Chế định miễn trách nhiệm hình sự trong Bộ luật Hình sự 2015

18/11/2017 19:45 | 6 năm trước

LSVNO - Chế định “miễn trách nhiệm hình sự” được áp dụng đối với người phạm tội khi có những điều kiện nhất định xảy ra, cơ quan tiến hành tố tụng thấy không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình...

LSVNO - Chế định “miễn trách nhiệm hình sự” được áp dụng đối với người phạm tội khi có những điều kiện nhất định xảy ra, cơ quan tiến hành tố tụng thấy không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội nữa thì quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho họ.

Quang cảnh một phiên tòa hình sự. Ảnh: Nguyễn Cường

Tuy nhiên, Bộ luật Hình sự năm 1999 quyết định về các trường hợp miễn trách nhiệm hình sự tại Điều 25, trong thực tế có nhiều trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng đã lạm dụng để miễn trách nhiệm hình sự cho cả người không thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi của họ không cấu thành tội phạm để “né” bồi thường. Ngược lại, có nhiều trường hợp người phạm tội đủ tiêu chuẩn được miễn trách nhiệm hình sự nhưng lại không được cơ quan tiến hành tố tụng miễn trách nhiệm hình sự.

Từ thực trạng như vậy nên Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định các điều kiện miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội đầy đủ hơn, chặt chẽ hơn so với Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Theo Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì có hai trường hợp người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, đó là đương nhiên được miễn và có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

a) Trường hp đương nhiên được min trách nhim hình s

- Khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Quy định này bổ sung cho Điều 25 Bộ luật Hình sự năm 1999 trước đây chưa quy định trường hợp có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, quy định này có thể dẫn đến cách hiểu không thống nhất, vì việc thay đổi chính sách, pháp luật phải làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì mới được miễn trách nhiệm hình sự, còn nếu tuy có thay đổi chính sách, pháp luật mà hành vi phạm tội vẫn còn nguy hiểm thì không được miễn trách nhiệm hình sự. Trên thực tế, thì cứ có sự thay đổi chính sách, pháp luật mà hành vi phạm tội có còn nguy hiểm cho xã hội nữa hay không, không cần biết thì người phạm tội đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Bộ luật Hình sự năm 2015 bỏ tội phạm “kinh doanh trái phép” thì kể từ ngày Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật, hành vi kinh doanh trái phép xảy ra trước đây mà sau khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực pháp luật mới bị phát hiện thì được coi là hành vi không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và mặc nhiên người có hành vi này được miễn trách nhiệm hình sự.

Nhưng vấn đề không phải như vậy, mà quy định này là quy định cho cả trường hợp trước và sau ngày 01/01/2018 nếu có người thực hiện hành vi phạm tội nhưng khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự.

Trước đây chưa có quy định này nên có trường hợp do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa thì cơ quan tiến hành tố tụng thường áp dụng tình tiết “do chuyển biến tình hình” để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, chứ thực ra tình hình có chuyển biến gì đâu, chỉ là do có sự thay đổi chính sách, pháp luật. Ví dụ: A bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “buôn bán hàng cấm’ (thuốc lá ngoại), nhưng sau khi truy tố thì Chính phủ có văn bản quy định thuốc là ngoại không nằm trong danh mục mặt hành cấm kinh doanh nữa, nên viện kiểm sát đã quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho A về tội buôn bán hàng cấm.

Tội phạm là một hiện tượng xã hội nên nó cũng có tính lịch sử, vào thời điểm thực hiện hành vi phạm tội, do yêu cầu của xã hội và các quy định của pháp luật thì hành vi đó cần phải xử lý bằng biện pháp hình sự, nhưng sau đó, khi các cơ quan tiến hành tố tụng thực hiện chức năng của mình để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi phạm tội thì tình hình xã hội đã thay đổi, Nhà nước thấy không cần phải xử lý người có hành vi phạm tội trước đó bằng biện pháp hình sự nữa. Sự chuyển biến của tình hình là sự chuyển biến về tất cả các mặt của đời sống xã hội như: chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật,... Tuy nhiên, khi xét tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội không còn nữa thì phải xem xét hành vi phạm tội trước đó xâm phạm đến quan hệ xã hội nào và quan hệ xã hội đó có chuyển biến làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm nữa không? Ở đây, sự chuyển biến tình hình đã là nguyên nhân làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm nữa.

Ví dụ: Trước đây ai tàng trữ, mua bán vàng, bạc, dù đó là vàng, bạc thuộc sở hữu của mình đều bị coi là hành vi phạm tội tàng trữ, mua bán hàng cấm. Từ khi Nhà nước có chủ trương cho phép tư nhân được kinh doanh vàng, bạc thì hành vi tàng trữ, mua bán vàng bạc không bị coi là hành vi phạm tội tàng trữ mua bán hàng cấm nữa. Nếu người có hành vi mua bán vàng, bạc trước khi Nhà nước có chủ trương cho mua bán, nhưng chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà sau khi Nhà nước có chủ trương cho mua bán mới bị khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử thì tùy vào giai đoạn tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng quyết định miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho người phạm tội.

Căn cứ để xác định do chuyển biến tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa là những quy định của Nhà nước có liên quan đến hành vi phạm tội, các quy định này nhất thiết phải bằng văn bản có tính pháp quy, bao gồm Hiến pháp, luật, pháp lệnh, quyết định, nghị quyết của Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ, các thông tư hướng dẫn của các bộ hoặc cơ quan ngang bộ và trong một số trường hợp có thể là nghị quyết của hội đồng nhân dân tỉnh hoặc quyết định của chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, nếu các quyết định này không trái với Hiến pháp và pháp luật. Nếu sự chuyển biến của tình hình và tình hình đó tuy có liên quan đến tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội đã xảy ra nhưng chưa được Nhà nước quy định thì người có hành vi phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự như các trường hợp phạm tội khác.

- Khi có quyết định đại xá.

Đại xá là việc miễn trách nhiệm hình sự đối với một loại tội phạm nhất định. Văn bản đại xá có hiệu lực đối với những hành vi phạm tội được nêu trong văn bản đó xảy ra trước khi ban hành văn bản đại xá thì được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu đã khởi tố, truy tố hoặc xét xử thì phải đình chỉ, nếu đã chấp hành xong hình phạt thì được coi là không có án tích.

Theo quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì chỉ có Quốc hội mới có thẩm quyền quyết định đại xá. Thông thường quyết định đại xá được ban hành nhân dịp những sự kiện trọng đại nhất của đất nước, biểu hiện sự nhân đạo của Nhà nước ta đối với người phạm tội.

Nếu tính từ khi Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Hiến pháp năm 1992 đến nay, Quốc hội nước ta chưa có lần nào ra quyết định đại xá. Tuy nhiên, căn cứ vào nội dung của các nghị quyết Quốc hội như: Nghị quyết số 32/1999/QH10 ngày 21/12/1999, Nghị quyết số 109/2015/QH13 ngày 27/11/2015, Nghị quyết số 144/2016/QH13 ngày 30/6/2016, Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 về việc thi hành Bộ luật Hình sự thì nội dung của các Nghị quyết này có chứa đựng nội dung của đại xá. Ví dụ: Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực từ 0 giờ 00 ngày 01/01/2018 nhưng Nghị quyết số 41 quy định, kể từ ngày Bộ luật Hình sự được công bố, không áp dụng hình phạt tử hình khi xét xử những người phạm những tội mà Bộ luật Hình sự đã bỏ hình phạt tử hình; đối với người đủ 75 tuổi trở lên, đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi khi phạm tội hoặc khi xét xử; hình phạt tử hình đã tuyên đối với những người thuộc trường hợp nêu trên mà chưa thi hành, thì không thi hành nữa… Tuy Nghị quyết 41/2017/QH14 không phải là quyết định đại xá, nhưng nội dung của Nghị quyết thể hiện nội dung đại xá.

Cần phân biệt đại xá với đặc xá. Đặc xá là miễn toàn bộ hay một phần hình phạt đối với một hoặc một số người bị kết án. Theo quy định của Hiến pháp năm 2013 thì chỉ có Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam mới có quyền ra quyết định đặc xá. Ở nước ta, đặc xá được Chủ tịch nước quyết định vào các dịp giải phóng hoàn toàn miền Nam 30/4 hoặc dịp Quốc khánh 2/9; ngày tết cổ truyền của dân tộc.

b) Trường hợp có thể được miễn trách nhiệm hình sự

- Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa, về lý luận cũng như thực tiễn tuy có một số trường hợp khó xác định nhưng không khó bằng trường hợp do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Trong thực tiễn, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng rất ít áp dụng trường hợp này để miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Cũng có ý kiến cho rằng, khi phạm tội họ là người nguy hiểm cho xã hội, nhưng sau đó họ trở thành người tốt, có ích cho xã hội và xã hội rất cần họ thì nên coi là do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa để miễn trách nhiệm hình sự cho họ. Theo ý kiến này thì tình hình chuyển biến ở đây lại chính là sự biến đổi cá nhân của người phạm tội chứ không phải tình hình xã hội. Ví dụ: Một cán bộ phạm tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, nhưng trong quá trình điều tra vụ án, người cán bộ này đã có một sáng kiến lớn trong quá trình sản xuất đem lại hiệu quả cao, làm lợi cho nhà nước nhiều triệu đồng.

Cách đặt vấn đề như quan điểm này rõ ràng là không phân biệt tình tiết loại trừ trách nhiệm hình sự với các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, đồng thời đồng nhất giữa yếu tố khách quan với yếu tố chủ quan (sự nỗ lực của con người, sự ăn năn hối cải sau khi phạm tội, cũng như hành vi lập công chuộc tội…).

Do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa phải được hiểu rằng bản thân người phạm tội không có sự biến đổi nào, khi phạm tội họ là người như thế nào thì vẫn như vậy, nhưng do tình hình xã hội thay đổi nên họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Nguyên nhân làm cho họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa chính là do tình hình thay đổi chứ không phải do nỗ lực của bản thân họ. Chính do không nắm chắc những yếu tố này nên trong thực tiễn, có nhiều người lầm tưởng sự nỗ lực của bản thân người phạm tội nên họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa và đã miễn trách nhiệm hình sự cho họ. Mặc dù trong thực tiễn, những trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự do chuyển biến của tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa rất ít xảy ra nhưng về lý thuyết không phải là không có.

Ví dụ: Trong thời kỳ chiến tranh, do nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu đòi hỏi phải huy động tới mức tối đa sức người sức của, nên huy động cả người có hành vi phạm tội nhưng chưa bị xử lý vào các đơn vị phục vụ chiến đấu như cứu thương, tải đạn. Do tình hình này mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa nên họ được các cơ quan tiến hành tố tụng miễn trách nhiệm hình sự để họ thực hiện nhiệm vụ mà Nhà nước giao cho. Trong điều kiện đất nước không còn chiến tranh, nhiệm vụ chiến đấu và phục vụ chiến đấu có thể không thường xuyên xảy ra, nhưng như vậy không có nghĩa là việc sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu bị lơ là. Ngoài nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đất nước ta còn thường xuyên xảy ra thiên tai (bão tố, lụt lội), việc huy động sức người, sức của cũng đòi hỏi phải cấp thiết với tinh thần chống thiên tai như chống địch họa. Những người tuy đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng vì tình hình lũ lụt xảy ra, họ được huy động thực hiện nhiệm vụ cứu người, cứu của, nên việc miễn trách nhiệm hình sự đối với họ không chỉ nhằm đảm bảo thực hiện nhiệm vụ cấp bách và với tình hình xã hội thay đổi, họ không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Cũng được coi là do chuyển biến tình hình mà người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa trong trường hợp người phạm tội phải thực hiện một nhiệm vụ đặc biệt, mà thiếu họ thì nhiệm vụ đó khó hoàn thành, nên các cơ quan tiến hành tố tụng đã miễn trách nhiệm hình sự cho họ để họ nhận nhiệm vụ đặc biệt đó.

- Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa.

Đây là quy định mới mà Bộ luật Hình sự năm 1999 chưa có. Nếu một người mắc bệnh hiểm nghèo thì cũng chỉ được áp dụng tình tiết giảm nhẹ chứ chưa có quy định là căn cứ miễn trách nhiệm hình sự.

Người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa là người mắc một trong các bệnh mà y học coi đó là bệnh hiểm nghèo như bị ung thư, teo não, HIV ở giai đoạn AIDS, nhiễm vi rút kháng thuốc như NDM-1, lao phổi ở giai đoạn cuối, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não…

Tuy nhiên, không phải trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo nào cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự, mà phải có thêm điều kiện là: không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa như phải nằm liệt giường có người chăm sóc, tức là họ không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa thì mới có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Còn đối với người tuy mắc bệnh hiểm nghèo nhưng họ vẫn còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội thì không được miễn trách nhiệm hình sự.

- Người phạm tội tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm và lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận.

Tự thú là tự khai ra hành vi phạm tội của mình với các nhà chức trách. Việc người phạm tội tự khai ra hành vi phạm tội của mình với các nhà chức trách là biểu hiện của sự ăn năn hối cải về việc làm sai trái của mình nên đáng được khoan hồng, nhưng mức độ khoan hồng tới đâu thì lại phải căn cứ vào chính sách hình sự của Nhà nước; căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, hậu quả đã xảy ra; thái độ khai báo; sự góp phần vào việc phát hiện và điều tra tội phạm của người tự thú.

Tại Thông tư liên ngành số 05/TTLN ngày 2/6/1990 của Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành chính sách đối với người phạm tội ra tự thú đã quy định: Người đã thực hiện hành vi phạm tội, nhưng chưa bị phát giác, không kể phạm tội gì, thuộc trường hợp nghiêm trọng hay ít nghiêm trọng mà ra tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả tội phạm thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự hoặc được giảm nhẹ hình phạt; nếu cùng với việc tự thú mà còn lập công lớn, vận động được nhiều người khác đã phạm tội ra tự thú thì có thể được khen thưởng theo quy định chung của Nhà nước.

Như vậy, người tự thú có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có đủ những điều kiện sau:

+ Tội phạm mà người tự thú đã thực hiện chưa bị phát hiện, tức là chưa ai biết có tội phạm xảy ra hoặc có biết nhưng chưa biết ai là thủ phạm. Ví dụ: Phạm Thanh H thấy gia đình nhà anh Trần Quốc T không có ai ở nhà nên đã cạy cửa vào nhà lấy đi một chiếc tivi màu. Sau hai tháng, vụ trộm cắp này chưa tìm ra thủ phạm thì H đã đến cơ quan công an khai rõ hành vi phạm tội của mình và đem trả cho anh T chiếc tivi mà H đã lấy trộm.

+ Người tự thú phải khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, tức là khai đầy đủ tất cả hành vi phạm tội của mình cũng như hành vi phạm tội của những người đồng phạm khác, không giấu giếm bất cứ một tình tiết nào của vụ án, giúp cơ quan điều tra phát hiện tội phạm như: chỉ nơi ở của người đồng phạm khác hoặc dẫn cơ quan điều tra đi bắt người đồng phạm đang bỏ trốn, thu thập các dấu vết của tội phạm, thu hồi tang vật,... Nếu khai không rõ ràng hoặc khai báo không đầy đủ thì không được coi là tự thú để làm căn cứ miễn trách nhiệm hình sự. Ví dụ: Mai Ngọc T nhận là gián điệp cho nước ngoài, T đã cung cấp nhiều bí mật Nhà nước cho nước ngoài trong thời gian 7 năm thì T ra tự thú với Cơ quan an ninh điều tra, nhưng T chỉ khai làm gián điệp cho nước ngoài 4 năm và đã chấm dứt việc làm gián điệp, T không khai đầy đủ nhiều tài liệu bí mật Nhà nước mà T đã cung cấp cho nước ngoài.

+ Cùng với việc tự thú, người tự thú phải cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm như: trả lại tài sản đã chiếm đoạt; thông báo kịp thời cho người bị hại biết những gì đang đe dọa tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự hoặc tài sản để họ đề phòng; đòi lại hoặc thu lại những nguồn nguy hiểm mà họ đã tạo ra cho người khác hoặc những lợi ích khác... Ví dụ: Đào Văn H đã bỏ thuốc độc vào bể nước của gia đình anh Đỗ Văn Q nhằm đầu độc anh Q, nhưng H đã tự thú và thông báo cho gia đình anh Q biết trong bể nước có thuốc độc để gia đình anh không dùng nước đã có thuốc độc, hậu quả được hạn chế tới mức thấp nhất nên H có thể được miễn trách nhiệm hình sự.

+ Ngoài việc tự thú, khai rõ sự việc, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện và điều tra tội phạm, cố gắng hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả của tội phạm thì họ còn phải lập công lớn hoặc có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước và xã hội thừa nhận thì mới có thể được miễn trách nhiệm hình sự. Các điều kiện quy định tại điểm c khoản 2 Điều 29 Bộ luật Hình sự là những điều kiện cần và đủ để các cơ quan tiến hành tố tụng xem xét có miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội hay không, nếu thiếu một trong những điều kiện trên thì không được xem xét miễn trách nhiệm hình sự.

- Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự”, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự (khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự).

Đây là quy định mới so với Bộ luật Hình sự năm 1999 và cũng là quy định có lợi cho người phạm tội, được áp dụng ngay không cần phải chờ đến sau 0 giờ 00 phút ngày 01-01-2018. Có thể nói đây là một “nguyên tắc hoà giải trong luật hình sự” nhằm giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ nhân dân.

Tuy nhiên, việc hòa giải giữa người phạm tội với người bị hại chỉ đối với hai loại tội phạm, đó là tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng (không phân biệt tội phạm do cố ý hay vô ý) gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, còn đối với các tội phạm khác (tội phạm nghiêm trọng do cố ý, tội phạm rất nghiêm trọng (không phân biệt tội phạm do cố ý hay vô ý) thì không được hòa giải để người bị hại đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội. Tuy nhiên, nếu người bị hại đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội mà cơ quan tiến hành tố tụng xét thấy không thể miễn được thì cũng nên coi là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội, đồng thời giải thích cho người bị hại biết vì sao không miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội được.

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, khi thực hiện quy định này, cũng có ý kiến cho rằng, chỉ áp dụng đối với tội phạm ít nghiêm trọng và tội phạm nghiêm trọng do vô ý, chứ không áp dụng đúng đối với tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý. Một số nơi, viện kiểm sát cấp huyện đã ra quyết định miễn trách nhiệm hình sự cho người phạm tội nhưng viện kiểm sát cấp tỉnh lại hủy quyết định đó vì cho rằng viện kiểm sát cấp huyện không hiểu luật. Có lẽ, cũng chính vì khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 lúc đầu quy định:người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng do vô ý, nên cho rằng dù tội phạm ít nghiêm trọng hay nghiêm trọng thì cũng phải đều do vô ý. Để dễ áp dụng và tránh việc hiểu sai quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự nên tại Điều 2 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015, đã “đảo” lại làNgười thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng…”.

Quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng phù hợp với một số trường hợp phạm tội do cố ý nhưng phải có đơn yêu cầu của người bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết, thì mới khởi tố như: khoản 1 Điều 134 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác); khoản 1 Điều 135 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh); khoản 1 Điều 136 (tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội); khoản 1 Điều 141 (tội hiếp dâm); khoản 1 Điều 143 (tội cưỡng dâm); khoản 1 Điều 155 (tội làm nhục người khác): khoản 1 Điều 156 (tội vu khống) và khoản 1 Điều 226 (tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp). Các tội phạm này đều là tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý.

Vì vậy, không thể hiểu chỉ người thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng do vô ý mới thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Còn việc cơ quan tiến hành tố tụng có miễn trách nhiệm hình sự hay không thì phải căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, hậu quả do hành vi phạm tội gây ra, nhân thân người phạm tội và các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, chứ người phạm tội không thuộc trường hợp đương nhiên được miễn trách nhiệm hình sự.

Pháp nhân thương mại phạm tội cũng được miễn trách nhiệm hình sự khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do có sự thay đổi chính sách, pháp luật làm cho hành vi phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.

Pháp nhân thương mại phạm tội cũng có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau:

- Pháp nhân thương mại phạm tội lần đầu và trước khi bị phát giác đã chủ động ngăn chặn không để hậu quả của tội phạm xảy ra; 

- Pháp nhân thương mại phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả của tội phạm, tích cực hợp tác với các cơ quan tiến hành tố tụng, góp phần có hiệu quả vào việc phát hiện, điều tra tội phạm và có cống hiến đặc biệt, được Nhà nước thừa nhận.

 LS Đinh Văn Quế