/ Nghề Luật sư
/ Chuyển đổi số - Phương tiện đưa nghề Luật sư về đích nhanh và bền vững nhất

Chuyển đổi số - Phương tiện đưa nghề Luật sư về đích nhanh và bền vững nhất

20/12/2021 17:14 |

(LSVN) – Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề Luật sư. Bên cạnh đó, chuyển đổi số lại là phương tiện, cách thức đưa nghề Luật sư về đích nhanh nhất, bền vững nhất.

  Ảnh minh họa. 

Tháng 5/2009, Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập, từ đây nghề Luật sư chính thức có tổ chức thống nhất trong toàn quốc. Theo báo cáo chưa đầy đủ của các Đoàn Luật sư, từ năm 2015 đến 31/12/2020, đội ngũ Luật sư Việt Nam đã tham gia thực hiện khối lượng công việc rất lớn: tham gia vào 81.072 vụ án hình sự, trong đó có 37.503 vụ án hình sự chỉ định và 43.569 vụ án hình sự được khách hàng mời; 67.339 vụ việc dân sự, 52.885 vụ việc trong lĩnh vực kinh tế kinh doanh thương mại, 4.097 vụ án hành chính, 1.854 vụ án lao động; tư vấn pháp luật 490.570 vụ việc; đại diện ngoài tố tụng 22.887 vụ việc; các dịch vụ pháp lý khác 22.880 vụ việc; trợ giúp pháp lý miễn phí 161.996 vụ việc [1]...

Cùng kết quả đã đạt được, thời gian qua cũng đã ghi nhận nhiều hạn chế, khó khăn đối với nghề Luật sư tại Việt Nam. Số lượng Luật sư ở vùng sâu, vùng xa còn thấp chưa đáp ứng nhu cầu; chất lượng đội ngũ Luật sư chưa đồng đều, chuẩn đầu vào của Luật sư chưa thống nhất; có trường hợp chấp hành pháp luật và Bộ Quy tắc Đạo đức và Ứng xử nghề nghiệp Luật sư Việt Nam chưa nghiêm; kỹ năng nghề nghiệp còn hạn chế, hoạt động Luật sư chưa chuyên sâu… Hệ thống văn bản pháp luật về hành nghề Luật sư chưa đồng bộ, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.

Việc thi hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, công chức, người thi hành công vụ đôi lúc, đôi nơi còn chưa nghiêm, chưa bảo đảm quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư đã được quy định trong các văn bản pháp luật. Vai trò đại diện, bảo vệ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố mặc dù đã được phát huy, quá trình thực hiện đã có đóng góp quan trọng trong nhiều sự việc cụ thể nhưng chưa thật sự đáp ứng được kỳ vọng của giới Luật sư…

Đến nay, giới Luật sư Việt Nam có thể tự hào khẳng định rằng, truyền thống nghề Luật sư và thực tiễn 76 năm lịch sử kể từ ngày 10/10/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh 46/SL về việc thành lập Đoàn thể Luật sư đến nay cho thấy: nghề Luật sư đã góp phần quan trọng trong việc dân chủ hóa hoạt động tố tụng, đóng góp quan trọng trong công cuộc cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế - xã hội. Đến nay, vị trí, vai trò của Luật sư trong đời sống pháp luật, trong xã hội tiếp tục được khẳng định, nâng cao; uy tín của Luật sư trước Đảng, Nhà nước được tăng cường; niềm tin của doanh nghiệp, tổ chức, người dân đối với nghề Luật sư đã và tiếp tục được khẳng định.

Luật sư Trần Văn An, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang. 

Đặc biệt, với những thành tích đột phá, nổi bật mà giới Luật sư Việt Nam đã đạt được từ khi Liên đoàn Luật sư Việt Nam được thành lập, chúng ta có đủ tự tin và tự hào khẳng định rằng: Nghề Luật sư ở Việt Nam đã và đang phát triển đúng hướng, con đường phát triển nghề Luật sư tại Việt Nam đã sáng tỏ; và chúng ta đã đi được một đoạn dài trên con đường thành công.

Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề Luật sư. Đường đi đã sáng tỏ; khó khăn trở ngại trên con đường phát triển đã được nhận diện, cùng với đó phương hướng, nhiệm vụ đã được chỉ ra. Vấn đề là chúng ta lựa chọn đi trên còn đường đó bằng phương tiện nào để đưa nghề Luật sư đến đích vinh quang nhanh nhất, bền vững nhất?

Phát triển nghề Luật sư gắn với chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và xu hướng hội nhập quốc tế chính là lời giải cho câu hỏi này. Với hơn 16 nghìn thành viên, trên 6 nghìn tổ chức hành nghề, cung cấp dịch vụ pháp lý trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, từ nơi đô thành đến vùng sâu, vùng xa của Tổ quốc, chuyển đổi số giúp Liên đoàn và Đoàn Luật sư các tỉnh, thành phố thực hiện nhiệm vụ tự quản nghề Luật sư, nâng cao chất lượng dịch vụ của Luật sư, hỗ trợ Luật sư, tổ chức hành nghề Luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng nhanh chóng, khoa học, hiệu quả, giảm thiểu chi phí. Chuyển đổi số giúp hoạt động của Luật sư tương thích với hoạt động của các ngành, nghề, cơ quan, ban ngành chức năng, đặc biệt trong bối cảnh chúng ta đã và đang thực hiện có hiệu quả Chính phủ điện tử và sắp tới thực hiện xét xử trực tuyến, tòa án điện tử… Chuyển đổi số là phương thức để tạo công dân toàn cầu, Luật sư toàn cầu, hội nhập quốc tế.

Với tư cách một doanh nghiệp, các tổ chức hành nghề Luật sư hiện đã ứng dụng, sử dụng nhiều nền tảng công nghệ vào hoạt động trong lĩnh vực thuế, kế toán, lao động, bảo hiểm, tài chính, văn thư, quảng bá thương hiệu. Giới Luật sư đã sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động nghiệp vụ như tạo lập, lưu giữ tài liệu thông qua các phương tiện điện tử, học tập, trao đổi trực tuyến… Đây chính là nền tảng, cơ sở để phát triển nghề Luật sư, tổ chức xã hội - nghề nghiệp Luật sư gắn với chuyển đổi số, đáp ứng nhu cầu thực tiễn và xu hướng hội nhập quốc tế theo tinh thần Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020.

Tính chuyên nghiệp và đạo đức nghề nghiệp là nền tảng cơ bản của nghề Luật sư. Chuyển đổi số là phương tiện, cách thức đưa nghề Luật sư về đích nhanh nhất, bền vững nhất.

=======================

[1] Theo Dự thảo Báo cáo công tác nhiệm kỳ II (2015-2020) của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Luật sư TRẦN VĂN AN

Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bắc Giang

Phát triển đội ngũ Luật sư trong tình hình mới: Trọng tâm vẫn là nâng cao chất lượng

Lê Minh Hoàng