LSVNO - “Vì người nghèo” là hoạt động rộng lớn, mang ý nghĩa xã hội và nhân văn sâu sắc, hợp ý Đảng, lòng dân, khơi dậy truyền thống đoàn kết quý báu của dân tộc ta.
Đại đoàn kết toàn dân là dịp để những tấm lòng nhân ái được lan tỏa.
Bởi lẽ, tinh thần thương yêu đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau trong những lúc khó khăn, hoạn nạn được phát huy, công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo được thực hiện tốt hơn. Những chương trình có ý nghĩa sâu sắc như vậy cần được triển khai và thực hiện rộng khắp với kết quả thực chất. Cùng với đó, mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ Mặt trận chủ chốt các địa phương, các ngành, đoàn thể cần có những hành động thiết thực nhất giúp những nhà nghèo, những gia đình không may mắn. Đó không chỉ là tình cảm mà còn là trách nhiệm của những người là “công bộc của dân”.
Thật vậy, tháng hành động “Vì người nghèo” và ngày Đại đoàn kết toàn dân trong suốt nhiều năm qua đã đem đến cho những hoàn cảnh khốn khó cơ hội để đổi đời và được sống trong tình làng nghĩa xóm! Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân trở nên có ý nghĩa hơn rất nhiều không chỉ bởi sự đoàn kết để xây dựng hệ thống chính quyền cơ sở mà còn bởi sự chăm lo cho các hoàn cảnh yếu thế của cả cộng đồng. Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân cũng là cao điểm của Tháng hành động “Vì người nghèo” nhằm kêu gọi sự chung tay, góp sức của cộng đồng để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Đây còn là hoạt động thường niên mang đậm tính nhân văn nhằm ghi nhận, động viên các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, nhất là các doanh nghiệp, doanh nhân trong nhiều năm qua đã có nhiều hoạt động thiết thực giúp đỡ những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cộng đồng khu dân cư, xã, huyện nghèo thông qua Quỹ “Vì người nghèo” và Chương trình an sinh xã hội. Với những hoàn cảnh yếu thế được trao tặng đôi khi chỉ đơn giản là một phần quà, một suất học bổng, một tấm thẻ BHYT hay một căn nhà nhỏ… Tất cả những thứ vô cùng giá trị ấy cần đến sự đồng lòng, góp sức của cộng đồng và ngày hội Đại đoàn kết toàn dân là một dịp như thế, nơi những tấm lòng nhân ái được lan tỏa!
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấu hiểu sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân trong mọi mặt trận. Những năm tháng còn chiến tranh, sức mạnh ấy đã giúp Đảng ta lãnh đạo quân và dân chiến thắng mọi kẻ thù. Trong quá trình xây dựng và phát triển về sau này, cũng chính sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân đã đưa đất nước ta phát triển, với sự đồng lòng của các dân tộc Việt Nam, kể cả trong và ngoài nước.
Theo ông Trần Thanh Mẫn - Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam thì thời gian qua, các hoạt động chung tay vì người nghèo đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của toàn xã hội, các tập đoàn, tổng công ty, qua đó góp phần thiết thực trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Bên cạnh đó, ông Trần Thanh Mẫn cũng trăn trở, hiện tỷ lệ hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, hải đảo còn cao, vì vậy cần tiếp tục triển khai Chương trình thành hoạt động thường niên để góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân, tạo sự lan tỏa và huy động được nhiều nguồn lực hỗ trợ người nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững. Do đó, việc tổ chức Chương trình cần đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả. Đặc biệt, trong năm 2018, hoạt động chăm lo cho người nghèo cần có trọng tâm, trọng điểm với các chương trình cụ thể như tặng áo ấm cho người nghèo, mổ tim, chạy thận cho bệnh nhân nghèo, những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...
Cách đây 23 năm, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng đời sống mới, tháng 5/1995 nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh của Người, Uỷ ban Trung ương MTTQVN đã phát động cả nước Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư” nay là “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và cao điểm là ngày 18/11 hằng năm được chọn là ngày đại đoàn kết toàn dân ở khu dân cư. Đây là Cuộc vận động nhân dân rộng lớn trong cả nước của thời kỳ đổi mới có nội dung toàn diện, diễn ra trong thời gian dài. Suốt 23 năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp tạo điều kiện của các cấp chính quyền, các tổ chức thành viên Mặt trận, sự hưởng ứng tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, cùng với các phong trào thi đua yêu nước khác, Cuộc vận động đã đạt được những kết quả tốt đẹp, góp phần từng bước nâng cao rõ rệt đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, giữ vững an ninh trật tự, ngày càng tạo ra các mối quan hệ gắn bó, đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân cả nước.
Cách đây chưa lâu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu: “Vẫn còn nhiều trăn trở và chưa thể hài lòng khi cả nước vẫn còn 2,9 triệu hộ nghèo, cận nghèo, đặc biệt là một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao”. Vì vậy, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững ngày càng khó khăn hơn, đòi hỏi phải có cách làm chủ động, sáng tạo và huy động được nhiều nguồn lực hơn nữa.
Minh Sơn