Ảnh minh họa.
Ngày 24/5, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại hội trường về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Theo đó, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, có ý kiến cho rằng, việc sửa đổi Luật Đấu thầu là cần thiết nhưng hiện đang quá tập trung vào sửa đổi các điều khoản cụ thể, quy trình thủ tục. Luật đã được sửa đổi nhiều lần nhưng không tránh được các kẽ hở nên vẫn xảy ra nhiều tiêu cực.
Do vậy, ý kiến trên đề nghị không cần đấu thầu để rút ngắn được thủ tục, tiết kiệm thời gian và tránh được tiêu cực, tâm lý né tránh trách nhiệm. Đề nghị nghiên cứu thực hiện chào giá cạnh tranh với một số điều kiện ràng buộc cụ thể.
Giải trình nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, Luật Đấu thầu được ban hành lần đầu vào năm 2005 và sửa đổi năm 2013 đã quy định nhiều hình thức lựa chọn nhà thầu, bao gồm: đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh, mua sắm trực tiếp, tự thực hiện và các phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, một giai đoạn hai túi hồ sơ…
Dự thảo Luật này quy định về các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu được xây dựng trên cơ sở kế thừa, hoàn thiện quy định đã áp dụng ổn định, tại các Luật được ban hành từ năm 2005, 2013 và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trong những năm qua, việc thực thi Luật Đấu thầu đã có tác động tích cực góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực ngân sách nhà nước, nguồn thu hợp pháp của các đơn vị sự nghiệp công lập, vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các nhà cung cấp, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy nền kinh tế phát triển lành mạnh.
Mặt khác, hiện nay, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều áp dụng các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu tương tự như Việt Nam; hướng dẫn đấu thầu của các nhà tài trợ quốc tế cũng có quy định tương tự về hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bãi bỏ các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu đã được áp dụng ổn định trong thời gian qua để tránh các xáo trộn không cần thiết.
Bên cạnh đó, thực tế trong hoạt động đấu thầu đã xảy ra một số vụ việc sai phạm, tiêu cực, dẫn đến thất thoát, thiệt hại nghiêm trọng tài sản nhà nước. Các vụ việc đã được khởi tố hoặc xử lý vi phạm cho thấy, trong tổ chức thực hiện, một số tổ chức, cá nhân đã có các hành vi cố tình “thông thầu”, vi phạm điều cấm của Luật Đấu thầu, gian lận để trục lợi.
Do đó, trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo đã nỗ lực rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để quy định rõ ràng, chặt chẽ hơn, nhất là các nội dung về thẩm quyền, trách nhiệm của các bên, các hành vi bị cấm và biện pháp xử lý… để tăng cường quản lý, bảo đảm tính chặt chẽ trong các quy định của luật, góp phần hạn chế những hành vi sai phạm, trục lợi, gây thiệt hại đến tài sản công.
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật bổ sung nhiều trường hợp chỉ định thầu, giảm trường hợp đấu thầu là không phù hợp, cần quy định chặt chẽ, chỉ áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp thật sự cần thiết, cấp bách và quy định tiêu chí cụ thể, tránh lạm dụng.
Tiếp thu ý kiến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý Điều 23, dự thảo Luật mới theo hướng giảm một số trường hợp chỉ định thầu. Theo đó, bỏ quy định áp dụng chỉ định thầu đối với gói thầu tái định cư vì đây là công việc không phức tạp và nhiều nhà thầu có thể thực hiện được.
Đối với dự án quan trọng quốc gia, việc chỉ định thầu sẽ do Quốc hội quyết định khi phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án (điểm k, khoản 1, Điều 23).
Chỉnh lý quy định về chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp dịch vụ tư vấn theo hướng áp dụng đối với một số gói thầu có tính đặc thù, liên quan đến bản quyền tác giả hoặc phải bảo đảm tính tương thích về công nghệ.
Quy định chỉ định thầu đối với gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế; Gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ có duy nhất một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu về giải pháp công nghệ (điểm c khoản 1 Điều 23) để bao quát các trường hợp cấp bách, cấp cứu trong lĩnh vực y tế.
Luật hóa quy định về hạn mức chỉ định thầu đã được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP. Trường hợp cần điều chỉnh hạn mức chỉ định thầu để phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
Bên cạnh đó, bổ sung một số trường hợp chỉ định thầu đang được áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại Quyết định số 17/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (các điểm e, l, m, khoản 1, Điều 23) nhưng có đủ điều kiện để áp dụng chỉ định thầu.
QUÝ NGUYỄN