Ảnh minh họa.
Cụ thể, trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết năm 2022, dự kiến sẽ giảm thuế khoảng 64.000 tỉ đồng, gấp 3 lần mức của năm 2021.
Về ý kiến cho rằng việc giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) là nhỏ, cần giảm đến 5%, ông Hồ Đức Phớc cho rằng áp dụng năm 2022 sẽ giảm 2% với mặt hàng có thuế suất 10%, trừ một số ngành viễn thông, tài chính, bảo hiểm ngân hàng, bất động sản. Theo lý giải của tư lệnh ngành tài chính, mức giảm thuế 2% sẽ giúp giảm 49.400 tỉ đồng. Đối với đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thay vì giảm thuế GTGT, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho rằng việc giảm thuế GTGT sẽ giúp kích thích tiêu dùng, tạo hiệu ứng lan tỏa tới sản xuất trong nền kinh tế. Trong khi nếu giảm thuế thu nhập doanh nghiệp thì những doanh nghiệp thua lỗ không được hưởng để có thêm nguồn lực.
Bên cạnh đó, về ý kiến cho rằng có nên tăng thuế giao dịch bất động sản, chứng khoán, mặt hàng hạn chế tiêu dùng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết hiện nay, mức thuế chuyển nhượng chứng khoán của doanh nghiệp là 20%, đối với doanh nghiệp nước ngoài là 0,1% trên doanh thu bán. Đối với bất động sản thì thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, với cá nhân là 2% trên mỗi lần mua - bán.
Làm rõ về vấn đề giảm lãi suất, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết đối với ngành ngân hàng thì đây được coi là một nhiệm vụ trọng tâm trong điều hành. Ngay sau khi dịch Covid-19 bùng phát, NHNN đã tập trung giảm nhanh 3 lần so với lãi suất điều hành cũng như chỉ đạo các tổ chức tín dụng điều tiết tiền tệ để giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2020 là khoảng 1% vào năm 2021, tiếp tục giảm khoảng 0,8%.
Thực tế, NHNN đã động viên, khuyến khích, kêu gọi các tổ chức tín dụng miễn, giảm lãi vay và giảm các loại phí. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát đến nay, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã giảm cả lãi, phí đạt khoảng gần 40.000 tỉ đồng từ chính nguồn tài chính của các tổ chức tín dụng để hỗ trợ cho doanh nghiệp, của người dân.
PV
Một số điểm mới nổi bật trong Nghị định số 67/2021/NĐ-CP của Chính phủ