(LSVN) - Có thể nói rằng cải cách hành chính, trong đó khâu đột phá then chốt là cải cách thủ tục hành chính là hướng đi chính xác và cách làm đúng đã mang lại các hiệu ứng tích cực cho người dân, doanh nghiệp. Cho đến thời điểm hiện tại, công tác cải cách thủ tục hành chính đã qua hai thời kỳ được ví như 02 làn sóng liên tục vỗ bờ cải cách hành chính
Làn sóng thứ nhất, giai đoạn 2007-2010
Làn sóng thứ nhất từ 2007-2010 là thời kỳ khó khăn vướng mắc nhất vì phải hệ thống, đánh giá tổng thể thực trạng các thủ tục hành chính hiện hành; định hình, gọi tên, chỉ ra được các công việc mà cơ quan hành chính nhà nước đang giải quyết đối với người dân, doanh nghiệp là thủ tục hành chính; phải phân loại, thống kê và xác định được thủ tục hành chính thuộc cấp nào: bộ, ngành, tỉnh, huyện, xã (cấp trung ương, địa phương); phải quy buộc được đầu mối giải quyết, đồng thời xác định được yêu cầu, điều kiện, thành phần hồ sơ của thủ tục hành chính.
Phát hiện các bất cập trên cơ sở đó đưa ra các phương án giải quyết, hoàn thiện hệ thống thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, thuận lợi cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp. Đơn giản hóa yêu cầu điều kiện nhằm xây dựng hệ thống điều kiện tuân thủ minh bạch, hợp lý, thống nhất vừa bảo đảm quản lý nhà nước, vừa bảo đảm yêu cầu thông thoáng và giảm chi phí về thời gian, vật chất cho người dân và doanh nghiệp.
Yêu cầu đặt ra là phải mẫu hóa mẫu đơn, mẫu tờ khai bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong ban hành, quản lý và sử dụng mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính trong hồ sơ thủ tục hành chính; chống việc lạm dụng mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính phục vụ lợi ích cục bộ, gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp; đơn giản, dễ hiểu, dễ sử dụng và thuận lợi trong việc tiếp cận, sử dụng các mẫu đơn, mẫu tờ khai hành chính. Đồng thời cắt giảm số lượng bộ hồ sơ mà người dân, doanh nghiệp phải nộp cho cơ quan quản lý nhà nước. Không được yêu cầu người dân, doanh nghiệp phải nộp thêm hồ sơ, xác định việc cơ quan quan lý nhà nước phải phối hợp với nhau trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp mà không được yêu cầu nộp thêm bộ hồ sơ.
Thực hiện các mục tiêu trên, làn sóng thứ nhất đã thiết lập và công bố công khai Bộ dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính trên các lĩnh vực quản lý nhà nước liên quan đến người dân và doanh nghiệp. Khoảng 6.000 thủ tục hành chính được rà soát, qua đó 453 thủ tục hành chính kiến nghị bãi bỏ, hủy bỏ; 3.749 thủ tục hành chính kiến nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp; 288 thủ tục hành chính kiến nghị thay thế, cắt giảm trên 5.700 tỷ đồng mỗi năm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của người dân và doanh nghiệp. Kết quả này một lần nữa khẳng định quyết tâm của Chính phủ cải cách thủ tục hành chính một cách triệt để, theo hướng cắt giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, xóa bỏ việc hành chính hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam.
Ngày 08/6/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 63/2010/NĐ-CP về kiểm soát thủ tục hành chính, có phạm vi điều chỉnh là kiểm soát việc quy định, thực hiện, rà soát, đánh giá thủ tục hành chính và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính. Đối với những dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về thủ tục hành chính, trước khi gửi cơ quan thẩm định phải có bản đánh giá tác động về thủ tục hành chính và ý kiến góp ý của cơ quan, đơn vị kiểm soát thủ tục hành chính. Việc ban hành Nghị định này đã một bước hạn chế việc đặt ra các thủ tục hành chính không cần thiết, không hợp pháp, không hợp lý, chi phí tuân thủ cao.
Mặc dù làn sóng thứ nhất và các năm tiếp theo đã tạo ra một bước tiến về công tác cải cách thủ tục hành chính nhưng thực tiễn phát triển không ngừng luôn đòi hỏi cơ chế, chính sách phải có các điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của xã hội. Trước đòi hỏi từ thực tiễn, công tác cải cách thủ tục hành chính cũng phải bắt nhịp và đề ra các nhiệm vụ mới.
Làn sóng thứ hai, từ năm 2016 đến năm 2020
Kết quả của làn sóng thứ nhất đã tạo đà cho làn sóng tiếp theo. Đây là giai đoạn mà công tác cải cách thủ tục hành chính không chỉ đơn giản hóa thủ tục hành chính mà còn đặt ra nhiệm vụ rà soát, tập hợp các quy định pháp luật không rõ ràng, khó tuân thủ, bất hợp lý.
Trong đó trọng tâm là:
(i) Cắt giảm, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không cần thiết, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định có liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh; hạn chế tối đa việc ban hành mới các điều kiện kinh doanh bất hợp lý, không cần thiết.
(ii) Cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành.
(iii) Đơn giản hóa mẫu biểu, tờ khai.
Việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 và Nghị quyết 02 hàng năm và việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 13/7/2018 về tăng cường cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh; Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày 09/11/2018 về Chương trình hành động cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp đã thể chế quyết tâm của Chính phủ trong giai đoạn này về công tác cải cách thủ tục hành chính chuyên sâu hơn, thiết thực hơn nữa để cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp nâng cao chỉ số năng lực canh tranh của Việt Nam trong khu vực. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, vướng mắc từ các bộ, ngành nhưng với sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, kết quả của làn sóng thứ hai đã được ghi nhận với các thành tựu nổi bật. Trong giai đoạn 2016-2020 đã cắt giảm được 3.893/6.191 điều kiện kinh doanh, cải cách quy định liên quan đến 6.776/9.926 dòng hàng, tiết kiệm được 260 triệu USD/năm; tích hợp 1.400 thủ tục hành chính lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tiết kiệm 6.700 tỉ đồng/năm.
Tới đây, làn sóng thứ ba với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 68/NQ-CP ngày 12/5/2020 về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 sẽ tạo bước đột phá mới trong công tác cải cách thủ tục hành chính, với các mục tiêu:
(i) Trong giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2025, cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh tại các văn bản đang có hiệu lực thi hành tính đến hết ngày 31/5/2020 được các bộ, cơ quan thống kê, tính chi phí tuân thủ và công bố lần đầu (trước ngày 31/10/2020); đồng thời, giảm tối đa số lượng văn bản hiện hành có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc thẩm quyền của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ.
(ii) Kiểm soát chặt chẽ việc ban hành văn bản có quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh trên cơ sở các quy định pháp luật, nhất là các văn bản hành chính, thông tư của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị định của Chính phủ; ngăn chặn việc phát sinh những quy định không cần thiết, không hợp lý, không hợp pháp và gây khó khăn cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Với sự quyết tâm của Chính phủ, sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, công tác cải cách thủ tục hành chính hoàn toàn có thể thực hiện được các mục tiêu đã đặt ra.
Thạc sĩ, Luật sư LÊ HỒNG LAM Tổ trưởng Tổ Cải cách thủ tục hành chính Liên đoàn Luật sư Việt Nam |