Thảo luận tại tổ về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), đa số ý kiến nhất trí với việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt; đồng thời đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung “theo Tiêu chuẩn Việt Nam”. Bởi lẽ quy định này có thể dẫn đến vướng mắc trong thực hiện đối với các sản phẩm nhập khẩu không được sản xuất theo Tiêu chuẩn Việt Nam, song vẫn có hàm lượng đường trên 5g/100ml. Một số ý kiến đề nghị giải trình rõ hơn về khả năng đạt được mục tiêu của chính sách này trong việc góp phần bảo vệ sức khỏe người dân; bổ sung các thông tin liên quan đến kinh nghiệm quốc tế; đánh giá kỹ tác động trên khía cạnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tán thành với việc sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, Đại biểu Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) cho biết, khi lấy ý kiến của doanh nghiệp, người dân trên địa bàn, nhiều ý kiến phản ánh chính sách thuế của nước ta hiện khá nhiều, một số mặt hàng chịu mức thuế cao. Điều này một mặt tạo nguồn thu cho ngân sách, nhưng mặt khác cũng gây khó khăn cho người nộp thuế. Từ thực tế trên, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng khi bổ sung mặt hàng chịu thuế, tăng mức thuế với một số hàng hóa.
Cho ý kiến về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia được quy định tại Điều 8, Đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn Hà Nam) nêu rõ: Điều 8 dự thảo Luật hiện đưa ra hai phương án cho lộ trình tăng thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia. Theo phương án mà Bộ Tài chính đề xuất áp dụng, mặt hàng rượu từ 20 độ trở lên và bia chịu mức thuế suất tăng dần từ năm 2026, lên tới 100% vào năm 2030. Tương tự, rượu dưới 20 độ chịu thuế suất 70% vào năm 2030.
Theo đại biểu, Tờ trình của Chính phủ tập trung phân tích nhiều về phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt, nên theo phương pháp hiện hành hay đổi sang phương pháp hỗn hợp. Tuy nhiên, đại biểu đánh giá, phần phân tích đánh giá tác động của luật, đặc biệt đối với các ngành nghề khác và nền kinh tế nói chung còn sơ sài, phần lớn chỉ dựa vào đề xuất của Tổ chức Y tế Thế giới về việc tăng thuế để tăng giá bán sản phẩm. Có một số nội dung cần nghiên cứu thêm trước khi đưa ra kết luận mức thuế nào và lộ trình tăng thuế nào là phù hợp. Cần đặt ngành đồ uống có cồn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của cả nền kinh tế nói chung để đánh giá tác động một cách toàn diện. Thực tế ngành rượu, bia liên quan trực tiếp đến các ngành nghề phụ trợ như sản xuất bao bì, đóng gói, vận chuyển, và liên quan gián tiếp đến các lĩnh vực du lịch và ẩm thực. Do đó, đại biểu đề nghị cần ước lượng được: với mức tăng thuế và lộ trình tăng thuế đề xuất, các ngành nghề khác sẽ chịu ảnh hưởng như thế nào?
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc đưa ra lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt phù hợp trong 3 - 5 năm tới với một số mặt hàng đặc thù, tránh gây ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp.Liên quan đến thuế suất cho mặt hàng thuốc lá hiện nay, theo Đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn Hòa Bình), trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang quy định mức thuế suất áp dụng là 75%. Đồng tình với nội dung này tại dự thảo Luật, đại biểu cho rằng, việc giữ nguyên quy định thuế suất là 75% là hợp lý, bởi nếu mức tăng quá đột ngột sẽ gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này cũng như các doanh nghiệp phụ trợ.
Trong điều kiện nền kinh tế của chúng ta hiện nay cần có một lộ trình để việc tăng phù hợp nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu phát triển, cũng như tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các đơn vị hiện nay. Đồng thời đề nghị tiếp tục có sự nghiên cứu, rà soát để việc áp dụng thuế vừa mang tính chất là nguồn thu song vẫn đảm bảo được yêu cầu trong việc hỗ trợ người dân từng bước chuyển đổi sản xuất, chế biến các nguyên liệu thuốc lá trong giai đoạn tới.
Trước đó, tại phiên họp, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).