Theo Điều 136 dự thảo luật, GSĐT là biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam. Căn cứ vào nhân thân và tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nếu xét thấy cần có sự giám sát chặt chẽ của cơ quan có thẩm quyền nhưng không cần thiết phải tiếp tục tạm giam, NCTN sẽ được xem xét áp dụng biện pháp GSĐT. Dự thảo luật quy định hiệu lực thi hành đối với biện pháp GSĐT từ ngày 01/01/2028, muộn hơn hai năm so với hiệu lực chung của luật để bảo đảm có đủ thời gian chuẩn bị các điều kiện thi hành. Chính phủ được giao hướng dẫn chi tiết việc thực hiện biện pháp này.
Báo cáo giải trình dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, việc bổ sung biện pháp này vào hệ thống các biện pháp ngăn chặn nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về “hạn chế tạm giam”. Đồng thời, vừa đáp ứng yêu cầu giám sát chặt chẽ để phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử; vừa bảo đảm tốt hơn lợi ích cho NCTN, không bị gián đoạn quá trình học tập, lao động… Căn cứ và thủ tục áp dụng biện pháp đã bảo đảm chặt chẽ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân do đây là biện pháp thay thế tạm giam và phải được Viện kiểm sát phê chuẩn trước khi thi hành.
Quá trình thảo luận, có ý kiến đại biểu đề nghị nghiên cứu quy định người được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại cộng đồng phải bị GSĐT. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh biện pháp này chỉ áp dụng với bị can, bị cáo đang bị tạm giam. Nếu đồng thời quy định GSĐT áp dụng đối với người chấp hành biện pháp xử lý chuyển hướng là tăng nặng hơn trách nhiệm đối với NCTN so với pháp luật hiện hành và không phù hợp.
Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Trần Thị Thu Hằng (Đoàn Đắk Nông) cơ bản nhất trí với quy định tại dự thảo. Đại biểu nhận định đây là biện pháp phù hợp với xu thế. Tuy nhiên, để biện pháp này phát huy tính hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với nhận thức, trình độ, điều kiện sinh sống của NCTN của từng vùng, miền, dự thảo cần quy định sát thực tiễn hơn. Trong quá trình áp dụng GSĐT phải tôn trọng, không làm ảnh hưởng đến đời tư cá nhân của các thành viên khác của hộ gia đình.
Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Đoàn Kon Tum) nhận xét đây là biện pháp mới so với quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Với tính chất là một biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự, việc thi hành các biện pháp ngăn chặn có liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân. Do đó, để đảm bảo phù hợp với quy định tại Điều 14 Hiến pháp và để thống nhất với quy định về các biện pháp khác của dự thảo, đại biểu kiến nghị cần làm rõ các điều kiện thi hành để bảo đảm tính khả thi. Cụ thể, mô hình quản lý thiết bị GSĐT gồm hệ thống máy chủ thiết bị giám sát như thế nào, cơ quan nào quản lý, cách thức quản lý ra sao, việc gắn thiết bị GSĐT và kinh phí bảo đảm. Đặc biệt là việc xử lý vi phạm khi người bị áp dụng phá hủy thiết bị, vi phạm nghĩa vụ…