(LSVN) - Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, chiều ngày 24/10, sau khi Quốc hội tiến hành thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch giải trình một số vấn đề về dự thảo Nghị quyết này.
Đối với vấn đề về nguyên tắc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, quy định tại Điều 4, Bộ trưởng cho biết, dự thảo Nghị quyết quy định việc tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Hội đồng quốc phòng và an ninh quyết định, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, quản lý nhà nước của Chính phủ. Nhằm cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp về vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước đối với lực lượng vũ trang nhân dân và thẩm quyền của Hội đồng Quốc phòng và An ninh.
Tại điều 5, Bộ trưởng chỉ ra rằng, đối với các lĩnh vực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc, Dự thảo Nghị quyết quy định có 2 hình thức tham gia gồm đơn vị và cá nhân. Các hình thức này phù hợp với quy định của Liên Hợp quốc và khả năng tham gia của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Dự thảo Nghị quyết quy định các lĩnh vực tham gia gồm: tham mưu, hậu cần, kỹ thuật, thông tin liên lạc, công binh, quân y, cảnh sát. Đây là những lĩnh vực Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện, khả năng và nguồn lực để tham gia. Trên thực tế, Việt Nam đã và đang tham gia các lĩnh vực tham mưu, hậu cần, quân y, quan sát viên quân sự. Quá trình thực hiện nhiệm vụ đều đã khẳng định năng lực, được Liên Hợp quốc và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Liên Hợp quốc đang tiếp tục đề nghị Việt Nam cử thêm lực lượng và mở rộng sang các lĩnh vực khác như công binh, cảnh sát, quan sát viên và giám sát bầu cử.
Tại điều 13, 14 về vấn đề về kinh phí và chế độ chính sách cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam đã chính thức tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc từ năm 2014. Tuy nhiên, hiện nay chưa được bố trí nguồn ngân sách riêng để triển khai nhiệm vụ này. Trong khi đó, kinh phí bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và tuân thủ theo Luật Ngân sách nhà nước nên không thể chi cho nhiệm vụ này được. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết quy định ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc nhằm tạo cơ sở pháp lý để bố trí nguồn lực cho hoạt động này theo đúng quy định.
Hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc luôn ở trong môi trường, điều kiện làm việc đặc biệt khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về an ninh. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết quy định lực lượng trực tiếp và gián tiếp tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc được hưởng chế độ, chính sách phù hợp với tính chất nhiệm vụ và đặc thù hoạt động theo quy định của pháp luật. Trường hợp bị thương, bị bệnh, bị tai nạn hoặc hy sinh từ trần,... trong khi thực hiện nhiệm vụ được xem xét, giải quyết chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật Việt Nam và của Liên Hợp quốc.
AN NHIÊN(t/h)