châu, rồi chức chuyển vận thành tri huyện, xã quan thành xã trưởng. Cuối năm ấy, Tham nghị Thừa Tuyên sứ ty châu Hóa là Đặng Thiếp đã dâng sớ tâu bày 5 việc nên làm là:
Dựng đồn lũy ở cửa biển Tư Dung;
Lấp cửa Eo;
Đào kênh Sen;
Bãi bỏ chức thuế sứ ở đầu nguồn;
Chiêu mộ lưu dân khai khẩn đất hoang ở châu Bố Chính.
Đó là đề nghị rất sáng suốt của một quan chức có trách nhiệm như Đặng Thiếp. Dưới sự cai quản của Đặng Thiếp tình hình Hóa Châu đã sáng sủa hơn, xã hội trở nên ổn định, kinh tế có phần phát triển, đặc biệt là nền kinh tế nông nghiệp.
Ngoài những quan chức được triều đình cử vào trấn giữ, dưới triều Lê Sơ với chính sách “phủ dụ dân chúng nơi biên viễn”, triều đình đã trực tiếp phong quan chức cho các thổ tù và quan lại địa phương. Tuy Hóa Châu thời Lê Sơ chưa hoàn toàn ổn định, nhưng với những quan chức đầy trách nhiệm, vùng đất này đã phần nào được phát triển.
Thành Hóa Châu thời Lê Sơ
Nhắc đến bộ máy cai trị Hóa Châu thời Lê Sơ người ta không thể quên vai trò của thành Hóa Châu. Thành Hóa Châu là lỵ sở của châu Hóa, một thành lũy quan trọng ở vùng biên viễn phía nam của nước Đại Việt từ thời vua Trần, là một thành cổ đánh dấu bước đô thị hóa đầu tiên ở xứ Huế.
Thành Hóa Châu được xây dựng trên một mảnh đất cao, thoáng, nay thuộc xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế, cách thành phố Huế khoảng 9km về phía đông bắc. Thành Hóa Châu được xây dựng án ngữ ngay giữa ngã ba sông, gọi là Ngã ba Sình. Đó là sự hợp lưu của sông Hương chảy từ phía nam, sông Bồ từ phía tây bắc, tạo thành sông Linh Giang sâu và rộng rồi đổ ra phá Tam Giang.
Nhìn tổng thể Hóa thành có quy mô lớn, cấu trúc hoàn chỉnh với tường cao, hào sâu, địa thế hiểm trở, đáp ứng được nhu cầu quân sự, chủ động công thủ. Thế liên hoàn thủy bộ, đặc biệt là đường thủy thông ra biển qua phá Tam Giang đã gắn kết tòa thành với hậu phương, đảm bảo là vị trí tiền tiêu, là phên dậu phía nam của đất nước.
Thành được xây dựng khá quy chỉnh, kết hợp hài hòa với yếu tố tự nhiên, tạo nên tòa thành kiên cố trấn giữ vùng đất trọng yếu Hóa Châu. Thành có cấu trúc gần với hình chữ nhật, nằm dọc theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, song song với khúc sông Hương, từ ngã ba Sình đến cồn Quy Lai. Tường thành đắp đất dày cao, đầm lèn vững chắc, xung quanh thành là hệ thống đầm phá, sông bao bọc tạo nên hệ thống giao thông thủy thuận tiện giữa trong và ngoài thành. Thành Hóa Châu có hai vòng thành: thành Nội và thành ngoại.
Vòng thành ngoại gần với hình chữ nhật, bị uốn cong ở hướng Tây Bắc, nằm trãi theo hướng Tây Nam – Đông Bắc. Hai cạnh ngắn nằm ở hướng Tây – Bắc, Đông – Nam, tạo thành các lũy thành.
Tòa thành nội nằm gọn về hướng Bắc của sông Thành Trung – tức nằm trên nửa hướng Bắc của tòa thành Hóa Châu. Thành nội cách bờ sông Thành Trung khoảng 150m, cách thành ngoại hướng Tây Bắc khoảng 80m đến 100m. Tòa thành nội bị phá hủy nhiều, đến nay chỉ còn lũy thành dọc hướng Tây Nam và lũy thành ngang hướng Đông Nam. Hai lũy thành này bắt góc khá vuông vức ở hướng Nam.
Thành nội ngày nay là dải đất cao hình chữ L, mà cạnh dài của chữ L này nằm dọc theo sông Thành Trung. Lũy thành này vuông góc với lũy thành hướng Tây – Nam, chạy dọc theo sông Thành Trung, đến chùa Thành Trung thì chấm dứt, do đó dân địa phương còn gọi là thành cụt.
Phía Tây bờ thành cụt là dải đất cao mang tên gọi Kho Hạ, Kho Thượng, Kho Trung. Hóa thành thời Lê Sơ bên trong thành nội chắc hẳn tồn tại nhiều kho lương thực tương đối lớn, mà di tích còn lại chỉ là những vạt kho. Thành Hóa Châu trở thành hậu cứ quan trọng trong nhiều lần nam chinh của nhà Lê.
Nhìn tổng thể, thành Hóa Châu có quy mô lớn, cấu trúc hoàn chỉnh với tường cao hào sâu, địa thế hiểm trở, đáp ứng được nhu cầu quân sự trong phòng thủ cũng như tấn công. Thế liên hoàn thủy bộ, đặc biệt là đường thủy thông ra biển đã gắn kết chặt chẽ giữa tòa thành với hậu phương, đảm bảo tốt là vị trí tiền tiêu, phên dậu phía nam của cùng biên viễn Đại Việt. Dưới thời Lê Sơ, Hóa thành từ một nơi trọng trấn, nơi đồn trú quân binh vùng biên viễn dần phát triển lên thành một trung tâm chính trị, kinh tế của vùng phía nam quốc gia Đại Việt.
Đối với Đại Việt, vùng đất Thuận Hóa nói chung và Hóa thành nói riêng là trọng trấn phương nam. Hóa thành là lỵ sở châu Hóa thuộc lộ Thuận Hóa vào cuối thời Trần, đầu thời Lê. Trong cuộc kháng chiến chống quân Minh (1407 – 1427), châu Hóa là căn cứ địa với vai trò trung tâm là Hóa thành, là hậu phương vững chắc của cả nước, để sau khi cuộc kháng chiến thắng lợi, Lê Thái Tổ coi đó là “phên dậu thứ tư” của Tổ quốc, “là lòng dạ của ta”.
Sau trận chiến thắng năm 1471, biên giới quốc gia Đại Việt được mở rộng đến vùng Phú Yên. Tòa thành Hóa Châu không còn là nơi trực tiếp đứng đầu sóng ngọn gió, vai trò quân sự được đưa xuống hàng thứ yếu, thay vào đó là sự phát triển về chính trị, kinh tế, văn hóa… Tại đây, dần hình thành nên một khu đô thị mà hạt nhân chính là thành Hóa Châu, hội tụ xung quanh nó những làng, những khu dân cư mới đặt nền móng cho đô thị sau này.
Phương Hạnh (theo Xưa&Nay)
___________
Chú thích:
1. Ngô Sĩ Liên (1968), Đại Việt sử ký toàn thư (tập 2). Cao Xuân Giu, Đào Duy Anh dịch, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.246.
2. UBND tỉnh Thừa Thiên Huế (2005), Địa chí Thừa Thiên Huế, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.56.
3, 6. Ngô Sĩ Liên, Sđd (tập 3), tr.46, 67.
4, 9, 11. Quốc sử quán triều Nguyễn (1998), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (tập 1), Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.835, 844, 860.
5, 8, 13, 14, 15. Lê Quý Đôn (1964). Phủ biên tạp lục, bản dịch Đỗ Mộng Khương, Nguyễn Trọng Hân và Nguyễn Ngọc Tĩnh, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.46, 60, 46, 41, 53.
7. Phan Huy Chú (1992), Lịch triều hiến chương loại chí (tập 1). Viện Sử học phiên dịch và chú giải, Nxb KHXH, Hà Nội, tr.38.
8. Dẫn theo Nguyễn Hữu Thông, “Bức tranh dân cư vùng Thuận Hóa thế kỷ XV qua bản Thỉ thiên tự”, Tạp chí Khoa học và công nghệ Thừa Thiên Huế (số 1/1997), tr.124-125.
9. Lê Quý Đôn (1996), Đại Việt thông sử, bản dịch Túc Viên Lê, Mạnh Liêu và Nguyễn Khắc Thuần, Nxb Đồng Tháp, tr.87.