/ Luật sư trực ban
/ Đất không có lối đi riêng có được phép tách thửa?

Đất không có lối đi riêng có được phép tách thửa?

06/05/2022 03:54 |

(LSVN) - Để được tách thửa phải đáp ứng được một số điều kiện như diện tích, kích thước tối thiểu và không thuộc những trường hợp không được phép tách thửa theo quy định. Vậy, nếu thuộc trường hợp đất không có lối đi riêng có được phép tách thửa không? Bạn đọc K.H.L hỏi.

Ảnh minh họa.

Trả lời về vấn đề trên, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho hay, căn cứ Điều 29, Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Quyết định của UBND cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), để được tách thửa trước hết thửa đất phải đáp ứng được điều kiện về diện tích và kích thước chiều cạnh tối thiểu được phép tách thửa theo quy định của các tỉnh, thành.

Bên cạnh đó, tùy vào mục đích tách thửa (tách thửa để chuyển nhượng, tặng cho một phần thửa đất,…) cần phải đáp ứng thêm các điều kiện theo quy định tại khoản 1, Điều 188, Luật Đất đai 2013 như sau:

- Có Giấy chứng nhận (Sổ đỏ, Sổ hồng).

- Đất không có tranh chấp.

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

- Đất còn thời hạn sử dụng.

Đáng chú ý, một số tỉnh, thành điều kiện tách thửa không bắt buộc phải có Sổ đỏ, Sổ hồng (chỉ cần có đủ điều kiện cấp Sổ đỏ, Sổ hồng). Nghĩa là ngay cả khi thửa đất đó chưa được cấp Sổ đỏ, Sổ hồng vẫn được phép tách thửa nếu đủ điều kiện được cấp sổ.

Nếu theo những quy định của pháp luật đất đai như đã nêu ở trên thì có thể thấy ngay cả khi đất không có lối đi vẫn được tách thửa. Tuy nhiên, một trong những nguyên tắc “bất di bất dịch” trong Bộ luật Dân sự cũng thực tiễn áp dụng là thửa đất phải có lối đi.

Nội dung này được quy định tại Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 như sau:

Điều 254. Quyền về lối đi qua

1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.

Theo đó, khi một thửa đất được chia thành nhiều thửa khác nhau thì khi chia (tách) phải dành lối đi cần thiết cho người ở phía trong mà không có đền bù. Nghĩa là phải có lối đi và người sử dụng đất bị vây bọc không phải đền bù cho người sử dụng đất ở phía ngoài.

Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

Tóm lại, bên cạnh những điều kiện tách thửa theo quy định của pháp luật đất đai thì khi tách thửa phải có lối đi. Nói cách khác, đất không có lối đi sẽ không được tách thửa.

Cách xử lý khi đất không có lối đi

Đối với thửa đất bị vây bọc mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì có quyền yêu cầu mở lối đi, sau đó phải đăng ký tại cơ quan đăng ký đất đai, cụ thể như sau:

Quyền của người có đất bị vây bọc

Căn cứ khoản 1, Điều 254, Bộ luật Dân sự 2015, người sử dụng thửa đất bị vây bọc bởi các bất động sản khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng thì có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Quyền mở lối đi trên đất người khác theo quy định của Luật Đất đai là quyền sử dụng hạn chế đối với thửa đất liền kề.

Như vậy, quyền về lối đi qua được xác lập thông qua việc ký kết văn bản thỏa thuận giữa các bên hoặc yêu cầu với cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết về việc mở lối đi nếu trường hợp không thỏa thuận được.

Thỏa thuận về lối đi qua gồm 02 trường hợp, cụ thể:

Trường hợp 1: Thỏa thuận mở lối đi qua có đền bù, trừ trường hợp các bên thỏa thuận không đền bù.

Nếu thửa đất phía trong không phải hình thành từ một thửa đất chung với thửa đất phía ngoài thì phải đền bù.

Trường hợp 2: Thỏa thuận mở lối đi qua nhưng không phải đền bù

Người sử dụng đất phía trong không phải đền bù cho người ở phía ngoài trong trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau.

Thủ tục đăng ký lối đi qua

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

Khoản 1, Điều 2, Thông tư 09/2021/TT-BTNMT quy định hồ sơ đăng ký gồm:

- Đơn đăng ký biến động theo Mẫu số 09/ĐK;

- Bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp (Sổ đỏ, Sổ hồng);

- Giấy tờ xác lập quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề (văn bản thỏa thuận).

Bước 2: Nộp hồ sơ

Cách 1: Nộp hồ sơ trực tiếp tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu.

Cách 2: Không nộp tại Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất.

- Nếu địa phương đã tổ chức Bộ phận một cửa để tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính thì hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại Bộ phận một cửa cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Nếu địa phương chưa tổ chức Bộ phận một cửa thì nộp trực tiếp tại Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện nơi có thửa đất hoặc nộp tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nếu chưa tổ chức Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai.

Bước 3: Tiếp nhận và giải quyết

Bước 4: Trả kết quả

Thời gian thực hiện: Không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; không quá 20 ngày làm việc đối với xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

Thời gian trên không tính thời gian tiếp nhận hồ sơ tại xã, thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; không tính thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.

QUÝ VŨ

Làm giả hồ sơ xin việc bị xử lý thế nào?

Lê Minh Hoàng