Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai vừa ban hành công điện gửi các bộ ngành, địa phương chỉ đạo chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Ngày 5/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai đã ký ban hành Công điện số 03/CĐ-TWPCTT gửi Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Quảng Ninh, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ và các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công Thương, Quốc phòng, Công an, Tài nguyên và Môi trường về việc chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.
Công điện nêu rõ, từ cuối tháng 6 đến nay, tại một số tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra mưa lớn cục bộ, gây lũ quét, sạt lở đất, nhất là trên địa bàn các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lai Châu, Sơn La gây thiệt hại về người, sạt lở công trình cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi, ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
Theo dự báo của cơ quan khí tượng thuỷ văn, khu vực này còn tiếp tục xảy ra mưa lớn cục bộ; sau những mưa lớn liên tiếp kéo dài, nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét là rất cao tại một số huyện thuộc các tỉnh Lào Cai, Yên Bái và Hà Giang.
Để chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn yêu cầu Trưởng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp đã được nêu tại Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 13/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phòng tránh lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.
Công điện yêu cầu, thứ nhất, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh tập trung một số nhiệm vụ sau: Rà soát, hoàn thiện các phương án chỉ đạo, chỉ huy, huy động lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, khắc phục hậu quả trong tình huống mưa lũ kéo dài, ngập úng, sạt lở đất, lũ quét trên diện rộng.
Chỉ đạo chính quyền cơ sở và lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng có nguy cơ xảy ra ngập lụt khi mưa lớn, khu vực có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn khi có tình huống nguy hiểm; xử lý vật cản gây tắc nghẽn dòng chảy để giảm nguy cơ xảy ra ngập úng cục bộ, lũ ống, lũ quét khi mưa lớn, nhất là trên các suối, khe cạn, các ao hồ trữ nước của các hộ dân.
Tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập, nhất là các hồ đập xung yếu, hồ thuỷ điện nhỏ, công trình đang thi công, sửa chữa; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, xử lý khi có tình huống.
Chỉ đạo rà soát, kiểm tra công tác đảm bảo an toàn đối với các hầm mỏ, khu khai thác khoáng sản trong mùa mưa lũ; kiên quyết xử lý, ngăn chặn các khu vực khai thác khoáng sản trái phép phòng ngừa xảy ra sự cố sập hầm, sạt lở khi mưa lũ gây thiệt hại về người.
Chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; tuyên truyền, triển khai các biện pháp không để người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ; chủ động bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình tỉnh, huyện, xã và các phương tiện thông tin của địa phương tăng cường thông tin về thiên tai, hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó mưa lũ, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, bằng tiếng phổ thông và tiếng bản địa, bảo đảm thông tin đến được người dân tại các thôn, bản.
Thứ hai, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức theo dõi chặt chẽ, dự báo, cảnh báo, thông tin kịp thời về diễn biến mưa lũ, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất để các cơ quan có liên quan và người dân biết chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.
Thứ ba, Bộ Công Thương chỉ đạo, kiểm tra công tác bảo đảm an toàn hồ đập thủy điện, đặc biệt là các thủy điện nhỏ; kiểm tra công tác bảo đảm an toàn đối với hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản để kịp thời chấn chỉnh, không để xảy ra các sự cố gây thiệt hại về người.
Thứ tư, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ đạo, rà soát công tác bảo đảm an toàn hồ thủy lợi, nhất là hồ đập xung yếu, công trình đang thi công sửa chữa; không cho phép tích nước nếu hồ đập không đảm bảo an toàn.
Thứ năm, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo việc kiểm soát, hướng dẫn giao thông tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết khi có mưa lũ lớn; bố trí lực lượng, vật tư, phương tiện để kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính.
Thứ sáu, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các Quân khu, các lực lượng đóng chân trên địa bàn rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ theo đề nghị của địa phương khi có yêu cầu.
Thứ bảy, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin kịp thời diễn biến của mưa lũ và công tác chỉ đạo ứng phó để người dân biết, chủ động phòng, tránh.
Thứ tám, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét để chỉ đạo các biện pháp cụ thể, ứng phó kịp thời, hiệu quả, hạn chế thiệt hai, trước hết tập trung bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Theo VGP