Ảnh minh họa.
Mới đây, Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh Bến Tre, Long An, Bình Thuận… đã gửi tới Bộ Tài chính kiến nghị của cử tri về việc xem xét bỏ quy định mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP.
Theo đó, cử tri các tỉnh cho rằng việc quy định mua bảo hiểm bắt buộc đối với xe máy còn nhiều bất cập. Bởi lẽ, để nhận được bồi thường bảo hiểm nếu có tai nạn xảy ra thì người dân phải tiến hành nhiều loại thủ tục giấy tờ rất phức tạp. Trong khi đó, khi tai nạn xảy ra, chủ phương tiện và người thân phải lo đi cấp cứu, không có thời gian để lo các loại giấy tờ chứng minh thiệt hại theo yêu cầu nên nhiều người mua bảo hiểm nhưng không thanh toán được vì không đủ giấy tờ. Việc mua bảo hiểm vì vậy chưa đảm bảo quyền lợi của người dân.
Các cử tri cũng cho rằng, bảo hiểm xe máy là hợp đồng dân sự nên để người dân tự nguyện mua bảo hiểm thay vì bắt buộc như hiện nay. Đây cũng không phải cơ sở để đảm bảo cho người dân tham gia lưu thông được an toàn. Do đó, cử tri kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi quy định theo hướng không bắt buộc mua bảo hiểm hoặc quy định thủ tục chi trả bảo hiểm đơn giản nhất để người dân được thuận lợi hơn trong việc hưởng bảo hiểm này.
Trước đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng kiến nghị nội dung trên. Theo VCCI, việc thực hiện các loại bảo hiểm bắt buộc đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích xã hội, trừ bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy. Tuy nhiên, bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe máy lại không chứng minh được là mang lại nhiều lợi ích xã hội.
Theo đó, VCCI đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc thu hẹp phạm vi chủ thể có nghĩa vụ bắt buộc mua bảo hiểm trách nhiệm xe cơ giới, theo hướng loại trừ xe máy. Việc mua bảo hiểm xe máy, bao gồm cả bảo hiểm trách nhiệm dân sự và các loại bảo hiểm khác sẽ dựa trên sự tự nguyện thỏa thuận của các bên.
Trả lời kiến nghị của cử tri, Bộ Tài chính cho biết hiện đang rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định về bảo hiểm bắt buộc nhằm đồng bộ với Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15.
Theo Bộ Tài chính, nhiều nước vẫn áp dụng bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ ôtô, môtô, xe máy. Đơn cử, Ấn Độ, Trung Quốc, Singapore quy định tham gia giao thông khi không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự với bên thứ ba là bất hợp pháp và có thể áp dụng hình phạt tù trong trường hợp tái phạm, vi phạm nhiều lần.
Môtô, xe gắn máy vẫn là phương tiện vận tải cơ giới chủ yếu và là nguồn gây tai nạn lớn nhất Việt Nam. Số liệu thống kê của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chỉ ra, tổng số xe máy đã đăng ký tính đến ngày 14/10/2022 là 72 triệu, chiếm 63% nguyên nhân gây ra tai nạn.
Bộ Tài chính cũng dẫn số liệu bình quân từ 2017-2021 của các doanh nghiệp bảo hiểm cho thấy tỉ lệ chi bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là 19,8%. Riêng năm 2021, 12,4 triệu xe máy được bảo hiểm, tỉ lệ này chênh lệch khá nhiều so với con số được VCCI cung cấp trước đó khi cho biết sau 10 năm, tỉ lệ chi trả bảo hiểm với xe máy ở mức rất thấp, gần 6% năm 2019. Xe máy hiện chiếm đa số trong các loại xe cơ giới. Theo đó, căn cứ quy định pháp luật, kinh nghiệm quốc tế và thực tế, Bộ Tài chính giữ nguyên quy định với bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.
Liên quan đến kiến nghị đơn giản hóa thủ tục bồi thường khi xảy ra tai nạn, Bộ Tài chính cho biết đang trình Chính phủ ban hành Nghị định về bảo hiểm bắt buộc nhằm đồng bộ với Luật Kinh doanh bảo hiểm. Bộ Tài chính cũng đang đề xuất một số quy định như: Chủ xe cơ giới có thể cung cấp bản ảnh chụp với tài liệu liên quan đến xe, lái xe; Cung cấp bằng chứng chứng minh sửa chữa thay mới tài sản trong trường hợp không có hoá đơn chứng từ; Bổ sung quy định giảm 15% phí bảo hiểm; Tăng tỉ lệ chi hỗ trợ nhân đạo từ 25% lên 30%; Thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm; Doanh nghiệp bảo hiểm phải ghi âm các cuộc gọi đến đường dây nóng để bảo đảm quyền lợi cho người mua bảo hiểm.
HOÀNG QUÝ