Theo chương trình, phiên họp cho ý kiến đối với 7 nội dung, gồm 3 đề nghị xây dựng luật, 4 dự án luật gồm: Đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi); đề nghị xây dựng Luật Phòng không nhân dân; dự án Luật Quản lý công trình quốc phòng, khu quân sự; đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; dự án Luật Nhà ở (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).
Đây là những nội dung quan trọng, khó, phức tạp, có tác động sâu rộng. Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thời gian qua, thực hiện các nghị quyết, kết luận, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung cao độ, quyết liệt thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Năm 2022, Chính phủ đã họp 9 phiên chuyên đề về xây dựng pháp luật và Thường trực Chính phủ cũng thường xuyên tổ chức các cuộc họp để xử lý, giải quyết các khó khăn, vướng mắc liên quan tới thể chế, cơ chế, chính sách.
Thủ tướng nhấn mạnh, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế đã được quan tâm rồi phải quan tâm hơn nữa, đã nỗ lực rồi phải nỗ lực hơn nữa, đã quyết liệt rồi phải quyết liệt hơn nữa, đã hiệu quả rồi phải hiệu quả hơn nữa.
Thủ tướng nhấn mạnh, năm 2023 là năm bản lề trong thực hiện các mục tiêu Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ của năm 2023 và cả giai đoạn, đòi hỏi chúng ta phải chủ động, tích cực hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện thể chế.
Công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế phải bám sát các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ. Theo đó, những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội thì Chính phủ trình để Quốc hội xem xét; những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ xử lý; những vấn đề thuộc thẩm quyền của các bộ, ngành thì bộ, ngành chủ động thực hiện.
PV
Covid-19 chính thức được xem là bệnh nghề nghiệp hưởng bảo hiểm xã hội