Ngày 20/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Phát biểu thảo luận, Đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) cho biết, nhiều năm qua, việc tuyển sinh đối với nhiều cơ sở đào tạo nguồn giáo viên có đầu vào gần như thấp nhất theo tiêu chuẩn xét tuyển so với nhiều ngành, lĩnh vực.
Cơ bản đồng tình với sự cần thiết việc xây dựng dự án Luật Nhà giáo, Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần làm rõ hơn nữa về sự cần thiết, theo đó giải thích cụ thể tại sao trong Luật Giáo dục đã có 01 Chương quy định về nhà giáo nay lại ban hành Luật nNhà giáo...
Về đối tượng áp dụng, dự thảo Luật đang quy định nhà giáo được tuyển dụng, làm nhiệm vụ giảng dạy, giáo dục trong các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Đại biểu đề nghị làm rõ, đối với quy định này được hiểu như thế nào là đúng. Bên cạnh đó, làm rõ đối với các nhà giáo làm nhiệm vụ giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập có thuộc đối tượng của dự thảo Luật này không?
Về tuyển dụng nhà giáo được quy định tại Điều 16, Đại biểu cho biết, tại điểm a khoản 1 Điều này quy định tuyển dụng căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp nhà giáo. Theo Đại biểu, quy định như vậy được hiểu là bất kể người nào đủ chuẩn nghề nghiệp nhà giáo là được tuyển dụng. Như vậy là chưa phù hợp, do vậy, dự thảo Luật cần phải quy định thêm là “phải căn cứ vào nhu cầu tuyển dụng nhà giáo”.
Liên quan đến nội dung về tiền lương và phụ cấp tại Điều 27, điểm d khoản 1 Điều này quy định nhà giáo tuyển dụng, xếp lương lần đầu được xếp tăng 01 bậc lương trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu cho biết, tại Điều 18 quy định đối với người trúng tuyển, thực hiện chế độ tập sự, thử việc hoặc thính giảng thì chế độ tiền lương và phụ cấp được thực hiện như thế nào lại chưa được quy định cụ thể. Do vậy, Đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định này…
Đặc biệt để đáp ứng vai trò, vị trí của nhà giáo, Đại biểu Trần Văn Tiến cũng đề nghị, bổ sung quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đầu vào đối với nguồn đào tạo giáo viên tại các cơ sở đào tạo nguồn giáo viên, nhằm nâng cao chất lượng đầu vào đối với các giáo viên trong tương lai, tránh tình trạng như nhiều năm qua, việc tuyển sinh đối với nhiều cơ sở đào tạo nguồn giáo viên có đầu vào giáo viên gần như thấp nhất theo tiêu chuẩn xét tuyển so với nhiều ngành, lĩnh vực.
Về các chính sách hỗ trợ nhà giáo được quy định trong dự thảo Luật, Đại biểu cho rằng, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ này đang chỉ phù hợp với các cơ sở giáo dục công lập. Đại biểu băn khoăn, đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, các nhà giáo có được hưởng các chính sách hỗ trợ này không, nếu không sẽ tạo ra sự mất cân bằng. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu nội dung này để đảm bảo tính công bằng đối với các nhà giáo trong xã hội.