/ Luật sư - Bạn đọc
/ Cần xử lý nghiêm hành vi cản trở các quyền đã được luật hóa

Cần xử lý nghiêm hành vi cản trở các quyền đã được luật hóa

23/09/2021 16:18 |

(LSVN) - Quyền tác nghiệp của nhà báo – phóng viên đã được luật hóa quy định trong hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật, do đó mọi hành vi cản trở đều phải được xem xét, xử lý theo đúng quy định để đảm bảo việc thực thi pháp luật được nghiêm minh.

​ Ông N.T.N., chiến sỹ Công an thành phố Buôn Ma Thuột chỉ tay đe dọa, ‘đuổi’ phóng viên ra khỏi khu vực hiện trường.

Liên quan đến vụ việc Phóng viên Tạp chí Luật sư Việt Nam bị cản trở tác nghiệp tại thôn 1, xã Hòa Thắng, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, Tạp chí Luật sư Việt Nam đã có văn bản đề nghị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đắk Lắk, Công an tỉnh Đắk Lắk, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk khẩn trương làm rõ và có biện pháp hữu hiệu, bảo vệ quyền hoạt động báo chí của Phóng viên Tạp chí Luật sư Việt Nam trên địa bàn.

Hành vi không thể chấp nhận

Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, qua diễn biến vụ việc cho thấy đây là những hành vi không thể chấp nhận, chưa nói tới quyết định cưỡng chế, quyết định thu hồi đất có đúng trình tự, thủ tục hay không?.

"Ngay cả quyền tác nghiệp của báo chí với vai trò giám sát để hoạt động cưỡng chế trở nên minh bạch, rõ ràng hơn (đó là quyền đã được luật hóa, được hiến định) cũng bị phía đoàn cưỡng chế do UBND TP. Buôn Ma Thuột cấm cản, đe dọa “một cách quyết liệt”, Luật sư Khuyên nói.

Luật sư cho biết, hiện nay quyền tác nghiệp của nhà báo – phóng viên đã được luật hóa quy định trong hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật, đồng thời được phổ biến sâu rộng tới các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nên không thể nói là một cá nhân hay một cơ quan, tổ chức nào không nắm được các quyền này. Luật Báo chí 2016 ngay tại Điều 4 đã quy định chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí; khoản 12, Điều 9 quy định các hành vi bị nghiêm cấm như: “Đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu, cản trở nhà báo, phóng viên hoạt động nghề nghiệp đúng pháp luật”. Ngoài ra, báo chí có các quyền hạn được quy định tại Điều 10, 11, 12, 13.

Trung tâm Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam trước đó đã đưa ra 12 nhóm hành vi cản trở tác nghiệp báo chí để nhận diện, gồm: “Né tránh cung cấp thông tin, gây khó dễ, mua chuộc, gián tiếp ngăn chặn hoạt động tác nghiệp, thu giữ phương tiện tác nghiệp, phá hoại hoặc tiêu hủy phương tiện tác nghiệp, đe dọa, giữ người, bôi nhọ hoặc vu khống, tấn công gây thương tích, trả thù”.

Còn đối với hành vi cản trở phóng viên, nhà báo tác nghiệp thì đây là hành vi vi phạm pháp luật, sẽ bị xử lý theo quy định của Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ mức phạt tiền lên đến 60 triệu đồng và buộc thực hiện các biện pháp như xin lỗi công khai nhà báo, phóng viên, trả lại các phương tiện tác nghiệp, tài liệu thu giữ trái phép của nhà báo, phóng viên.

Có xúc phạm nhân phẩm, thân thể người khác?

Vậy, hành vi cản trở, hành hung phóng viên, nhà báo tác nghiệp có được xem là hành vi xúc phạm nhân phẩm, thân thể người khác không?.

Theo Luật sư, tại Điều 34 Bộ luật Dân sự 2015 quy định, mọi công dân có quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm uy tín, nên nhà báo - phóng viên khi bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín thì đều có quyền yêu cầu Tòa án buộc người thực hiện hành vi trên phải bồi thường thiệt hại, bao gồm: chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại; thu nhập thực tế bị mất hoặc giảm sút, thiệt hại khác do luật quy định.

Cụ thể, hành vi hành hung nhà báo - phóng viên tác nghiệp có được xem là “hành vi xúc phạm nhân phẩm, thân thể người khác hay không”?, theo Luật sư cần đánh giá vào tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi gây ra và đối tượng gây ra hành vi sẽ chịu chế tài xử lý hành chính, xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Cụ thể, nếu mức độ vi phạm chưa tới mức xử lý hình sự như các vi phạm tại Điều 7, Nghị định số 119/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính; còn nếu mức độ vi phạm nghiêm trọng tới mức phải xử lý hình sự thì đối tượng có thể bị xử lý hình sự về các tội tương ứng với hành vi phạm tội như: Hành vi xúc phạm nhân phẩm thì sẽ bị xử lý về tội "Làm nhục người khác" (Điều 155); hành vi xâm phạm về thân thể sẽ bị xử lý về tội "Cố ý gây thương tích" (Điều 134); hành vi hủy hoại, đập phá, làm hư hỏng tài sản, thiết bị, phương tiện hành nghề của nhà báo - phóng viên có thể bị xử lý về tội "Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản" (Điều 178) Bộ luật Hình sự (2015)...

"Trước xu thế phát triển mạnh mẽ của các phương tiện thông tin truyền thông nên hiện nay nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân cũng đã nhận thức và hiểu rõ về quyền của cơ quan báo chí và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho nhà báo – phóng viên. Song, bên cạnh đó, còn tồn tại không ít những cá nhân, tổ chức mặc dù đã hiểu rõ các quy định của pháp luật về quyền của báo chí; nhưng các cơ quan, tổ chức, cá nhân này đã bất chấp, ngang nhiên vi phạm, coi thường pháp luật, nên cơ quan chức năng có thẩm quyền khi tiếp nhận được những sai phạm từ cơ quan báo chí, tổ chức, người dân phản ánh về việc cấm cản quyền hành nghề của nhà báo - phóng viên, thì cần kịp thời lên tiếng, vào cuộc điều tra, xử lý ngay các cá nhân, cơ quan, tổ chức vi phạm này; để đảm bảo tính răn đe, đảm bảo mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân đều bình đẳng trước pháp luật, bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật", Luật sư Hà Thị Khuyên nói.

TRẦN MINH

Tạp chí Luật sư Việt Nam đề nghị làm rõ hành vi cản trở Phóng viên tác nghiệp tại Đắk Lắk

Cản trở nhà báo, phóng viên tác nghiệp: Xử lý như thế nào?

Lê Minh Hoàng