Ảnh minh họa.
Theo đó, dự thảo nêu rõ phạm vi hoạt động khám bệnh, chữa bệnh của nhân viên y tế tại cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở giáo dục như sau:
Nhân viên y tế xử trí, sơ cấp cứu trong tình huống khẩn cấp bao gồm cấp cứu tai nạn thương tích và các tình huống sơ cấp cứu khác (tiêu chảy, ngất, chảy máu cam, sốt, cơn hen cấp, động vật, côn trùng cắn, đốt, hút; dị vật đường thở, sặc sữa; đuối nước, ngộ độc thực phẩm, ngộ độc hơi khí độc, say nắng, say nóng, đột quỵ, bỏng, điện giật, sét đánh).
Bên cạnh đó, nhân viên y tế thực hiện theo chỉ định của bác sỹ có giấy phép hành nghề; khám, chữa bệnh từ xa theo hướng dẫn của chuyên gia y tế tuyến trên; thực hiện tiêm (chích), thay băng, cắt chỉ, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, lấy máu xét nghiệm.
Nhân viên y tế khám, chữa bệnh một số bệnh tật thông thường.
Nhân viên y tế khám, chữa bệnh một số bệnh tật thông thường cụ thể như sau: Đối với các bệnh thường gặp của người lao động, nhân viên y tế khám phát hiện sớm triệu chứng của các bệnh truyền nhiễm, bệnh liên quan đến nghề nghiệp và tư vấn cho người lao động đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trên. Đồng thời, nhân viên y tế thực hiện khám, chữa bệnh (gồm xử trí ban đầu và chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết) đối với các bệnh: viêm kết mạc dị ứng cấp, viêm mũi dị ứng theo mùa, viêm mũi dị ứng khác; tiêu chảy, táo bón; viêm da tiếp xúc dị ứng.
Đối với các bệnh, tật thường gặp của học sinh, sinh viên, nhân viên y tế khám phát hiện sớm triệu chứng của các bệnh truyền nhiễm; các bệnh tật học đường (cận thị, loạn thị, còi xương, suy dinh dưỡng, béo phì, cong vẹo cột sống) và tư vấn cho phụ huynh, học sinh, sinh viên đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế tuyến trên; khám, chữa bệnh (xử trí ban đầu và chuyển tuyến trong trường hợp cần thiết): viêm kết mạc dị ứng cấp, đau mắt đỏ; viêm mũi họng, viêm amidan, tiêu chảy, táo bón, viêm da tiếp xúc dị ứng, các bệnh về răng miệng học đường.
MINH TRẦN