(LSO) - Thế nào là cạnh tranh không lành mạnh của Luật sư với đồng nghiệp? Luật sư cần ứng xử ra sao khi có tranh chấp nghề nghiệp với Luật sư đồng nghiệp là câu hỏi không dễ trả lời qua thực tiễn. Tìm hiểu, tuân thủ quy định trong Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định về nội dung này để bảo vệ Luật sư và đồng nghiệp giữa xô bồ của cuộc sống.
Cạnh tranh tồn tại ở bất cứ nơi đâu có sự sống, cạnh tranh là động lực thúc đẩy xã hội phát triển, cạnh tranh diễn ra ở tất cả các ngành, các nghề, các giới, trong mọi giai đoạn lịch sử phát triển của xã hội. Quan hệ Luật sư với đồng nghiệp trước hết là những người cùng làm một nghề, Tổ chức hành nghề Luật sư có địa vị pháp lý như một doanh nghiệp. Hoạt động nghiệp vụ Luật sư có cùng thị trường, cung cấp cùng một loại sản phẩm dịch vụ, và có cùng nguồn khách hàng.
Do đó, cạnh tranh nghề nghiệp của Luật sư với đồng nghiệp là khách quan tất yếu, thúc đẩy nghề Luật sư phát triển. Cùng sự phát triển đa dạng của nghề nghiệp, cạnh tranh của Luật sư với đồng nghiệp sẽ ngày càng quyết liệt nhất là trong môi trường hội nhập luật pháp quốc tế hiện nay.
Nghề Luật sư là nghề nghiệp chịu trách nhiệm cá nhân, uy tín của Luật sư là cơ sở hình thành thương hiệu của Luật sư, là căn cứ quyết định thu nhập của Luật sư. Điều đó dẫn tới cạnh tranh trực tiếp giữa Luật sư với đồng nghiệp, giữa tổ chức hành nghề luật sư với nhau sẽ càng quyết liệt, thậm chí có cạnh tranh không lành mạnh nhằm mục đích loại bỏ đồng nghiệp khỏi cuộc chơi.
Luật sư với Luật sư cùng là thành viên bắt buộc của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, thành viên của Đoàn Luật sư. Là thành viên trong cùng tổ chức, tất yếu có cạnh tranh nội bộ trong tổ chức, không chỉ trong hoạt động nghiệp vụ mà còn dưới góc độ tổ chức và trong cuộc sống hàng ngày.
Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định Luật sư không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đồng nghiệp (QT 19). Vậy cạnh tranh không lành mạnh là gì và người Luật sư phải lưu ý, tuân thủ những chuẩn mực, quy tắc nào khi thực hiện hành vi cạnh tranh nghề nghiệp. Hiểu một cách đơn giản, cạnh tranh không lành mạnh là thủ đoạn mà các đối thủ cạnh tranh sử dụng để loại trừ lẫn nhau, tiêu diệt đối thủ. Cạnh tranh không lành mạnh trong hoạt động Luật sư cũng không ngoài phạm vi đó.
Hoạt động cạnh tranh của Luật sư trước hết cần tuân thủ quy định của pháp luật về cạnh tranh, pháp luật về Luật sư. Hoạt động nghề nghiệp của Luật sư với tính chất là một nghề cao quý, có đặc thù riêng, cạnh tranh trong hoạt động Luật sư cần phù hợp quy định của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam nhấn mạnh tính chất lành mạnh khi thực hiện các hành vi cạnh tranh.Quy tắc 19. Cạnh tranh nghề nghiệp quy định: Luật sư không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đồng nghiệp. Bộ Quy tắc quy định Luật sư không được thực hiện hành vi cạnh tranh không lành mạnh với đồng nghiệp, tức là cấm Luật sư thực hiện các hành vi cạnh tranh có tính chất triệt tiêu, loại bỏ hoạt động hành nghề, loại bỏ Luật sư đồng nghiệp hoặc ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đồng nghiệp.
Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam nhận diện và quy định cấm Luật sư thực hiện một số loại hành vi có tính chất cạnh tranh không lành mạnh tại Quy tắc 21. Những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp.
Bộ Quy tắc nghiêm cấm Luật sư có lời nói, hành vi vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của đồng nghiệp hoặc gây áp lực, đe dọa đồng nghiệp (QT 21.1). Những hành vi này nếu được thực hiện sẽ làm giảm uy tín của đồng nghiệp, hạn chế hoạt động bình thường của đồng nghiệp. QT 21.5 quy định: cấm Luật sư thực hiện các hành vi nhằm mục đích giành giật khách hàng. Giành giật khách hàng không những trực tiếp tước đoạt thu nhập của Luật sư đồng nghiệp, hạn chế khả năng phát triển nghề nghiệp của đồng nghiệp mà còn làm ảnh hưởng đến uy tín nghề Luật sư trong con mắt khách hàng và xã hội.
Bộ Quy tắc cấm thực hiện hành vilợi dụng, sử dụng khách hàng vào các công việc có thể gây tổn hại đến đồng nghiệp, đến vị trí nghề nghiệp Luật sư và gây tổn hại cho chính khách hàng như: xúi giục khách hàng từ chối đồng nghiệp để nhận vụ việc về cho mình hoặc xúi giục khách hàng khiếu nại, tố cáo Luật sư đồng nghiệp (QT 21.5.2).
Bộ quy tắc cấm Luật sư trực tiếp hoặc sử dụng các nhân viên của mình hoặc người khác làm người lôi kéo, dụ dỗ khách hàng, trước Trụ sở các Cơ quan tiến hành tố tụng, Trại tạm giam, Cơ quan nhà nước và các Tổ chức khác (QT 21.5.3).
Áp đặt hoặc cố tình chi phối làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan trong hành nghề của đồng nghiệp có quan hệ phụ thuộc với Luật sư như quan hệ thầy - trò, cấp trên - cấp dưới, huyết thống, thân thuộc (QT 21.6 ) cũnglà hành vi cạnh tranh không lành mạnh và bị nghiêm cấm thực hiện.
Luật sư có hành vi tạo thành phe, nhóm giữa các Luật sư để cô lập đồng nghiệp trong quá trình hành nghề hoặc thực hiện việc liên kết, liên danh, thành lập nhóm Luật sư hoạt động trái với quy định của pháp luật về Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Bộ Quy tắc đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư cũng là những hành vi cạnh tranh không lành mạnh, cản trở hoạt động bình thường của đồng nghiệp, xâm phạm uy tín của nghề Luật sư và cũng bị nghiêm cấm thực hiện tại Quy tắc 21.7 và Quy tắc 21.8.
Là tổ chức cung cấp dịch vụ, là người cung cấp dịch vụ, sản phẩm của Luật sư cung cấp cho khách hàng là Sản phẩm dịch vụ. Việc quảng cáo, quảng bá phát triển thương hiệu của cá nhân Luật sư, của tổ chức hành nghề Luật sư, việc truyền thông về công tác Luật sư, nghề Luật sư là hết sức cần thiết góp phần phát triển nghề Luật sư. Nhưng với vai trò góp phần bảo vệ công lý, công bằng xã hội, sản phẩm dịch vụ của Luật sư là dịch vụ pháp lý. Bộ Quy tắc đã có quy định riêng về hoạt động quảng cáo của Luật sư: Khi quảng cáo về hoạt động hành nghề Luật sư, Luật sư không được cung cấp những thông tin không có thật hoặc thông tin gây hiểu nhầm. Luật sư phải chịu trách nhiệm khi cam kết trong quảng cáo về chất lượng dịch vụ Luật sư (QT 32). Quy địnhnày cũng nhằm góp phần đảm bảo cạnh tranh lành mạnh của nghề Luật sư.
Cạnh tranh nghề nghiệp tất yếu phát sinh tranh chấp quyền lợi giữa đồng nghiệp với nhau. Cạnh tranh giữa Luật sư với đồng nghiệp không thể tránh khỏi việc phát sinh tranh chấp quyền lợi của Luật sư với đồng nghiệp. Vậy, Luật sư cần ứng xử như thế nào khi có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp là câu hỏi không dễ trả lời qua thực tiễn.
Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đặt ra những Quy tắc ứng xử bắt buộc đối với Luật sư trong trường hợp phát sinh, và giải quyết tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp. Quy tắc 20. Ứng xử khi có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp:
20.1. Trường hợp có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp, luật sư cần thương lượng, hòa giải để giữ tình đồng nghiệp; chỉ thực hiện việc khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp khi việc thương lượng, hòa giải không có kết quả.
20.2. Trước khi khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp, luật sư cần thông báo cho Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi mình là thành viên và Ban Chủ nhiệm Đoàn luật sư nơi đồng nghiệp là thành viên biết để có thể hòa giải.
Khi có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp, Luật sư cần giải quyết tranh chấp đó và phải tuân thủ các quy định sau:
Thứ nhất, giải quyết tranh chấp bằng thương lượng, hòa giải là phương pháp giải quyết nguyên thủy nhất, phổ biến nhất và rất hiệu quả trong lịch sử phát triển của xã hội loài người. Do vậy, Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam cũng quy định thương lượng, hòa giải là phương pháp giải quyết xung đột, mẫu thuẫn, tranh chấp quyền lợi của Luật sư với đồng nghiệp. Quy tắc 20.1. Trường hợp có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp, Luật sư cần thương lượng, hòa giải.
Thứ hai, chỉ nhờ cơ quan chức năng giải quyết khi đã thương lượng, hòa giải không thành. Không dừng ở mức độ khuyến khích, khuyến nghị sử dụng phương pháp thương lượng, hòa giải khi giải quyết tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp.
Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đặt ra quy định thủ tục thương lượng, hòa giải là hoạt động bắt buộc và chỉ khi hoạt động thương lượng, hòa giải không có kết quả Luật sư mới được quyền khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp đến Cơ quan nhà nước theo quy định của pháp luật: Chỉ thực hiện việc khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp khi việc thương lượng, hòa giải không có kết quả (QT 20.1).
Thứ ba, thương lượng, hòa giải trong giải quyết tranh chấp của Luật sư với đồng nghiệp được thực hiện với mục đích để giữ tình đồng nghiệp. Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam đặt ra yêu cầu cao hơn khi thực hiện việc thương lượng, hòa giải trong giải quyết tranh chấp quyền lợi của Luật sư với đồng nghiệp so với việc giải quyết tranh chấp khác. Cụ thể, thương lượng, hòa giải không chỉ là phương pháp, cách thức để các bên đạt được mục đích để chấm dứt tranh chấp, bảo đảm quyền lợi của Luật sư khi có tranh chấp quyền lợi với đồng nghiệp. Thương lượng, hòa giải trong giải quyết tranh chấp của Luật sư với đồng nghiệp còn được thực hiện với mục đích: để giữ tình đồng nghiệp (QT20.1). Thương lượng, hòa giải tranh chấp quyền lợi của Luật sư với đồng nghiệp để giữ tình đồng nghiệp được hiểu rằng: khi tham gia thương lượng, hòa giải các bên không chỉ mong muốn vụ việc được giải quyết mà các bên sẵn sàng chấp nhận sự thua thiệt, gánh chịu tổn thất, mất mát về phía mình, nhường phần hơn cho đồng nghiệp để giữ tình đồng nghiệp, giữ gìn uy tín, vị thế nghề Luật sư.
Thứ tư, trước khi khiếu nại, khởi kiện đồng nghiệp, Luật sư cần thông báo cho Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư nơi mình là thành viên và Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư nơi đồng nghiệp là thành viên biết để có thể hòa giải. Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam quy định Luật sư cần thông báo cho Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư nơi mình là thành viên và Ban Chủ nhiệm nơi Luật sư có tranh chấp là thành viên để Đoàn Luật sư biết và tiến hành hòa giải, giải quyết theo quy định (QT 20.2). Đây là quy định buộc Luật sư phải có nghĩa vụ tôn trọng, bảo vệ danh dự, uy tín, chấp hành Điều lệ, nghị quyết, quyết định, quy định, quy chế, nội quy của Liên đoàn Luật sư, Đoàn Luật sư (QT 25). Đồng thời, thể hiện vai trò, trách nhiệm tự quản của Tổ chức xã hội nghiệp của Luật sư. Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tiến hành hòa giải kịp thời tranh chấp với Luật sư có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn đoàn kết nội bộ, củng cố tình đồng nghiệp giữa các Luật sư thành viên. Quy tắc cụ thể hóa nguyên tắc tự quản kết hợp quản lý nhà nước đối với hoạt động Luật sư. Đoàn Luật sư thực hiện chức năng tự quản có quyền và trách nhiệm hòa giải, giải quyết tranh chấp liên quan đến Luật sư nhưng không được dùng quyền này để cản trở, gây khó khăn hoặc loại bỏ quyền của Cơ quan nhà nước có liên quan.
Quyết định số 203/QĐ–HĐLSTQ ngày 19/12/2019 của Hội đồng Luật sư Toàn quốc ban hành Quy chế giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý kỷ luật gồm 04 Phần, 10 Chương, 58 Điều, trong đó có quy định cụ thể trách nhiệm của Đoàn Luật sư, Liên Đoàn Luật sư Việt Nam trong việc hòa giải, giải quyết tranh chấp, xử lý khiếu nại, tố cáo về Luật sư.
Điều cấm, quy định về thẩm quyền, trình tự xử lý xử lý vi phạm và chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm. Những quy định đó đó là cần thiết nhưng không bao giờ là đủ để loại bỏ hoàn toàn hành vi hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Luật sư chỉ có thể loại bỏ hoàn toàn việc cạnh tranh không lành mạnh, giảm thiểu tranh chấp với đồng nghiệp cũng như có ứng xử phù hợp khi có tranh chấp với đồng nghiệp khi và chỉ khi người Luật sư thật sự tôn trọng và hợp tác với đồng nghiệp, giữ tình nghiệp của Luật sư Việt Nam.
Trong bài viết sau, tôi xin trao đổi về "Những việc Luật sư không được làm trong quan hệ với đồng nghiệp", rất mong nhận được ý kiến trao đổi, đóng góp của quý đồng nghiệp và những người quan tâm nghề Luật sư.
Luật sư TRẦN VĂN AN Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang |