/ Pháp luật - Đời sống
/ Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 02/2022

Chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 02/2022

31/01/2022 13:48 |

(LSVN) - 4 hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi; Giảm 50% phí cấp phép xuất nhập khẩu chất phóng xạ; Tổ chức tín dụng nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội; Quy định mới về xuất xứ hàng hóa... là những chính sách nổi bật sẽ có hiệu lực từ tháng 02/2022.

  Ảnh minh họa. 

4 hình thức xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi

Thông tư 17/2021/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành ngày 20/12/2021 quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn thuộc phạm vi quản lý của Bộ quy định rõ 4 hình thức xử lý đối với thực phẩm không bảo đảm an toàn sau thu hồi, bao gồm:

Thứ nhất, khắc phục lỗi của sản phẩm, lỗi ghi nhãn: Khắc phục lỗi của sản phẩm áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có thể xử lý bằng các biện pháp kỹ thuật để bảo đảm thực phẩm an toàn; khắc phục lỗi ghi nhãn áp dụng đối với trường hợp thực phẩm ghi nhãn chưa đúng theo quy định.

Thứ hai, chuyển mục đích sử dụng: Áp dụng đối với trường hợp thực phẩm không bảo đảm an toàn, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người tiêu dùng, không được sử dụng làm thực phẩm nhưng có thể sử dụng vào mục đích khác sau khi xử lý phù hợp.

Thứ ba, tái xuất áp dụng đối với các trường hợp thực phẩm nhập khẩu không bảo đảm an toàn và thuộc diện tái xuất theo quy định pháp luật.

Thứ tư, tiêu hủy áp dụng đối với trường hợp thực phẩm có mức giới hạn an toàn không phù hợp với hồ sơ tự công bố, quy chuẩn kỹ thuật, quy định an toàn thực phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, không thể chuyển mục đích sử dụng hoặc tái xuất.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 02/02/2022.

Giảm 50% phí cấp phép xuất nhập khẩu chất phóng xạ

Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 116/2021/TT-BTC ngày 22/12/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư số 287/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử.

Thông tư nêu rõ thực hiện giảm 50% phí thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu chất phóng xạ tại Điểm 7 Mục I Biểu phí ban hành kèm theo Thông tư 287/2016/TT-BTC theo đề nghị của Bộ Khoa học và Công nghệ. Cụ thể, phí thẩm định cấp giấy phép nhập khẩu, xuất khẩu: Nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm phóng xạ trên trung bình là 3,5 triệu đồng/nguồn hoặc 1 lô nguồn để sử dụng trong 1 thiết bị; nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm phóng xạ trung bình là 1 triệu đồng/nguồn; nguồn phóng xạ có mức độ nguy hiểm phóng xạ dưới trung bình là 500 nghìn đồng/nguồn.

Trường hợp gia hạn giấy phép thì thu bằng 75% mức thu phí thẩm định lần đầu theo quy định tại Thông tư này.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 05/02/2022.

Quy định mới về giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng

Thông tư 17/2021/TT-BXD ban hành ngày 22/12/2021 của Bộ Xây dựng quy định một số nội dung về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng thay thế Thông tư 04/2014/TT-BXD.

Thông tư nêu rõ 3 nội dung giám định tư pháp xây dựng, bao gồm:

Thứ nhất, giám định tư pháp về sự tuân thủ các quy định của pháp luật quy hoạch xây dựng, hoạt động đầu tư xây dựng, nhà ở và kinh doanh bất động sản.

Thứ hai, giám định tư pháp về chất lượng xây dựng, bao gồm: Giám định chất lượng khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng, vật liệu xây dựng, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị công trình, bộ phận công trình, công trình xây dựng; giám định nguyên nhân sự cố công trình xây dựng, nguyên nhân hư hỏng công trình xây dựng.

Thứ ba, giám định tư pháp về chi phí xây dựng công trình, bao gồm: giám định về tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình, giá gói thầu xây dựng; thanh toán và quyết toán hợp đồng xây dựng, thanh toán và quyết toán vốn đầu tư xây dựng và các vấn đề khác có liên quan; giám định tư pháp về giá trị nhà ở và bất động sản.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/02/2022.

Quy định mới về tiêu chí doanh nghiệp đăng ký xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia

Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 25/2021/TT-BCT ngày 20/12/2021 sửa đổi, bổ sung Thông tư 33/2019/TT-BCT quy định Hệ thống tiêu chí của Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Theo đó, Thông tư 25 sửa đổi quy định về tiêu chí đối với doanh nghiệp có sản phẩm đăng ký xét chọn sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Khoản 2 Điều 6) như sau: “Là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam và do tổ chức, cá nhân Việt Nam nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của doanh nghiệp đó. Trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng tiêu chí về vốn nhưng có sản phẩm tham gia xét chọn thể hiện yếu tố đặc sắc Việt Nam, góp phần nâng cao hình ảnh và giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam thì Hội đồng Thương hiệu quốc gia Việt Nam xem xét, quyết định”.

Quy định trên sẽ thay thế cho quy định hiện hành tại Thông tư 33: Tiêu chí đối với doanh nghiệp có sản phẩm đăng ký xét chọn “Là doanh nghiệp được thành lập theo pháp luật Việt Nam”.

Bên cạnh đó, Thông tư 25 cũng bổ sung nội dung hoạt động của các đề án thuộc Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 07/02/2022.

Tổ chức tín dụng nhà nước duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 21/2021/TT-NHNN ngày 28/12/2021 quy định việc các tổ chức tín dụng duy trì số dư tiền gửi tại Ngân hàng Chính sách xã hội. Thông tư này thay thế Thông tư số 23/2012/TT-NHNN và Thông tư số 41/2015/TT-NHNN.

Thông tư mới sửa đổi, bổ sung Điều 4 về Lãi suất số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng nhà nước tại Ngân hàng Chính sách xã hội. 

Theo thông tư mới, giảm phí huy động vốn tối đa từ mức 1,35%/năm xuống mức 1,30%/năm nhằm mục đích chia sẻ khó khăn với Ngân hàng Chính sách Xã hội trong việc thực hiện nhiệm vụ về giảm nghèo nhanh và bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.

Ngân hàng Nhà nước cũng bổ sung tại khoản 2 Điều 4 quy định việc Ngân hàng Nhà nước tính toán mức lãi suất huy động vốn bằng VND bình quân chung của các tổ chức tín dụng nhà nước tại thời điểm ngày 31/12 năm trước làm cơ sở xác định lãi suất tiền gửi trong năm. 

Thông tư 21 có hiệu lực từ ngày 11/02/2022.

Quy định mới về xuất xứ hàng hóa

Nghị định 111/2021/NĐ-CP ban hành ngày 9/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 43/2017/NĐ-CP ngày 14/4/2017 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.

Trong đó, Nghị định 111/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Điều 15 xuất xứ hàng hóa. Cụ thể, tổ chức, cá nhân sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ hàng hóa của mình bảo đảm trung thực, chính xác, tuân thủ các quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng hóa sản xuất tại Việt Nam hoặc các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Xuất xứ hàng hóa ghi trên nhãn thể hiện bằng một trong các cụm từ sau “sản xuất tại”; “chế tạo tại”; “nước sản xuất”; “xuất xứ”; “sản xuất bởi”; “sản phẩm của” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc ghi theo quy định pháp luật về xuất xứ hàng hóa.

Trường hợp hàng hóa không xác định được xuất xứ theo quy định nêu trên thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa. Thể hiện bằng một trong các cụm hoặc kết hợp các cụm từ thể hiện công đoạn hoàn thiện hàng hóa như sau: “lắp ráp tại”; “đóng chai tại”; “phối trộn tại”; “hoàn tất tại”; “đóng gói tại”; “dán nhãn tại” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa.

Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa không được viết tắt.

Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2022.

Quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 23/2021/TT-NHNN ngày 31/12/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 52/2018/TT-NHNN ngày 31/12/2018 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Một trong những điểm đáng chú ý sửa đổi, bổ sung cụ thể quy định về xếp hạng E (yếu kém) của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại "Điều 20. Xếp hạng". Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khoản 7 Điều 20 và bổ sung khoản 8 vào Điều 20 như sau:

Ngoài quy định nêu tại khoản 5 Điều 20 Thông tư này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xếp hạng (E) nếu lâm vào một trong các trường hợp sau đây: Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước; Số lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ; Không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định tại điểm b khoản 1 Điều 130 của Luật các tổ chức tín dụng trong thời gian 12 tháng liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 06 tháng liên tục.

Đối với tổng điểm xếp hạng được làm tròn đến số thập phân thứ hai và theo nguyên tắc như sau: Số thập phân thứ hai tăng 0,01 điểm nếu số thập phân thứ ba có giá trị từ 6 đến 9; Giữ nguyên số thập phân thứ hai nếu số thập phân thứ ba có giá trị từ 0 đến 5.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2022.

PHƯƠNG NHI

Điểm mới cần lưu ý tại Nghị định số 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản 2014

Admin