/ Luật sư - Bạn đọc
/ Cần xây dựng, ban hành quy định cụ thể về các hành vi 'mê tín dị đoan'

Cần xây dựng, ban hành quy định cụ thể về các hành vi 'mê tín dị đoan'

01/03/2023 08:49 |

(LSVN) - Theo Luật sư, pháp luật hiện hành không có quy định cụ thể thế nào là mê tín dị đoan” hay thế nào là “hoạt động mê tín dị đoan”. Điều này là một “lỗ hổng” của pháp luật, dẫn đến nhiều cách hiểu không thống nhất, cũng như những khó khăn và vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm có sự xem xét và xây dựng, ban hành các quy định rõ ràng cụ thể về các hành vi được coi là hoạt động "mê tín dị đoan", để đảm bảo tính chính xác và thống nhất trong nhận thức và thực tiễn áp dụng pháp luật.

Ảnh minh họa.

Ngày nay, với sự phát triển của công nghệ thông tin, nhất là các nền tảng mạng xã hội, như: Tiktok, Facebook, Zalo,… hình thức xem bói trên mạng xã hội xuất hiện nhằm câu like, câu view, tăng tương tác trên mạng xã hội với mục đích trục lợi, buôn bán các sản phẩm như: Bùa yêu, bùa may mắn, lắc tay,...

Mới đây, Công an thị xã Kinh Môn (Hải Dương) đang xác minh, làm rõ thông tin liên quan tới cô đồng bổ cau "đúng nhận, sai cãi" xem bói toán, có biểu hiện mê tín dị đoan trên mạng xã hội Tiktok. Theo Công an thị xã Kinh Môn và Công an phường Hiến Thành (thị xã Kinh Môn), trong trường hợp phát hiện vi phạm, lực lượng chức năng sẽ cùng Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo của thị xã làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Trao đổi về vấn đề này, Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, về mặt hành chính, pháp luật hiện hành không có quy định trực tiếp cấm và các chế tài xử lý đối với hành vi xem bói mà chỉ có chế tài xử lý đối với hành vi hoạt động mê tín dị đoan. Theo đó, nếu việc livestream xem bói không nhằm mục đích trục lợi, không gây hậu quả xấu và không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự thì sẽ không bị coi là vi phạm pháp luật và không bị xử lý. Tuy nhiên, ngược lại, nếu hành vi livestream xem bói nhằm mục đích trục lợi bất hợp pháp thì được xác định là vi phạm pháp luật.

Tại Nghị định 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ có quy định về việc lợi dụng tổ chức lễ hội để “tổ chức hoạt động mê tín dị đoan”, với mức phạt từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (khoản 7, Điều 14); hoặc hành vi “lợi dụng việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa để trục lợi, hoạt động mê tín dị đoan” sẽ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng (Khoản 6 Điều 20). Các mức phạt nêu trên là áp dụng đối với cá nhân vi phạm. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Tại điểm b, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 14/2022/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định, hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện các hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc” thì sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm. Trường hợp cá nhân có hành vi vi phạm như của tổ chức thì mức phạt tiền bằng 1/2 mức phạt tiền đối với tổ chức (là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng).

Về trách nhiệm xử lý hình sự, Luật sư cho hay, theo quy định tại Điều 320, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 về tội "Hành nghề mê tín, dị đoan” thì “người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”, thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Hành nghề mê tín, dị đoan”. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi phạm tội này có thể phải chịu các loại và mức hình phạt là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội này còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Luật sư cũng cho rằng, trong thực tế, các hình thức bói toán thường được hiểu là một trong các hoạt động mê tín dị đoan. Và nếu hiểu như vậy thì hoạt động livetream xem bói hoặc xem bói online có thể bị xử lý hành chính về hành vi “cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan…”, với mức phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với tổ chức vi phạm, còn đối với cá nhân vi phạm thì mức phạt sẽ là từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng (điểm b, khoản 1, Điều 101, Nghị định số 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ). Trong trường hợp nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Hành nghề mê tín, dị đoan”, theo quy định tại Điều 320, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Đối với hành vi lợi dụng việc xem bói để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người khác, hoặc xuyên tạc, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác hoặc gây mất trật tự, an toàn xã hội thì tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về các hành vi vi phạm tương ứng.

Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, sự phổ biến của các mạng xã hội thì hoạt động livestream hoặc xem bói online đang diễn ra rất phổ biến và cũng đã xuất hiện ngày càng nhiều các “biến tướng”, gây ra nhiều hệ lụy xấu cho xã hội. Nhiều đối tượng đã lợi dụng hoạt động này để trục lợi, thậm chí là lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người “nhẹ dạ cả tin”. Mặt khác, nhiều người cũng đã lợi dụng việc livestram xem bói để tuyên truyền các hoạt động mê tín dị đoan (cúng giải hạn, thay đổi số mệnh, hoặc mua bán bùa chú... ). Nhiều người do quá tin vào bói toán nên đã rơi vào mê tín dị đoan, bị lôi kéo và lợi dụng, vừa bị mất tiền, vừa bị lệch lạc trong nhận thức (ỷ lại vào việc cúng bái, số phận, vận may hoặc nảy sinh tâm lý hoang mang, lo lắng không có căn cứ).

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành lại chưa có quy định cụ thể thế nào là "mê tín dị đoan” hay thế nào là “hoạt động mê tín dị đoan”. Điều này là một “lỗ hổng” của pháp luật, dẫn đến nhiều cách hiểu không thống nhất, cũng như những khó khăn và vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần sớm có sự xem xét và xây dựng, ban hành các quy định rõ ràng cụ thể về các hành vi được coi là hoạt động “mê tín dị đoan”, để đảm bảo tính chính xác và thống nhất trong nhận thức và thực tiễn áp dụng pháp luật. Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng cần phải có giải pháp để hoàn thiện các quy định pháp lý, tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm tra và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm, để có thể phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý hiệu quả hơn nữa những “biến tướng”, những hành vi trái pháp luật trong lĩnh vực này.

HOÀNG QUÝ

Vụ trộm tiền của vợ: Người chồng có thể bị xử lý thế nào?

Nguyễn Hoàng Lâm