LSVNO - Người Jrai là một trong các dân tộc bản địa ở Tây Nguyên, sinh sống chủ yếu trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Tại tỉnh Đắk Lắk, người Jrai sống tập trung ở huyện Ea H’Leo, là lưu vực của sông Ayun và sông Apar, giáp ranh với tỉnh Gia Lai. Ngoài ra, có một số rất ít người Jrai sinh sống tại các huyện Ea Súp, M’Drak….
Biểu diễn cồng chiêng Tây Nguyên. Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Mặc dù dân số không đông đúc như người Ê Đê, người M’Nông…, người Jrai ở Ea H’Leo giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa và tinh thần của đồng bào các dân tộc trong tỉnh Đắk Lắk, do đã gìn giữ được những yếu tố văn hóa Jrai cổ, là những đặc trưng của cộng đồng văn hóa Jrai.
Người Jrai ở Ea H’Leo có nhiều nghi lễ và lễ hội, thường được tổ chức sau vụ thu hoạch, đó là giai đoạn chuyển từ mùa mưa sang mùa khô ở Tây Nguyên. Ở giai đoạn này, công việc nương rẫy gần như đã kết thúc, mùa mưa đã rời xa và chỉ gặp lại sau nhiều tháng nữa. Mặt khác, do là sau vụ thu hoạch, người Jrai đã có thể dành ra một phần lương thực để làm rượu cần - là một sản vật để cúng thần linh, đồng thời là một thức uống luôn có trong các nghi lễ và lễ hội.
Trong tất cả các nghi lễ và lễ hội của người Jrai ở Ea H’Leo, dàn chiêng luôn luôn có mặt ở vị trí quan trọng nhất.
Chiêng là một đặc trưng văn hóa cổ của đồng bào Tây Nguyên, chiêng có mặt ở hầu hết các sinh hoạt văn hóa quan trọng trong đời người, trong tất cả các nghi lễ lớn và nhỏ của gia đình, của buôn làng. Chiêng tham gia vào mọi sinh hoạt, nghi lễ, với các ý nghĩa khác nhau, nhằm ứng xử với thế giới bên ngoài con người ở các góc độ khác nhau. Vì thế, chiêng là nhạc cụ trung tâm của sinh hoạt nghi lễ và lễ hội, là loại nhạc cụ “thiêng” có vị trí rất quan trọng trong đời sống tinh thần, tâm linh của các dân tộc ở Tây Nguyên.
Chiêng là một loại nhạc cụ đặc biệt, gắn bó mật thiết với những sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người Jrai. Người Jrai ở Ea H’Leo không bao giờ sử dụng chiêng khi không có những nghi lễ, lễ hội, vì họ tin rằng, chiêng có khả năng kết nối với thế giới của thần linh.
Chiêng là loại nhạc cụ thuộc bộ gõ có định âm, thuộc nhóm tự thân vang, âm thanh được tạo nên bằng cách tác động trực tiếp lên chính bản thân nhạc cụ đó. Chiêng có hình vành khăn được làm bằng chất liệu hợp kim có thành phần chủ yếu là đồng, pha trộn với vài kim loại khác như thiếc, bạc, vàng…
Chiêng của người Jrai ở huyện Ea H’Leo không được sử dụng từng chiếc đơn lẻ, mà kết nối với nhau thành dàn, mỗi dàn có từ 3 chiếc trở lên, có hình dáng và kích thước khác nhau; chiêng nhỏ nhất có đường kính từ 10cm - 15cm và chiêng lớn nhất có thể trên 90cm, trong một dàn chiêng thì chiêng mẹ là chiêng quan trọng nhất.
Dàn chiêng Jrai có một bộ phận chiêng có núm và một bộ phận chiêng dẹt, là loại nhạc cụ có tổ chức dàn, với cấu trúc âm thanh khá chặt chẽ. Mỗi chiếc chiêng trong dàn phải có sự tuân thủ nghiêm ngặt về cao độ, sắc thái, tính chất của âm thanh, vị trí trong dàn chiêng, nhịp điệu, tiết tấu riêng khi tham gia hòa tấu trong dàn chiêng. Những quy định này có từ ngàn xưa và đã trở thành bản năng của những nghệ nhân đánh chiêng trong các buôn làng.
Người Jrai ở Ea H’Leo có nhiều loại dàn chiêng khác nhau, mỗi loại có tổ chức dàn và cấu trúc âm thanh khác nhau. Mỗi dàn chiêng của người Jrai lại có chức năng riêng trong đời sống, được quy định tham gia vào những nghi lễ và lễ hội khác nhau. Những dàn chiêng thường được sử dụng trong các nghi lễ, lễ hội bao gồm:
Dàn chiêng Mnom
Thực ra, dàn chiêng Mnom là dàn chiêng chủ đạo trong các buôn làng người Ê đê. Việc người Jrai ở Ea H’Leo sử dụng dàn chiêng này có lẽ là do sự giao thoa về văn hóa trong quá trình cộng cư giữa hai dân tộc láng giềng.
Dù là dàn chiêng chủ đạo trong các buôn làng người Ê đê, dàn chiêng Mnom có mặt ở hầu hết trong nghi lễ, lễ hội của người Jrai mà trong nghi lễ, lễ hội đó, vật hiến sinh phải từ một con heo thiến trở lên, và dàn chiêng này không được có mặt ở những nghi lễ, lễ hội mà vật hiến sinh chỉ là gà, vịt…, hoặc những nghi lễ liên quan đến việc sinh đẻ, việc cưới, việc trồng trọt. Dàn chiêng Mnom cũng không có mặt trong những lễ cúng Ptao, vì trong các lễ cúng Ptao, người Jrai sử dụng dàn chiêng riêng.
Dàn Chiêng Arap
Có từ 12 đến 17 chiếc chiêng, được chia thành 2 bộ phận. Bộ phận chiêng có núm đảm nhiệm phần bè trầm, gồm 3 chiếc, từ lớn đến nhỏ là chiêng Ania, chiêng Chiel và chiêng Pơt. Bộ phận chiêng dẹt có từ 9 chiêng trở lên, được chia thành 4 nhóm: nhóm thứ nhất gồm 2 chiêng dẹt có âm thanh trầm; nhóm chiêng dẹt thứ hai gồm 3 chiêng; nhóm chiêng dẹt thứ ba gồm 3 chiêng chuyên đánh theo nhóm thứ hai; nhóm chiêng dẹt thứ tư chỉ có 1 chiêng.
Khác với dàn chiêng Mnom khi đánh chỉ ngồi yên một chỗ, dàn chiêng Arap thường được đánh ngoài trời, người đánh chiêng phải xách chiêng theo người, vừa đánh vừa di chuyển theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ. Dàn chiêng dẫn đầu hoà tấu những bản nhạc với tiết điệu du dương, êm ả, tốp múa theo sau với những vũ điệu khoan thai, uyển chuyển đã được tập luyện thành thục. Do luôn được biểu diễn cùng với tốp múa, nên dàn chiêng Arap còn được gọi là dàn chiêng Suang.
Dàn chiêng Arap có mặt trong những nghi lễ, lệ hội lớn liên quan đến cái chết như: lễ tang, lễ tắm, lễ cúng tháng, lễ bỏ mã… Người Jrai không sử dụng dàn chiêng Arap trong các nghi lễ, lệ hội mừng sức khỏe, lễ trưởng thành…
Dàn chiêng Trum
Dàn chiêng Trum có tên gọi theo thứ tự kích thước từ lớn đến nhỏ, hoặc theo cao độ của âm thanh từ thấp lên cao là chiêng Ania, chiêng Chiel và chiêng Pơt và khi diễn tấu còn có sự tham gia của một chiếc trống nhỏ có hai mặt - trống Pah hgơr.
Dàn chiêng Trum chỉ tham gia vào các nghi lễ, lễ hội có nghi thức đâm trâu. Nghi thức này có trong một số nghi lễ, lễ hội như: lễ trưởng thành, lễ cúng sức khỏe cho cha mẹ, tang lễ, lễ tắm, lễ bỏ mả, hoặc trong các lễ lập làng mới, lễ cúng bến nước và trong các lễ cúng thần nhà…
Dàn chiêng Trum giữ vai trò đặc biệt, có ý nghĩa trọng tâm trong nghi thức đâm trâu, nhất là trong lễ cúng thần nhà…
Dàn chiêng Wang
Chiêng Ania, chiêng Chiel, chiêng Pơt là những chiêng có núm, kết hợp với một chiêng dẹt là chiêng Ding, 4 chiêng này tạo thành dàn chiêng Wang. Dàn chiêng này chỉ được sử dụng trong các nghi lễ cúng thần Ptao được tổ chức ở trong nhà. Dàn chiêng Wang luôn được đặt ở phía tây trong gian khách và đây là vị trí cố định trong nhà dài, người sử dụng chiêng luôn hướng về cửa sổ phía đông khi đánh chiêng, vì người Jrai tin rằng, hướng đông là hướng của các vị thần linh.
LS Tạ Quang Tòng