/ Pháp luật - Đời sống
/ Có thể xử lý hình sự các vụ vi phạm về đấu giá đất

Có thể xử lý hình sự các vụ vi phạm về đấu giá đất

16/03/2022 12:03 |

(LSVN) - Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, đấu giá tài sản là giao dịch bình thường, nếu vi phạm thì có thể xử lý theo luật dân sự hoặc hình sự, khung pháp luật tương đối đầy đủ.

Ảnh minh họa.

Tại phiên chất vấn của UBTV Quốc hội chiều 16/3, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long và Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã giải trình thêm một số nội dung liên quan đến đấu giá đất.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, việc đấu giá tài sản là câu chuyện giao dịch, mua bán rất bình thường trong nền kinh tế thị trường. Nhiều nước có truyền thống bán đấu giá từ hàng trăm năm. Việt Nam thì có quy định đấu giá từ năm 1996, khi Chính phủ ban hành Nghị định về quy chế đấu giá tài sản.

Về tiền đặt trước khi tham gia đấu giá, sau chuyển thành tiền đặt cọc, trung bình các nước từ 05 đến 25% giá khởi điểm của tài sản. Việc chênh lệch giữa giá khởi điểm và giá thành cũng không nước nào quy định cụ thể, bởi nguyên tắc đấu giá là dân sự và thu được càng nhiều tiền càng tốt. Bộ trưởng Bộ Tư pháp dẫn chứng, một cặp dưa lưới ở Nhật có thể được đấu giá lên đến một tỉ đồng (quy đổi ra tiền Việt Nam). Một bức tranh có thể được đấu giá hàng triệu USD.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Lê Thành Long cũng thừa nhận quy định về đấu giá tại Việt Nam hiện nằm ở nhiều luật, liên quan đến nhiều cơ quan quản lý. Luật Đấu giá quy định trình tự, thủ tục, nhưng liên quan đến tài sản nào lại là luật chuyên ngành đó. Giá khởi điểm áp dụng theo quy định pháp luật về đất đai, trong chừng mực nào đó là pháp luật về quản lý thuế.

Về điều kiện tham gia đấu giá, áp dụng theo quy định pháp luật đất đai, như năng lực tài chính, yêu cầu ký quỹ... Về tiền đặt cọc, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, nằm trong khung 05 đến 20% giá khởi điểm của tài sản. Trong lĩnh vực đất đai, tiền đặt cọc theo thỏa thuận phù hợp với quy định về quản lý đất đai và pháp luật về quản lý thuế.

Trường hợp vi phạm về đấu giá đất, có thể xử lý theo luật dân sự, xử phạt hành chính hoặc xử lý hình sự.

"Nếu doanh nghiệp đấu giá nhưng không mua sẽ mất tiền cọc. Về hành chính, Chính phủ đã có nghị định về xử phạt. Về những vụ đấu giá đất vừa xảy ra tôi không dám kết luận đúng hay không, có cơ sở hay không có, nhưng có thể áp dụng Điều 218, Bộ luật Hình sự, tội "Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản" hoặc tội "Đầu cơ", Điều 196, Bộ luật Hình sự", Bộ trưởng Bộ Tư pháp nói.

Với vụ Thủ Thiêm, Bộ trưởng cho rằng, câu chuyện đặt ra là theo cơ chế thị trường, nếu phát hiện dấu hiệu bất thường có thể chứng minh được thì xử lý, khung pháp luật đã tương đối đầy đủ.

Bộ trưởng Lê Thành Long cho rằng, giải pháp trước mắt là tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40 của Thủ tướng về công tác đấu giá tài sản, 02 công điện của Thủ tướng ngay sau vụ việc xảy ra đã giao nhiệm vụ rất kỹ cho các cơ quan.

Theo ông, một số vấn đề về trình tự, thủ tục cần quy định chặt chẽ hơn trong Luật Đấu giá tài sản và rà soát lại các khung liên quan đến tiền đặt cọc, các khoản tiền thu có liên quan trong quy định của pháp luật về đất đai. 

Góp thêm ý kiến tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã nêu một số giải pháp thu thuế trong chuyển nhượng bất động sản.

Ông cho biết, đã chỉ đạo cơ quan thuế thu thuế bất động sản đúng với giá chuyển nhượng. Qua rà soát 85.000 bộ hồ sơ chuyển nhượng bất động sản trong nửa đầu tháng 1, thì số thuế tăng thu được là 222 tỉ đồng.

“Chúng tôi đang thanh tra những hồ sơ thuế có nghi vấn giá kê khai nộp thuế không đúng giá chuyển nhượng”, Bộ trưởng Tài chính cho hay.

Về đấu giá đất, ông Phớc cho rằng cần siết lại các quy định về đấu giá đất để đảm bảo đấu giá chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, phải xác định năng lực của nhà đầu tư, tăng tiền đặt cọc và gửi ở tài khoản của Hội đồng đấu giá quản lý, để nếu trường hợp doanh nghiệp bỏ cọc thì tiền này không được rút lại. Hoặc thời gian nộp tiền đặt cọc cần ngắn hơn.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng phải cam kết thực hiện mục tiêu đấu giá cũng cần quy định chặt chẽ hơn, tránh việc đấu giá xong rồi “om” đất không đầu tư gây lãng phí.

Về giá khởi điểm đấu giá đất, Bộ trưởng Tài chính cho rằng cần sửa đổi, nếu không việc xác định giá đất đấu giá vẫn không chính xác, không nhất quán.

Theo Nghị định 44 và Thông tư 36 của Bộ TN&MT, có 05 phương pháp xác định giá đất: So sánh, thặng dư, chiết khấu, thu nhập và số. Nhưng với dự án đầu tư mới chỉ sử dụng 03 phương pháp xác định giá là thặng dư, bảng giá đất, so sánh.

Theo Bộ trưởng, nếu lấy giá giả định, doanh thu giả định để tính giá thì không chính xác, cần sửa. Nếu không sửa thì vẫn vi phạm, các đoàn thanh tra vào thì mỗi đoàn sẽ kết luận một kiểu.

Ngoài ra, theo Nghị định 45 thì đất giao xong cho nhà đầu tư, Nhà nước mới thu tiền, trong khi “ông cha nói “tiền trao, cháo múc”.

“Giao đất xong nhà đầu tư bán cho người dân lấy tiền nhưng không nộp lại vào ngân sách mà mang đi đầu tư, lỡ rủi ro, thua lỗ thì chúng ta không giải quyết được quyền lợi của hàng trăm, thậm chí hàng vạn hộ dân. Đây là lỗ hồng cần xác định chính xác để bịt lỗ hổng này lại”, Bộ trưởng Tài chính nêu ý kiến.

PV

Công tác đấu giá quyền sử dụng đất còn nhiều bất cập

Lê Minh Hoàng