Ảnh minh họa.
Theo đó, Thông tư 46/2022/TT-BTC đã quy định rõ về hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo như sau.
Cụ thể, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, khả năng cân đối ngân sách địa phương, HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo từ nguồn ngân sách Nhà nước. Ngân sách trung ương hỗ trợ địa phương tối đa bằng 40 triệu đồng/hộ gia đình đối với xây mới nhà ở và 20 triệu đồng/hộ gia đình đối với sửa chữa nhà ở theo quy định khoản 1, Điều 9, Quyết định số 02/2022/QĐ-TTg.
Điều kiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng.
Cơ chế thanh toán
Căn cứ danh sách các hộ gia đình được hỗ trợ nhà ở và mức hỗ trợ cụ thể đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; căn cứ biên bản xác nhận hoàn thành theo giai đoạn xây mới hoặc sửa chữa nhà ở và biên bản xác nhận hoàn thành xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đưa vào sử dụng theo hướng dẫn của Bộ Xây dựng, UBND cấp xã thực hiện thanh toán như sau:
Đối với hộ gia đình thực hiện xây dựng mới nhà ở: Hỗ trợ lần đầu 70% mức hỗ trợ xây mới nhà ở sau khi hoàn thành phần móng; 30% còn lại sau khi hộ gia đình hoàn thành công trình xây mới nhà ở;
Đối với hộ gia đình thực hiện sửa chữa nhà ở: Hỗ trợ lần đầu 70% mức hỗ trợ sửa chữa nhà ở sau khi hộ gia đình đã hoàn thành từ 30% khối lượng công việc; 30% còn lại giải ngân sau khi hộ gia đình hoàn thành công trình sửa chữa nhà ở.
UBND cấp xã có trách nhiệm giám sát để các hộ gia đình sử dụng tiền hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đúng mục đích, đảm bảo chất lượng nhà ở; đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan ở địa phương thực hiện công khai chính sách hỗ trợ của Nhà nước: Danh sách hỗ trợ nhà ở, mức hỗ trợ từng hộ gia đình trước và sau khi có quyết định hỗ trợ của cấp có thẩm quyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở UBND cấp xã và tại các thôn, bản theo quy định tại Thông tư số 54/2006/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quy chế công khai hỗ trợ trực tiếp của ngân sách đối với các cá nhân, dân cư.
Hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng
Ngoài ra, Thông tư 46/2022/TT-BTC cũng quy định về nội dung ngân sách Nhà nước chi hỗ trợ cải thiện dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và cho con bú, trẻ em dưới 16 tuổi.
Cụ thể, chi hỗ trợ can thiệp phòng, chống suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai và cho con bú, trẻ em dưới 16 tuổi theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và phù hợp với quy định tại điểm b, khoản 3, Mục III, Chương trình ban hành kèm theo Quyết định số 90/QĐ-TTg.
Chi theo dõi, khảo sát, đánh giá định kỳ, phân loại tình trạng dinh dưỡng, vi chất dinh dưỡng, khẩu phần, chế độ ăn, thói quen tiêu thụ thực phẩm của trẻ em dưới 16 tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú: Nội dung mức chi thực hiện theo Thông tư số 109/2016/TT-BTC.
Chi tổ chức các buổi hướng dẫn trình diễn thức ăn cho trẻ em dựa trên các sản phẩm, thực phẩm tại địa phương: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 37, Thông tư số 15/2022/TT-BTC.
Chi bổ sung vi chất dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai và cho con bú; vi chất dinh dưỡng, sản phẩm dinh dưỡng/chế phẩm dinh dưỡng, thuốc tẩy giun cho trẻ em suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng dưới 16 tuổi: Mức chi theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp trong phạm vi dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Chi xây dựng hướng dẫn và triển khai mô hình can thiệp cải thiện tình trạng dinh dưỡng, an ninh dinh dưỡng đặc thù cho từng vùng miền; xây dựng thực đơn dinh dưỡng: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại các Điều 7, 8 và 9, Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN.
HOÀNG NGUYỄN
Kiến nghị duy trì và mở rộng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp