(LSVN) - Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị xây dựng Nghị định về CTXH nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả thúc đẩy phát triển CTXH chuyên nghiệp, góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, ở Việt Nam, tinh thần tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp. Trong đó, nhiều hoạt động là cơ sở cho phát triển CTXH như phòng ngừa, can thiệp - trị liệu, phát triển cộng đồng và vận động nguồn lực trợ giúp, hỗ trợ đối với người cao tuổi, trẻ em mồ côi, khuyết tật, những người gặp hoàn cảnh khó khăn do các cá nhân, tổ chức thực hiện như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội Chữ thập đỏ…
Đội ngũ công chức, viên chức, nhân viên và cộng tác viên làm CTXH hiện có khoảng 235 nghìn người, trong đó có 35.000 công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH công lập và ngoài công lập, gần 100 nghìn người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp; trên 100 nghìn cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo vệ trẻ em và phát triển cộng đồng… tạo thành một mạng lưới cán bộ, nhân viên và cộng tác viên CTXH trợ giúp các đối tượng yếu thế ở các cơ sở và cộng đồng, góp phần trợ giúp cho người nghèo và người có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận, thụ hưởng các chính sách phúc lợi xã hội, y tế, giáo dục, học nghề, tìm việc làm để ổn định cuộc sống.
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, đối tượng cần được can thiệp, trợ giúp của CTXH ngày càng tăng, có thể là người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm, người nghiện ma tuý, phụ nữ, trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại hoặc lang thang kiếm sống trên đường phố; xã đặc biệt khó khăn và có vấn đề xã hội (tệ nạn xã hội, cuộc sống nghèo khổ); các cá nhân, gia đình, nhóm xã hội có các vấn đề xã hội.
Tuy nhiên, các dịch vụ CTXH hiện chưa đa dạng, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH còn thiếu; năng lực cung cấp dịch vụ công tác xã hội và chăm sóc, trợ giúp các đối tượng của các cơ sở đạt hiệu quả chưa cao, chưa đáp ứng được nhu cầu của đối tượng. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ, nhân viên, cộng tác viên CTXH còn mỏng, đa số được đào tạo từ ngành nghề khác hoặc một số ít thậm chí không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, chưa dựa vào cộng đồng.
Cơ cấu các dịch vụ CTXH có sự kết hợp của các cơ quan/đơn vị công lập và ngoài công lập chưa được xác định rõ ràng. Các dịch vụ CTXH chuyên nghiệp chưa được cung cấp cho người dân tại cộng đồng, làm giảm hiệu quả của các chính sách phúc lợi xã hội. Việc cung cấp dịch vụ xã hội chủ yếu là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước. Trong những giai đoạn đầu, CTXH chuyên nghiệp chủ yếu cung cấp các dịch vụ CTXH trong lĩnh vực bảo trợ xã hội. Các dịch vụ CTXH chuyên sâu đối với các cá nhân, nhóm đối tượng đặc thù bắt đầu phát triển, bao gồm chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, dịch vụ chăm sóc người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; trợ giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các gia đình có nhu cầu, bảo trợ xã hội với người khuyết tật, người già, phụ nữ, trị liệu tâm lý xã hội, tham vấn, hỗ trợ mọi người trong cơn khủng hoảng, trợ giúp trong giải quyết các mối quan hệ.
Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý phát triển CTXH chưa được quy định ở cấp độ Nghị định một cách toàn diện, đầy đủ, đặc biệt là vai trò, nhiệm vụ của công chức, viên chức, nhân viên công tác xã hội; cấp chứng chỉ hành nghề; cấp, thu hồi, điều chỉnh giấy phép hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH và điều kiện thành lập, hoạt động và điều kiện giải thể cơ sở cung cấp dịch vụ CTXH; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ CTXH chưa được xác định cụ thể trong hệ thống văn bản pháp luật; chưa có Nghị định quy định riêng về CTXH làm cơ sở định hướng phát triển CTXH trong các ngành, lĩnh vực hiện đang được điều chỉnh bởi các chuyên ngành; nhiều văn bản pháp luật quy định về CTXH có giá trị pháp lý tương đối thấp, chủ yếu là nghị định và thông tư hướng dẫn của các Bộ, ngành liên quan.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, qua nghiên cứu, so sánh với pháp luật các nước cho thấy, nếu so với các nước phát triển trên thế giới và ngay cả với nhiều nước trong khu vực (như Philippin), thì các quy định liên quan đến CTXH ở Việt Nam còn một khoảng cách lớn và có sự thiếu hụt, ví dụ như thiếu quy định pháp lý về phê duyệt, giám sát, cấp phép đào tạo CTXH theo chuẩn nghề nghiệp, hay quy định pháp luật về thi sát hạch chuyên môn và cấp giấy phép hành nghề CTXH…. Với sự phát triển và ghi nhận của pháp luật, trên thế giới, CTXH đã có quá trình phát triển hơn 100 năm; CTXH chuyên nghiệp đã tồn tại ở nhiều quốc gia, tính đến nay, có khoảng 140 quốc gia là thành viên của Hiệp hội Cán bộ xã hội Quốc tế; khoảng 100 quốc gia tham gia Hiệp hội đào tạo CTXH thế giới.
Vì vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị xây dựng Nghị định về CTXH nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất, đồng bộ, minh bạch, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả thúc đẩy phát triển CTXH chuyên nghiệp, góp phần phòng ngừa; can thiệp, trị liệu, phục hồi chức năng và vận động nguồn lực trợ giúp cá nhân, nhóm, gia đình, cộng đồng, người dân gặp hoàn cảnh khó khăn hoặc có nhu cầu phát huy tiềm năng tự vươn lên trong cuộc sống nhằm bảo đảm an sinh xã hội, công bằng xã hội, góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.
MINH HIỀN