/ Tích hợp văn bản mới
/ Đề xuất chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

Đề xuất chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại

05/01/2021 18:13 |

(LSVN) - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn việc quản lý, tạm ứng và hoàn trả chi phí cưỡng chế thi hành án đối với pháp nhân thương mại theo quy định tại Nghị định số 44/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Ảnh minh họa.

Dự thảo nêu rõ, việc xác định chi phí cưỡng chế thực hiện theo quy định tại Điều 43 Nghị định số 44/2020/NĐ-CP, bao gồm các chi phí sau:

- Chi phí huy động người thực hiện quyết định cưỡng chế;

- Chi phí thù lao cho người định giá để tổ chức đấu giá, chi phí tổ chức bán đấu giá tài sản;

- Chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, tài sản;

- Chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên;

- Chi phí chuyển việc thi hành quyết định cưỡng chế;

- Chi phí thực hiện biện pháp tư pháp;

- Chi phí thực tế khác (nếu có).

Mức chi bồi dưỡng cho những người được huy động trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế như sau:

- Cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ, công chức của cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế được huy động thực hiện cưỡng chế: Người chủ trì mức 150.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế, đối tượng khác mức 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.

- Các đối tượng khác được người ra quyết định cưỡng chế huy động tham gia cưỡng chế: 100.000 đồng/người/ngày tham gia cưỡng chế.

Trước khi tổ chức việc cưỡng chế, cơ quan ra quyết định cưỡng chế phê duyệt dự trù chi phí cưỡng chế. Dự trù kinh phí cưỡng chế được lập căn cứ vào biện pháp cưỡng chế cần áp dụng, thời gian, địa điểm cưỡng chế, phương án tiến hành cưỡng chế, lực lượng tham gia (số lượng, thành phần tham gia) phục vụ cho cưỡng chế.

Dự trù chi phí cưỡng chế sau khi được phê duyệt phải được gửi cho đối tượng bị cưỡng chế 01 bản cùng với quyết định cưỡng chế, quyết định về khấu trừ tiền trong tài khoản của pháp nhân thương mại phải thi hành biện pháp tư pháp (đối với biện pháp phong tỏa tài khoản) để nộp chi phí cưỡng chế.

Trường hợp chưa thu được chi phí cưỡng chế từ đối tượng bị cưỡng chế do đối tượng bị cưỡng chế không tự nguyện nộp hoặc lý do khách quan khác, thì cơ quan thi hành quyết định cưỡng chế đề nghị cơ quan ra quyết định cưỡng chế tạm ứng chi phí cưỡng chế từ dự toán kinh phí cưỡng chế để thực hiện.

Chậm nhất 10 ngày kể từ khi nhận được thông báo quyết toán chi phí cưỡng chế được phê duyệt, đối tượng bị cưỡng chế có trách nhiệm nộp chi phí cưỡng chế cho cơ quan ra quyết định cưỡng chế. Khi thu được tiền từ đối tượng bị cưỡng chế, cơ quan ra quyết định cưỡng chế phải làm thủ tục hoàn ứng cho ngân sách nhà nước…

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo này tại Cổng Thông tin điện tử của Bộ.

MINH HIỀN

/khan-truong-co-nhung-huong-dan-de-giai-quyet-xu-ly-toi-pham-vi-pham-phap-luat-lien-quan-den-tin-dung-den.html