/ Luật sư - Bạn đọc
/ Chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm giao thông về nồng độ liệu có đủ sức răn đe?

Chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm giao thông về nồng độ liệu có đủ sức răn đe?

27/06/2022 10:43 |

(LSVN) - Trong thời gian vừa qua, hành vi vi phạm giao thông đường bộ nói chung và vi phạm nồng độ cồn nói riêng vẫn diễn rất nhiều. Vậy pháp luật hiện hành quy định như thế nào về mức xử phạt đối với hành vi này? Liệu quy định về chế tài xử phạt đã đủ sức răn đe hay chưa?

Ảnh minh họa.

Liên quan đến vấn đề này, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp cho biết, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, người tham gia giao thông mà trong khí thở hoặc trong máu có nồng độ cồn là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm nồng độ cồn nếu tham gia giao thông sẽ bị phạt hành chính, trường hợp gây tai nạn hậu quả nghiêm trọng thì đây là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Với hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ về nồng độ cồn khi tham gia giao thông mà chưa gây hậu quả nghiêm trọng thì người vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định 100/2021/NĐ-CP với những mức phạt tiền là rất nghiêm khắc. Theo đó, đối với xe máy có thể phạt đến 8 triệu đồng; với ô tô mức phạt cao nhất có thể tới 40 triệu đồng. Cụ thể, khi nồng độ cồn của người vi phạm vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở thì mức phạt đối với từng loại phương tiện giao thông như sau:

- Xe máy: Phạt tiền từ 6 triệu đồng đến 8 triệu đồng (điểm e khoản 8 Điều 6). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (điểm g khoản 10 Điều 6).

- Xe ô tô: Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng (điểm a khoản 10 Điều 5). Tước giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (điểm h khoản 11 Điều 5).

- Xe đạp: Phạt tiền từ 400 ngàn đồng đến 600 ngàn đồng (điểm c khoản 4 Điều 8).

- Máy kéo, xe máy chuyên dùng: Phạt tiền từ 16 triệu đồng đến 18 triệu đồng (điểm a khoản 9 Điều 7). Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (khi điều khiển máy kéo), chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ (khi điều khiển xe máy chuyên dùng) từ 22 tháng đến 24 tháng (điểm e khoản 10 Điều 7).

Trường hợp hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ mà gây hậu quả nghiêm trọng như chết người, thương tích của nạn nhân từ 61 % trở lên, thiệt hại đến tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì người vi phạm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ" với mức phạt là phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm. Trường hợp làm chết nhiều người thì hình phạt còn nghiêm khắc hơn nữa, có thể tới 15 năm tù.

Ngoài ra, Bộ luật Hình sự hiện hành còn quy định trường hợp vi phạm giao thông mà có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, mặc dù hậu quả chưa diễn ra do được ngăn chặn kịp thời thì người vi phạm vẫn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị xử lý tới 01 năm tù.

Như vậy, theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay thì chế tài hành chính và hình sự đối với người vi phạm giao thông đường bộ do sử dụng nồng độ cồn là rất nghiêm khắc. Tuy nhiên, hành vi vi phạm giao thông đường bộ nói chung và vi phạm nồng độ cồn nói riêng vẫn diễn ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau chứ không phải do nguyên nhân "chế tài không đủ sức răn đe".

Một trong những nguyên nhân khiến hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông xảy ra phổ biến là do thói quen, văn hóa uống rượu của nhiều địa phương, đặc biệt là vùng núi và các vùng nông thôn, các quán nhậu ở thành phố. Hiện nay, Luật Phòng chống tác hại rượu bia và chế tài trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP, Bộ luật Hình sự 2015 đã rất cụ thể, nghiêm khắc. Những văn bản pháp luật này đã tác động phần nào đến ý thức, thói quen của người dân, tuy nhiên để làm thay đổi nó thì cần phải có một thời gian dài với nỗ lực tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật của chính quyền địa phương, của cơ quan chức năng.

Ngoài ra, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân vẫn còn chưa tốt. Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn ở nhiều địa phương còn chưa kịp thời, chưa thường xuyên, có dấu hiệu này nang, thậm chí tiêu cực dẫn đến hiện tượng khinh nhờn pháp luật, làm giảm sút uy tín của cơ quan chức năng, khiến cho người vi phạm giao thông không ngần ngại vi phạm khi có những lý do để uống rượu.

Để giảm thiểu vi phạm giao thông nói chung và vi phạm về nồng độ cồn nói riêng, Luật sư Cường kiến nghị cần phải không ngừng hoàn thiện chính sách và pháp luật; cần phải tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật có hiệu quả; để nâng cao nhận thức ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân; cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát phát hiện những trường hợp vi phạm và xử lý công bằng, nghiêm minh.

Đồng thời, cần phải xử lý kỷ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các cán bộ có hành vi bao che cho sai phạm về nồng độ cồn, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng; đặc biệt là hành vi nhận hối lộ để bỏ qua hành vi vi phạm nồng độ cồn,...

HỒNG HẠNH

Giám đốc CDC Đà Nẵng đối diện với khung hình phạt nào?

Lê Minh Hoàng