Cơ chế pháp lý mới trong hoạt động phòng, chống tội phạm lĩnh vực hải quan

24/06/2018 17:10 | 6 năm trước

LSVNO - Từ ngày 01/01/2018, cơ chế pháp lý mới có hiệu lực thực hiện đối với hoạt động phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực hải quan đã được xác định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật...

LSVNO - Từ ngày 01/01/2018, cơ chế pháp lý mới có hiệu lực thực hiện đối với hoạt động phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực hải quan đã được xác định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015. Chính điều này đòi hỏi ngành hải quan phải tích cực triển khai đồng bộ hệ thống pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự mà pháp luật trao cho.

Đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra, hệ thống các quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm được tiếp tục tăng cường củng cố, phát huy, bổ sung, hoàn thiện trong suốt giai đoạn đổi mới của Việt Nam (từ 1986 đến năm 2017) một cách hiệu quả hơn. Giai đoạn từ năm 2015 đến năm 2017, hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tội phạm đã được ban hành và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2018. Đó là Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự; Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam...

Liên quan trực tiếp đến hoạt động phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan, các văn bản quy phạm pháp luật mới này quy định cơ quan hải quan có thẩm quyền khởi tố, tiến hành một số hoạt động điều tra đối với 03 tội phạm: tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới; tội sản xuất, buôn bán hàng cấm (Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự). So với Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự năm 2004, thẩm quyền khởi tố, điều tra tội phạm của cơ quan hải quan được giao bổ sung thêm tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. Cùng với đó, quy định nhiệm vụ của cơ quan hải quan khi thực hiện thẩm quyền của mình đối với những vụ án được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra đang thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự số 19/2003/QH11 nhưng đến ngày 01/01/2018 chưa kết thúc thì thẩm quyền giải quyết tiếp tục được áp dụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2003 cho đến khi kết thúc vụ án, các vấn đề khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đối với những tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố đang trong quá trình kiểm tra, xác minh nhưng đến ngày 01/01/2018 chưa kết thúc thì thời hạn giải quyết được tính theo thời hạn của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đối với những vụ án hình sự đang tiến hành điều tra nhưng đến ngày 01/01/2018 chưa kết thúc điều tra thì thời hạn điều tra được thực hiện theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015[1].

Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Cơ chế pháp lý xác định vị trí, thẩm quyền của cơ quan hải quan trong hoạt động điều tra tội phạm lĩnh vực hải quan được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự

Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự quy định các cơ quan của hải quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm có: Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Kiểm tra sau thông quan; cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; chi cục hải quan cửa khẩu. Khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực hải quan, các đơn vị hải quan có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra mà tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm hoặc phát hiện hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và điều tra theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Luật này; có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã kiến nghị, tố giác, báo tin về tội phạm và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ người đã tố giác tội phạm; thực hiện yêu cầu, quyết định của viện kiểm sát theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của viện kiểm sát theo quy định của pháp luật; phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử có trách nhiệm giám sát một số hoạt động điều tra, người có thẩm quyền điều tra hình sự, đã yêu cầu, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

Cơ quan hải quan, khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà phát hiện tội phạm quy định tại các Điều 188 (tội buôn lậu), 189 (tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới) và 190 (tội sản xuất, buôn bán hàng cấm) của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, cục trưởng cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chi cục trưởng chi cục hải quan cửa khẩu có nhiệm vụ, quyền hạn:

Một là, đối với tội phạm ít nghiêm trọng trong trường hợp phạm tội quả tang, chứng cứ và lai lịch người phạm tội rõ ràng thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa trong khu vực kiểm soát của hải quan, trưng cầu giám định khi cần thiết, khởi tố bị can, tiến hành các biện pháp điều tra khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ vụ án cho viện kiểm sát có thẩm quyền trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

Hai là, đối với tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc tội phạm ít nghiêm trọng nhưng phức tạp thì quyết định khởi tố vụ án hình sự, lấy lời khai, thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan trực tiếp đến vụ án, khám người, khám nơi cất giữ hàng hóa trong khu vực kiểm soát của hải quan, chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.

Ba là, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, cục trưởng cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chi cục trưởng chi cục hải quan cửa khẩu trực tiếp tổ chức và chỉ đạo các hoạt động điều tra, quyết định phân công hoặc thay đổi cấp phó trong việc điều tra vụ án hình sự, kiểm tra các hoạt động điều tra, quyết định thay đổi hoặc huỷ bỏ các quyết định không có căn cứ và trái pháp luật của cấp phó, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Bốn là, khi Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, cục trưởng cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, chi cục trưởng chi cục hải quan cửa khẩu vắng mặt thì một cấp phó được ủy nhiệm thực hiện các quyền hạn của cấp trưởng quy định tại khoản 2 Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự và phải chịu trách nhiệm trước cấp trưởng và trước pháp luật về nhiệm vụ được giao. Khi được phân công điều tra vụ án hình sự, Phó cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Phó cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, phó cục trưởng cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, phó chi cục trưởng chi cục hải quan cửa khẩu có quyền áp dụng các biện pháp điều tra quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự.

chế pháp lý xác định hành vi vi phạm pháp luật được coi là tội phạm trong lĩnh vực hải quan do cơ quan hải quan phát hiện và thực hiện một số hoạt động điều tra

Theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015, tội phạm trong lĩnh vực hải quan được định danh có 03 tội phạm: tội buôn lậu; tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới và tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. Theo Bộ luật Hình sự năm 1999, các tội danh này được áp dụng đối với các chủ thể phạm tội là các cá nhân, mà yếu tố phạm tội có tổ chức chỉ nhằm xác định mức độ, hình phạt; tuy pháp luật đã quy định chế độ pháp lý cho các hoạt động kinh tế của pháp nhân thương mại, nhưng khi pháp nhân có hành vi vi phạm pháp luật hải quan và chính sách quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh, dù ở mức độ, hậu quả nào cũng chỉ xử lý bằng các hình thức hành chính hoặc xử lý vi phạm hành chính. Với Bộ luật Hình sự năm 2015, các tội phạm này các chủ thể được xác định là cá nhân và pháp nhân thương mại, có hành vi buôn bán hoặc vận chuyển hàng hóa, tiền tệ, hàng cấm qua biên giới quốc gia hoặc qua khu phi thuế quan và ngược lại trái quy định của pháp luật Việt Nam. Các tội phạm này đều xác định trên cơ sở hành vi, loại mặt hàng, vật phẩm, trị giá tang vật vi phạm hoặc số tiền thu lợi bất chính. Hình phạt áp dụng phạt bằng một số lượng tiền nhất định, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm các công việc nhất định có thời hạn, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Đối với pháp nhân thương mại là tội phạm, ngoài phạt tiền, còn bị phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc vĩnh viễn, cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn có thời hạn; cá nhân liên quan với pháp nhân, nếu phạm tội vẫn không bị loại trừ trách nhiệm cá nhân.

Tội buôn lậu. Bộ luật Hình sự 2015 quy định tại Điều 188. Chủ thể thực hiện tội phạm là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại, với lỗi cố ý trực tiếp. Hành vi thực hiện tội phạm là “buôn bán qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật”. Địa điểm thực hiện tội phạm là qua biên giới quốc gia hoặc qua ranh giới của các khu phi thuế quan (khu chế xuất, khu công nghiệp…). Định danh tội phạm trên cơ sở hành vi (buôn bán qua biên giới hoặc khu phi thuế quan trái pháp luật) và một số loại hàng hóa, vật phẩm (di vật, cổ vật), có trị giá dưới 100 triệu đồng mà đã bị xử lý hành chính về hành vi định danh tội này hoặc các tội liên quan khác (Điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, và 200) hoặc có trị giá từ 100 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên. Pháp nhân xác định là tội phạm khi thực hiện hành vi phạm tội mà tang vật trị giá từ 200 triệu đồng trở lên đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 300 triệu đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các Điều 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Tội buôn lậu theo Bộ luật Hình sự năm 2015 được cấu thành có 06 khoản tương ứng với 06 khung hình phạt. Từ khoản 1 đến khoản 5 xác định hình phạt đối với cá nhân vi phạm; khoản 6 xác định hình phạt đối với pháp nhân thương mại. Khoản 1 xác định khung hình phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; khung phạt này tương ứng với tội phạm ít nghiêm trọng. Khoản 2 xác định khung hình phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 1,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm; khung phạt này tương ứng với tội phạm nghiêm trọng. Khoản 3 xác định khung phạt tiền từ 1,5 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 07 năm đến 15 năm; khung phạt này tương ứng với tội phạm rất nghiêm trọng. Khoản 4 xác định hình phạt tù từ 12 năm đến 20 năm; khung phạt này tương ứng với tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Khoản 5 xác định người phạm tội còn có thể chịu khung phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Khoản 6 quy định đối với pháp nhân thương mại phạm tội thì áp dụng khung phạt tiền từ 300 triệu đồng đến 15 tỷ đồng, có thể chịu áp dụng các hình phạt bị đình chỉ hoạt động từ 06 tháng đến 03 năm hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc cấm kinh doanh, hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Việc pháp nhân thương mại bị áp dụng hình phạt nhưng không loại trừ áp dụng với các cá nhân liên quan của pháp nhân phạm tội này.

Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới. Được quy định tại Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015. Chủ thể thực hiện tội phạm là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại, với lỗi cố ý trực tiếp. Hành vi thực hiện tội phạm là hàng hóa được “vận chuyển qua biên giới hoặc từ khu phi thuế quan vào nội địa hoặc ngược lại trái pháp luật”. Tùy từng loại địa điểm phạm tội mà phương tiện vận chuyển để thực hiện hành vi phạm tội có thể bằng phương tiện cơ giới (máy bay, ô tô, tàu hỏa, tàu thủy, thuyền, bè mảng…), người mang vác, sử dụng súc vật, xe đẩy, xe kéo tay hoặc súc vật kéo, xe đạp… Địa điểm thực hiện tội phạm là qua biên giới quốc gia (cửa khẩu, lối mở, đường mòn, sông, suối biên giới..) hoặc qua ranh giới của các khu phi thuế quan (hàng rào khu chế xuất, khu công nghiệp…). Định danh tội phạm trên cơ sở hành vi (vận chuyển qua biên giới hoặc khu phi thuế quan trái pháp luật) và một số loại hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý, di vật, cổ vật. Pháp nhân được xác định là tội phạm khi thực hiện hành vi phạm tội mà tang vật có trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này hoặc tại một trong các Điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật này hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc vật phạm pháp là di vật, cổ vật.

Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới theo Bộ luật Hình sự năm 2015 được cấu thành có 05 khoản tương ứng với 05 khung hình phạt. Khoản 1 xác định khung hình phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm; khung phạt này tương ứng với tội phạm ít nghiêm trọng. Khoản 2 xác định khung hình phạt tiền từ 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm; khung phạt này tương ứng với tội phạm ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Khoản 3 xác định khung phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm; khung phạt này tương ứng với tội phạm nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng. Khoản 4 xác định người phạm tội có hành vi thực hiện tội phạm mà trị giá tang vật phạm pháp từ 500 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm; khung phạt này tương ứng với tội phạm nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng.

Khoản 5 xác định hành vi tội phạm đối với pháp nhân thương mại với tang vật là hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng; hàng hóa trị giá dưới 200 triệu đồng nhưng là di vật, cổ vật; hàng hóa, tiền Việt Nam, ngoại tệ, kim khí quý, đá quý trị giá từ 100 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quy định tại Điều này (định danh hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới mà không phải là tội phạm) hoặc một trong các Điều 188, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196 và 200 của Bộ luật Hình sự hoặc đã bị kết án về các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Khoản này phân chia khung hình phạt thành 05 mức phạt khác nhau tùy vào hành vi và trị giá tang vật do hành vi thực hiện tội phạm của pháp nhân và hình thức phạt áp dụng là tiền hoặc hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn. Cũng như tội buôn lậu (Điều 188), không loại trừ áp dụng hình phạt đối với cá nhân của pháp nhân có hành vi phạm tội có liên quan đến tội phạm này. Mức độ tội phạm của pháp nhân thương mại không được xác định là ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mà căn cứ hành vi phạm tội tương ứng với từng hành vi cụ thể hoặc trị giá tang vật vi phạm được xác định tại các khoản 2, khoản 3 của Điều này. Ví dụ: khung phạt áp dụng từ 500 triệu đồng đến 2 tỷ đồng đối với một trong các hành vi quy định tại các điểm a (vi phạm có tổ chức), điểm b (vật phạm pháp trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng), điểm c (vật phạm pháp là bảo vật quốc gia), điểm d (lợi dụng chức vụ, quyền hạn), điểm e (phạm tội 02 lần trở lên) và điểm g (tái phạm nguy hiểm) của khoản 2 Điều 189 Bộ luật Hình sự.

Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm. Được quy định tại Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015. Chủ thể thực hiện hành vi phạm tội có thể là cá nhân hoặc pháp nhân thương mại với lỗi cố ý trực tiếp; mục đích của tội phạm là để thu lợi bất chính. Hành vi phạm tội là “Sản xuất, buôn bán thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng”; “Buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu”; “Sản xuất, buôn bán pháo nổ”; “Sản xuất, buôn bán hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng”; “Sản xuất, buôn bán hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam”. Hành vi này lĩnh vực hải quan được xác định là hành vi “buôn bán hàng cấm qua biên giới”. Hành vi buôn bán hàng cấm qua biên giới có thể là xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng cấm. Địa điểm phạm tội là biên giới quốc gia. Biên giới quốc gia có thể là biên giới trên bộ, trên biển, trên sông hoặc biên giới không phận (hàng không). Định danh tội phạm trên cơ sở hành vi buôn bán hàng cấm qua biên giới trái pháp luật. Hàng cấm buôn bán qua biên giới là hàng hóa do pháp luật quy định thuộc Danh mục hàng hóa cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu; Danh mục hàng cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng, chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam. Pháp nhân thương mại được xác định là tội phạm khi thực hiện các hành vi quy định tại các khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều này hoặc quy định về đình chỉ hoạt động vĩnh viễn tại Điều 79 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm được cấu thành có 05 khoản tương ứng với 05 mức phạt. Mức phạt tại các khoản 1, 2, 3 và 4 là mức phạt đối với cá nhân; mức phạt tại khoản 5 là mức phạt đối với pháp nhân thương mại. Khoản 1 xác định khung phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; khung phạt này tương ứng với tội phạm ít nghiêm trọng hoặc nghiêm trọng. Khoản 2 xác định khung phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm; khung phạt này tương ứng với tội phạm nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng. Khoản 3 xác định khung phạt tù từ 08 năm đến 15 năm; khung phạt này tương ứng với tội phạm rất nghiêm trọng. Khoản 4 quy định người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Khung hình phạt áp dụng đối với pháp nhân có hành vi phạm tội với 04 mức phạt áp dụng là tiền hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn. Khoản 5 xác định từng mức hình phạt đối pháp nhân thương mại phạm tội này, nếu thực hiện phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 190 thì bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng; nếu thực hiện phạm tội quy định tại điểm a (có tổ chức), điểm d (có tính chất chuyên nghiệp), điểm đ (thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 kilôgam đến dưới 300 kilôgam hoặc từ 100 lít đến dưới 300 lít), điểm e (thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao), điểm g (pháo nổ từ 40 kilôgam đến dưới 120 kilôgam), điểm h (hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng), điểm i (hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300 triệu đồng đến dưới 700 triệu đồng), điểm k (buôn bán qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu) và điểml(tái phạm nguy hiểm) khoản 2 Điều 190 thì bị phạt tiền từ 3 tỷ đồng đến 6 tỷ đồng; nếu thực hiện phạm tội quy định tại khoản 3 Điều 190 thì bị phạt tiền từ 6 tỷ đồng đến 9 tỷ đồng hoặc bị đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm; nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật Hình sự năm 2015 thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm. Việc xác định mức độ nghiêm trọng đối với tội phạm của pháp nhân tương ứng với việc xác định hành vi nguy hiểm mà pháp nhân đã vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 3 Điều 190 Bộ luật Hình sự năm 2015. Cũng tương như các tội nói trên, tội sản xuất, buôn bán hàng cấm không loại trừ việc xác định hành vi tội phạm của các cá nhân có liên quan đến tội phạm này.

Có thể thấy rằng, kể từ ngày 01/01/2018, cơ chế pháp lý mới có hiệu lực thực hiện đối với hoạt động phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực hải quan đã được xác định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự  năm 2015 và Bộ luật Hình sự năm 2015. Chính điều này đòi hỏi ngành hải quan cũng như cán bộ, công chức hải quan; cán bộ, công chức các bộ, ngành chức năng, đơn vị vũ trang có liên quan khi thi hành công vụ và trong hoạt động phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực hải quan phải tích cực triển khai đồng bộ hệ thống pháp luật về hình sự và tố tụng hình sự, đồng thời nắm bắt kịp thời, cũng như nhận thức rõ các nội dung quy định và thẩm quyền mà pháp luật trao cho cơ quan hải quan, cũng như các chức danh cán bộ, công chức hải quan chịu trách nhiệm xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hải quan được xác định là tội phạm. Mặt khác, các cơ quan có chức năng phòng, chống tội phạm (cơ quan công an, bộ đội biên phòng, cảnh sát kinh tế, cảnh sát biển…) cần phải nhận thức rõ, thống nhất về các quy định pháp luật hình sự, tố tụng hình sự đối với các loại tội phạm trong lĩnh vực hải quan để phối hợp điều tra, xử lý đối với các tội phạm này một cách chính xác, hiệu quả.

 

Bùi Văn Thịnh

 

[1] Khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20/6/2017 của Quốc hội về thi hành Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và hiệu lực thi hành của Bộ luật Tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13.