Có thể khởi kiện người đã truyền nhiễm dịch bệnh Covid-19 cho mình hay không?

10/04/2020 00:00 | 4 năm trước

(LSO) - Việc người bị nghi nhiễm Covid-19 do cố tình không thực hiện hoặc không tuân thủ quy định về cách ly khiến cho tôi và rất nhiều người dân xung quanh bị cách ly. Việc cách ly này ảnh hưởng rất lớn đến các quyền, cũng như gây thiệt hại về kinh tế đối với tôi. Bên cạnh đó, việc làm này gây nguy cơ lớn về mắc bệnh Covid-19, nguy hiểm đến tính mạng của tôi. Vậy, trong trường hợp này tôi có quyền khởi kiện người nghi nhiễm Covid-19 này không. Quyền lợi và những thiệt hại của tôi trong thời gian bị cách ly sẽ được xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật? Bạn đọc N. H. (Hà Nội).

Quyền khởi kiện

Theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (BLTTDS) quy định về quyền khởi kiện vụ án, theo đó: cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Như vậy, pháp luật không hạn chế quyền khởi kiện của cá nhân, tổ chức. Bất cứ một cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào có đủ năng lực hành vi dân sự đều có quyền khởi kiện vụ án dân sự, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Do đó, trong trường hợp này, nếu bạn chứng minh được những thiệt hại, quyền và lợi ích của mình bị xâm phạm do bệnh nhân nhiễm Covid-19 làm lây lan dịch bệnh thì bạn hoàn toàn có quyền khởi kiện họ.

Yêu cầu bồi thường thiệt hại

Đối với các cá nhân làm lây lan dịch bệnh thì hành vi của các cá nhân đó cần được điều tra làm rõ. Trong trường hợp những người bị lây bệnh bị tổn hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản và có căn cứ rõ ràng cho thấy người lây bệnh đã có lỗi dẫn đến những thiệt hại đó thì những người bị nhiễm bệnh hoàn toàn có quyền yêu cầu người làm lây lan dịch bệnh phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là trách nhiệm dân sự do hành vi gây ra thiệt hại phát sinh giữa các chủ thể. Bên có hành vi trái pháp luật phải bồi thường cho bên bị thiệt hại.

Theo Luật sư Nguyễn Duy Bình, Đoàn Luật sư TP. HCM, căn cứ khoản 1, Điều 584, BLDS 2015 quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau:

"Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác".

Căn cứ quy định trên, bệnh nhân nhiễm virus hoặc nghi nhiễm virus (gọi tắt là A) thuộc đối tượng phải cách ly nhưng cố tình không thực hiện cách ly và đi tiếp xúc với người khác (B) là hành vi trái pháp luật, gây ảnh hưởng tới B là buộc B phải cách ly - hạn chế một số quyền và thiệt hại về thu nhập trong những ngày bị cách ly. Đây là thiệt hại xảy ra do lỗi của A, vì vậy A phải bồi thường thiệt hại cho B theo quy định pháp luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trường hợp này nếu A không tự nguyện bồi thường thì B có quyền khởi kiện tại toà án nơi A cư trú để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Trường hợp này B có quyền yêu cầu toà án giải quyết buộc A phải bồi thường 02 khoản: khoản thu nhập thực tế bị mất trong những ngày bị áp dụng biện pháp cách ly và khoản tổn thất về tinh thần do bị hạn chế một số quyền như quyền tự do đi lại, tự do cư trú. Trường hợp khi cách ly B phải tự lo chi phí ăn, ở và các chi phí khác thì có quyền yêu cầu bồi thường cả khoản này.

"Pháp luật quy định như vậy, tuy nhiên, xét về đạo lý, tình người thì chúng ta cũng nên thông cảm và không nên khởi kiện vì dịch bệnh nổ ra là do nguyên nhân khách quan, nên cùng nhau chia sẻ thiệt hại, tránh dịch bệnh lan tràn trong xã hội và đó cũng là phần nào trách nhiệm của mỗi công dân", Luật sư Bình nói.

Ngoài ra, pháp luật còn có quy định về trách nhiệm hình sự đối với hành vi làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Theo Luật sư Hà Huy Từ, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp, nguy hiểm của dịch bệnh Covid-19, ngày 30/3/2020, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao đã ban hành công văn số 45/TANDTC-PC về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Theo đó, người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo cách ly mà thực hiện một trong các hành vi sau đây gây lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bị coi là trường hợp thực hiện “hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người” quy định tại điểm c khoản 1 Điều 240 Bộ luật Hình sự và xử lý về tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm cho người: trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly; không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

Do đó, nếu có cơ sở chứng minh người đã được thông báo mắc bệnh; người nghi ngờ mắc bệnh hoặc trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19 đã được thông báo nhưng đã có hành vi lây truyền dịch bệnh Covid-19 cho người khác thì bạn có quyền làm đơn tố cáo gửi cơ quan chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.

Thanh Loan

/khong-thuc-hien-tu-cach-ly-bn-243-co-the-bi-xu-ly-hinh-su.html