/ Trao đổi - Ý kiến
/ Cách bảo vệ quyền lợi của cá nhân khi bị người khác đăng ảnh lên Facebook

Cách bảo vệ quyền lợi của cá nhân khi bị người khác đăng ảnh lên Facebook

05/01/2021 18:02 |

(LSO) - Tình trạng tự ý sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác hiện nay trên mạng xã hội xả ra rất nhiều. Việc này là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền nhân thân của cá nhân. Vấn đề đặt ra là cá nhân khi bị người khác đăng ảnh lên Facebook, mạng xã hội có thể làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích của mình?

Cách bảo vệ quyền lợi của cá nhân khi bị người khác đăng ảnh lên Facebook

Theo Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội), quyền của cá nhân đối với hình ảnh, thông tin được pháp luật ghi nhận. Việc sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác cần phải được sự đồng ý của chính chủ. Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau:

"Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình.

Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý.

Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác."

Hiện nay, Nghị định 15/2020/NĐ-CP được ban hành ngày 3/02/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử, chính thức có hiệu lực từ 15/4/2020. Theo nghị định này, hành vi tự ý sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác mà không được sự đồng ý, cho phép của họ sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (đối với cá nhân sẽ bị xử phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng). Cụ thể, thu thập, xử lý và sử dụng thông tin của tổ chức, cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích theo quy định của pháp luật; cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.

Như vậy, tính từ ngày 15/4/2020 những hành vi tự ý sử dụng hình ảnh, thông tin của người khác trên các phương tiện vô tuyến,… sẽ bị tiến hành xử phạt. Các quy định về xử phạt nêu trên là để ngăn chặn, xử lý và bảo vệ quyền và lợi ích của những người bị người khác tự ý xử dụng hình ảnh của mình. Đây là để đảm bảo tốt hơn nữa quyền về hình ảnh, thông tin của con người.

Cách bảo vệ quyền lợi của cá nhân khi bị người khác đăng ảnh lên Facebook

Trong trường hợp, việc cá nhân, tổ chức sử dụng hình ảnh, tự ý đăng ảnh lên Facebook, mạng xã hội mà làm ảnh hưởng đến mình thì người bị sử dụng hình ảnh có thể thực hiện các cách sau để bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình:

- Gửi đơn hoặc có yêu cầu trực tiếp đến cá nhân, tổ chức sử dụng hình ảnh của mình buộc gỡ bỏ những hình ảnh xuống.

- Gửi đơn yêu cầu đến cơ quan Sở TT&TT nơi cá nhân, tổ chức đó cư trú hoặc có trụ sở.

- Gửi đơn yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Theo Luật sư Tùng, tại Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định: "Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật."

Để xử lý những hành vi vi phạm thì điều tiên quyết đầu tiên là phải có sự yêu cầu của người có hình ảnh về việc xử lý. Dù là yêu cầu bồi thường thiệt hại hay để xử lý vi phạm hành chính thì cần phải có đơn yêu cầu xử lý của người bị vi phạm. Điều này là sự tôn trọng quyền cá nhân của người có hình ảnh. Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, cá nhân bị người khác đăng ảnh lên Facebook, mạng xã hội có thể tự lựa chọn và thực hiện các cách thức phù hợp, hiệu quả.

THANH BÌNH

/my-tam-ngung-tai-tro-cho-who-kinh-te-anh-co-the-roi-vao-suy-thoai-sau-nhat-trong-300-nam.html