(LSVN) - Mới đây, tôi có chuyển nhầm một số tiền vào một tài khoản ngân hàng khác do nhầm lẫn. Vậy, tôi phải làm thế nào để lấy lại tiền, trách nhiệm của ngân hàng trong chuyện này thế nào? Bạn đọc B.A. (Hà Nội) có hỏi.
Tiến sĩ, luật sư Lê Ngọc Khánh, Công ty Luật TNHH TGS.
Về vấn đề này, Tiến sĩ, luật sư Lê Ngọc Khánh, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, chuyển tiền là một giao dịch tiện ích của người dùng hiện nay. Giao dịch này cho phép người dùng chuyển tiền từ tài khoản của mình sang tài khoản của người nhận ngay trên Internet banking hoặc cây ATM mà không cần phải đến các quầy giao dịch mà các giao dịch vẫn được chuyển khoản thực hiện nhanh chóng. Tuy nhiên, bên cạnh đó việc gửi tiền qua các hình thức này cũng dẫn đến nhiều rủi ro như chuyển nhầm vào tài khoản người khác mà không biết cách xử lý thế nào.
Khi phát hiện chuyển nhầm tiền vào sai tài khoản của người khác, không phải là người mình mong muốn thì cần lập tức ra Ngân hàng, mang theo Chứng minh nhân dân/căn cước công dân, hoá đơn chuyển khoản, thẻ ngân hàng (ATM), kèm theo các thông tin như số tài khoản của bản thân, số tài khoản thực tế phải chuyển, số tài khoản bị chuyển nhầm, chữ ký của chủ tài khoản để yêu cầu Ngân hàng nơi mở tài khoản xác minh. Ngân hàng chỉ có trách nhiệm hỗ trợ liên hệ thông báo đến chủ tài khoản được chuyển khoản nhầm để chuyển trả số tiền đã nhận, trường hợp có căn cứ xác định việc chuyển khoản đó do bị lừa dối hoặc ép buộc trái với quy định của pháp luật thì có thể quyền phong tỏa, tạm khoá mọi giao dịch của tài khoản cho đến khi giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Tại khoản 4 Điều 32 Thông tư 37/2016/TT-NHNN quy định việc quản lý, vận hành và sử dụng Hệ thống Thanh toán điện tử liên ngân hàng Quốc gia do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành ngày 31/12/2016 quy định:
“Đối với Lệnh thanh toán sai địa chỉ khách hàng (Lệnh thanh toán chuyển đúng đơn vị nhận lệnh nhưng không có người nhận lệnh hoặc người nhận lệnh mở tài khoản ở Ngân hàng khác), sai tên, số hiệu tài khoản của người nhận Lệnh thanh toán (đúng tên nhưng sai số hiệu tài khoản hoặc ngược lại), ký hiệu chứng từ, ký hiệu loại nghiệp vụ, xử lý như sau: Đối với các Lệnh thanh toán Có (hoặc Nợ) đơn vị nhận lệnh đã nhận nhưng chưa hạch toán thì thực hiện hạch toán vào tài khoản phải trả (phải thu) sau đó lập Lệnh thanh toán chuyển trả lại đơn vị khởi tạo lệnh. Nghiêm cấm đơn vị nhận lệnh chuyển tiền tiếp; Đối với các Lệnh thanh toán đã thực hiện, đơn vị nhận lệnh xử lý tương tự như đã nêu tại Điểm b Khoản 3 Điều này”. |
Theo quy định này thì khi Ngân hàng nhận được yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có đối với số tiền chuyển thừa của đơn vị khởi tạo lệnh, nếu sau khi kiểm soát lại là đúng, đơn vị nhận lệnh xử lý như sau:
(i) Trường hợp tài khoản của khách hàng có đủ số dư: Căn cứ vào yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có để lập Lệnh thanh toán Có đi, chuyển trả đơn vị khởi tạo lệnh số tiền chuyển thừa: Nợ tài khoản tiền gửi của khách hàng. Có tài khoản thu hộ, chi hộ hoặc tài khoản thanh toán nội bộ thích hợp khác (tài khoản chi tiết thanh toán với hội sở chính). Số tiền chuyển thừa phải trả lại đơn vị khởi tạo lệnh;
(ii) Trường hợp tài khoản của khách hàng không đủ số dư để thu hồi thì đơn vị nhận lệnh ghi nhập Sổ theo dõi Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có chưa được thực hiện và yêu cầu khách hàng nộp tiền vào tài khoản để thực hiện Yêu cầu hoàn trả này. Khi khách hàng nộp đủ tiền, kế toán ghi xuất Sổ theo dõi Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có chưa thực hiện được, lập Lệnh thanh toán Có gửi đơn vị khởi tạo lệnh và hạch toán như đã hướng dẫn trên;
(iii) Trường hợp khách hàng không còn khả năng thanh toán hoặc khách hàng vãng lai không xác định được nơi cư trú, thì đơn vị nhận lệnh phải phối hợp với chính quyền địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật như công an, tòa án,… để tìm mọi biện pháp thu hồi lại tiền. Sau khi đã áp dụng mọi biện pháp thu hồi mà không thu hồi được hoặc không thu hồi đủ thì đơn vị nhận lệnh được từ chối Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có; Lập Thông báo từ chối Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có, ghi rõ lý do từ chối kèm theo số tiền thu hồi được (nếu có); gửi trả lại đơn vị khởi tạo lệnh đồng thời ghi xuất sổ theo dõi Yêu cầu hoàn trả Lệnh thanh toán Có chưa được thực hiện.
Như vậy, trong trường hợp tài khoản thụ hưởng đã bị khoá, phong toả vẫn còn số tiền mà người chuyển nhầm đến thì Ngân hàng sẽ tiến hành chuyển tiền lại cho người chuyển nhầm. Còn khi số tiền gửi nhầm đã được rút, Ngân hàng sẽ liên lạc với chủ tài khoản được gửi nhầm để yêu cầu gửi trả lại tiền.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 579 Bộ luật dân sự năm 2015 thì:
“Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trừ trường hợp quy định tại Điều 236 của Bộ luật này”. |
Do đó, nếu người nào nhận được tài sản của người khác mà không phải của mình nhưng cố tình chiếm giữ không trả lại cho người chuyển nhầm thì có thể làm đơn trình báo gửi đến Công an cấp huyện nơi xảy ra sự việc để điều tra. Người nào có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt hành chính từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và tịch thu số tiền vi phạm theo quy định tại điểm e khoản 2 và khoản 3 Điều 15 của Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 176 Bộ luật hình sự 2015 với mức xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 05 năm.
Ngoài ra, pháp luật không quy định cụ thể về thời gian giải quyết của Ngân hàng đối với trường hợp này, bởi vì chủ yếu lỗi thuộc về người khởi tạo lệnh chuyển khoản là khách hàng. Do đó, quá trình xác minh và giải quyết nếu bên nhận tiền không chuyển trả lại thì thời gian giải quyết được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự đối với trường hợp người chuyển nhầm khởi kiện đòi lại tài sản và nếu có dấu hiệu phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản của người khác thì thời gian giải quyết được thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.
PHƯƠNG THẢO